Tiếp nhận tài liệu của GS Hoàng Tụy để lưu trữ quốc gia

Chiều 22/11, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã tổ chức lễ tiếp nhận từ Giáo sư Toán học Hoàng Tụy khối tài liệu được hình thành trong suốt cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy, và quản lý của ông.

Phát biểu tại buổi lễ có sự hiện diện đông đủ của gia đình, đồng nghiệp và báo chí, GS Hoàng Tụy, người sẽ bước sang tuổi 87 vào tháng tới, nói khiêm tốn: “Thông thường, người ta lưu trữ ở cơ quan lưu trữ quốc gia những tài liệu có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp, tích cực hoặc tiêu cực đến đời sống quốc gia để đời sau biết rõ sự thật về mọi điều. Tôi là một nhà khoa học, như các nhà khoa học khác, cống hiến khoa học của tôi đều đã được lưu trữ trên các tạp chí trong nước, quốc tế, sách vở… Ngoài những tài liệu đó ra, tôi chẳng thấy mình có gì đáng để được lưu trữ quốc gia cả, nên lúc được đề nghị, tôi cũng có băn khoăn. Có lẽ, lý do duy nhất để những tài liệu này của tôi được lưu trữ là bởi đời làm khoa học của tôi gắn liền với một thời kỳ lịch sử có những sự kiện vĩ đại đồng thời cũng có nhiều mất mát. Trong hoàn cảnh bị cô lập khỏi thế giới, tôi và các đồng nghiệp đã nỗ lực trong phạm vi khả năng của mình để duy trì trình độ khoa học của đất nước ở mức không đến nỗi kém cỏi… Có thể Trung tâm Lưu trữ Quốc gia coi tài liệu của tôi có giá trị như những chứng tích về hoạt động khoa học trong một giai đoạn khó khăn của nước nhà.”


Khối tài liệu của GS Hoàng Tụy.

Khối tài liệu của GS Hoàng Tụy tương đương 364 đơn vị bảo quản, bao gồm bản viết tay và bản in các công trình nghiên cứu khoa học, thư từ trao đổi với đồng nghiệp quốc tế, và đặc biệt là rất nhiều bài báo cùng các bản đóng góp ý kiến của Giáo sư cho việc cải cách nền giáo dục Việt Nam.

GS Hoàng Tụy là nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam, nối tiếng nhất với việc phát minh ra phương pháp “Lát cắt Tụy” (Tuy’s cut), được coi là mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán mới – Lý thuyết tối ưu toàn cục (Global Optimization). Cùng với GS Lê Văn Thiêm, ông là người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học Việt Nam. Ông cũng là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1989.

Tác giả