Con đường phát triển văn minh của một dân tộc

Trong thế kỷ 19, từ một quốc gia lạc hậu, Nhật Bản đã chuyển mình vươn lên thành một quốc gia hiện đại nhờ cuộc Canh Tân Minh Trị Nhật Bản. Nhà tư tưởng chính trong công cuộc canh tân này là Fukuzawa Yukichi và bạn đọc Việt Nam đã biết đến ông qua tác phẩm Khuyến học và Phúc Ông tự truyện. Và một tác phẩm quan trọng nhất của ông là Khái lược văn minh luận.

Khuyến học là cuốn sách được viết để cổ vũ người dân Nhật Bản phát triển tinh thần độc lập thông qua việc học tập và rèn luyện, để trở thành công dân tốt, có tinh thần tự lực, từ đó làm nền tảng cho một quốc gia văn minh và độc lập. Còn Phúc Ông tự truyện là hồi ký của Fukuzawa Yukichi, kể về hành trình của ông từ một samurai cấp thấp, rồi nhờ may mắn và nỗ lực mà được tiếp xúc sớm với văn minh phương Tây, thông qua sách báo và những chuyến đi thăm châu Âu và Mỹ; rồi trở thành một người vận động không mệt mỏi cho quá trình hiện đại hóa Nhật Bản thông qua các hoạt động mạnh mẽ như dịch thuật, xuất bản và viết sách, thôi thúc người Nhật cải cách, thành lập trường Đại học Keio để tiếp thu văn minh hiện đại và đào tạo ra những nhà lãnh đạo tương lai.

Khái lược văn minh luận được Fukuzawa Yukichi viết và xuất bản năm 1875, trong đó trình bày những đặc điểm và sự phát triển của văn minh các quốc gia châu Âu, nêu những điểm khác biệt và những sự lạc hậu của người Nhật. Cuốn sách này được ông viết dựa theo cuốn sách Lịch sử văn minh châu Âu (General History of Civilization in Europe) của François Guizot (xuất bản năm 1829, Fukuzawa đọc ấn bản năm 1842) và Lịch sử văn minh Anh quốc (History of Civilization in England) (1857, 1861) của Henry Thomas Buckle, cuốn sách rất nổi tiếng vào thời điểm Fukuzawa có mặt ở London.

Fukuzawa Yukichi viết cuốn sách này năm 1875, gần 10 năm sau khi công cuộc Minh Trị Duy tân bắt đầu ở Nhật. Đó là giai đoạn người Nhật vẫn phải đương đầu với những chống đối trong nước, với nhiều người thuộc phe có tinh thần bảo thủ muốn duy trì thể chế và nhất là văn hóa truyền thống lâu đời. Nhận thức được những khó khăn đó, Fukuzawa Yukichi tin rằng, cần lí giải rõ hành trình mà nước Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới, nền văn minh hiện đại của một quốc gia hiện đại. Cả cuốn sách đề cập đến tiến trình này dưới nhiều yếu tố như thiết chế, việc học tập, thương mại, ông mô tả văn minh như một dòng chảy tất yếu của loài người. Xuyên suốt cuốn sách, ông đề cập những yếu tố cơ bản của nền văn minh: đó là khai sáng, tự do, công bằng và những điều tốt đẹp cho xã hội.

Điểm cốt lõi của tác phẩm mà Fukuzawa hướng tới là những gì nước Nhật cần làm để trở thành một quốc gia văn minh, những thay đổi thể chế, chính sách quốc gia, ước muốn độc lập thực sự cả về thương mại, kinh tế và tư tưởng là mục tiêu cao cả nhất.

Những đóng góp của Fukuzawa Yukichi vào quá trình hiện đại hóa Nhật Bản thật đồ sộ và lớn lao. Không chỉ dịch sách, viết sách, Fukuzawa Yukichi còn thành lập diễn đàn thảo luận mang tên Mita, khuyến khích mọi người thảo luận, chia sẻ thông tin, quan điểm. Ông cũng thành lập Câu lạc bộ Kojunsha, một câu lạc bộ của giới tinh hoa đầu tiên ở Nhật. Đáng ngạc nhiên là ông giữ khoảng cách với Phong trào đấu tranh cho quyền con người ở Nhật khi đó, và cũng không khuyến khích người dân quá tập trung vào tranh luận các vấn đề cụ thể mà hướng mọi người vào việc chia sẻ quan điểm, thông tin. Với tất cả những đóng góp đó, ngày nay, Fukuzawa Yukichi được coi là “người cha” của nước Nhật Bản hiện đại.

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày cuộc Minh Trị Duy tân được tiến hành ở Nhật Bản (vào ngày 3 tháng 1 năm 1868, chính quyền mới do Thiên hoàng Minh Trị bổ nhiệm được thành lập thay thế cho chế độ Mạc phủ Tokugawa), đánh dấu buổi bình minh mới của một nước Nhật Bản mới, một nước Nhật Bản hiện đại, văn minh và khai sáng. Trong tháng Một này, chúng tôi tiến hành xuất bản cuốn sách này – bản dịch của dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên, một nhà nghiên cứu trẻ đang sống và làm việc tại Nhật Bản, với mong muốn để người Việt Nam hiểu rõ hành trình phát triển văn minh của một quốc gia và những tư tưởng cội nguồn của công cuộc này.

Cũng trong cuốn sách này, chúng tôi có đưa vào bài luận thuyết nổi tiếng nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất của Fukuzawa Yukichi là oát Á luận do Nguyễn Đức Hùng dịch. Oát Á luận thôi thúc người Nhật rời khỏi văn minh phương Đông, rời khỏi châu Á (về tinh thần) không cần chờ đợi sự phát triển của Trung Quốc và Hàn Quốc để gia nhập vào các cường quốc văn minh của thế giới.

Khái lược văn minh luận của Fukuzawa là một tác phẩm làm thay đổi thế giới quan của người Nhật lúc đó vẫn còn tư duy theo lối thủ cựu Nho giáo. Vì vậy, với Fukuzawa, văn minh hiện đại hầu như đối lập với Nho giáo như cách ông thể hiện trong Khái lược văn minh luận và cả trong Phúc Ông tự truyện.
Dẫu thế, Fukuzawa không hề lí tưởng hóa văn minh phương Tây và cũng không hề vội vã học theo nó mọi thứ. Ông thấy rõ trong văn minh có hai loại yếu tố. Những thứ ngoại tại có thể nhìn thấy và những thứ nội tại thuộc về tinh thần, thường vô hình. Văn minh ngoại tại thì dễ theo nhưng nội tại khó bắt. Từ đó ông đề nghị đón bắt cái khó trước và để cái dễ lại sau này hãy theo. Cái dễ là máy móc, dụng cụ, kiến thức cụ thể… Cái khó là tinh thần độc lập, thực học, khí hậu xã hội…
Qua đó có thể thấy kiến giải về văn minh của Fukuzawa sâu sắc một cách giản dị, thâm hậu một cách trong sáng, mãnh liệt một cách nhẹ nhàng. Ý kiến đó đến nay, ở nhiều nơi, vẫn còn nguyên giá trị khi mà ta thực tâm muốn “văn minh hóa” bản thân cũng như xã hội. Vẫn theo Fukuzawa, “độc lập quốc gia là mục tiêu, và văn minh hiện tại của nước Nhật là cách thức để đạt mục tiêu đó”. Vì nếu ta “không chịu” văn minh thì làm thế nào ta đủ thế mạnh để tự chủ độc lập? Vì “văn minh là quảng đại, bao la, và con người, vạn vật phải lấy văn minh làm mục tiêu… mục tiêu của nhân loại là đạt đến bản chất của văn minh” (Khái lược văn minh luận; Chương cuối). Bản chất và mục đích của văn minh hiện đại có ý nghĩa như thế nào đối với Nhật Bản đã được Fukuzawa phân tích hầu như tận cùng, lập tức tỏa sáng.
Nhưng cái tinh diệu của Fukuzawa là chỉ ra yếu tính văn minh chính là mục tiêu của cả nhân loại. Văn minh là mục tiêu chứ không phải phương tiện dù chính ông cố tình nói ngược khi ông muốn đề cao tinh thần tự chủ để thức tỉnh dân tộc mình.
Nhật Chiêu

Tác giả