José Antonio Abreu: Một đời vì giáo dục âm nhạc

José Antonio Abreu là người đứng đằng sau thành công của hệ thống giáo dục âm nhạc huyền thoại El Sistema ở Venezuela và góp phần đưa mô hình này đến với 50 quốc gia trên thế giới. Dù mang nhiều cái tên khác nhau nhưng những mô hình này đều hướng đến mục tiêu “âm nhạc thay đổi xã hội” – phương châm nằm lòng của Abreu.

Ông mới qua đời ngày 24/3/2018 ở tuổi 70 tại thủ đô Caracas, Venezuela sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Quỹ âm nhạc Simón Bolívar (Simón Bolívar Musical Foundation), tổ chức do ông thành lập để điều hành chương trình El Sistema ở khắp đất nước Venezuela, đã loan báo thông tin này.
Trước “mất mát lớn của quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Venezuela Ernesto Villegas, đã có một thông điệp trên tài khoản Twitter của mình: “Thương tiếc người thầy José A. Abreu, ngôi sao năm cánh của đất nước 1, con người từ trẻ đã bộc lộ sự xuất sắc về trí tuệ, trình độ điêu luyện trong biểu diễn nghệ thuật và khả năng dẫn dắt”, còn Tổng thống Nicolás Maduro bày tỏ tình cảm trong một buổi họp nội các: “Maestro Abreu siêu việt, vô cùng cảm ơn ông về những gì ông đem đến cho chúng tôi”. Để ghi nhớ những đóng góp này của Abreu, Tổng thống Venezuela đã quyết định để quốc tang ông ba ngày.

José Antonio Abreu là cha đẻ của mô hình El Sistema. Ảnh: el-carabobeno.com

Trao âm nhạc cho trẻ em nghèo

Vốn là một nhà kinh tế và chính trị nhưng Abreu được biết đến một cách rộng rãi như một nhà giáo dục âm nhạc. Với những hiểu biết và trải nghiệm âm nhạc có được từ nhỏ và sau này, khi học sáng tác và chơi các nhạc cụ như piano, organ nhà thờ, ông đã sớm nhận ra tác động của âm nhạc với con người và mong muốn đưa một mô hình giáo dục bằng âm nhạc đến với những cộng đồng cư dân nghèo, những khu ổ chuột –  nơi trẻ em sống và lớn lên trong những điều kiện bất lợi.
Vì vậy vào năm 1975, Abreu đã thành lập El Sistema với mục tiêu “tạo ra một nền tảng âm nhạc để giáo dục trẻ em và cho các em thấy, thông qua việc luyện tập cùng nhau trong một tập thể, các em có thể sáng tạo ra âm nhạc. Nhờ vậy trẻ em có thể trở thành những nhân vật kiểu mẫu không chỉ với gia đình mình mà còn với cả gia đình láng giềng và thậm chí cả toàn bộ cộng đồng họ sống”, ông đã cho biết như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Đức DW vào năm 2010.
Khi ông Abreu thành lập El Sistema, một vài người có tầm nhìn đã dự đoán rằng mô hình này có tiềm năng trở thành một “nhân vật lớn” trong cả đời sống âm nhạc lẫn chính trị của Venezuela. Ông cũng có xu hướng miêu tả những nhiệm vụ của El Sistema là tạo ra một trong những cách thiết lập lại công bằng xã hội. “Với tôi, ưu tiên hàng đầu là trao âm nhạc cho những người dân nghèo”, trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào năm 2007. “Là một nghệ sỹ, tôi có tham vọng là được thấy một đứa trẻ nghèo có thể chơi Mozart. Tại sao không? Tại sao chỉ tập trung ‘quyền’ chơi nhạc của Mozart và Beethoven vào một tầng lớp trong xã hội? Thứ văn hóa âm nhạc bậc nhất thế giới này cần phải trở thành văn hóa của chung mọi người và là một phần của nền giáo dục cho tất cả mọi người”.
Chưa khi nào Abreu rơi vào trạng thái chán nản, hoặc ít nhất là ông không thể hiện điều đó ra ngoài. Trong buổi học đầu tiên, ông đã chuẩn bị 50 giá nhạc và chờ đợi ít nhất 100 em tới, cuối cùng chỉ có 11 em tham gia. Tuy nhiên điều đó không làm lay chuyển những dự định của ông. Trong một cuộc trao đổi với BBC, ông miêu tả cảm xúc của buổi lên lớp đáng nhớ này, “chúng quyết tâm và hăng hái đến mức tôi hiểu ngay ra rằng thành công sẽ tới”.

Ông mong muốn đưa âm nhạc đến cho mọi người. Ảnh: New York Times
Thật vậy, từ nền tảng ban đầu với 11 em đầu tiên tham gia, sau 44 năm, El Sistema đã phát triển thành một hệ thống ở tầm quốc gia với những dàn nhạc và dàn hợp xướng. Gần 450 trung tâm âm nhạc cộng đồng, núcleos, được thiết lập trên 24 bang, tạo điều kiện cho hơn 780.000 trẻ em tới học nhạc miễn phí vào buổi chiều dưới sự hướng dẫn của hơn 10.000 giáo viên âm nhạc. Khẩu hiệu “chơi nhạc và vươn lên” (Tocar y Luchar) ở các núcleos này đã miêu tả rõ sự lan tỏa của tinh thần “tranh đấu” vượt qua đói nghèo.  
Thành công lớn nhất của El Sistema là xây dựng được Simon Bolivar Youth Orchestra – dàn nhạc trẻ được mời biểu diễn ở nhiều nhà hát nổi tiếng trên thế giới, từng được mời mở màn mùa diễn ở Carnegie Hall hay chơi cho Salzburg Festival, Lucerne Festival, và việc giới thiệu với âm nhạc một nghệ sỹ tài năng nhạc trưởng Gustavo Dudamel – hiện là giám đốc âm nhạc của dàn nhạc Los Angeles Philharmonic và là một trong những nhạc trưởng trẻ xuất sắc nhất thế giới. Nhớ lại những ngày ở El Sistema, nhạc trưởng Dudamel kể “âm nhạc đã cứu đời tôi và cuộc đời của hàng ngàn đứa trẻ nghèo ở Venezuela… Giống như thực phẩm, y tế, giáo dục, âm nhạc đã trở thành điều tất yếu của mọi người” và đánh giá “El Sistema là một phần vô cùng quan trọng của gia đình tôi và gia đình tôi cũng là El Sistema.”
Năm 2010, khi được DW hỏi về nguyên nhân nào dẫn đến thành công của El Sistema, Abreu đã trả lời: “Thứ nhất, dàn nhạc tập luyện hàng ngày; thứ hai mỗi nhạc công phải vượt lên chính mình. Với chúng tôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi góp phần đem lại niềm tự hào quốc gia và tự hào về chính mình; thứ ba, một khi xây dựng được một hệ thống giáo dục âm nhạc lớn thì điều nguy hiểm là chất lượng âm nhạc sẽ bị ảnh hưởng. Anh chỉ có thể ngăn chặn điều đó bằng việc dồn toàn bộ năng lượng của mình vào đảm bảo chất lượng”.

Những ghi nhận và tranh cãi
Trong suốt cuộc đời mình, Abreu đã đón nhận nhiều giải thưởng nhờ những gì ông đã làm với El Sistema. Một trong những giải thưởng đó là Human Rights Award vào năm 2008. Trong buổi đón nhận giải thưởng, ông nói: “Trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, hãy để chúng tôi kết nối một cách mạnh mẽ quyền trẻ em với âm nhạc… Hãy để chúng tôi cho các em thấy vẻ đẹp của âm nhạc và rồi âm nhạc chỉ cho các em thấy vẻ đẹp của cuộc đời”.
Khi đề cử Abreu vào danh sách ứng viên giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhạc trưởng Anh Simon Rattle chia sẻ đánh giá của mình: “Những gì Abreu và El Sistema đã làm được là thông qua âm nhạc, đem hy vọng đến cho hàng trăm nghìn cuộc đời, nếu không những cuộc đời ấy có thể bị chôn vùi trong ma túy và bạo lực”.


Nhạc trưởng trẻ xuất sắc Gustavo Dudamel trưởng thành từ chương trình El Sistema. Ảnh: nathasha-nathashapatricia.blogspot.com

Ilona Schmiel, giám đốc âm nhạc của Beethovenfest tại Bonn, Đức năm 2010 đã gọi Abreu là hiện thân của “Utopia và tinh thần tự do trong âm nhạc”.
Nhìn lại những hi vọng vào tương lai của El Sistema và vai trò của nghệ thuật trên toàn thế giới, năm 2009, Abreu đã nói, “không nên để xã hội phục vụ nghệ thuật hay ít nhất là nghệ thuật trở thành thứ độc quyền của tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Thay vào đó nghệ thuật cần phụng sự xã hội, phục vụ những người yếu thế, trẻ em, người già – những người dễ bị tổn thương, và tất cả những ai đang kêu gọi sự giúp đỡ để vượt qua hoàn cảnh và vươn lên vì phẩm giá của mình”.
Thông qua El Sistema, tinh thần của Abreu đã lan tỏa khắp thế giới. Hiện mô hình của ông đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh…, ví dụ riêng ở Mỹ, có những dự án đầy tham vọng như chương trình OrchKids tại Baltimore và dàn nhạc trẻ Youth Orchestra Los Angeles (YOLA).
Deborah Borda, hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của dàn nhạc New York Philharmonic, khi còn làm việc ở dàn nhạc Los Angeles Philharmonic, đã thành lập YOLA và mời Dudamel về chỉ huy dàn nhạc này. Cô kể về ấn tượng mà Abreu đã để lại: “Thông qua sức mạnh của chính con người ông mà El Sistema đã đến với cuộc sống này. Bằng cách đó, ông ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi và hàng ngàn người khác trên khắp thế giới”.
Tuy Abreu được đánh giá cao nhưng bản thân ông cũng nhận được nhiều lời đánh giá trái chiều. Ví dụ như Abreu và El Sistema đã bị chỉ trích vì những kết nối bền chặt với các nhà lãnh đạo Venezuela, những người ủng hộ tài chính cho chương trình. Bởi El Sistema đã được nuôi dưỡng hàng thập kỷ dưới sự ủng hộ của họ, đặc biệt là Tổng thống Hugo Chávez, người đã qua đời vào năm 2013, và sau đó là Tổng thống Nicolás Maduro.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2014 mang tên “El Sistema: Orchestrating Venezuela’s Youth”, tác giả Geoffrey Baker, giảng viên Khoa âm nhạc trường Royal Holloway, Đại học London, đã có cái nhìn đầy thận trọng về El Sistema và cả người sáng lập nó khi cho rằng, đây là “một tổ chức tối tăm, che giấu những bí mật của nó” và “tôn sùng lãnh đạo”.
Dẫu sao điều mà New York Times lo ngại nhất hiện nay là ai sẽ kế tục Abreu để dẫn dắt El Sistema? Vào những năm cuối đời, ông phải rời vị trí dẫn dắt El Sistema vì dưỡng bệnh. Nhưng theo những lời chia sẻ của nhạc trưởng Gustavo Dudamel trên tài khoản facebook cá nhân thì có vẻ như anh đã sẵn sàng đảm đương công việc này, “cam kết của tôi là để di sản của ông sống mãi…”

“Trái tim tôi đã bị bóp nghẹt. Những gì đến trong đầu tôi lúc này là một bài thơ haiku của Jorge Luis Borges: “Callan las cuerdas, la música sabía lo que yo siento” (tạm dịch nghĩa: Những dây đàn đều im lặng, Chỉ âm nhạc biết những gì tôi cảm thấy).
Âm nhạc và nghệ thuật đã mất đi một trong những hình mẫu sáng chói nhất của mình. Maestro José Antonio Abreu đã dạy tôi rằng nghệ thuật là quyền phổ quát của con người; khi cảm hứng và cái đẹp truyền đến tâm hồn một đứa trẻ sẽ làm nó trở thành người hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và tốt đẹp hơn, và do đó trở thành công dân mẫu mực hơn.
Với tôi, José Antonio Abreu đã là người truyền cảm hứng, nghệ sỹ, người bạn, người cha và người thầy. Ông đã trao cho tôi bí quyết âm nhạc cùng với tinh thần sôi nổi, ông ấy đã dạy tôi quyền đến với cái đẹp của nghệ thuật là bất khả xâm phạm. Ông đã hướng tôi tiếp cận những thứ phổ quát của thế giới bằng tinh thần đam mê và đưa tôi đến gần hơn với cội rễ của mình. Tôi đã trở thành tôi như ngày hôm nay và tôi đã đạt được điều đó nhờ tầm nhìn, tinh thần nhân văn và sự khoan dung của Maestro Abreu.
Cam kết của tôi là để di sản của ông sống mãi. Đó cũng là cam kết tới hàng triệu trẻ em ở Venezuela và khắp thế giới, những người giống như tôi đã thấy cuộc đời của chính mình và của mọi người đã có thêm ý nghĩa như thế nào ngay trong từng khoảng khắc chúng tôi tiếp cận âm nhạc. Cam kết của tôi tới Maestro Abreu và El Sistema là một cam kết tới tương lai, với những đứa trẻ chưa từng khám phá âm nhạc và nghệ thuật. Để di sản của Maestro Abreu tác động đến những đứa trẻ này và hàng triệu người khác, tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta mới bắt đầu chặng đường này. Chúng ta sẽ tiếp tục chơi nhạc và đấu tranh vì thế giới mà Maestro Abreu đã mơ về và vì tương lai của di sản mà ông đã để lại cho chúng ta”. (Gustavo Dudamel)

Thanh Nhàn tổng hợp
Nguồn: New York Times, The Independent, FM Classic, DW
—-
1. Trên quốc kỳ của Venezuela có 8 ngôi sao năm cánh.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)