Mariss Jansons và cuộc phỏng vấn cuối cùng với Gramophone

Mariss Jansons, nhạc trưởng người Nga gốc Latvia nổi tiếng với những màn trình diễn các tác phẩm của Mahler, Strauss và âm nhạc lãng mạn Nga cùng các dàn nhạc hàng đầu thế giới, đã qua đời vào ngày 30/11/2019 ở tuổi 76 vì bệnh tim. Hàng loạt dàn nhạc ông từng chỉ huy đều chạy những dòng chữ tiếc thương người nhạc trưởng tài ba của mình trên trang web và đưa những clip âm nhạc tóm tắt sự nghiệp cũng như những gắn bó âm nhạc với ông. Tia Sáng giới thiệu bài viết của tạp chí âm nhạc Gramophone về Mariss Jansons với những suy tư về những điều còn chưa làm được, thực hiện một năm trước, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của ông.


Nhạc trưởng Mariss Jansons.

Vào một ngày tháng 11 lạnh buốt ở Munich, trong không gian phòng thu ngột ngạt của Trung tâm văn hóa Gasteig, Mariss Jansons cùng Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh Bavaria (BRSO) vừa thu âm những tác phẩm chọn lọc. Mới đầu tuần, họ luyện tập kỹ càng từng phần một trong bản Giao hưởng số 8 của Bruckner và sáng hôm qua, chơi một mạch từ đầu đến cuối. Tối nay, họ sẽ chơi tác phẩm này trong một khán phòng chật cứng người nghe và trong 10 ngày nữa, một lượng khán giả may mắn khác sẽ được nghe tập thể đầy sáng tạo này chơi tác phẩm tại Nhà hát Musikverein ở Vienna. Tuy nhiên giờ đây, các nghệ sỹ đều tập trung cao độ vào bản thu âm, phần “di sản” mà họ để lại cho hậu thế: bất kỳ sơ suất nhỏ nào vô tình mắc phải trong ngày hôm qua đều được “tha thứ” vì đã có được một màn trình diễn hoàn hảo, trọn vẹn ‘đã được ghi âm và xuất bản’.

Đây cũng là thời điểm quan trọng với Wilhelm Meister, nhà sản xuất được nhiều người yêu mến, khi thực hiện bản thu âm cuối cùng trước khi về hưu. Các nhạc công đã chơi tặng ông bản serenade kèm một món quà. Ông hỏi Jansons là liệu còn điều gì nữa mà nhạc trưởng muốn làm trước khi các nhạc công rời đi không. Có chứ, bậc thầy trả lời rồi không tiếc lời cảm ơn ‘các đồng nghiệp thân mến’ một cách chân thành và cảm động vì đã cho ông cơ hội làm việc với những nhạc công rất mực tài năng và sáng tạo. 

Sự tôn trọng và tình cảm giữa những người trong cuộc, từ nhạc trưởng đến nhạc công và nhà sản xuất là điều hiển nhiên sau nhiều năm gắn bó. Mariss Jansons đã tạo dựng được điều đó bằng tinh thần dân chủ trên bục chỉ huy. Họ gắn bó với nhau một cách chân thành và các nhạc công luôn tìm cách “bảo vệ” vị nhạc trưởng yêu quý của mình, ngay cả trong những cơn “vạ miệng” như lần ông từng nói trong một bài phỏng vấn là không quan tâm đến việc phụ nữ chỉ huy dàn nhạc. Ngay lập tức ông bị các phương tiện truyền thông xã hội tấn công. Khi đó, đội ngũ Munich đã “dữ dằn” phẫn nộ thay nhạc trưởng của mình trước lối báo chí cố tình diễn giải sai quan điểm của ông. 

Một sự nghiệp hoàn hảo

Tôi thường đọc về những năm đầu sự nghiệp gian khó của ông và việc gia đình gia đình ông khốn khổ như thế nào trong cuộc chiếm đóng tàn bạo của người Đức ở Latvia. Do đó, tôi đã lên kế hoạch hỏi xem trải nghiệm đó ảnh hưởng nhiều thế nào đến sự phát triển của ông. “Tôi không thể nói cuộc sống của mình rất khó khăn, Cha mẹ tôi dành cho tôi rất nhiều yêu thương.” Có hai điểm đặc biệt của tuổi thơ Mariss Jansons là “lớn lên trong một bầu không khí âm nhạc và không có người giữ trẻ,” ông giải thích. “Từ năm ba tuổi, tôi đã cùng bố mẹ đến nhà hát opera và nghe các buổi tập dượt lẫn các buổi biểu diễn. Chẳng bao lâu, tôi đã thuộc lòng tất cả các vở ballet và một số vở opera nữa. Rồi cha tôi mua một cây violin và bắt đầu dạy tôi chơi đàn.”

Một thách thức lớn hơn xuất hiện sau khi gia đình chuyển đến Leningrad (St Petersburg) vào năm 1956,  Jansons được ghi danh vào học viện âm nhạc ở đó. “Thật khó khăn để rời khỏi đất nước quê hương khi bạn 13 tuổi. Tôi biết rất ít tiếng Nga và nhiều điều tôi không hiểu chỉ vì bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, là con trai một nhạc trưởng nổi tiếng [Arvīds Jansons, 1914-1984] thật không dễ. Mọi người cho rằng, cha sẽ ủng hộ tôi trong mọi hoàn cảnh, vì vậy câu hỏi đặt ra là Mariss có thể làm gì cho chính mình”. Đây là nguyên nhân để ông học tập nghiêm túc. “Nhờ một gia sư dạy tiếng Nga, trong vòng nửa năm, ngôn ngữ của tôi trở nên trôi chảy và tôi cũng thành công trong học tập.” Sau này, ở tuổi 28, Jansons đã giành Giải thưởng Karajan ở Berlin. Giải thưởng đó “cho tôi sức mạnh và lòng can đảm để cảm nhận: ‘Tôi là Mariss Jansons.’ Đó là lúc sự nghiệp của tôi bắt đầu.”

Vào cuối những năm 1980, ông nổi lên như nhân vật triển vọng của một thế hệ mới. Đến thời điểm chính sách Công khai hóa bắt đầu mở cửa Khối Xô viết, Jansons – khi đó là một nghệ sĩ trưởng thành ở giữa tuổi 40 – đã làm việc thường xuyên ở phương Tây, chủ yếu là với Dàn nhạc Oslo Philharmonic và Dàn nhạc Giao hưởng BBC xứ Wales. Chùm tác phẩm thu âm xuất sắc của ông gồm các bản giao hưởng Tchaikovsky được hãng Chandos thực hiện tại Oslo trong khoảng thời gian từ tháng 1/1984 đến tháng 12/1986. Những tác phẩm do ông chỉ huy mang nhiều nét mới mẻ, không chỉ ở bộ ba giao hưởng cuối cùng mà còn cả các tác phẩm ít được biết đến như Manfred và các giao hưởng từ số 1 đến số 3. Vào tháng 11/1986, Jansons thực hiện bản thu âm phòng thu duy nhất của mình với dàn nhạc BBC – một CD gồm các tác phẩm của Shostakovich gắn cái nhãn BBC Enterprises, sau đó thu âm phiên bản hoàn chỉnh Giao hưởng số 2 của Rachmaninov với Philharmonia cho hãng Chandos.

Vào mùa thu năm 1987, chính Jansons đã chỉ huy dàn nhạc Leningrad Philharmonic huyền thoại trong chuyến lưu diễn phương Tây đầu tiên của nó. Tiếp bước cha mình, người đã qua đời ba năm trước đó, Jansons trở thành trợ lý của nhạc trưởng Evgeny Mravinsky. Trong kế hoạch của mình, Chandos đã đưa đội hình hạng nhất của mình đến Dublin chơi Giao hưởng số 5 của Prokofiev, một trong những bản thu nổi bật được hồn cốt của Leningrad Philharmonic.

Năm 1992, London Philharmonic bổ nhiệm Jansons làm nhạc trưởng khách mời chính trong năm năm. Ngay khi đạt đến mốc đỉnh cao đầu tiên trong sự nghiệp, ông bị một cơn đau tim trong lúc chỉ huy vở La Bohème ở Oslo. Cha ông từng qua đời ở Manchester cũng vì lý do này. “Lúc đầu tôi thấy sợ,” ông bảo. “Tôi sẽ xoay xở bằng cách nào đây?” Dành cho buổi hòa nhạc trở lại của mình, ông không chọn Berlin, Vienna hay thậm chí là Oslo, mà là xứ Wales, đơn giản vì “Tôi rất thích dàn nhạc BBC”. Ông tiết lộ trải nghiệm này. “Vào đầu buổi tập, tôi đã rất cẩn thận vì tôi sợ. Sau đó, trong giờ giải lao, tôi nói với vợ tôi, ‘em biết đấy, anh không có khả năng làm như thế này. Hoặc là anh chỉ huy 100% hoặc là anh không hề chỉ huy’. Vì vậy, sau quãng giải lao đó, tôi đã trở lại bình thường vởi toàn bộ sức mạnh của mình”. Sau lần đó, “dần dần tôi lại bắt đầu làm việc quá chăm chỉ và quá nhiều – và cuộc đời tôi đã bắt đầu một lần nữa.”

Tôi cũng nhớ rằng mình đã rất ngạc nhiên vào lần đầu tiên thấy Jansons chỉ huy sau biến cố cuộc đời này. Nếu có điều gì tôi nhớ nhất về nhạc trưởng mạnh mẽ này thì đó là ông đã kết thúc buổi hòa nhạc với mồ hôi đầm đìa.

Không ngừng nâng cao chuẩn mực 

Trong quãng thời gian ngắn ngủi làm việc với Pittsburgh, nơi Jansons buộc phải kết thúc sớm hợp đồng vì không quen với những chuyến bay dài, ông đã tạo ra một số bản thu âm ấn tượng ở đó, và CD Giao hưởng số 8 của Shostakovich bao gồm một trích đoạn vô giá từ một buổi diễn tập. Năm 2003, ông trở thành nhạc trưởng chính của BRSO và một năm sau đó là nhạc trưởng chính thứ sáu của Dàn nhạc Concertgebouw.

Khi việc dẫn dắt hai dàn nhạc lớn trở nên quá mức đối với mình, Jansons đã làm nhiều người ngạc nhiên khi từ bỏ Amsterdam và kéo dài nhiệm kỳ của mình ở Munich. Dù có thể chỉ huy ở bất cứ nơi nào, với bất cứ dàn nhạc nào và bất cứ khi nào mình thích nhưng ông đã chọn một dàn nhạc. “Tôi đã luôn giữ vị trí với hai dàn nhạc,” ông nói, “nhưng bây giờ chỉ một mà thôi… thật khó để là nhạc trưởng chính của hai dàn nhạc lớn đến thế. Khi bạn còn trẻ thì được nhưng trong những năm về sau, bạn phải nghĩ nhiều hơn đến sức khỏe của mình.  Thật khó rời khỏi Concertgebouw. Tôi quý mến họ và họ quý mến tôi.”


Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh Bavaria đăng bức ảnh này trên tài khoản twitter của dàn nhạc để chúc mừng Mariss Jansons nhân dịp ông trở thành thành viên danh dự của dàn nhạc Vienna Phiharmonic.

Nhìn lại, dường như mới trong chớp mắt kể từ khi tôi cùng ông và BRSO biểu diễn (và cũng thu âm) trọn bộ giao hưởng Beethoven trong Suntory Hall, Tokyo, chỉ một tháng trước khi Jansons bước sang tuổi 70. Năm năm trôi qua, người thân ái nhất trong các nhạc trưởng bậc thầy dường như tràn đầy năng lượng để không chỉ duy trì và nâng cao tiêu chuẩn âm nhạc của BRSO mà còn bền bỉ để dàn nhạc cuối cùng có một ngôi nhà của riêng mình, sau nhiều năm vất vưởng ở Herkulessaal (quá nhỏ hẹp) và Gasteig (không ổn ở mọi khía cạnh). Nó là một cuộc chiến chống lại sự quan liêu và đủ mọi loại bế tắc khác giống như Simon Rattle để có một phòng hòa nhạc mới được xây dựng đúng đắn ở London. “Thật khủng khiếp khi văn hóa không được ủng hộ, không ai có thể sống thiếu văn hóa hay nghệ thuật. Điều này là không thể. Văn hóa sẽ sống mãi.”

Jansons và các nhạc công của mình đã thích nghi dễ dàng với những diễn biến mới của thị trường nhạc thu âm. Khi tạp chí Gramophone mạo hiểm lên danh sách các dàn nhạc hàng đầu thế giới vào năm 2008, Concertgebouw dẫn đầu và BRSO đứng thứ sáu. 

Jansons thấy được lợi thế lớn của BRSO khi là một dàn nhạc đài phát thanh. “Họ hoàn toàn thoải mái khi mọi thứ họ chơi đều được thu âm, nó không gây bất kỳ áp lực nào lên các nghệ sỹ.” Đài phát thanh Bavaria luôn thu âm mọi buổi hòa nhạc, điều này mang lại cho các nhạc công một lợi thế đáng kể trong xu thế số hóa ngày nay. “Dĩ nhiên trong các buổi biểu diễn trực tiếp luôn có thể có những sai sót – chúng ta là con người chứ không phải máy móc,” ông thừa nhận, nhưng “thu âm trực tiếp có một bầu không khí đặc biệt… Nó rất riêng biệt. Khi tôi thực hiện các bản thu âm trong phòng thu, tôi sẽ luôn cố gắng tạo ra một bầu không khí của buổi hòa nhạc – một tinh thần – và gây ảnh hưởng đến các nhạc công để chơi như thể công chúng đang ở đó.” Các micro khi ấy sẽ không gây khiếp sợ cho các thành viên của một dàn nhạc đài phát thanh. “Khi các nghệ sĩ nhìn thấy micro, họ được động viên hơn – nhưng nếu họ hiếm khi chơi nhạc cùng micro thì khi ấy họ sẽ trở nên hồi hộp. Với các nhạc công dàn BRSO này, điều đó là bình thường.”

Hiện tại, ông vẫn mong mỏi tìm đến các tác phẩm mới cũng như lan tỏa thứ tinh thần ham thích khám phá của mình vào vốn tiết mục quen thuộc. Gần đây, ông đã công diễn lần đầu một tác phẩm hợp xướng quan trọng của Wolfgang Rihm và, trong năm kỉ niệm tròn 100 năm ngày sinh Leonard Bernstein,  ông đưa Divertimento và overture Candide của nhà soạn nhạc Mĩ đến Lucerne. “Tôi thích Bernstein ở tư cách nhà soạn nhạc, vô cùng thích ở tư cách nhạc trưởng, nhưng trên hết là ở tư cách con người. Tôi biết ông và ông là một con người phi thường, một con người nhân văn phi thường.” Hiện Jansons cũng đang cân nhắc việc chỉ huy – và thu âm – Chichester Psalms. Tôi thực sự, thực sự hy vọng điều đó xảy ra. Vì vậy tương lại có thể nắm giữ điều gì khác nữa? Jansons nói: “Tôi muốn dàn dựng opera – đó đã luôn là mơ ước của tôi – nhưng tôi chưa bao giờ có thời gian cống hiến 100% cho điều đó. Opera cần rất nhiều thời gian. Tôi hi vọng công việc tương lai của mình với Concertrideouw sẽ tập trung vào opera. Vào năm 2017, tôi đã dàn dựng Lady Macbeth của Shostakovich và năm nay sẽ là The Queen of Spades.” 

Chúng tôi kết thúc bằng câu hỏi của tôi về tham vọng nào còn lại sau một sự nghiệp lừng lẫy. Ông cười rồi trở nên nghiêm trang. “Sống và làm việc với chất lượng cao. Tôi muốn vẫn là một nhạc trưởng giỏi càng lâu càng tốt. Và, nếu tôi cảm thấy mình không thể ở một cấp độ tốt nữa, thì tôi phải có sức mạnh để lập tức ra quyết định cho bản thân mình: ‘Đủ rồi!’ Đó sẽ là một khoảnh khắc khó khăn. Ai khác sẽ nói với bạn? Vợ tôi hay một người bạn rất, rất thân chăng? Tôi không chắc. Tôi nghĩ rằng đây là một nhiệm vụ bạn phải tự dành cho mình.”□

Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/feature/mariss-jansons-the-last-gramophone-interview

Tác giả