Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại

Trong 25 năm, đội quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo đã chinh phục được nhiều vùng đất hơn so với những gì người La Mã đã làm suốt 400 năm. Ở hầu hết mọi quốc gia đặt chân tới, người Mông Cổ mang đến sự gia tăng chưa từng thấy trong giao tiếp văn hóa, mở rộng giao thương và làm nền văn minh nở rộ.

Tác phẩm Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại của Jack Weatherford được xem là vừa mang tính ký sự vừa mang tính sử thi về sự bùng nổ văn minh mà Đế chế Mông Cổ mở ra. Nhân dịp phiên bản tiếng Việt của cuốn sách được ấn hành, Jack Weatherford đã có bài viết riêng dành cho độc giả Việt Nam.

Thành Cát Tư Hãn là nhà chinh phạt vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Không nhà chinh phạt phương Tây nào chinh phục được dù chỉ một nửa số dân hay đất đai của Thành Cát Tư Hãn. Sau khi đế quốc của ông ra đời vào năm 1206, nó tiếp tục mở rộng suốt gần một thế kỷ, và cuối cùng kéo từ Thái Bình Dương tới Địa Trung Hải, và từ Bắc Băng Dương tới Biển Ả-rập. Đế quốc Mông Cổ là đế quốc duy nhất trong lịch sử bao gồm cả Trung Quốc và Nga, cũng như nhiều đất nước nhỏ hơn từ Triều Tiên tới Iran, Afghanistan, Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Với một đội quân chỉ vỏn vẹn mười vạn lính, quân Mông Cổ đánh bại các đế quốc hàng triệu lính. Dường như không đất nước nào có thể chống lại đội quân Mông Cổ hùng mạnh.

Chỉ có một thất bại lớn duy nhất trong các cuộc chinh phục của Mông Cổ: Việt Nam. Đi ngựa bằng đường bộ từ Trung Quốc, rồi bằng tàu băng qua đại dương, quân Mông Cổ đã nhiều lần cố gắng xâm chiếm các vương quốc thuộc Việt Nam ngày nay, và dù họ thắng vài trận đánh, họ không bao giờ có thể sáp nhập Việt Nam vào đế quốc của mình. Mông Cổ cũng thất bại khi xâm lược Nhật Bản và Java bằng đường biển, nhưng Việt Nam là nơi duy nhất họ thất bại cả trên đất liền và biển khơi.

Hầu hết các quốc gia tan rã và thất thủ khi Mông Cổ xâm lược, nhưng Việt Nam đoàn kết lại và lần đầu xuất hiện trên trường thế giới. Dù tôi chỉ là một người nước ngoài với rất ít hiểu biết về lịch sử Việt Nam, tôi thấy rằng có vẻ thời Nguyên Mông là một trong những giai đoạn quan trọng nhất lịch sử Việt Nam. Các cuộc chiến chống quân Nguyên đã gắn kết những nhóm người rất khác nhau ở các vương quốc khác nhau lại để bắt đầu tạo nên đất nước Việt Nam hiện đại. Triều Nguyên Mông là khởi điểm cho thời kỳ hiện đại của Việt Nam, và nâng vị thế nước này lên cao hơn nhiều so với các vương quốc nhỏ hơn trước đó.

Tôi cũng thấy một ảnh hưởng quan trọng thứ hai của thời kỳ này tới lịch sử Việt Nam. Nhà Nguyên tồn tại tới năm 1368, và trong phần lớn thời gian này họ cai trị Trung Hoa và Triều Tiên ở Đông Á, cũng như Iran và Iraq ở Tây Á, nhưng để kết nối hai phần này của đế quốc bằng đường biển, họ cần quan hệ hòa hữu với Việt Nam. Do vậy, Việt Nam trở thành một phần quan trọng của hệ thống kinh tế thế giới mới ra đời này. Tàu nhà Nguyên cần dừng ở cảng Việt Nam để lấy đồ tiếp tế, và nhà Nguyên cần phải hợp tác với Việt Nam. Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trên Con đường Tơ lụa trên biển liên kết Đông Á và Indonesia với Ấn Độ, Tây Á, bán đảo Ả-rập và châu Phi. Triều đại Nguyên Mông là khi Việt Nam tự chứng tỏ các bạn là một đất nước hùng mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế.

Tôi cũng có một lý do nữa để viết lời tựa cho ấn bản tiếng Việt của cuốn sách. Lý do này rất cá nhân. Khi tôi còn trẻ, cha tôi đã tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Ông đã tham gia Thế chiến II chống quân Phát xít, và dù chỉ là một người lính bình thường với học thức thấp, ông vẫn rất tự hào vì đã phục vụ đất nước mình với tư cách người lính. Ông đã lớn tuổi hơn khi tới Việt Nam, và chỉ là một đầu bếp. Khi cha tôi trở về từ Việt Nam, tôi đã đủ tuổi nhập ngũ, nhưng cha không cho tôi đi. Ông nói rằng cuộc chiến này là sai trái. Ông đã tham gia vào cuộc chiến, các con trai ông không nên đi. Chúng ta không nên tham chiến.

Cha tôi trở về từ Việt Nam và bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Hoa Kỳ đã rải bom hóa học xuống đây. Ông chết một cách chậm chạp, khó khăn và đầy đau đớn. Một cách từ từ, tôi cùng sáu anh chị em nhìn cha chết bởi cuộc chiến kinh khủng này. Vào thời gian đó, tôi nhìn thấy những tổn hại mà cuộc chiến này gây ra cho cha và gia đình tôi. Dù chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau vẫn còn lại. Nhưng chúng tôi chỉ là một gia đình nhỏ. Tôi biết ở Việt Nam, hàng triệu người phải chịu những nỗi đau còn tồi tệ hơn, và nỗi đau của họ vẫn còn tiếp tục rất lâu sau khi những trái bom ngừng rơi và lính Mỹ đã trở về nhà.

Từ chương sách buồn này trong cuộc đời cha tôi, tôi học được cách tôn trọng người Việt Nam, cả vì nỗi đau và lòng dũng cảm của họ. Tôi mong rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ dùng những vũ khí này chống lại bất kỳ ai khác, và tôi hi vọng rằng sau giai đoạn đau buồn này trong lịch sử hai nước, chúng ta có thể mãi trở thành bạn. Không bên nào nên quên lãng cuộc chiến, nhưng chúng ta không nên để hồi ức này cản trở việc cả hai trở thành đồng minh trong tương lai.

Jack Mciver Weatherford là Giáo sư Nhân học tại Đại học Macalester, Minnesota. Năm 2006, ông được trao Huân chương Polar Star, sự vinh danh cao nhất của Mông Cổ dành cho người nước ngoài. Ông đã phát biểu tại Liên Hợp Quốc trong dịp kỷ niệm 800 năm ngày thành lập quốc gia Mông Cổ.
 
Jack Weatherford (Võ Phương Linh dịch)
 
Theo Khoa học và phát triển

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)