Vị thế và không gian (II): Luận về cội nguồn tôn giáo và khoa học

Trong Phần I: Luận về cội nguồn nghệ thuật, chúng ta đã đề cập tới một bản năng cơ bản của người, đó là luôn tìm cách đạt được một vị thế cân bằng trong không gian. Có thể gọi đây là một bản năng cơ bản vì nó là nền tảng ẩn sau đa số, nếu không nói là tất cả mọi bản năng khác của con người. Nó cũng chính là cội nguồn khiến con người hướng tới tôn giáo và khoa học.

Bản năng đằng sau mọi bản năng

Như đã đề cập trong Phần I, khái niệm không gian – có thể hiểu là nhận thức của con người về thế giới – có nhiều hình thái đa dạng, từ những không gian thân thuộc tới những không gian rộng lớn, từ những không gian cụ thể tới trừu tượng.

Nhiều ví dụ minh họa cho thực tế là con người cũng như mọi sinh vật, luôn muốn đạt được những vị thế nhất định trong không gian.

Có người khao khát muốn khẳng định vị thế của mình trong không gian của các công việc, có thể là qua vị trí công việc, hoặc qua mức độ hoàn thiện của sản phẩm.

Có người lại mong muốn có sự hiện hữu của mình trong ánh mắt một cô gái, tức là muốn giành được một vị thế trong không gian tâm tưởng của cô ta. Trong tình dục, ham muốn  xâm chiếm và giao thoa về thể chất của mỗi người có mối liên quan mật thiết tới cảm giác ham muốn đạt được một vị thế của mình bên trong người kia, và thể hiện cao độ nhất ở trạng thái cực khoái khi người ta cảm thấy vị thế ấy là tuyệt đối cân bằng và viên mãn.  

Người ta vẫn nói rằng bản năng sinh tồn là một trong những bản năng mạnh nhất, nhưng bản năng hướng tới vị thế cân bằng trong không gian còn mãnh liệt hơn. Có những người yêu nước đã tuẫn tiết để bảo vệ khí tiết, và ngược lại, cũng có những người có thể trầm cảm tới mức tự sát. Đối với họ, sự sống có lẽ cũng quý giá nhưng nỗi đau do bất cân bằng trong tinh thần còn sâu sắc hơn, và sự hi sinh được coi là cần thiết để giành lại vị thế cân bằng.

Nguồn gốc của tôn giáo

Trong bài viết về Tôn giáo và Khoa học trong cuốn Thế giới như tôi thấy, Einstein cho rằng con người tạo ra tôn giáo vì sự sợ hãi, rằng họ hình dung ra những vị thần linh để có thể cầu khẩn, lễ bái với mong muốn được phù hộ giúp vượt qua các thiên tai, bệnh dịch, thú dữ, và cái chết. Nhận định này của nhà bác học thiên tài có vẻ như hợp lý, nhưng chưa làm sáng tỏ được hai vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, vì sao đa số các tôn giáo khởi thủy thường là đa thần?

Thứ hai, vì sao các tôn giáo cổ cũng đồng thời có chức năng mô tả về nguồn gốc xuất xứ của thế giới, với những sử thi kể về việc tạo lập trời đất và thế giới tự nhiên? 

Nếu con người tạo ra tôn giáo chỉ để trấn áp sự sợ hãi thì thực ra người ta chỉ cần tưởng tượng ra một vị thần có quyền uy tối thượng với khả năng giải quyết mọi vấn đề, và mỗi khi có chuyện gì cấp bách thì chỉ cần cúng tế một mình vị này là đủ giải tỏa mọi sự bất an. Như vậy sẽ hoàn toàn không cần phải xây dựng nên một thứ tôn giáo đa thần với vô số những thần sông, thần núi, thần cây, v.v, càng không cần phải thêm thắt vào tôn giáo những sử thi dông dài nào đó.

Những câu hỏi đó gợi thấy rằng tôn giáo không đơn thuần chỉ để giải tỏa nỗi sợ hãi, và có lẽ phải đến do một bản năng căn bản hơn. Đó là nhu cầu hướng tới một vị thế cân bằng, với hai bước cơ bản quen thuộc: định hình không gian và xác lập vị thế cân bằng.

Hình tượng các vị thần được xây dựng chính là để hình tượng hóa, cụ thể hóa những sự vật và thế lực bí ẩn mà con người chưa thấu tỏ. Đó là một sự xác lập nhận thức về thế giới, hay nói một cách cơ bản hơn là định hình không gian.

Sau bước định hình không gian là bước xác lập vị thế cân bằng, cũng chính là công dụng của các nghi lễ thờ phụng và cúng tế. Thông thường, chúng ta hiểu một cách thực dụng rằng việc thực hiện những lễ này là để cầu xin cho một công việc cụ thể nào đó. Nhưng suy xét một cách sâu xa hơn, chúng ta thấy rằng nghi thức thờ phụng và cúng tế là một hình thức giao tiếp, qua đó giúp con người xác lập vị thế của bản thân mình trước các đấng thần linh, tức là xác lập một vị thế của mình trước thế lực bí ẩn mà vị thần linh ấy làm đại diện. Hình thức ấy sẽ được con người cử hành cho tới khi nào cảm thấy an tâm, tức là khi đã xác lập được một vị thế cân bằng trong không gian mà cả người và thần linh cùng hiện hữu.

Chính từ nhu cầu định hình không gian và xác lập vị thế cân bằng mà đa thần giáo và các sử thi được hình thành. Các vị thần linh của tôn giáo đa thần là những hình tượng cụ thể, giúp mô phỏng lại sự phức tạp của thế giới mà con người nhận thức được, bao gồm cả thế giới tự nhiên và thế giới tinh thần với những phạm trù trừu tượng (ví dụ như nữ thần tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại Hi Lạp). Quyền uy và số phận của họ gắn liền với những sử thi kể về sự hình thành và biến hóa của trời đất, không đơn thuần phục vụ chức năng chuyện kể giải trí, mà thực sự là cách thức giúp con người định hình thế giới và sự vận hành của nó.

Điểm mù của nhà khoa học

Nếu như trong tôn giáo con người định hình thế giới qua các không gian của huyền thoại và sử thi, thì trong khoa học, con người định hình thế giới qua không gian của hệ thống các tiên đề, giả thuyết, định lý, v.v. Đồng thời, bên trong không gian mang tính tổng quan ấy, mỗi một bài toán lý thuyết hay một thách thức về công nghệ, cũng là một không gian riêng biệt.

Sau khi đã định hình được những nét cơ bản của một không gian, nhà khoa học nỗ lực xác lập vị thế cân bằng của mình, bằng cách chứng minh tính hợp lý xuyên suốt các chi tiết tồn tại bên trong không gian ấy. Đối với lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ, không gian của nhà khoa học bao hàm cả những sự vật cụ thể của thực tiễn đời sống, và bản năng cũng thúc đẩy nhà khoa học sẽ nỗ lực tìm cách chứng minh tính hợp lý của lý thuyết khi kết nối với những sự vật này.

Mỗi một thông tin chưa hợp lý hoặc chưa rõ ràng đều là những yếu tố đe dọa tới sự cân bằng của toàn hệ thống, gây cảm giác lung lay vị thế của nhà khoa học trong không gian sự vật được nghiên cứu. Và đây chính là nhiên liệu thổi bùng lên niềm đam mê tìm hiểu và khám phá. (Liên quan tới điều này, trong Phần I, chúng ta đã đề cập rằng vị thế của con người trong không gian chính là cội nguồn của cảm xúc).

Nhưng bản thân nhà khoa học lại rất thụ động trong việc nhận biết bản chất gốc rễ của những quy trình này.

Nếu bạn hỏi một nhà sáng chế công nghệ rằng vì sao người đó lại đam mê công việc của mình, có lẽ bạn sẽ nhận được câu trả lời rất cụ thể và thực dụng, chẳng hạn như: người đó nghiên cứu là vì muốn một vật gì đó chạy nhanh hơn, hoặc tốn ít năng lượng hơn, bền hơn, hoặc là giúp cho ai đó sống khỏe hơn, vui hơn, giàu có hơn, v.v. Nhưng nếu bạn lại tiếp tục hỏi vì sao mà những lý do thực dụng ấy lại giúp đem đến niềm đam mê trong công việc nghiên cứu, thì rất có thể nhà công nghệ sẽ không thể trả lời được câu hỏi của bạn.

Tương tự như vậy, nếu bạn hỏi một nhà nghiên cứu khoa học cơ bản, rằng vì sao người đó lại đam mê công việc của mình, thì câu trả lời có lẽ cũng sẽ gắn với những vấn đề khá cụ thể, chẳng hạn như: người đó muốn nghiên cứu về lý thuyết A để bổ sung, mở rộng, điều chỉnh, hoặc thay thế cho lý thuyết B nào đó có nhiều điểm hạn chế. Và nếu bạn vẫn tiếp tục truy hỏi tới tận gốc vấn đề, rằng vì sao cái lý do tinh vi mà người đó đưa ra ấy, lại giúp đem đến niềm đam mê trong nghiên cứu, thì rất có thể là nhà khoa học cũng không thể nào trả lời được câu hỏi của bạn.

Đó chính là điểm mù của nhà khoa học. Họ nghiên cứu tỉ mỉ và sâu sắc về các loại tri thức, giúp mang đến những giá trị thực dụng to lớn, đem lại niềm vui và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người; nhưng họ không thể lý giải căn nguyên bản năng đem đến niềm đam mê trong công việc của mình.

Giống như dao sắc không gọt được chuôi, các nhà khoa học là những người tài ba trong việc suy xét những sự vật hóc búa, nhưng họ thật bối rối khi phải tự suy xét chính mình. 

Vượt thoát

Tự suy xét đòi hỏi con người phải bước ra ngoài không gian quen thuộc cố hữu.

Điều này có thể xuất phát từ bản năng thường tình, khi người ta cảm thấy sự bất cân bằng trong không gian của hiện tại.
 

Tâm lượng rộng lớn, biến khắp Pháp giới. Dùng đến thì rành rẽ phân minh, ứng dụng liền biết hết thảy. Hết thảy là một, một là hết thảy. Đến đi tự do. Tâm không ngăn ngại, tức là Bát Nhã

(Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn kinh, phẩm Bát Nhã)

Nhưng những người có trí tuệ nhạy bén sẽ cảm nhận được sự bất cân bằng sớm hơn những người khác. Nhờ đó mà họ vượt thoát khỏi trạng thái cân bằng trì trệ trong một không gian nhỏ hẹp tạm thời để hướng tới sự cân bằng trong một không gian rộng lớn hơn.

Một quả táo rơi xuống đầu là chuyện nhỏ nhặt thường tình, nhưng đủ để giúp Newton vượt thoát khỏi những lý thuyết vật lý cũ kỹ trước đó để sáng tạo ra thuyết vạn vật hấp dẫn.
Mỗi nhà khoa học được vinh danh trong lịch sử đều là những người sáng tạo ra các không gian mới, hoặc kết nối được các không gian biệt lập cố hữu – cũng tức là tạo ra một không gian mới bao trùm lên những không gian cũ.

Phủ quyết Thượng đế và sự vong bản

Nhờ có những bộ óc lớn lao được kích thích bởi bản năng vượt thoát mà cái không gian chung của khoa học ngày càng được mở mang bờ cõi. Tri thức khoa học phát triển thành một hệ thống chặt chẽ, quy mô hùng vĩ, và không ngừng biến đổi sinh động.

Cái không gian được xây dựng trên các tiên đề, giả thuyết, và vô vàn những kinh nghiệm thực nghiệm ấy đủ phong phú để lôi cuốn những tâm hồn non trẻ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về định hình không gian và xác lập vị thế cân bằng của họ. Họ sẽ đủ tự tin và tự mãn để phủ quyết Thượng đế và tôn giáo.

Nhưng người ta không biết rằng Thượng đế cũng chính là biểu tượng sơ khai nhất của tinh thần vượt thoát. Tôn giáo và khái niệm Thượng đế từ cổ xưa đã phục vụ con người với vai trò làm điểm tựa tinh thần, giúp con người vượt qua những nhọc nhằn trong cuộc sống, động viên họ rằng ở bên ngoài không gian hạn hẹp đến từ những trải nghiệm hữu hạn chắp vá trước mắt, là một không gian rộng lớn hơn, thăm thẳm vô biên, đang chờ đợi sự vươn tới để tương tác và trải nghiệm từ phía con người.

Bát Nhã, con đường của trí tuệ trong tương lai

Trong một thế giới tiến bộ, khi con người có ý thức sâu sắc về vị thế và không gian, họ sẽ tự chủ động vượt khỏi những không gian hữu hạn giả tạm. Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu tự nhiên là duy trì vị thế cân bằng trong một không gian vô hạn.

Trước kia, người ta đã đạt được điều này thông qua việc tương tác với một vị Thượng đế trong tâm tưởng. Tuy nhiên, trong tiến trình định vị không gian và xác lập vị thế cân bằng, con người văn minh đã hình thành nên một bản năng khác không kém phần tự nhiên, đó là tinh thần duy lý khoa học.

Sự tương tác giữa hai nhu cầu đối chọi nhau đó sẽ dẫn con người vượt thoát tới một trạng thái đặc biệt, vừa không lìa bỏ cái duy lý, vừa kết nối được với cái vô hạn. Đó là Trí tuệ Bát Nhã.

Trong thế giới ấy, mỗi hơi thở đều có sự kết nối với không gian vô hạn. Trí tuệ và cảm xúc được khai phóng. Các không gian hữu hạn trong tâm tưởng sẽ không bị triệt tiêu để đảm bảo tính duy lý, nhưng chúng có thể dễ dàng phóng chiếu thành vô vàn các biến hóa không gian khác nhau, và tùy duyên mà kết tinh lại vào không gian nào có sự lắng đọng cao nhất.

Khi ấy, người tu hành, nhà khoa học, hay người nghệ sỹ, tất cả đều là một.

Tác giả