Đi tìm Tô Ngọc Vân qua ký họa
Tháng Sáu năm 2013, tôi hoàn thành cuốn sách “Tô Ngọc Vân – tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam, 1906 – 1954”, theo đặt hàng của ông Tira Vanictheeranont, người nắm trong tay 380 ký họa chì, bút sắt và thuốc nước của họa sỹ Tô Ngọc Vân. Trong bài viết dưới đây, tôi xin tường thuật lại quá trình làm sách và những suy nghĩ về người họa sỹ Việt Nam quá cố.
Ký họa Thiếu nữ. Năm 1940. Bút sắt trên giấy.
|
Phác thảo bố cục các thiếu nữ, khoảng những năm 1940 – 1943. Bút chì trên giấy. |
Việc mua bán giữa họa sỹ Tô Ngọc Thành và ông Tira tôi không được chứng kiến trực tiếp, nhưng hình như chia thành hai đợt. Sau đó tôi sang Bangkok hai lần để nghiên cứu những tài liệu đó. Đồ quý nên vật bất ly thân và tất nhiên gia chủ chuẩn bị sẵn cho tôi ảnh chụp tốt tất cả các tư liệu. Vài bạn trẻ đã giúp tôi đến gặp họa sỹ Tô Ngọc Thành nhờ ông nói thêm những chi tiết trong các bức ký họa, ở đâu, vẽ gì, nhân vật đó là ai, theo như ông biết, và điều này cũng tăng thêm hiểu biết về Tô Ngọc Vân, nhất là đời sống gia đình riêng của họa sỹ.
Tôi đi hỏi những người từng sống ở Việt Bắc, trong đó có họa sỹ Mai Long – học trò Tô Ngọc Vân trong khóa Kháng chiến, vài người khác làm công tác nghiên cứu tư liệu văn học như ông Lại Nguyên Ân về Đại hội Văn nghệ toàn quốc ở Việt Bắc hay nhà lịch sử quân sự Hồ Sơn Đài về những gì ông Vân vẽ ở Trung đoàn Thủ đô… Những người cùng thời với ông Vân còn rất ít, nhất là trong giới Mỹ thuật, nên quả thực không biết hỏi ai những điều chưa rõ, nên tôi lại cất công đi đến những nơi ông Vân từng đi. Sau hơn một năm, bức tranh về cuộc đời người họa sỹ đã sáng sủa, và tôi có thể viết về ông tương đối rõ ràng, chỉ còn một điều nữa là phải xác định tính chân thực của các bản vẽ, cái nào của ông Vân, cái nào từ xưởng vẽ của ông mà không chắc chắn do ông vẽ – hóa ra vấn đề này khá phức tạp, và tôi mất một thời gian nữa xác định phong cách, kỹ thuật riêng không thể lẫn vào đâu của danh họa.
Tô Ngọc Vân đã khéo léo để lại các dấu hiệu riêng trong các tài liệu của mình. Đôi khi ông ghi chú bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, có bức ông dùng lại giấy thừa, bài học của học sinh vẽ lại và vẫn để nguyên hình vẽ có trước, nên trong tranh có nét rất lạ. Ông vẽ nhanh trên đường chạy giặc, vẽ vào những cuộc họp ban đêm dưới ánh đèn dầu, vẽ vào ban ngày hoặc rất kỹ lưỡng, hoặc rất vội vàng… với ý thức sau này, khi hòa bình có thể sử dụng chúng xây dựng một nền hội họa Việt Nam tầm cỡ thế giới – ý tưởng đó quyết định các bức ghi chép, ký họa trong kháng chiến có sự chuẩn bị sâu sắc như thế nào. Tất nhiên có những bức họa ông vẽ theo nhiệm vụ được phân công.
Lao động tập thể ở Phượng Tiến. Năm 1950. Bút sắt trên giấy. |
Đại hội liên hoan ở xã Nguyễn Trãi. Năm 1953. Bút sắt trên giấy. |
Dựa vào các bức ký họa tôi chia thành 12 giai đoạn hoạt động của Tô Ngọc Vân: 1. Đến với hội họa (1925 – 1935); 2. Những cô người mẫu (1936– 1945); 3. Sơ tán ở Sơn Tây (1943 – 1945); 4. Đường lên Việt Bắc (1946 – 1947); 5. Xuân Áng, Phú Thọ (1947 – 1948) và Đại hội Văn nghệ toàn quốc năm 1948; 6. Trước chiến dịch Biên giới năm 1949; 7. Phượng Tiến và Bản Quỳ năm 1950; 8. Tù binh Pháp 1950 – 1951; 9. Lào Cai và Lạng Sơn năm 1951; 10. Nông thôn Minh Cầu và các vùng khác 1952 – 1953; 11. Cải cách ruộng đất ở Phú Thọ và Thái Nguyên năm 1953; 12. Đường lên Điên Biên Phủ năm 1954.
Trong bài viết ngắn này, tôi không thể trình bày tất cả các giai đoạn sáng tác mà Tô Ngọc Vân đã trải qua, chỉ có thể nói về những nét chính, những tiếp nối dẫn đến những bước đường khác nhau. Năm 1925, Tô Ngọc Vân đang học ở Trường Bưởi, do yêu hội họa, ông quyết định thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng trượt, đó là khóa một. Năm sau, ông học qua lớp dự bị rồi thi đỗ ở khóa hai và tốt nghiệp năm 1931. Ra trường không có việc làm, đời sống khá chật vật cho đến năm ông có thể bán được tranh, và được bổ đi dạy học ở Camphuchia, năm 1936. Chặng đường ban đầu này để lại ít ký họa còn thô vụng. Có thể nói, Tô Ngọc Vân không hề là họa sỹ có năng khiếu bẩm sinh, mà là người khổ luyện thành tài. Cũng phải đến năm 1936, 1937, những nét vẽ tài hoa mới bắt đầu hiển hiện, và từ đó chúng ta cũng thấy nhiều hơn ký họa các cô người mẫu, khiến chúng tôi đặt tên cho bước đường tiếp theo này là Những cô người mẫu. Đây là giai đoạn mà các bức họa của Tô Ngọc Vân đều dành cho các thiếu nữ thành thị, lấy họ làm đối tượng chính trong sáng tác, nhưng cũng phải đến những năm 1940- 1943, người ta mới biết đến những bức họa như Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen và Hai thiếu nữ và em bé… nổi tiếng.
Trong ký họa của Tô Ngọc Vân, chúng tôi thấy đầy đủ các phác thảo cho các tác phẩm đó, và nhiều phác thảo khác chưa được thể hiện. Tô Ngọc Vân không ký họa thành một bức tranh hoàn chỉnh như kiểu các họa sỹ kháng chiến hay làm, mà ông chỉ nghiên cứu, ký họa chi tiết, hình hài nào đó để xây dựng tác phẩm, rồi tìm các cấu trúc tác phẩm riêng, thường là nhỏ bé như bao diêm và vẽ dày đặc trên một tờ giấy. Những cô người mẫu chính được biết đến là cô Sáu, cô Thăng, cô Mai… có lẽ là người mẫu chuyên nghiệp thời Pháp thuộc, các cô đều chừng 27 đến 32 tuổi, tức là không còn trẻ, nhưng cũng chưa già trong quan niệm đương thời, để họa sỹ xây dựng cái hình tượng người phụ nữ thành thị nề nếp, đoan trang nhưng tân thời.
Năm 1943, do tình hình chiến tranh, Nhật và phe đồng minh chống Phát xít ném bom vào Đông Dương, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương phải chia làm ba bộ phận đi sơ tán, Tô Ngọc Vân theo nhóm hội họa đến Sơn Tây. Tại đây ông vẽ một số ký họa ở Đường Lâm, chùa Mía, nhưng quan trọng nhất là lần đầu tiên ông chú ý đến đời sống của người nông dân và cảm thấy những bức họa thiếu nữ thành thị của mình có phần nhạt nhẽo. Chúng tôi cho rằng trong thời gian sống ở Sơn Tây những năm 1943 – 1945, Tô Ngọc Vân tiếp xúc với những người Cách mạng, để đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông nhanh chóng trở thành họa sỹ của chính phủ mới và được cử vào vẽ cụ Hồ.
Năm 1946, khi Toàn quốc Kháng chiến nổ ra, Tô Ngọc Vân rút sang Bát Tràng rồi lại theo con đường Sơn Tây đi lên Phú Thọ. Quãng đường chạy giặc gian khó suốt trong năm 1946, 1947, khiến ông và gia đình vất vả vô cùng, may không thất lạc, và ông đã vẽ nhiều cảnh chiến tranh bom đạn dọc đường đi, nhất là cảnh thị xã Phú Thọ đổ nát. Cuối cùng, Tô Ngọc Vân dừng ở Xuân Áng, thuộc huyện Hạ Hòa, Phú Thọ – nơi đây trường Mỹ thuật của Chính quyền mới đóng trụ sở và Tô Ngọc Vân tổ chức một xưởng vẽ sơn mài và in tranh đồ họa, nhất là tranh tuyên truyền cổ động. Năm 1948, Đại hội Văn nghệ toàn quốc được tổ chức tại Việt Bắc, Tô Ngọc Vân có tham dự cuộc tranh luận với ông Trường Chinh về nghệ thuật tuyên truyền hay nghệ thuật lâu dài, và ông đã ký họa hầu hết chân dung những văn sỹ tham dự Đại hội.
Tù binh Pháp trong bệnh viện. Năm 1951. Bút sắt trên giấy. |
Nông thôn Minh Cầu. Năm 1952. |
Năm 1949, phần lớn những ký họa của Tô Ngọc Vân dành cho đơn vị bộ đội 103, mà ông ký hiệu là DD103, hay C103 (có thể là đại đội) thuộc Trung đoàn Thủ đô. Về vấn đề này, chúng tôi có tham khảo ý kiến của nhà lịch sử quân sự Hồ Sơn Đài, ông cho biết Trung đoàn Thủ đô chỉ có Tiểu đoàn 103, nên có lẽ Tô Ngọc Vân đi theo tiểu đoàn này. Ông vẽ rất cụ thể các hoạt động trong luyện tập, họp hành và tấn công đồn địch. Trong năm 1950, Tô Ngọc Vân có thời gian sống tương đối dài ở ATK (An toàn khu, thuộc huyện Định Hóa, Thái Nguyên); cụ thể, ông sống ở xã Phượng Tiến, và một bản trong xã là Bản Quỳ. (Tô Ngọc Vân viết là Phương Tiến). Những bức ký họa cho thấy đây là thời gian thư thái và yên bình nhất của ông, ông vẽ những sinh hoạt của người Tày trong bản, rất sung túc, thư nhàn, những cô gái rất đẹp không kém gì các thiếu nữ thành thị của ông trước kia, và cũng lần đầu tiên trong tranh của các họa sỹ Việt Nam, người ta thấy cảnh lao động tập thể. Tại đây ông cũng thực hiện một số tranh cho các cơ quan chính phủ treo ở nhà khách.
Cuối năm 1950 và trong năm 1951, sau Chiến dịch Biên giới, Tô Ngọc Vân đến một trại tù binh Pháp vẽ. Địa điểm trại này ở đâu ông không cho biết, trên ký họa ông đề Trại anh Hòe, hay LeThoHoe (nhại tiếng Pháp), tức là do một cán bộ tên là Hòe trông coi. Tại đây ông vẽ một số tù binh Âu Phi, dáng vẻ họ rất buồn. Cũng thời gian này, chúng tôi thấy một bản thư nháp, Tô Ngọc Vân gửi Matisse và Picasso, nhân có người bạn sang dự Festival ở Berlin. Theo Tô Ngọc Thành thì sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc năm 1948, Tô Ngọc Vân được cử thay mặt cho giới văn nghệ Việt Nam viết thư cho các nghệ sỹ thế giới đấu tranh vì hòa bình, mà cụ thể là Picasso. Nhưng trên thực tế thì bản thảo lá thư đề 27/5 năm 1951.
Hai bức thư nguyên văn như sau:
Kính gửi Họa sư Matisse
Tôi viết cho Họa sư lá thư này ở một khu rừng rậm, chung quanh là những dẫy núi cao hiểm trở. Bên cạnh tôi mấy tấm chuyền bản in mầu một số tác phẩm của Họa sư. Những chuyền bản này, khi tôi rời thủ đô Hà Nội, bị giặc tạm chiếm trở lại, tôi đã mang theo 5 năm nay trong gói hành lý nhỏ của cuộc đời Kháng chiến.
Lúc tôi mới vào học nghề họa năm 1926 ở trường Mỹ thuật Đông Dương, lần đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm của các ông trong hàng ngũ mỹ thuật Tân tạo (Art Modern), một số chúng tôi cảm thấy trong đó vẻ gì làm chúng tôi gần các ông lạ. Và xa lắc chúng tôi, những giáo viên người Pháp kiểu hàn lâm hồi đó có nhiệm vụ huấn luyện tại trường. Phải chăng cái vẻ ôn hòa, đầm ấm, thảnh thơi tiết ra ở mầu sắc của ông, của Marque, của Bonnard? Hay cái nhìn giản dị, hiền lành âu yếm của những tác phẩm ấy?
Ngày nay tôi được biết các ông cũng có nhiều người tranh đấu cho hòa bình, chống bọn thực dân xâm lăng, chúng tôi lại hiểu thêm tại sao chúng ta gần nhau đến thế. Chúng tôi có làm gì họ đâu, Ông? Chúng tôi chỉ muốn hòa bình, muốn tự do, để mọi người được cuộc đời đáng sống của con người. Riêng nghề chúng ta, tôi nghĩ rằng đó là điều kiện cần yếu để được phát triển lành mạnh.
Hồi bọn Nazis Đức chiếm đóng nước Pháp, các ông tổ chức công việc họa thế nào? Những kinh nghiệm của các ông, nếu chúng tôi được biết sẽ giúp ích chúng tôi lắm.
Chúng tôi ở đây trong vùng tự do, không có bóng một tên phản động, nhưng ngày nào máy bay của chúng cũng lượn trên đầu, đi khủng bố tàn sát bất cứ đàn bà trẻ con, nhà ở, trường học. Giống vật man rợ ấy đủ cản trở nghề vẽ của chúng tôi nhiều. Một mặt khác, vật liệu thiếu thốn, thời gian bị công tác Kháng chiến chiếm phần lớn, chúng tôi chưa có đủ điều kiện để sáng tác rồi rào. Chúng tôi theo quân đội, ở tiền tuyến, hoặc sống với đồng bào hậu phương, chung nỗi sướng khổ với nhau, tin tưởng chờ ngày toàn thắng. Những nét sinh hoạt ấy đa số chúng tôi chỉ mới kịp ghi chép trong những bức Ký hình (Croguis). Ngoài ra, anh em có làm một số tranh có tính chất xây dựng, nhưng chẳng là bao. Năm nay tôi hy vọng làm việc hơn nhiều. Một thời gian ngắn nữa, chúng tôi mong có sản phẩm để gửi sang các ông, trông ở các ông lời phê bình thành thực.
Nhà thờ Ninh Dân và nhà địa chủ Hiện. |
Ngoài tranh sơn dầu, chúng tôi đang cùng nhau cải tiến kỹ thuật sơn mài (laque), cái thứ sơn mà Dumand ở Paris dùng làm tranh trang trí, nhưng chúng tôi lai hướng nó về phía khác, phía hội họa. Sơn mài có một chất phẩm (matierè) phong phú lạ kỳ, ông ạ! Giá chúng tôi được gần ông lúc này nhỉ, để ông thấy sơn mài và góp ý kiến chúng tôi.
Bao năm giời, chúng tôi muốn được gần các ông. Bây giờ chiến tranh cách bức chúng ta đã đành rồi. Nhưng trước kia bọn cai trị thực dân cản chúng tôi. Họ đưa ra những lý luận có vẻ vững lắm. Họ nói nếu chúng tôi sang Pháp, gần các ông, sẽ bị mất cá tính Việt Nam đi. Cái trò bịt mắt để cô lập người ta trong nô lệ của bóng chúng ai còn lạ gì.
Dụng tâm ở đây tôi chỉ muốn kể đến chuyện nghề nghiệp, nói lên cái tình đồng nghiệp giữa chúng ta, nhưng mỗi lần đụng đến lại va phải tội ác của thực dân. Bao giờ chúng ta thôi không phải mệt lòng đếm những tội ác của chúng nó nữa? Chỉ bao giờ hòa bình và tự do trở lại cho tất cả mọi người, phải không ông?
Tôi chúc ông mạnh, và chờ tin ông.
Kính mến
27/5/1951
Tô Ngọc Vân
Kính gửi Họa sư Picasso
Nhân có bạn chúng tôi sang dự Festival de Berlin, tôi trân trọng gửi lời chào Họa sư. Họa sư là một người anh cả trong nghề họa, đã xây dựng hội họa Âu châu hiện đại, Họa sư lại còn là người anh cả chúng tôi đứng vào hàng ngũ dân chủ để tranh đấu cho hòa bình tự do của nhân loại! Họa sỹ đã làm vinh dự cho giới họa.
Chúng tôi nghĩ rằng con người có được tự do thời người nghệ sỹ trong con người ấy mới được phát triển đầy đủ và xứng đáng. Bởi vậy bị ép nén dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, hội họa Việt Nam đã không có cơ tiến bộ. Bởi vậy những người văn nghệ chúng tôi, cùng toàn dân Việt Nam, quyết đứng dậy đuổi bọn thực dân ra khỏi nước Việt Nam, đuổi đến kỳ cùng.
Họa sư có thể ngờ rằng đã có lần bọn cai trị Pháp cấm chúng tôi triển lãm ở Hà Nội (năm 1941 thì phải), mà đề tài tranh lúc ấy chỉ là tranh đàn bà, hoa quả, phong cảnh. Thật là lố bịch. Chúng tưởng có thể kéo dài sự chà đạp ấy mãi.
Ngày nay chúng tôi không chịu thế nữa. Thế giới lành mạnh cũng không để như thế nữa. Những người văn nghệ có uy tín thế giới như Họa sư cũng không muốn nhìn thấy những cảnh ấy nữa. Thì những bọn thực dân ở Pháp hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ phải tiêu diệt. Lúc ấy, cái vườn tinh hoa hội họa sẽ tươi nở khắp nơi.
Tôi kính mến mong Họa sư khỏe mạnh luôn luôn để tranh đấu cho hòa bình và tự do của con người.
Khi hành lang biên giới được giải phóng, năm 1951, giới Văn nghệ kháng chiến đã tổ chức một triển lãm mỹ thuật tại Lào Cai, Tô Ngọc Vân lên tham dự và tổ chức. Ông vẽ một số ký họa về đời sống Lào Cai, Lạng Sơn và đặc biệt là những người chèo đò trên sông gần biên giới. Năm 1952 – 1953, Tô Ngọc Vân dành nhiều thời gian vẽ các vùng nông thôn Phú Thọ và Thái Nguyên, chân dung người nông dân, phong cảnh làng quê và lao động sản xuất tập thể, theo hình thức tổ đổi công. Trong đó nông thôn Minh Cầu, Thái Nguyên được họa sỹ dành cho những bức họa có chiều sâu. Có thể nói lúc này, chàng họa sỹ của phái Tự lực văn đoàn hoàn toàn biến mất, thay vì một họa sỹ nông dân thuần túy lột tả được hết dáng vẻ tính cách người nông dân Việt Nam cùng số phận của họ.
Năm 1953, cuộc Cải cách ruộng đất khốc liệt bắt đầu được tiến hành ở một số vùng nông thôn do Cách mạng quản lý. Tô Ngọc Vân đi vẽ cho Cải cách ruộng đất ở một số vùng Phú Thọ và Thái Nguyên, đặc biệt ở Ninh Dân (Phú Thọ). Có lẽ ông được phân công vẽ theo kiểu như một nhà nhiếp ảnh chụp tư liệu, vì những bản vẽ rất kỹ lưỡng, từ trong ra ngoài một căn nhà địa chủ, và vẽ bổ như đạc biểu kiến trúc. Ông cũng vẽ tất cả các buổi họp và đấu tố thường thấy trong Cải cách. Đây là bộ ký họa sinh động chân thực hiếm có, mà qua đó Tô Ngọc Vân nhìn thấy chân tướng và thân phận của người nông dân Việt Nam.
Năm 1954, theo sự phân công, Tô Ngọc Vân lên vẽ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trên đường đi, ông đã vẽ một số ký họa bộ đội và dân công, nhưng đến ngày 17/6/1954 sau một trận ném bom của Pháp, Tô Ngọc Vân hy sinh bên kia đèo Lũng Lô. Thư từ, sổ vẽ, giấy tờ của ông được những người bạn đưa về cho gia đình. Người chứng kiến cái chết của ông là ông Đào Ngọc Quang đã viết thư tường thuật lại toàn bộ sự việc cho bà Vân. Đến ngày 14/7/1954, Hội Văn nghệ Việt Nam đứng ra làm lễ truy điệu cho họa sỹ.
Khi làm xong cuốn sách này, tôi không thấy vui vẻ gì, trái lại thấy rất buồn. Một họa sỹ được coi là hàng đầu của đất nước mà hầu như toàn bộ sự nghiệp lại được một người nước ngoài sưu tập và bỏ tiền xuất bản sách. Những gì Tô Ngọc Vân làm được có thể nói không thấy ở bất kỳ văn nghệ sỹ nào – là sự phản ánh một cách chân thực, toàn diện số phận và con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, qua đó còn thấy rõ cả những bước đi sau này của tính cách nông dân đối với sự phát triển của đất nước.