Những điều độc đáo về cây đàn viola

Trong khuôn khổ Festival Ravinia1 1993, Bruce Duffie đã có cuộc phỏng vấn2 với nghệ sĩ viola hàng đầu thế giới Yuri Bashmet, người vừa là nghệ sỹ độc tấu vừa là nhạc trưởng của Moscow Soloists, về những điểm khiến cây đàn viola trở nên độc đáo và cả những câu chuyện thú vị trong sự nghiệp của ông.

Hãy cho tôi biết những đặc điểm khiến cây đàn viola trở nên độc đáo so với các nhạc cụ khác.

Câu hỏi rất thú vị. Nhưng nếu tôi biết câu trả lời thì có lẽ viola sẽ không còn gì bí ẩn nữa. Một số người cho rằng viola là thứ nhạc cụ nằm giữa violon và cello. Nhìn từ góc độ nào đó thì điều này đúng nhưng nhìn từ lịch sử thì lại sai.

Tại sao?

Bởi vì viola là nhạc cụ cổ nhất, xét về phương diện lịch sử.

Cổ hơn cả violon ư? Và cả cello nữa?

Cổ hơn cả violon lẫn cello. Đó là điểm thứ nhất, và điểm thứ hai, nó là trung tâm. Violon và cello đều quay quanh trung tâm đó.

Vậy ông là Mặt trời và tất cả đều quay xung quanh ông!

Đúng vậy. [Cười khẽ] Đó là cách tôi nghĩ về nó. Tất nhiên, bây giờ là thời Phục hưng của viola bởi nhiều nhà soạn nhạc hiện đại sáng tác cho cây đàn này. Đó là câu trả lời cụ thể hơn. Tôi không biết tại sao chưa bao giờ và ở đâu trên thế giới viola lại là nhạc cụ độc tấu. Có người cho rằng có thể là do không có ai chơi viola giỏi, nhưng tôi không nghĩ như vậy.

Luôn luôn có những nghệ sỹ viola giỏi, chỉ có điều không phải là nghệ sỹ độc tấu?

Vâng, nhưng nghệ sỹ độc tấu nghĩa là còn phải hơn cả giỏi. Điều đó có nghĩa là cùng lúc phải làm chỉ huy, biết đọc tổng phổ và có những ý tưởng lớn. Nghệ sỹ độc tấu không chỉ là người chơi tốt hơn về mặt kỹ thuật mà phải là người có một động lực mạnh mẽ vì âm nhạc.

Và một tâm hồn âm nhạc?

Vâng, nhưng làm một nghệ sỹ giỏi trong dàn nhạc thậm chí có thể còn khó hơn cả làm nghệ sỹ độc tấu, bởi vì điều đó cần sự thông minh, linh hoạt và cực kỳ chuyên nghiệp, đồng thời phải hòa hợp với người khác, những đồng nghiệp.

Chắc chắn rồi.

Điều đặc biệt đầu tiên về viola là cữ âm.

Vâng, cữ âm.

Viola chủ yếu chơi ở quãng giữa. Nếu anh chơi nốt cao, nó sẽ giống violon, nhưng căng hơn nhiều.

Ồ, sức căng của nhạc cụ.

Nếu anh chơi nốt cao trên đàn violon, âm thanh sẽ rất chói. Nhưng nếu anh chơi nốt cao trên đàn viola, âm thanh sẽ không chói mà rất sâu. Và cũng rất căng. Ở quãng giữa thì giọng [của viola] êm ái hơn nhiều so với violon, bởi vì âm điệu của violon cao hơn. Ở những nốt trầm, viola không có cữ âm rộng như cello, tất nhiên, nhưng âm thanh lại mạnh mẽ hơn cello…

Tức là âm thanh sẽ nghe thật gãy gọn?

Đúng thế. Đồng thời, điều quan trọng nhất, cũng giống như violon và cello, viola cùng lúc có thể trở nên trữ tình, kịch tính, đẹp đẽ, thậm chí còn hơn những nhạc cụ kia. Viola mang một vẻ đẹp hàm chút nguy hiểm. Vẻ đẹp của nó giống như vẻ đẹp từ ma quỷ vậy, anh biết đấy. [Suy nghĩ một lát] Giống như anh có thể nói về những điều bi thương bằng sự hài hước. Âm thanh của viola không đơn giản, kiểu như “chỗ này thì bi thương”, hay “chỗ này thì trữ tình”, v.v. Viola có thể rất sâu, như âm nhạc của Schubert. Và nó đa nghĩa. Phải vậy không?

Hẳn là vậy.  

Không chỉ bi thương, điểm mạnh nhất của viola ngày nay, tôi gọi nó là sâu sắc. “Lạnh lẽo, sâu sắc, bi thương, mạnh mẽ”. Có thể vì tất cả những lẽ đó, đối với các nhà soạn nhạc, viola là thứ nhạc cụ thú vị nhất thuộc bộ dây, bởi vì cùng lúc anh có thể có đạt tới sắc thái căng thẳng, và cái mà tôi đã gọi là “lạnh lẽo, sâu sắc, bi thương”, đồng thời đạt được cả vẻ đẹp. Bây giờ, viola đã được phục hưng, tất nhiên. Viola sẽ không bao giờ có thể phục hưng như thế này nếu không có những nghệ sỹ xuất sắc, biểu diễn các buổi độc tấu trên sân khấu. Bởi vì nếu không có nghệ sỹ, nhà soạn nhạc sẽ không bao giờ nảy ra ý tưởng viết cho viola, anh biết đấy.

Liệu điều đó có đem lại cho ông cảm giác hài lòng không, khi trở thành một trong số những nghệ sỹ viola đem thứ âm thanh đó tới người nghe và cả các nhà soạn nhạc?

Chắc chắn rồi. Có thể không được khiêm tốn lắm nhưng tôi muốn nói với anh rằng tôi cảm thấy tôi biết rất rõ việc tôi đã cống hiến được nhiều cho cây đàn viola như thế nào. [Cười khẽ] Việc ấy chẳng phải là không khó khăn, nhưng đã diễn ra, đúng lúc, đúng chỗ. Tôi như một người tiên phong ở Nga. Tôi đã biểu diễn buổi độc tấu viola đầu tiên trong lịch sử âm nhạc của đất nước này ở phòng hòa nhạc lớn của Nhạc viện Moscow. Và điều đó cũng xảy ra với tôi ở Paris, ở nhà hát La Scala ở Milano, ở Tokyo, ở Concertgebouw [Amsterdam] và nhiều nơi khác như Helsinki và Copenhagen.

Ông là nghệ sỹ viola đầu tiên thực hiện một buổi diễn độc tấu ư?

Vâng, trong lịch sử âm nhạc của những nước này. Điều đó hết sức quan trọng đối với tôi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không cảm thấy nhàm chán được ngạc nhiên trước những điều tốt đẹp [cười khẽ].

Làm thế nào mà ông có thể phân chia thời gian cho các bản concerto, các buổi độc tấu và cả công việc chỉ huy nữa?

Tôi phân chia như thế nào ư? Tôi không phân chia. Cuộc sống làm việc đó cho tôi. [Cười khẽ].

Khi chơi viola, tôi tự nhủ “Không, mình thích chơi đàn hơn nhiều công việc chỉ huy”. Khi chỉ huy, tôi cũng tự nhủ “Không, mình thích chỉ huy hơn nhiều”. Chừng nào tôi điều khiển được cảm giác này thì mọi việc đều ổn.

Vậy ông chỉ huy tốt hơn bởi vì ông là một nghệ sỹ độc tấu hàng đầu phải không?

[Suy nghĩ một lúc] Tôi không biết. Nhưng tôi có thể nói với anh rằng sau khi làm chỉ huy, cách tôi suy nghĩ về âm nhạc bắt đầu có chút thay đổi, bởi vì tôi hiểu tổng phổ tốt hơn trước. Lắng nghe tất cả các âm giọng, để hiểu tại sao và cái gì đang diễn ra, và như thế nào. Sau đó anh biểu diễn độc tấu, anh sẽ hiểu nhiều điều cốt yếu hơn về âm nhạc. Anh biết tại sao tôi bắt đầu chỉ huy không? Bởi vì không có nhiều tác phẩm viết cho viola. Chỉ vì điều đó. Tôi ý thức rõ điều đó bởi tôi đi lưu diễn nhiều. Thí dụ, lần cuối cùng tôi chơi concerto của Schnittke, và giờ là của Walton. Sau đó nếu tôi được mời lần nữa, tôi sẽ chơi, tôi không biết nữa, Bartók hoặc các bản viola concerto khác. Tôi cũng chơi concertante của Mozart, tất nhiên, và concerto của Bruch. Có 26 bản concerto dành cho tôi. Năm hoặc sáu bản trong danh sách này thật sự rất hay, nhưng vẫn không phải là concerto của Beethoven, Brahms, Tchaikovsky, Prokofiev hay Sibelius.

Đó không phải là những tác phẩm lớn quen thuộc.

Đúng rồi. Không phải là những tác phẩm lớn phổ biến. Ở châu Âu tôi đã lưu diễn 10-15 vòng ở cùng những địa điểm danh tiếng, nhưng sau đó phải làm cái gì đó khác. Tôi không thể lặp lại. Có thể lặp lại chương trình trong vòng 5 năm, nhưng tốt hơn là không. Vì thế tôi thành lập một dàn nhạc, Moscow Soloists, và sau đó tôi bắt đầu chỉ huy.

Vậy tôi đảo ngược câu hỏi. Ông biểu diễn độc tấu hay hơn bởi vì ông có kinh nghiệm trong lĩnh vực chỉ huy?

Vâng. Tôi nghĩ điều đó tốt cho cả hai. Nhưng nói một cách hoàn toàn thành thực, tôi nghĩ nếu ai đó đã chơi rất tốt một nhạc cụ thì đừng làm chỉ huy. Tốt hơn là tiếp tục chơi nhạc cụ đó, đấy là nói chung. Bởi vì chẳng hạn như, Slava Rostropovich là một huyền thoại đích thực, một huyền thoại lịch sử. Thật khó tin! Tôi biết trong mỗi tác phẩm mà ông chỉ huy, ông đều đưa vào những ý tưởng xuất sắc, những ý tưởng mới mẻ. Và ông cũng như vậy khi là nghệ sỹ cello. Nhưng khán giả nhận ra ông trước hết là một nghệ sỹ cello. Anh biết đấy, anh không thể phân thân và có cùng vị trí trên cả hai lĩnh vực. Rất hiếm người làm được điều đó. Rất hiếm.

Ông đã có nhiều bản thu âm. Ông chơi trong các phòng thu giống như chơi trong phòng hòa nhạc chứ?

[Dứt khoát] Không. Đối với tôi, thu âm [trong phòng thu] khó hơn nhiều, vì các buổi hòa nhạc đem lại cho tôi những trải nghiệm cần thiết. Không phải bởi vì ở phòng hòa nhạc tôi chơi cho khán giả mà bởi vì nhờ có khán giả, một số nguồn mạch được khơi ra và điều này không thể xuất hiện ở phòng thu. Đó là điều khác biệt. Tôi thích thu âm trực tiếp hơn.

Có những tác phẩm mới được viết cho ông. Vậy ông có góp ý cho các nhà soạn nhạc khi họ sáng tác không?

Có lúc tôi đề nghị họ, có lúc họ cứ sáng tác rồi báo cho tôi biết. Họ hy vọng tôi sẽ biểu diễn chúng và có lúc tôi nhận lời. Mới hai tháng trước, tôi biểu diễn bốn tác phẩm mới được viết cho tôi, với dàn nhạc lớn. Kể cũng hơi nhiều nhưng bởi vì một năm rồi tôi chưa biểu diễn ra mắt tác phẩm lớn nào. [Cười khẽ] Vì vậy tôi đã biểu diễn đến bốn tác phẩm trong vòng hai tháng. Hai trong số đó thật sự là ra mắt lần đầu, và hai tác phẩm còn lại được sáng tác cho nghệ sỹ khác từ trước, nhưng đây là lần đầu tôi biểu diễn chúng. Đầu tiên là nhà soạn nhạc người Nhật Takemitsu. Một tác phẩm rất đẹp tên là “A string around autumn”. Sau đó là bản concerto tuyệt diệu của Alexander Tchaikovsky [sinh ở Moscow vào năm 1946]. Đây là đơn đặt hàng của tôi. Tôi đã đề nghị ông ấy. Ông ấy cũng là người sáng tác cho tôi tác phẩm thứ hai mà tôi mới trình diễn với một dàn nhạc nhỏ cách đây 10 ngày. Và một nhà soạn nhạc người Do Thái, Mark Kopytman [sinh năm 1929]. Ông ấy sống ở Tel Aviv. Tôi đã biểu diễn tác phẩm đó ở Moscow. Nó nghiêng về chính trị nhiều hơn, nhưng cũng là một tác phẩm đẹp.

 Âm nhạc cũng mang tính chính trị ư?

Không, không phải tất cả. Anh biết đấy, tôi sống ở Nga, dưới thời Brezhnev, tôi đã chơi bản Sonata Arpeggione của Schubert; sau đó bắt đầu kỷ nguyên của Andropov, Chernenko, Gorbachev, rồi Yeltsin. Vậy điều gì thay đổi trong suy nghĩ của tôi về bản Sonata Arpeggione của Schubert? Không có gì thay đổi hết.

Không có gì thay đổi ư?

Tất nhiên là không. Nó giống như tôn giáo, như những điều thuộc về tinh thần. Tất nhiên, các nghệ sĩ, nhạc sĩ đều quan tâm khi có sự kiện lớn xảy ra. Thí dụ, họ đã tổ chức một buổi hòa nhạc tưởng niệm Thảm họa [động đất] Armenia cách đây vài năm. Tôi cũng đã biểu diễn ở London. Nó là chính trị, từ góc độ nào đó, nhưng khi các nghệ sĩ, nhạc sĩ lớn của các nước cùng chung tay thì kết quả vẫn khá tốt. Điều tương tự cũng từng xảy ra dưới thời Stalin. Thí dụ, một vài nhà soạn nhạc viết những tác phẩm được gọi là “Stalin sống mãi”, thể loại oratorium3 hoặc tương tự như thế. Sau đó, đến thời của chúng ta, cũng nhà soạn nhạc đó lại viết một tác phẩm có tiêu đề “Cho những người đã bị Stalin thanh trừng” để tưởng niệm những người này. Mà cùng một nhà soạn nhạc! Đó chính là sự bán rẻ bản thân, anh biết đấy, nhìn chung, chính trị và âm nhạc không được ở cạnh nhau.

Nếu một nghệ sĩ độc tấu violon bị đứt dây, anh ta có thể đổi đàn cho nghệ sĩ bè trưởng violon. Ông đã bao giờ bị đứt dây và phải đổi đàn cho viola chính chưa?

Ồ, chuyện đó xảy ra rồi, nhưng khó hơn bởi viola có các cỡ khác nhau. Violon thì cùng một cỡ nhưng viola thì có thể như thế này, hoặc như thế này [làm động tác diễn tả các độ dài khác nhau].

Tại sao vậy? Tại sao chúng không được chuẩn hóa?

Đó là điều bí ẩn, như tôi đã nói với anh. Nó vẫn chưa được chuẩn hóa, nó không thể chuẩn hóa được.

Chơi viola có vui không?

[Hít mạnh vào] Ý anh là có vui thích không? Tất nhiên. Cả người anh rung lên với những âm thanh khác nhau, anh biết đấy. Vui thích một cách cơ học.

Cây đàn viola là thứ gì đó không được ấn định về giới tính. Anh biết đấy, violon thuộc về tính nữ, còn contrabass tất nhiên thuộc về tính nam. Và viola, tôi nghĩ, giống như khi anh ngắm tranh của Raphael. Có nhiều bức chân dung của những công dân nổi tiếng thời kỳ đó, những cậu trai mà khuôn mặt xinh đẹp đến mức nếu nhìn vào đó, anh sẽ thấy như của thiếu nữ. Nhưng đó là những cậu trai, không phải thiếu nữ. Vẻ đẹp này ở giữa, đó chính là viola.

Vậy ông có được cái đẹp nhất của cả hai.

Đúng rồi [cười]

Cám ơn ông rất nhiều.

Thanh Nhàn lược dịch
từ http://www.bruceduffie.com/bashmet2.html



1. Bashment trả lời phỏng vấn trực tiếp bằng một thứ tiếng Anh mà tác giả cho là hơi trúc trắc, tuy nhiên, ông vẫn giữ lại sắc thái đó trong bài phỏng vấn.

2. Festival Âm nhạc ngoài trời lâu đời nhất ở Mỹ, được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm ở TP Chicago, kể từ năm 1904.

3. Oratorium là một thể loại âm nhạc cổ điển quy mô lớn viết cho dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ solo và dàn hợp xướng.

Tác giả