Vu Lan Huế, thấp thoáng trở về…

Huế tưng bừng nơi từng gốc cây cổ thụ với các buổi cúng cơm cho vong nhân khuất mặt, những buổi cúng thị thực ngoài trời cho cả thiên thần quỉ vật. Vu Lan là một ngày lễ thánh thiện nhân ái nhất trong năm với tấm lòng tự nguyện từ bi hỉ xả cho muôn loài.

Khi mưa ngâu tháng bảy bất ngờ trở về làm xao động cả bầu trời mệt mỏi đang chìm lĩm trong lòng sông Hương nơi khúc quành chùa Linh Mụ, Huế bỗng rùng mình chợt tỉnh cơn mê mùa hạ.

Mưa trút xuống bên tê Bãng Lãng Nguyệt Biều, lùa mây từ triền
núi Trường Sơn mờ mịt quyện đồi Hà Khê, theo gió chới với trên hàng
cau bên ni sông làng Xuân Hòa, sau đó không lâu, màu xanh từ đồi Thọ
Cương đến vườn Kim Long, Linh Mụ, Hương Hồ, Văn Thánh bập bềnh trong
màn nước, cả vùng không gian sông núi choáng ngợp trong màu hồ thủy.
Từ bên ni bờ sông nhìn vọng qua màn mưa về phía núi, đỉnh Kim Phụng
chập chờn lung linh như đầu một con rồng thần thoại đang dùng ảo
thuật biến những luồng khí nóng xích tử ngùn ngụt như những con rắn
lửa đang bóp nghẹt cỏ cây chết đứng thành những trận mưa rào sung mãn.
Từ bến sông mưa tạt vào mái hiên từng làn hơi nước mát mẻ như những
đợt sóng, mong manh thoáng gió hắt vào da thịt đang còn hừng hực nắng
tháng năm tháng sáu. Sự va chạm gây một nỗi sửng sốt ngưng thần, đưa
cảm xúc vào trong một bước ngoặt, nghe như có tiếng trở về của hoa lá
ngoài sân!

Mưa Ngâu thường hay kéo dài từ chiều đến quá khuya, sướt mướt
như nỗi lòng của Chức Nữ nhớ Ngưu Lang trong những mùa trăng khuyết,
ào ạt trên lá chuối lá lá vải lá giáng châu trong vườn cây, sầm sập
trên mái nhà, nhưng âm vang nước chảy lại gây một cảm giác thoa dịu lạ
lùng và giấc ngủ đầu tiên đến êm ả sau mấy tháng hè ngộp thở…

Buổi sáng sau cơn mưa, khí trời trong vắt như “vũ trụ choàng
áo mới” (1), trong suốt đến nỗi có thể nhìn rõ được từng ngọn lá của
cây nhãn cổ thụ nơi bến đò Long Thọ bên kia sông. Sự yên tĩnh trở nên
nhẹ hửng, lững lờ trôi theo giòng sông trong nắng sớm.
Chén nước trà ban mai uống đã thôi không vội vàng mà thong thả từng
ngụm từng ngụm trong hơi đất mát rượi thoảng bên hiên.
Có thể ngồi yên rồi đó! Định thần trong một giây! hết bồn chồn cánh
quạt tre phần phật! Nút áo “cổ kiềng” (2) trên cùng đã được cài cùng
một lúc với thoáng gai mình chợt lạnh, nghe chân bước không gấp trên
lối mòn ra ngõ nhìn sông hay lửng thửng quanh vườn tỉ tê thăm hoa lá.
Thế rồi, giữa nhịp bước đi và dừng lại, nơi một khoảnh khắc bất định
như không phải giờ của đồng hồ, có thể ngày hôm ấy hay hôm sau hay mai
kia, với một chút bất ngờ có thể làm nở nụ cười toại nguyện, từ dòng
sông vọng về tiếng réo rắt của một cung đàn kim cổ, âm thanh dội qua
bờ bên kia rồi quay lại trên đầu những dợn sóng lăn tăn, đuổi theo con
thuyền đang thong thả tay chèo ngược dòng Hương Giang lên điện Hòn
Chén.

Con thuyền lướt trên vùng nước bàng bạc màu xanh lục thủy trông khác
ngày thường, không còn xuôi ngược tảo tần như mọi khi, mà thong dong
như một gã tài tử lỏng buông tay khấu, với những chuổi phướng xanh đỏ
đủ màu phất phơ trước gió và cạp điều thắt lưng, lọng vàng sáng chói,
trông ngoạn mục giữa cảnh đất trời u mặc sau cơn mưa. Cũng trong không
gian mộc mạc không lời của trời mây cây cỏ trong đáy nước, âm giai nhị
hồ, nguyệt cầm, sáo trúc, kèn và trống chầu văn chỏi lên những tấu
khúc lạ lẫm như của những tay chơi ngoại cuộc hào hoa, kích động một
thớ giây thần kinh nào đó trong cơ thể, lóe sáng trong tim một ánh vui
như màu hồng sen cánh giáng của hoa đông lan đang lấp ló trong khóm lá
xanh bết bùn của trận mưa ngâu trước ngõ.
Nhịp chân của ai đó trên đường đi bỗng dừng lại nửa giây, như để đưa
đà vọt lên cao trong một vũ điệu giựt gân, cùng lúc với cái ngảnh đầu
nhìn ra sông thu nhận con thuyền trẩy hội đang chuyển động trong võng
mô.

Hình như hàng năm, nghi lễ không gian và thời gian vẫn là
những vết xe quay tròn một chu kỳ, chỉ có cơn mưa, dù đã nghìn năm cổ
độ, cũng như tiếng đàn vọng từ bách thiên vạn kiếp tuy đến đúng hẹn mà
vẫn đột ngột, bất ngờ gây cảm, đánh nhẹ trên phím đàn bỏ quên ngày
tháng, nhắc nhở lòng người rằng, từ đây cho đến khi mảnh trăng thượng
tuần mới mẻ xuất hiện cùng với sao hôm là Huế đang ở trong thượng tuần
tháng bảy, mùa Vu Lan đang đến! Mỗi năm và mấy mươi năm sau, vẫn mưa
ngoài ngõ, vẫn tiếng đàn réo rắt trên sông vào một chiều bãng lãng với
con trăng thượng tuần treo nơi đầu núi, Vu Lan Huế!

 Vu Lan Huế đã đến trong tuổi thơ của tôi như thế, trong bầu
trời tháng bảy của vùng đất Linh Mụ cùng với bóng dáng thân thiết vào
ra của bà và của mẹ trên các lối đi về.

Cùng với tiếng mưa và âm vang của đàn sáo trên sông, câu
chuyện cổ tích ban đêm không còn khúc khích với “con trâu cười con cọp
đến rụng hết cả hàm răng”, với “nắm xôi bờm cười”, với “bắt cô trói
cột” hay “trâu cột ghét trâu ăn”… Áp đầu vào ngực của bà, nghe giọng
kể chuyện trầm đều dần dà đượm vẻ huyền bí mủi lòng với hồn ma Cúc Hoa
thương con hiện về bắt chí cho con bên mộ trong truyện Phạm Công Cúc
Hoa, hay ấm áp sùng thượng cảm kích với tấm lòng chí hiếu của Mục Kiền
Liên nguyện đi cứu mẹ từ hỏa ngục. Trong cơn mộng mị, chiếc thuyền ngũ
sắc trôi bồng bềnh giữa tiếng hoà tấu ngũ âm theo với giòng mưa, đong
đưa như một chiếc võng, có thể “trôi” trên đất liền và “đi” bộ trên
sông! Vũ trụ không còn hạn hẹp mà mở ra với nhiều tầng thế giới. Nhân
gian và địa ngục chỉ cách nhau một nét chập chờn giữa ánh trăng và
bóng lá, không thế giới nào thực hơn thế giới nào…

Mấy nghìn năm thuở trước thời Đức Phật mà như mới hôm qua…Mấy
tầng thế giới như vừa xích lại gần nhau… bằng tấm lòng THƯƠNG MẸ của
Mục Kiền Liên Bồ tát, một trong những đệ tử gần gũi nhất của Đức Phật,
có thiên khiếu nhìn thấu suốt mấy cõi trời, bằng con mắt có thể vén
màn vô minh đã nhìn được mẹ đang bị trừng phạt trong chốn A tì. Mục
Kiền Liên đi tìm mẹ, một “vong nhân” vì đã sống thiếu lòng nhân ái nên
bị đày đọa trong chốn địa ngục tối tăm. Mục Kiền Liên đi vào địa ngục
cũng không khác chi một Orphée (3) của thần thoại Hy lạp đi tìm người
yêu trong cõi chết hay một nghệ sĩ ôm đàn lang thang muôn kiếp qua
nhiều cõi ngân hà để một ngày vào độ trăng rằm chay đàn cứu độ những
kẻ đọa đày trở lại làm người trên thế gian. Cũng thế, chiếc bồn tên
gọi là Vu Lan Bồn – cái chậu chứa đựng những định lực tu chứng thâm
hậu nhất của những đệ tử Đức Phật có thể giúp chuyển nghiệp ác của
một ngạ quỉ sang nghiệp lành của một con người – có mãnh lực cũng
chẳng khác chi tiếng sáo của Orphee dẫn đường cho Euride trở lại thế
gian hay tiếng trống chầu văn của nghệ nhân trên điện Hòn Chén đưa
người đồng xuất thần nhập cốt. Vạn vật hoà đồng trong một vũ trụ không
có phân ranh, “ở vào chốn không vang đi vào chón không phương… để chơi
bên miền không mối, ra vào chỗ không bờ cõi …” (Trang Tử, Nam Hoa
kinh, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hoá, 1994, chương XI, “Tại
Hựu”, tr. 260

Thế giới Vu Lan đã mở ra trong trí tưởng trẻ thơ của tôi từ
những mảnh cảm thức trực quan như thế, nhưng cũng từ đó, không cần
giải thích thêm, đứa trẻ đã sống Vu Lan, đã hiểu được qua Vu Lan chữ
HIẾU gắn liền với chữ THƯƠNG, không hạn hẹp mà rộng mở cho vô lượng
chúng sinh : “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Không cần mở trang
sách giao khoa thư vỡ lòng “tháng giêng là tháng ăn chơi…” cho đến
tháng bảy ngày rằm… Vu Lan cũng đã được cảm nhận như là một ngày lễ
hội tôn giáo trong năm rất gần gũi với con người, gần gũi như tình mẹ
thương con, con thương mẹ, như mưa ngoài sông, như trăng lên đầu ngõ,
như tiếng nhạc lạ lùng trên sóng nước. Nhưng Vu Lan cũng đồng thời là
CƠ HỘI SIÊU THOÁT của con người trên thế gian có thể vượt giới hạn của
mình trên bước đường chuyển hoá để giải phóng cho mình và cho người.
Bằng hạnh lực của chính mình con người có thể “xá tội vong nhân”, –
“xá tội” chứ không “rửa tội” – vong nhân vô lượng vì mê lầm phải ở
chốn ngục tì vô minh trở lại thành người nơi thế gian. Ý nghĩa của
ngày Vu Lan rộng lớn bao trùm cả vũ trụ nhân sinh, tưởng như sẽ không
thấu hiểu hết được đối với những trí óc còn non nớt thơ sinh hay ngu
muội, nhưng có lẽ sự diệu kỳ của bước chuyển hóa “xá tội đổi nghiệp”,
đổi nghiệp “bát cơm lửa” thành nghiệp “bát cơm lành” không nằm trên bờ
luận lý phân chia, mà ở nơi một tiếng đàn đang rơi xuống mặt nước
sông Hương, bỗng hoá nên đơn giản!

Vu Lan Huế đơn giản và hồn nhiên như con thuyền ngược giòng
Hương Giang qua chùa Linh Mụ trầm tư quán tưởng rồi bỗng ca nhạc vang
lừng xanh đỏ thẳng tay chèo đến điện Hòn Chén nhảy muá lên đồng, đến
nỗi cái nhìn của người Phật tử chân chính, của quí ôn quí thầy lắm khi
trở nên nghiêm khắc đối với hiện tượng gần như lạc hướng này.

Sau mấy tháng kiết hạ giữ giới và chiêm nghiệm quán tưởng, rằm
tháng bảy là ngày trăng tròn đầu tiên được xem là ngày giác ngộ giải
phóng cho tất cả chúng sinh từ con người giới hạnh cho đến những con
người tha hoá, từ con người đang sống trên thế gian cho đến những hồn
ma bóng quế trong chốn ngục tù tối tăm. Ngày rằm tháng bảy là ngày tự
tứ đầu tiên Phật trở lại giảng kinh và cũng là ngày Mục Kiền Liên theo
lời Phật mang “bồn Vu Lan“ đi quanh đảnh lễ những vị A La Hán xin nhờ
trợ lực cứu mẹ ra khỏi đọa đày. Với TÌNH THƯƠNG MẸ Mục Kiền Liên đã
thực hiện cơ hội giải phóng giác ngộ thành Phật mở rộng đến những cõi
âm ti, đem từ bi vàhi vọng đến những nơi vô vọng nhất của con người.
Cái chết không còn là một đe dọa sợ hãi và những vong linh có thể hoá
kiếp trở lại trên thế gian. Cho nên Vu Lan là ngày hội của chúng sinh
đồng đẳng!

Cho nên lòng người náo nức niềm vui hoá kiếp sinh linh, náo
nức như chính mình cũng đang hoá kiếp, khi nghĩ rằng những người khuất
mặt đang chờ ngày cửa ngục được mở rộng để trở lại nhân gian, nhân
gian như nơi chốn làm người đang là vị Phật sẽ thành!

Tôi đã sống những ngày náo nức như thế từ khi mảnh trăng
thượng tuần lơ lửng trên đỉnh núi Kim Phụng mỗi ngày một tròn thêm. Có
một sự chờ đợi nôn nao, như người bên ni sông chờ người bên tê sông
khi chợt nhận ra chiếc thuyền thấp thoáng trong tầm nhìn. Tôi đã thấy
sự háo hức của bà của mẹ, của các mợ, các dì, các cô, những người đã
làm mẹ nên biết thương mẹ đậm đà, nhớ mẹ từng giây, trong những ngày
từ mồng chín dến mười lăm. Họ hẹn nhau đi từng đoàn đến các chùa lạy
Phật. Huế có bao nhiêu chùa thì họ đi đến bấy nhiêu, cầu nguyện và
đảnh lễ Phật hầu như không mệt mỏi. Đối với họ – và về sau cũng đối
với tôi – mỗi lần cúi lạy là một lần gần thêm với mẹ đã xa cách nghìn
trùng, mỗi lần đem cơm cho những kẻ khốn cùng là một cơ hội chuyển
chén than thành cơm trắng ngọt ngào ở nơi cõi xa nào đó chưa hề bước
tới. Huế tưng bừng nơi từng gốc cây cổ thụ với các buổi cúng cơm cho
vong nhân khuất mặt, những buổi cúng thị thực ngoài trời cho cả thiên
thần quỉ vật. Vu Lan là một ngày lễ thánh thiện nhân ái nhất trong năm
với tấm lòng tự nguyện từ bi hỉ xả cho muôn loài.

Tôi vẫn còn nhớ nụ cười tươi rói của mợ Luân hàng năm khi kể
cho tôi nghe mợ đã đi lạy Phật nơi mấy mươi chùa, và Linh Mụ sẽ là
ngôi chùa cuối cùng dành cho ngày mười bốn mười lăm. Tiếng cười trong
sáng bỗng trầm xuống pha lẫn chút tinh ma cấm kỵ khi mợ báo tin đã
thuê thuyền vào đêm mười bốn để chị em cùng nhau lên điện Hòn Chén coi
lên đồng – mà đừng “ mét” ôn Linh Mụ (HT Đôn Hậu trụ trì chùa Linh Mụ)
không thôi sợ ôn la – sáng hôm sau sẽ về lễ Phật tại chùa Linh Mụ.

Hàng năm và hàng năm đó là hành trình Vu Lan Huế. Vu Lan Huế
bắt đầu bằng một nẻo đường tâm cãm huyền bí, bằng con thuyền ngược bến
Linh Mụ lên điện Hòn Chén để sống những buổi lễ hoá thân như một hình
thức thoát xác, chuyển hoá bằng những phút xuất thần, bằng tiếng nhạc
om thòm ma quái giựt gân, một nghi lễ “chuyển bờ” từ địa ngục lên đến
nhân gian, từ nhân gian lên đến cõi trời. Trong tuổi thơ, chiếc thuyền
với cung đàn réo rắt đã trở nên một linh cảm về những thế giới ngoài
tầm giới hạn của ba chiều không gian…

Mấy mươi năm sau trở lại Huế, đã là một Phật tử thuần thành
học Phật nhiều năm, tình cờ vào dịp Vu Lan, cùng với con tôi lại ngược
dòng Hương Giang – lần này trốn ôn Từ Đàm – chúng tôi đi thuyền lên
điện Hòn Chén để xem lễ rước Cha rước Mẹ như mọi năm. Ấn tượng của các
buổi lên đồng không còn huyền bí mê hoặc như trong thời thơ ấu, có một
lúc tôi đã nghĩ điện Hòn Chén không thuộc vào ngày lễ Vu Lan đầy ý
nghĩa nhân bản và giác ngộ, nếu không có cơn mưa chợt đến trong đêm.
Tiếng mưa trên sông và sóng vỗ mạn thuyền nơi bến Hòn Chén hoang vu
gây một âm vang kỳ diệu như tiếng chân của những người trở lại cõi
trần. Từ thuyền nhìn ra thấy sông nước mênh mông một màu đen huyền
hoặc, những bong bóng nhảy múa sáng lấp lánh của muôn nghìn giọt mưa
vỡ ra trên sông, bỗng hiển hiện trong tâm lời kinh “tất cả pháp hữu
vi, như mộng huyễn bào ảnh, như sương như điển chớp”. Sáng sớm hôm
sau thuyền về bến Linh Mụ khi trăng khuya chưa tàn và hồi chuông công
phu buổi sáng vừa điểm. Không khí như ở nơi Niết Bàn sau những ngày
quanh co trên những nẻo đường từ những cõi mộng huyển bào ảnh – với
những ngụm trà ướp sói thong thả từng ngụm từng ngụm ấm và thơm, không
một lời…

 Trở về nhà tôi đọc cho con nghe lời của Phật trong buổi giảng
cho Mục Kiền Liên :

 “Này các tỳ kheo, thượng đế cư ngụ trong những gia đình nào có
con cái kính yêu cha mẹ. Nhhững hiền triết bậc nhất cư ngụ ở trong
những gia đình nào có con cái kính yêu cha mẹ. Những thần linh bậc
nhất cư ngụ nơi những gia đình có con cái kính yêu cha mẹ. Những người
đáng tôn thờ cư ngụ trong những gia đình có con cái kính thương cha
mẹ.

Này các tỳ kheo, “thượng đế” là danh xưng của mẹ và cha; này các tỳ
kheo, những vị “hiền phụ bậc nhất”, đó là danh xưng của mẹ và cha,
những “vị thánh bậc nhất”, đó là danh xưng của cha và mẹ; những
“người đáng cầu khẩn tôn thờ”, đó là danh xưng của cha và mẹ. Nhưng vì
lý do gì ? Bởi vì, này các tỳ kheo, bởi vì cha mẹ đã làm rất nhiều
cho các con. Cha mẹ là người sinh thành, là người dưỡng dục nuôi nấng,
là người hướng dẫn con cái vào đời.

Kệ rằng :

Thượng đế là mẹ cha
Thầy đời là mẹ cha
Mẹ cha nên thờ kính
Mẹ cha thương muôn loài
Hiền giả kính cha mẹ
Dâng cúng nước và cơm
Áo mặc và giường nằm
Tắm rửa và xoa bóp
Săn sóc đến tay chân
Kẻ nào dưỡng mẹ cha
Ở đây được ngợi ca
Của những kẻ hiền giả
Ở đó được hưởng phúc
Của trời dành ban cho.

(Kinh Anguttara-Nikaya, quyển IV, trang 70, bản dịch từ tiếng Phạn
của Nyanatiloka, dịch từ bản Đức ngữ)

Tôi đã cùng đọc kinh với con trong khu vườn Linh Mụ, khi ngoài sông
thấp thoáng con thuyền tài tử chở chiếc đàn Orphée xuôi giòng Thuận
An…

(1) Lấy ý từ bài thơ của Hòa Thượng Mãn Giác:

Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình
Sáng nay thức dậy choàng thay áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh

(2) Cổ kiềng: cổ áo của một loại áo ngắn như kiểu áo bà ba trong Nam,
cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, người Huế gọi là
áo cổ kiềng

(3) Orphée hay Orpheus : nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là một nghệ
sĩ có giọng ca và đàn ly cầm rất hay, con của nàng thơ Kalliope va
Apoll, Orphée có thể dùng tiếng đàn và lời ca mê hoặc ngay cả những
con thú hoang dại cũng như sỏi đá và cây cỏ. Nhờ giọng ca, Ophée
thuyết phục được những vị thần ở dưới điạ ngục cho phép Eurydike người
vợ thân yêu đã chết trở lại cõi trần với chàng. Trên đường đưa vợ từ
địa ngục trở về, khổ thay chàng đã quên lời dặn của các vị thần không
được quay sang nhìn Eurydike, không nhịn được lòng nhớ mong chàng quay
sang nhìn nàng và Eurydike phải quay về địa ngục.

 

 

Tác giả