Giáo sư Đào Tiến Khoa: Nghề không phụ người đam mê
Dù tự nhận pha chút hài hước về chuyện theo “nghề” vật lý hạt nhân là do “chẳng biết làm công việc nào khác” nhưng chính sự kiên trì và niềm đam mê với nghề đã đem lại cho GS Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân, Viện NLNTVN) một chỗ đứng riêng biệt và một uy tín khoa học mà không phải nhà nghiên cứu Việt Nam nào cũng có được.
Nhìn từ bên ngoài, ai cũng có thể cho rằng chuyện tận lực và kiên trì bám nghề của mỗi người là lẽ đương nhiên, không phải bàn cãi. Thế nhưng trong bối cảnh còn tồn tại những đánh giá sai lệch về nghiên cứu khoa học nói chung, cùng những thăng trầm trong những năm qua của khoa học hạt nhân nước nhà nói riêng, việc tận tụy với sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học hạt nhân Việt Nam có một sắc thái khác biệt. Trong một buổi lên lớp giảng về “Thống kê toán học, tư duy nhận diện và xử lý số liệu thực nghiệm” vào tháng 12/2017, GS Phạm Duy Hiển – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NLNTVN) đã giải đáp câu hỏi “thế nào là một nhà khoa học thực thụ và đàng hoàng?” của các bạn trẻ: “Một nhà khoa học thực thụ và đàng hoàng cần có được hai điều cơ bản: thứ nhất, cống hiến tất cả thời gian cho khoa học bởi nếu anh không bỏ được 80% thời gian có ích vào nghiên cứu khoa học thì xin lỗi đừng nên làm khoa học nữa; thứ hai, đam mê tìm cái đẹp trong nghiên cứu khoa học vì anh có thể dành hết thời gian nhưng không đam mê và không nhìn thấy trong khoa học cái đẹp mà anh cần đam mê tìm thấy thì cũng không làm được khoa học”.
Lời chia sẻ có phần “khắc nghiệt” của GS Phạm Duy Hiển với các bạn trẻ ngành hạt nhân dường như cũng đúng với quan điểm của GS Đào Tiến Khoa, người gần 40 năm chỉ cặm cụi công việc nghiên cứu vật lý hạt nhân với hơn 100 công trình khoa học về phản ứng và cấu trúc hạt nhân được xuất bản trên các tạp chí quốc tế hàng đầu về vật lý hạt nhân. Cũng như đồng nghiệp đàn anh của mình, GS Đào Tiến Khoa luôn động viên, hướng thế hệ trẻ vào công việc nghiên cứu. Trong phiên họp của Hội đồng Khoa học Viện NLNTVN cuối tháng 12/2019, GS Khoa đã chia sẻ: “Một nhà khoa học trẻ phải cố giữ GDP của mình ở mức cao nhất có thể (G là giỏi, D là đam mê và P là phấn đấu không ngừng) thì mới thực sự trưởng thành được”.
Bất biến và vạn biến
Câu nói đó cũng là điều nằm lòng của GS Đào Tiến Khoa. Sau nhiều năm làm nghiên cứu ở nước ngoài, năm 1998, ông đã trở về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu cơ bản và Tính toán (nay là Trung tâm Vật lý hạt nhân (VLHN), Viện KH&KT hạt nhân, Viện NLNTVN). Dù đã quen làm việc trong các cơ sở khoa học hiện đại, ông vẫn làm quen khá nhanh trở lại với điều kiện khó khăn, kinh phí thiếu hụt trong nước. Trong bối cảnh đó, những nhà nghiên cứu như GS Trần Hữu Phát, Viện trưởng Viện NLNTVN thời kỳ đó, đã luôn động viên ông gây dựng được một nhóm nghiên cứu vật lý hạt nhân tại Viện và chỉ đạo tăng mức trần kinh phí cho đề tài khoa học cấp cơ sở cho hướng nghiên cứu đó lên mức 20 triệu đồng. GS Khoa cho rằng “được tài trợ thế là cao vì trong những năm 1990, các đề tài thường chỉ được kinh phí 5 – 10 triệu đồng. Việc có được hỗ trợ như thế có thể giúp mình duy trì được mạch nghiên cứu, không bị những khó khăn nhất thời ảnh hưởng”.
Trung tâm Vật lý hạt nhân nơi ông làm việc có lẽ là một đơn vị điển hình về khó khăn của ngành hạt nhân: mặc dù có nhiều đóng góp với các đề tài cấp bộ, cấp quốc gia đạt kết quả tốt cùng sản phẩm là các công trình đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín nhưng vẫn luôn ở tình trạng thiếu hụt nhân sự. “Đã nhiều năm nay tôi làm ở đây, nhiều bạn trẻ đã đến rồi lại đi, phần vì không có biên chế để giữ các em lại, phần vì có người chuyển hướng không làm khoa học nữa nên số người hiện tại cũng chỉ có 5 – 6 người”, ông nói. Câu chuyện thiếu hụt nhân lực kéo dài trong nhiều năm và không dễ giải quyết đã ảnh hưởng nhiều đến những dự định của GS Đào Tiến Khoa, người luôn mong muốn xây dựng một nhóm nghiên cứu thực sự về vật lý hạt nhân, gồm cả lý thuyết và thực nghiệm, “muốn là một chuyện nhưng thực tế cũng chỉ có mấy thầy trò loay hoay làm việc với nhau”. Do đã có nhiều năm trực tiếp làm việc với các nhà thực nghiệm trong một trung tâm gia tốc lớn ở châu Âu, ông biết rằng muốn giải quyết được những vấn đề nghiên cứu đủ sâu và hay cần phải có đủ nhân lực cần thiết, “có hướng nghiên cứu rất hay liên quan tới năng lượng đối xứng hạt nhân, cho thông tin về phương trình trạng thái chất hạt nhân bất đối xứng trong lõi sao neutron, hiểu được neutron và proton liên kết với nhau như thế nào trong môi trường chất hạt nhân mật độ và nhiệt độ cao… Đây là chủ đề thời sự và hay, tôi rất muốn làm nghiên cứu cùng 1, 2 bạn trẻ giỏi nhưng hiện nay không có ai cả”.
Giữa cảnh “thiếu trước, hụt sau” vì cơ chế đầu tư như vậy, ông vẫn kiên trì, “đôi lúc chỉ một thầy một trò”, tận dụng mọi nguồn lực để làm khoa học. Vào thời điểm Quỹ NAFOSTED chưa ra đời và quan điểm lấy công bố quốc tế làm tiêu chuẩn đánh giá nghiên cứu vẫn còn chưa phổ biến, ông đã nỗ lực có được những kết quả nghiên cứu tốt nhất có thể và có nhiều công bố quốc tế từ những đề tài của Hội đồng Khoa học tự nhiên quốc gia trong chương trình đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản do Bộ KH&CN quản lý. Đây cũng là cơ sở để ở giai đoạn sau, với sự tài trợ của Quỹ NAFOSTED và Viện NLNTVN, nhóm nghiên cứu của ông tập trung nghiên cứu các phản ứng va chạm ion nặng, đặc biệt là phản ứng với chùm thứ cấp của các đồng vị hạt nhân không bền (với thời gian sống rất ngắn) để tìm hiểu về cấu trúc các hạt nhân này, cũng như nghiên cứu sự hình thành của chúng qua các chuỗi phàn ứng hạt nhân đã và đang xảy ra trong quá trình tiến hóa vũ trụ. “Hướng nghiên cứu này đã mang lại cho Viện NLNTVN những công trình đăng tải trên những tạp chí vật lý hạt nhân quốc tế uy tín cao cũng như thu hút được một số sinh viên giỏi đến tham gia nghiên cứu và làm luận án tốt nghiệp”, ông đã viết như vậy trong một báo cáo về kết quả đề tài.
Với nỗ lực như vậy, trong hơn 20 năm làm nghiên cứu, trung bình mỗi năm GS Khoa cùng đồng nghiệp của mình có 2-3 công trình, tuy không nhiều về số lượng nhưng đều được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu của vật lý hạt nhân như Physics Review C, Physics Letters B, Journal of Physics G… Theo thống kê Google Scholar, các công trình của ông có hơn 4.000 trích dẫn quốc tế và chỉ số h-index là 33. PGS. TS Phùng Văn Đồng (trường Đại học Phenikaa), người có hướng nghiên cứu khá gần với ông, đã nhận xét ngắn gọn: “Với các công bố chất lượng, những chỉ số thống kê về trích dẫn và chỉ số ảnh hưởng, GS Đào Tiến Khoa thực sự là một trong những nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam”.
Sau nhiều năm nghiên cứu, giáo sư Đào Tiến Khoa đã có được uy tín quốc tế trong cộng đồng vật lý hạt nhân quốc tế và nhiều năm ông là đại diện chính thức của Việt Nam tại hội Vật lý hạt nhân châu Á – Thái Bình Dương (ANPha). “Hiếm nhà khoa học hạt nhân Việt Nam nào có uy tín như ông, có thể tự đứng ra tổ chức một hội nghị quốc tế lớn (hội thảo quốc tế ISPUN chuyên về vật lý các hạt nhân phóng xạ không bền, tổ chức định kỳ ba năm một lần) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các ‘big name’ (tên tuổi lớn) theo đúng nghĩa”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, đánh giá.
Đào tạo những người đam mê nghiên cứu
Giáo sư Đào Tiến Khoa và các đồng nghiệp trẻ trong nhóm VATLY do giáo sư Pierre Darriulat vào thời điểm nhóm VATLY còn tham gia nghiên cứu ở Viện KH&KT hạt nhân.
Mặc dù năm nào cũng được xếp trong danh sách các công trình công bố quốc tế xuất sắc của Viện NLNTVN nhưng GS Đào Tiến Khoa chỉ cho rằng “công bố của tôi không nhiều, cứ đà đà thế thôi”. Ông cảm thấy tự hào hơn khi nhắc đến các học trò của mình, những người thực sự đã bắt đầu đam mê nghiên cứu vật lý hạt nhân và có ý định gắn bó cả cuộc đời với nó như Đỗ Công Cương, Lê Xuân Chung, Nguyễn Hoàng Phúc (Viện KH&KT hạt nhân), Ngô Hải Tân (ĐH Phenikaa), Bùi Minh Lộc (ĐHSP TPHCM), Lê Hoàng Chiến, Nguyễn Trí Toàn Phúc (ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM)… “Tìm học trò khó lắm, thầy lúc nào cũng phải đi tìm trò nhưng lấy đâu ra, tìm có dễ đâu, làm khoa học đâu có ra nhiều tiền như nhiều nghề nghiệp khác”, ông kể về cái khó của người thầy.
Ở một chừng mực nào đó, nhờ sự “sàng lọc” có phần khắc nghiệt nên ai còn trụ lại ở Trung tâm Vật lý hạt nhân với thầy Khoa đều là những người tâm huyết và nỗ lực. “Ví dụ Lê Xuân Chung là người luôn phấn đấu, từ lúc theo tôi làm thạc sĩ đến nay cũng mất một khoảng thời gian khoảng 5 đến 7 năm. Giờ đây bạn ấy bước đầu gặt hái được thành quả, có thể tham gia vào những chương trình nghiên cứu quốc tế lớn với các thí nghiệm vật lý hạt nhân hiện đại”, GS Đào Tiến Khoa cho biết.
Với mong muốn đào tạo được những nhà nghiên cứu giỏi cho ngành hạt nhân, ông luôn tận dụng những mối quen biết, những bạn bè đồng nghiệp thân ở nước ngoài để gửi học trò tới các trung tâm quốc tế lớn để học tập và tham gia nghiên cứu. Theo cách đó, TS. Lê Xuân Chung và một số học trò khác của ông đã có điều kiện theo học những người thầy nước ngoài, quan sát và thực hiện các nhiệm vụ, có thể ban đầu còn “thô sơ” nhưng sau được nâng dần độ khó. “giáo sư bạn tôi ở Viện GSI Darmstadt (CHLB Đức) rất hiểu khả năng của người tôi gửi sang, lúc đầu giao những việc đơn giản, rồi cứ dần dần nâng cao trình độ để mình có thể theo kịp. Mọi kiến thức khoa học cứ tích lũy dần dần như thế, làm khoa học là việc lâu dài, không thể vội được”, ông nói.
Không phải học trò nào của GS Đào Tiến Khoa gửi ra nước ngoài cũng thành công ngay, nhưng ai biết “gạt bỏ mặc cảm tự ti, lăn vào học hỏi” thì đều có thể trưởng thành. “Vật lý hạt nhân hiện đại đòi hỏi việc thực hiện các thí nghiệm hết sức phức tạp tại các trung tâm gia tốc quốc tế lớn để nghiên cứu cấu trúc những hạt nhân đồng vị phóng xạ với thời gian sống rất ngắn. Chỉ qua việc cùng làm thí nghiệm với họ, các em được tiếp cận tới những ý tưởng mới, những yếu tố mà có thể gợi ý về những thí nghiệm vật lý hạt nhân tương lai”, ông chia sẻ điều mà bản thân ông chờ đợi từ các học trò của mình.
Với cách làm như vậy, một vài người trong nhóm của ông đã được hướng vào mảng thực nghiệm, cơ sở để ông đạt ước mơ xây dựng được một nhóm có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực nghiệm: sau quãng thời gian TS Lê Xuân Chung và ThS Bùi Duy Linh tham gia SEASTAR, một dự án hợp tác nghiên cứu VLHN quốc tế do Viện nghiên cứu Hóa Lý RIKEN (Nhật Bản) và Viện nghiên cứu các định luật cơ bản của vũ trụ IRFU (Pháp) khởi xướng với sự tham gia của gần 100 nhà nghiên cứu, điều quan trọng mà GS Đào Tiến Khoa cho rằng học trò của mình đã thu nhận được là “lần đầu tiên thực sự tham gia một cách bình đẳng trong nghiên cứu VLHN thực nghiệm quốc tế. Các bạn đã có thể hiểu được công việc mình làm, góp phần thực sự vào những công trình đăng tải trên tạp chí lớn, ví dụ năm 2019, Chung là đồng tác giả của một bài báo của SEASTAR trên Nature”. Theo giải thích của ông, bình đẳng ở đây là “mình có thể tham gia vào tất cả các công việc trong nghiên cứu, từ các công việc ghi đo, thu thập số liệu… đến phân tích số liệu thực nghiệm”. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu trẻ đã tham gia thực sự vào các chương trình trước, trong và sau thí nghiệm với những việc như “xây dựng thuật toán theo dõi quỹ đạo của hạt tương tác, xác định điểm tương tác ‘nhúng’ trong chương trình phân tích chính hay phân tích các thông tin vật lý từ số liệu đo đạc, đưa ra những giải thích cho các kết quả thu được”, theo TS Lê Xuân Chung.
Không chỉ “tự mình khen học trò mình” mà nhiều nhà nghiên cứu bên ngoài cũng nhận xét về học trò của GS Đào Tiến Khoa, “đều là những người có xuất phát điểm rất tốt và sau này đều có thể làm việc độc lập, ngay cả người mới bảo vệ luận án tiến sĩ như Ngô Hải Tân cũng cho thấy tiềm năng đó trong tương lai”, như nhận xét của PGS. TS Phùng Văn Đồng.
***
Nhìn lại con đường nghiên cứu của mình, có nhiều điều vẫn còn khiến GS Đào Tiến Khoa cảm thấy tiếc nuối, nhiều dự định khó có thể triển khai, ít ra là tương lai gần. Bây giờ, ông xác định cho mình tập trung vào những việc có thể thực hiện được, đó là “làm nghiên cứu vật lý hạt nhân trên cơ sở những mô hình vật lý gọn nhẹ nhưng lại chứa đựng nhiều thông tin vi mô về cấu trúc hạt nhân hơn, như việc tính toán vi mô thế tương tác hạt nhân – hạt nhân để dùng trong mô tả các phản ứng hạt nhân trực tiếp với ion nặng. Trước đây mình cũng từng làm nhiều về hướng này, nay quay trở lại với những ý tưởng hay và mới với việc cập nhật các thành tựu của vật lý hạt nhân hiện đại…”.