Nhà máy điện hạt nhân nổi bắt đầu nối lưới điện

Vào ngày 19/12/2019, nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov đã bắt đầu nối lưới điện để cung cấp điện năng cho Chaun-Bilibino hẻo lánh ở Pevek, thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Như vậy sau nhà máy điện hạt nhân Obsnink nối lưới điện đầu tiên trên thế giới vào năm 1954, ROSATOM lại tiên phong trong việc phát triển và xây dựng một hình mẫu nhà máy điện mới.

Trước khi Akademik Lomonosov nối lưới điện, Rostekhnadzor – cơ quan an toàn hạt nhân Nga, đã cấp phép giấy phép điều hành cho nhà máy cũng như công ty điện lực Chukotenergo JSC cho phép hòa lưới. Nhiệm vụ cung cấp nhiệt cho mạng lưới của Pevek sẽ được bắt đầu vào năm tới.

Akademik Lomonosov là một dự án thử nghiệm và là một “mẫu thử vận hành” cho những nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai của Nga dựa trên công nghệ lò phản ứng công suất nhỏ (SMRs). Những lò phản ứng này sẽ sẵn sàng phục vụ những khu vực khó kết nối lưới điện như vùng Cực Bắc hay Viễn Đông của Nga, cũng như xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài.

Trong thông cáo báo chí của ROSATOM, ông Alexey Likhachov, tổng giám đốc tập đoàn cho rằng Akademik Lomonosov là nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ SMR để phát điện. “Đây là cột mốc lịch sử cho cả ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân thế giới và Nga. Đây là bước lớn trong việc thiết lập Pevek như một thủ đô năng lượng mới của vùng này,” ông chia sẻ.

Dự kiến, ROSATOM muốn xây dựng ít nhất 7 nhà máy điện hạt nhân nổi như Akademik Lomonosov. Hiện nay họ đang thiết kế và chế tạo các thùng lò của nhà máy điện hạt nhân nổi thế hệ thứ hai với mục tiêu để chúng nhỏ hơn và chắc chắn hơn. 

Nhiều nhà phân tích về điện hạt nhân đã dẫn lại các công bố của Nga về chủ đề này cho rằng, các lò phản ứng mới sẽ có thể là lò nước áp lực RITM-200M do OKBM Afrikantov, một công ty con chuyên về kỹ thuật hạt nhân của ROSATOM thiết kế với vòng đời 400 năm và công suất 100MW. Theo Financial Times, ROSATOM muốn xuất khẩu công nghệ này sang Mỹ Latin, châu Phi và châu Á, những nơi rất cần công nghệ để cung cấp điện năng cho các vùng hẻo lánh, xa trung tâm. Hiện ROSATOM là nơi nắm giữ nhiều know-how hạt nhân của Nga và tiến tới xây dựng nhiều giải pháp để thay thế nguyên liệu hóa thạch, không chỉ cho Nga mà còn khắp thế giới.

Akademik Lomonosov vào thời điểm bắt đầu khởi hành.

Tổng giám đốc Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA) Agneta Rising đánh giá “Thật thú vị khi chứng kiến nhà máy điện hạt nhân mang nhiều nét đổi mới sáng tạo này bắt đầu vận hành trong chính thời điểm lạnh giá của mùa đông. Nó sẽ cung cấp nhiều năng lượng sạch và nhiệt cho cộng đồng sống ở vùng Bắc cực băng giá”. Bên cạnh đó, bà còn nhấn mạnh: “Hiện có khoảng 50 công nghệ hạt nhân tiên tiến đang được phát triển với nhiều nỗ lực của nhiều quốc gia. Họ đang theo đuổi những thiết kế mới và chờ đón nhiều công nghệ hạt nhân cho những ứng dụng mới và thú vị. Từ lò phản ứng SMR đầu tiên của thế giới này, chúng ta sẽ tiếp tục chào đón nhiều loại như vậy nữa. Các lò phản ứng nhỏ có thể phù hợp với việc cung cấp điện năng cho các vùng sâu vùng xa cũng như phục vụ các trung tâm công nghiệp. Chúng ta đang đứng trước sự khởi đầu của một kỷ nguyên công nghệ hạt nhân mới.”

Kirsty Gogan, người phụ trách Energy for Humanity, một NGO có trụ sở tại London, nói: “Với những vùng khó kết nối, thật khó để ủng hộ và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong khi không muốn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Vì vậy các lò phản ứng công suất nhỏ, trong đó có nhà máy điện hạt nhân nổi, là đáp án duy nhất. Akademik Lomonosov là bước đầu tiên hướng đến tiềm năng giảm phát thải carbon ở vùng cực bắc và hơn thế nữa”.

Một khi bắt đầu vận hành phát điện thương mại, Akademik Lomonosov sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân thứ 11 của Nga. Nó cũng ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử đất nước này, hai nhà máy điện hạt nhân Akademik Lomonosov FNPP và Bilibino NPP được vận hành tại cùng một vùng.

Mang tên nhà bác học Nga thế kỷ 18, nhà máy này có hai lò phản ứng KLT-40C, mỗi chiếc có công suất 35 MW, tương tự công nghệ sử dụng trên các con tàu phá băng. Nó được đặt trên một con thuyền dài 144 mét và rộng 30 mét, có trọng lượng nước rẽ 21.000 tấn.

Các nhà máy điện hạt nhân có lò SMR (với đặc điểm các lò phản ứng công suất thấp hơn 300 MW), nhà máy điện hạt nhân trên bờ và nổi, được thiết kế để có khả năng cung cấp điện năng cho các vùng đặc biệt, theo thông cáo báo chí của ROSATOM. Các lò phản ứng này có thể vận hành liên tục và chỉ thay đảo nhiên liệu trong vòng ba đến năm năm, do đó sẽ giảm chi phí điện năng.

Các cư dân Pevek ghi dấu ngày biểu tượng này bằng việc thắp sáng cây thông Noel  của thành phố.

Thanh Phương tổng hợp

Nguồn: https://www.forbes.com/sites/kenrapoza/2019/12/19/russia-first-floating-nuclear-power-plant-turns-on-set-to-replace-coal/#2cdd4ae61e3d

              http://world-nuclear-news.org/Articles/Russia-connects-floating-plant-to-grid

 

Tác giả