Sự chuyển giao từ Nho học sang Tây học

Từ khi bỏ khoa cử trên toàn cõi Việt Nam (1919) đến nay tròn 100 năm. Khoảng cách này đủ độ lùi để chúng ta nhìn nhận lại những điểm được và không/chưa được của giáo dục Nho học và giáo dục Tây học. Qua đó làm cơ sở để đánh giá được nền giáo dục Việt Nam hiện nay.


Một lớp học chữ Nho vào khoảng năm 1895 ở Việt Nam.

1. Trong xã hội Việt Nam cổ truyền, triều đại Lê Thánh Tông đánh dấu sự thay đổi hệ hình: từ văn hóa Phật giáo chuyển sang văn hóa Nho giáo. Và trong suốt sự tồn tại của nó, Nho giáo không ít lần rơi vào khủng hoảng, đặc biệt là giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn, khi tầng lớp quan binh nắm quyền, thương nghiệp phát triển và thị dân hình thành. Đạo lý suy đồi, thi cử gian lận, mua quan bán tước. Tuy vậy, nhà nho dù có rơi vào hoàn cảnh bi đát đến thế nào, thì họ vẫn có hy vọng. Họ tin vào vận động tuần hoàn của xã hội, của vũ trụ: bĩ cực thái lai, “hết mưa là nắng hửng lên thôi.” Hơn nữa, lịch sử Trung Quốc thịnh suy suy thịnh mà họ học làm lòng đã cho họ những minh chứng như vậy. Đây chẳng qua chỉ là sự khủng hoảng nội hệ hình. Nhưng cuối thế kỷ XIX đầu XX, khi xuất hiện văn hóa phương Tây, với vai trò ngày càng trở thành chủ đạo, thì Nho giáo rơi vào một khủng hoảng khác, khủng hoảng thay đổi hệ hình. Từ hệ hình Nho học chuyển sang hệ hình Tây học, rộng ra từ văn hóa cổ truyền sang văn hóa hiện đại. Các nhà nho lúc này đứng trước một lựa chọn: thay đổi hay là chết, dĩ nhiên chết cái tư cách một nhà nho. Những người chống Tây, biết đâu từ trong vô thức, lại chẳng là chống Tây học. Có thể thấy tâm trạng này của họ qua thơ Tú Xương, một nhà nho bình dân sống ở thành phố Nam Định, nơi hằng ngày chạm mặt với văn hóa phương Tây.

2. Trong một nền văn hóa Nho giáo thì giáo dục là yếu tố hàng đầu, nhất là khi Nho giáo trở thành quốc giáo, chiếm ngôi độc tôn, thì giáo dục là toàn – nho. Nho giáo đào tạo ra con người chức năng, nho sĩ, mà bộ phận ưu tú nhất của nó trở thành tầng lớp quan lại điều hành đất nước. Cơ chế để tuyển chọn nho sĩ thư lại này là thi cử. Có thể nói khoa cử là vũ môn để cho những con cá hóa rồng. Hôm qua còn là anh đồ hôm nay đã trở thành ông quan. Hôm qua còn bị chê là “dài lưng tốn vải” hôm nay đã được cả làng cả tổng đón rước, “võng anh đi trước võng nàng theo sau.” Biết bao người nhờ khoa cử mà đổi thay thân phận xã hội. Bởi thế lâu dần hình thành lối học khoa cử, tức học để đi thi, thi đỗ để làm quan. Với một mục đích rõ ràng như vậy nên người ta chỉ dạy/học những tri thức làm quan, bởi Nho giáo, xét cho cùng, là một học thuyết cai trị. Các kinh điển tứ thư ngũ kinh, hoặc các ngoại điển như các sách lịch sử Trung Quốc đều cấp đủ các bài học ứng xử trong mọi tình huống miễn là nhập tâm. Bởi vậy, cái được coi là khả năng của nho sinh là có trí nhớ tốt để học thuộc lòng. Đồng thời, lối học từ chương cũng quan trọng không kém vì một ông quan cần phải được người dân nể phục văn tài, phải viết được những bài văn hay làm cảm động quỷ thần hoặc thuyết phục lòng người. Tuy nhiên, bể học mênh mang làm sao mà học hết, thuộc hết, nên người ta chỉ học các sách tóm lược, hoặc các loại sách “bộ đề” như “Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi.” Các nhà sư phạm đều là những bậc đại nho, dạn dày trường ốc, lăn lộn quan trường, sau khi tiến vi quan thì lui về đạt vi sư đã dày công tạo nên những bộ sách giáo khoa ấy. Và, với lối học thực dụng thì sách giáo khoa là quyết định. Các nhà nho xưa nổi tiếng hiếu học, nào là mang đèn xuống hầm để học, không có đèn thì bắt đom đóm để học, nhưng họ có thể hiếu học, nhưng chưa chắc đã hiếu tri, vì tri thức đóng gói dễ trở thành gánh nặng. Tuy nhiên, bất cứ một hệ thống nào cũng có ngoại lệ. Đó là những nhà nho vượt khỏi được cái lồng chật hẹp để tiếp xúc với các tư tưởng khác như Phật giáo, đạo gia, văn hóa dân gian và tư tưởng thịdân để có tư duy khác.

3. Khi thực dân Pháp chiếm trọn cả nước, thì đầu tiên nó vẫn giữ chế độ khoa cử, hy vọng Nho giáo sẽ làm cho xã hội ổn định. Nhưng sau hai đợt khai thác thuộc địa cuối thế kỷ XIX và đầu XX, Pháp cần người Việt làm thông ngôn, ký lục, thông phán trong các cơ quan, xí nghiệp, nên mở trường Pháp – Việt để đào tạo. Đầu tiên chỉ có tiểu học, sau thành chung, tú tài rồi cao đẳng. Đồng thời con cái quan lại có công với Pháp, những học sinh xuất sắc được cấp học bổng đi Pháp học. Cũng không ít những nhà giàu bỏ tiền cho con đi du học. Như vậy, chế độ khoa cử dần trở thành một khúc ruột thừa, nên Pháp cắt bỏ. Tuy nhiên, để thanh niên khỏi hẫng hụt tâm lý, xã hội khỏi rối loạn, Pháp tạo dựng một số hình thức trung gian, như cho các ấm sinh học thêm tiếng Pháp và các tri thức hiện đại khác ở trường Hậu bổ, hoặc cho sang Pháp học tại Trường Thuộc địa. 
Hệ thống trường Pháp – Việt chủ yếu dạy/học bằng tiếng Pháp, một phần vì ý đồ đồng hóa, phần khác vì tiếng Việt chưa đủ từ ngữ và khả năng diễn đạt những tri thức mới. Chương trình học thì mô phỏng các trường bên chính quốc. Ở các lớp trên thì có người Pháp trực tiếp giảng dạy. Các học sinh Việt Nam được tiếp cận và tiếp thu các tri thức hiện đại và qua đó là thế giới hiện đại. Từ đó dần dần hình thành tầng lớp trí thức Tây học thay thế lớp trí thức Nho học. Trong đó đặc biệt phải kể đến những thanh niên đang học thành chung vào những năm 1925, 1926, họ vừa đông đảo về số lượng, đủ giỏi tiếng Pháp để vượt qua cái ngưỡng văn hóa thực dân, văn hóa chính quốc, đồng thời được bồi đắp tinh thần yêu nước qua phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu và đám tang Phan Châu Trinh. Họ là tầng lớp trí thức Tây học bản địa. Sau này, khi học xong, một số làm công chức trong bộ máy chính quyền, số khác làm nghề tự do, tạo thành tầng lớp trí thức độc lập, trí thức không phải là quan/viên chức. Họ chính là chủ/khách thể của văn hóa đô thị hiện đại của/ở Việt Nam.


Học sinh tiểu học ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu

Tại sao một lớp trí thức Tây học của một của xã hội thuộc địa lại có thể làm được nhiều việc như vậy? Tôi nghĩ, trước hết, so với các nhà nho, họ đã đổi khác thái độ học tập. Họ không chỉ hiếu học để tìm cho mình một nghề nghiệp, mà chủ yếu còn hiếu tri, khao khát những tri thức mới, có ích, để tìm ra những con đường phục vụ cho việc cứu nước. Các phong trào Cần Vương, Văn Thân, Quang phục hội của Phan Bội Châu đều đã bị thất bại, tiếp bước chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh, họ muốn xây dựng cho đất nước một nền quốc ngữ, quốc văn, quốc học, tức xây dựng một văn hóa Việt Nam hiện đại. Đường lối thì ít nhiều có khác nhau: kết hợp Đông – Tây theo nguyên lý nội thể ngoại dụng, hay phương Tây thuần túy. Sự khác nhau này có thể do họ xuất thân khác nhau, được giáo dục khác nhau, hoặc xuất hiện ở những thời điểm khác nhau trong tiến trình của xã hội Việt Nam. Nhưng họ đều là những nhân vật văn hóa của thời đại.
4. Một nền văn hóa bất kỳ nào cũng ngưng kết ở những nhân vật của nó. Ở giai đoạn chuyển giao giữa Nho học và Tây học, giữa văn hóa cổ truyền và văn hóa hiện đại, hay còn gọi là sự chuyển đổi hệ hình, tôi muốn đưa ra một “loại hình học” các nhân vật thời đại:
1. Nhà nho truyền thống. Lúc này đã bị thời đại thay thế, nên đã rút lui về ngõ hẻm, hoặc thôn quê, nhưng thỉnh thoảng từ hậu trường họ vẫn thốt ra những tiếng nói lạc lõng. Chủ trương không chấp nhận văn hóa phương Tây
2. Nhà nho duy tân. Do đọc Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch hoặc tân thư, nên ủng hộ hiện đại hóa theo phương Tây, hô hào học chữ quốc ngữ, cắt búi tó, vận âu phục, mở trường học, lập các hội buôn. Tiêu biểu là Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Khương… Chủ trương học thêm văn hóa phương Tây.
3. Nhà nho Tây học. Các nhà nho theo Tây học để làm các công việc xã hội – văn hóa, đặc biệt là làm báo. Tiêu biểu là Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng.
4. Nhà Tây học nho hóa. Là nhà Tây học nhưng vì công việc liên quan đến văn hóa, xã hội Việt Nam nên họ phải học thêm Nho học. Tiêu biểu là Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký. Chủ trương Đông Tây kết hợp, Đông học.
5. Nhà Tây học thuần túy. Họ muốn cắt đứt quá khứ để nhẹ bước theo con đường Âu hóa, hiện đại hóa. Tiêu biểu là Nguyễn Văn Vĩnh, Nhất Linh, xa hơn là Trương Vĩnh Ký.  
Như vậy, trừ các nhà nho truyền thống, các loại hình nhân vật còn lại đều có những đóng góp xuất sắc cho văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với buổi giao thời thì hai loại hình (3) và (4) căn bản hơn cả. Ở họ vừa giữ được cái nhân cách do nền giáo dục Nho học tạo thành, vừa tiếp nhận được ý thức cá nhân do giáo dục Tây học đưa lại. Nhân cách là một phạm trù mang tính tộc loại (cộng đồng, xã hội), còn ý thức cá nhân thuộc phạm trù cá nhân cá thể. Thiếu hoặc lệch lạc giữa hai cái này, con người không thể phát triển lành mạnh được. Còn nếu yếu cả hai cái này thì không phát triển được. Bởi vậy, đây chính là chiến lược của nền giáo dục của chúng ta hiện nay. □

Tác giả