Chữ Việt Nam song song 4.0: Không có cơ sở khoa học và không nên phổ biến

“Bộ chữ” này bộc lộ rất nhiều hạn chế khi so sánh với chữ Quốc ngữ.

Mấy hôm nay, trên một số báo và nhất là trên mạng xã hội lại xôn xao về bộ chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0) của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình được Cục Bản quyền và Tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền. Trước những ý kiến lo lắng, băn khoăn về những hệ lụy kéo theo nếu áp dụng bộ chữ này trong thực tế (như tham vọng các tác giả của bộ chữ) tôi thấy mình phải có trách nhiệm trình bày một số hiểu biết về bộ chữ này, để mọi người không bị phân tâm thêm vào những “sáng tạo” kiểu tương tự. Thật ra, cách đây hơn 20 năm, khi đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, tôi đã tiếp cận và thẩm định “phát minh” của một học sinh tiểu học (khoảng 10 – 11 tuổi) về cách viết tiếng Việt không dấu. Được biết tác giả Kiều Trường Lâm đã nghiên cứu cách viết tiếng Việt không dấu suốt 27 năm, tức là khi học lớp 2.


Bài thơ “Mưa Xuân” được một độc giả viết lại bằng CVNSS 4.0. Nguồn: Tiền phong.

 
Nhìn từ cơ sở ngôn ngữ học, tâm lí – sư phạm 
 
Chữ viết là hệ thống kí hiệu được tiếp nhận bằng mắt để ghi lại tiếng nói theo dạng văn bản. Việc đánh giá một bộ chữ viết cần dựa trên những cơ sở ngôn ngữ học, tâm lí – sư phạm, kỹ thuật in ấn và thẩm mĩ. 
 
Về ngôn ngữ học, chữ viết phải phản ánh đúng và đầy đủ hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ đó. Mặt khác, cũng cần phân biệt chữ viết mang tính thực hành, dùng trong thực tiễn của cả cộng đồng với các bộ chữ (kí tự) chỉ sử dụng với mục đích, phạm vi hạn chế. Chữ viết thực hành không phải là bộ kí hiệu của Hội ngữ âm học quốc tế (IPA), được các nhà ngữ âm học dùng để phiên âm tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Chữ viết thực hành khác bộ kí hiệu để truyền tin điện tín, các kí hiệu viết tắt, tốc kí (viết nhanh) do một cá nhân hoặc nhóm người tựquy ước để sử dụng.    
 
Để đạt yêu cầu dễ đọc dễ nhớ về mặt tâm lí – sư phạm, thì các kí tự ghi các âm vị phải nằm trong hệ thống chặt chẽ, phản ánh tính hệ thống các âm vị. Đồng thời, sự phản ánh đặc điểm ngữ âm bằng kí tự phải cụ thể, trực quan, thuận lợi cho thao tác liên hội, loại suy mối liên hệ  âm – chữ khi học đọc, học viết. Về mặt thẩm mĩ, chữ viết trình bày trong văn bản cần rõ ràng và đẹp, tạo sự dễ dàng, thuận lợi và thích thú khi tiếp nhận bằng mắt. Về mặt kĩ thuật in ấn, chữ viết có thể sử dụng trong đánh máy, in ấn trên các thiết bị phổ biến. Ngày nay, trong công nghệ thông tin, bộ chữ viết có thể sử dụng các font chữ, bộ gõ thông dụng, phổ biến.  
 
Chữ Quốc ngữ hình thành từ những thập niên đầu thế kỉ 17, với sự đóng góp của nhiều giáo sĩ dòng Tên đến từ châu Âu, lại được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhiều người Việt. Năm 1751, khi cố dạo Alexandre de Rhodes xuất bản Từ điển Việt – Bồ – La, chữ Quốc ngữ tương đối hoàn thiện. Sau một số lần cải tiến, đến cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19, chữ Quốc ngữ hoàn thiện như diện mạo hiện nay. Về mặt ngôn ngữ học, chữ Quốc ngữ là hệ thống chữ ghi âm, sử dụng bảng chữ cái La tinh kết hợp với các dấu phụ để ghi các âm vị âm đầu, vần và thanh điệu. Chữ Quốc ngữ phản ánh đúng và đủ hệ thống ngữ âm tiếng Việt ở thế kỉ 17. Sau gần 400 năm, tiếng Việt đã có những thay đổi, tồn tại dưới dạng nhiều thổ ngữ, phương ngữ khác nhau về ngữ âm, nhưng vẫn có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi.  
Còn CVNSS4.0 là sự lắp ghép hai bộ phận: 
 
1- Chữ viết không dấu, thay các dấu ghi thanh điệu và một số kí tự không có trong chữ bộ chữ cái La Tinh (như Đ, Ơ, Ô, Â, Ă, Ê) bằng chữ cái; 
 
2- Chữ viết giản hóa để viết nhanh, bằng cách giản hóa các kí tự là tổ hợp chữ cái ghi âm đầu, vần trong chữ Quốc ngữ.
 
Chúng ta lần lượt đánh giá giá trị khoa học và thực tiễn của các đề xuất trong CVNSS 4.0, mà được các tác giả của nó coi là “phát minh, sáng tạo” trong thời đại công nghệ 4.0 và mong muốn phổ biến rộng rãi.  


Nếu đòi thay đổi chữ Quốc ngữ, kinh phí bỏ ra sẽ là khổng lồ và tạo đứt đoạn văn hóa cho người Việt đã học chữ Quốc ngữ từ trăm năm nay. Ảnh minh họa: Internet.

 
Về đề xuất viết chữ Việt không dấu 
 
Có thể nói, việc dùng dấu phụ để ghi thanh điệu là một sáng tạo độc đáo của những người chế tác chữ Quốc ngữ. Thanh điệu liên quan đến các đặc trưng cao độ từng âm tiết của giọng nói – mỗi âm tiết có thanh điệu riêng, tạo nên nhạc tính trong giọng nói. Thanh điệu xa lạ với những cố đạo khi lần đầu tiếp xúc với tiếng Việt, khiến họ nhận xét: “người Việt, nhất là phụ nữ ‘nói như hát’ ”. Lúc đầu, các giáo sĩ không nhận ra đặc điểm phát âm từng thanh, chỉ dùng 3 dấu phân biệt các thanh. Trong Từ điển Việt Bồ La, A. de Rhodes dùng 5 dấu để ghi 6 thanh tiếng Đàng Ngoài (Bắc Bộ). Đáng chú ý là, việc sử dụng các dấu (đường nét hình vẽ), vị trí đặt dấu, tên gọi các dấu phù hợp với những cảm thức khá chính xác của họ về đặc điểm phát âm từng thanh điệu tiếng Việt Bắc Bộ. 
 
Như vậy, về mặt ngôn ngữ học, việc dùng các dấu phụ để ghi thanh điệu nói chung và cách dùng từng dấu (đường nét, vị trí, tên gọi) trong chữ Quốc ngữ phản ánh đúng bản chất ngữ âm của thanh điệu nói chung, từng thanh nói riêng, cũng như phản ánh đầy đủ hệ thanh điệu ở các phương ngữ khác nhau của tiếng Việt. Về mặt tâm lí-sư phạm, cách làm này cũng tạo sự thuận lợi, dễ dàng, nhất là đối với trẻ em và người nước ngoài khi học đọc, học viết tiếng Việt.
 
Về mặt kỹ thuật, trước đây, việc dùng các dấu phụ trong chữ Quốc ngữ thường gây khó khăn cho việc đánh máy, in ấn. Để đánh máy, in văn bản chữ Quốc ngữ cần thiết kế máy chữ, đúc các bộ chữ riêng. Khó khăn này được khắc phục trong kĩ thuật truyền tin điện tín: các dấu phụ được quy ước thay bằng chữ cái. Từ thập niên 1980, khi sử dụng máy tính trong in ấn, đánh máy chữ Quốc ngữ thì khó khăn trên được khắc phục triệt để, với các phần mềm gồm các font chữ và cách gõ chuyên biệt. Hiện nay, phần mềm Unicode cho phép đánh các kí tự (chữ cái, dấu phụ đặc thù) của chữ Quốc ngữ một cách dễ dàng, kể cả trộn lẫn trong cùng một văn bản có các kí tự thuộc các hệ chữ cái khác. Thậm chí ngày nay, các tiến bộ công nghệ thông tin như ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), việc tổng hợp tiếng nói (text to speech) và nhận diện tiếng nói (speech to text) tiếng Việt đã có được những thành tựu đáng kể, dù tiếng Việt, chữ Quốc Ngữ có đặc điểm riêng. 
 
Về mặt thẩm mĩ, việc dùng dấu thanh tạo cho chữ viết một vẻ đẹp riêng; đó là sự  hài hòa không gian chiều ngang (các chữ cái ghi phụ âm, nguyên âm) và chiều dọc (dấu phụ ghi thanh và các nguyên âm đặc biệt). Điều này cho phép các nhà thư pháp có thể viết (vẽ) mỗi âm tiết (chữ viết) như một bức tranh hoàn chỉnh.  
 
Một số người lo lắng việc không dùng dấu ghi thanh điệu như CVNSS 4.0 sẽ làm mất đi đặc điểm riêng – ngôn ngữ thanh điệu của tiếng Việt. Thật ra, cách làm này không ảnh hưởng đến cách phát âm như là ngôn ngữ thanh điệu của tiếng Việt, mà chỉ dẫn đến hệ lụy về chữ viết tiếng Việt (kí hiệu tiếp nhận bằng mắt). Những hệ lụy đó là: 
 
1- Không phản ánh đúng bản chất của thanh điệu nói chung và đặc điểm phát âm từng thanh điệu nói riêng. 
 
2- Gây khó khăn trong việc học đọc, học viết tiếng Việt, nhất là đối với trẻ em và người nước ngoài. Người học không biết chữ cái nào phản ánh thanh điệu trong chuỗi các con chữ, cũng như cách phát âm từng thanh như thế nào.
 
3- Chữ viết không dùng dấu ghi thanh làm mất đi vẻ đẹp riêng của chữ Quốc ngữ.
 
4- Công nghệ thông tin cho phép khắc phục các khó khăn trong việc soạn thảo văn bản chữ Quốc ngữ với các dấu phụ ghi thanh điệu và các nguyên âm đặc biệt. Trong khi CVNSS4.0 lại rất rối rắm khi gõ.
 
Về đề xuất chữ viết nhanh
Đề xuất thứ hai của nhóm tác giả CVNSS 4.0 nhằm “cho phép viết nhanh”. Trong chữ Quốc ngữ, từng bộ phận cấu tạo âm tiết (âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối) được phản ánh bằng kí tự riêng. Một số âm vị được phản ánh bằng 2, 3 kí tự (vi phạm nguyên tắc âm vị học); có nhiều kí tự là tổ hợp chữ cái (vi phạm nguyên tắc tiết kiệm). Cách làm này có thể vi phạm nguyên tắc âm vị học (mỗi âm vị ghi bằng 1 kí tự và ngược lại), vi phạm nguyên tắc tiết kiệm (thao tác viết, đánh máy và không gian). Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ là bộ chữ thực hành, không phải là bộ kí hiệu phiên âm âm vị học. Cách biểu thị mỗi thành phần âm tiết bằng kí tự độc lập tạo thuận lợi trong thao tác liên hội, suy luận trong quá trình nhận hiểu – ghi nhớ – phát âm- viết từng âm tiết, khiến việc học đọc, viết trở nên dễ dàng hơn. Trong lí thuyết thông tin, nét (kí hiệu) dư thừa có lượng thông tin thấp, nhưng trong thực tế sử dụng chúng lại có giá trị hiệu chỉnh thông tin. Trong chữ Quốc ngữ , có thể có các kí hiệu dư thừa, chẳng hạn dấu Sắc ở âm tiết có âm cuối P, T, C, CH. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng, dấu Sắc trong trường hợp này giúp người học biết phát âm thanh này tương tự thanh Sắc trong các loại âm tiết khác.   
 
Trong CVNSS 4.0, các tác giả đề xuất một loạt thay đổi: bỏ dấu sắc ở âm tiết có chữ cái cuối là: C, P, T, CH; chữ I thay cho Y, Y thay cho UY; ở phụ âm đầu, chữ F thay PH, Q thay QU, C thay K, K thay KH, Z thay D, D thay Đ, J thay GI, G thay GH, W thay NG, NGH. Ở phụ âm cuối, G thay NG, H thay NH, K thay CH. Nguyên âm ghép được rút gọn thành một nguyên âm như UYE còn là Y, UÔ còn U, ƯƠ còn Ư, OE còn E, OA còn O… Những đề xuất trên nhằm mục đích đơn giản hóa các thao tác viết, đánh máy và tiết kiệm không gian (chiều ngang) văn bản. Mục đích này khiến CVNSS4.0 mang tính chất là một bộ kí hiệu ghi tốc kí áp dụng cho mục đích hạn chế, phổ biến trong một nhóm người  nhiều hơn là một bộ chữ viết để áp dụng trong thực hành sử dụng của cả cộng đồng ngôn ngữ. 
 
Những đề xuất này dẫn đến hệ lụy:
 
1- Khó học, khó nhớ. Việc giản hóa cách viết các vần , vốn có cấu trúc phức tạp làm khó cho thao tác liên hội , loại suy mối liên hệ “âm – chữ” khi học đọc, học viết.  Muốn sử dụng (đọc, viết) được, phải học thuộc quá nhiều quy tắc. Điều này đặc biệt khó với trẻ em và người nước ngoài mới học tiếng Việt.
 
2- Việc dùng các kí tự xa với các kí tự vốn có trong bảng chữ cái La tinh được sử dụng  trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới, tạo sự khó khăn khi đọc, viết từ ngữ tên riêng (nguyên dạng) gốc nước ngoài bằng chữ cái La Tinh. Đồng thời, cách làm này cũng gây khó đối với người nước ngoài khi tiếp cận với từ ngữ, tên riêng tiếng Việt.
 
3- Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Nhiều dân tộc có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Chữ viết La tinh hóa của nhiều dân tộc thiểu số dựa trên chữ Quốc ngữ. Nếu thay đổ cách viết các kí tự như đề xuất, thì cũng phải cải tiến nhiều bộ chữ viết dân tộc thiểu số ở nước ta. 
 
Nói tóm lại, các đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ theo hướng bỏ dấu và đơn giản hóa cách viết âm đầu, vần, thanh điệu của tác giả CVNSS 4.0 không hợp lí, không có cơ sở khoa học và không thể áp dụng thực tiễn.
 
Đó là còn chưa tính đến hệ lụy sau đây: Tiếng Việt và chữ Quốc ngữ gắn với truyền thống văn hóa nhiều thế hệ người Việt Nam. Sau mấy trăm năm, nhiều công trình văn hóa với hàng triệu văn bản được viết in bằng tiếng Việt, chữ Quốc Ngữ. Nếu thay đổi, xã hội phải bỏ số kinh phí khổng lồ để in lại các công trình, tác phẩm, tài liệu quan trọng; để rồi sau này, con cháu người Việt phải học lại chữ Quốc Ngữ, để có thể đọc được các di sản văn hóa cha ông để lại. Điều này tạo nên sự đứt đoạn văn hóa, thói quen của gần 100 triệu người Việt. 
 
Khi làm việc với cậu học sinh tiểu học từ hơn 20 trước về “phát minh” chữ viết không dấu của cậu, tôi khuyên cậu không nên mất thời gian vào những việc vô ích, vượt quá sức, nên tập trung thời gian cho việc học tập tốt chương trình phổ thông. Hôm nay, khi lại phải tiếp cận với CVNSS 4.0, tôi mong các tác giả của nó không nên ảo tưởng về “phát minh” của mình và nuôi tham vọng đem thữ chữ này trình Quốc hội và phổ biến trong giáo dục và các lĩnh vực khác.
 
“Tất cả những gì quý vị hình dung là có thể cải cách đối với chữ Quốc ngữ thì những người đi trước, Tây có ta có, đã bàn nát nước rồi mà đến nay chẳng có cải cách nào được thực hiện cả. Vậy thì từ nay xin đừng bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa, có chăng chỉ có thể bàn về chuẩn chính tả”, GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện ngôn ngữ học nhận xét trong tọa đàm “Kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ lên ngôi trên phạm vi toàn quốc” tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội, ngày 28/9/2019.
Ông cho biết, vấn đề cần quan tâm là chuẩn hóa chính tả (quy chuẩn cách viết chưa thống nhất như “i” hoặc “y”, vị trí đánh dấu), cách viết tên riêng gốc tiếng nước ngoài (để nguyên dạng, phiên âm hay chuyển tự)…, đây cũng là điều rất cần thiết cho việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho máy đọc trong bối cảnh số hóa dữ liệu hiện nay.

Tác giả