Cuộc chiến chống tin giả

Tin giả đang lan truyền ngày càng rộng, với những phương thức khó nắm bắt trên cả truyền thông chính thống và mạng xã hội, gây hậu quả khôn lường về kinh tế và chia rẽ xã hội sâu sắc. Thậm chí, tin giả đã nhanh chóng được biến thành “vũ khí”, tận dụng nền tảng các đặc tính kỹ thuật của mạng xã hội, khai thác những khả năng bóp méo sản phẩm thông tin từ các công cụ truyền thông đa phương tiện mới và lợi dụng những khoảng trống thông tin để gây ra các tác động chính trị vượt ngoài khả năng quản lý của chính phủ các nước. Do đó, các nước đều tập trung nghiên cứu tin giả và đưa ra các chính sách ứng phó khác nhau.


Nguồn ảnh: Pinterest. 

Hậu quả kinh tế và chia rẽ xã hội

 

Mặc dù tin giả xuất hiện từ lâu, với nhiều loại hình phức tạp khác nhau1 ở mọi thời kỳ, song những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là internet và mạng xã hội thì nó cũng xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia.

Tin giả không chỉ là những thông tin lừa đảo thông thường, hay gây ra những sự hoang mang trong những lĩnh vực của đời sống như tin sức khỏe tràn lan liên quan tới các đợt dịch bệnh hoặc khi các vaccine được triển khai2 (có nghiên cứu chỉ ra hơn 60% số lượng tin giả về các vấn đề sức khỏe lan truyền trên nền tảng online được nhiều người nhẹ dạ cho là đáng tin cậy, và niềm tin vào những câu chuyện này sẽ tăng lên nếu chúng được lặp đi lặp lại3).

Tin giả mang tính chính trị ngày càng xuất hiện nhiều, dày đặc. Tin giả dồn dập xung quanh các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Pháp gần đây đã cho thấy đây thực sự là một “cuộc chiến” thông tin. Tin giả tràn ngập trước kỳ bầu cử Mỹ năm 2016 đã gây chia rẽ xã hội khi nó gây gièm pha, tấn công, và đấu tố các nhóm liên kết chính trị – xã hội với nhau, đặc biệt là ba nhóm: người có xu hướng bảo thủ, người có xu hướng dân chủ, và người da đen tại Mỹ. Còn ở Pháp, vào năm 2017, trước thềm tranh cử tổng thống trang mạng xã hội 4chan đã đăng tải các tài liệu không được kiểm chứng nhằm đả kích và gây tổn hại danh dự cho ứng cử viên lúc bấy giờ là Emmanuel Macron. Các tài liệu này, thường được gọi trên truyền thông phương Tây là MacronLeaks, được phổ biến rộng rãi trên Twitter bằng hàng chục ngàn các tài khoản tự động hoá (còn hay được gọi là bot). Ở những vùng chiến sự căng thẳng, điển hình là ở Pakistan vào năm 2014, nhiều chiến dịch tin giả, tin dắt mũi tại Pakistan đã liên tục đưa ra thông điệp rằng tiêm chủng ngừa bại liệt là bàn đạp dẫn đến âm mưu triệt sản người Hồi giáo của Mỹ. Tin dắt mũi cũng đưa ra thông điệp rằng trong vaccine chống bại liệt có chứa tạp chất đến từ lợn, và dẫn dắt rằng việc tiêm chủng sẽ đi ngược lại với đức tin của người Hồi Giáo. Mối quan hệ chồng chéo giữa hệ tư tưởng, tôn giáo và khoa học tiêm chủng tạo ra một hỗn hợp chính trị – sức khỏe cộng đồng đầy nguy hiểm, mà chính các trẻ em nghèo là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Những diễn biến phức tạp trong việc sản xuất, lan truyền, và vũ khí hóa tin giả không chỉ gây nên một môi trường nhiễu loạn thông tin, gây chia rẽ xã hội sâu sắc, đã để lại những hậu quả kinh tế có thể đong đếm được. Nghiên cứu của công ty an ninh mạng CHEQ và Đại học Baltimore ước tính rằng nạn tin giả trực tuyến hiện gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 78 tỷ USD mỗi năm. Báo cáo này cũng phân tích những thiệt hại kinh tế trực tiếp từ tin tức giả và ước tính rằng tin tức giả mạo đã gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán khoảng 39 tỷ USD hằng năm. Trong số tổng thiệt hại được ước tính, báo cáo dự đoán theo phân khúc rằng các doanh nghiệp sẽ mất khoảng 9 tỷ USD hằng năm do thông tin sai lệch về sức khỏe, 17 tỷ USD từ thông tin sai lệch về tài chính, 9 tỷ USD từ chi phí bỏ ra cho việc quản lý danh tiếng, 3 tỷ USD từ các chi phí liên quan đến an ninh mạng, và 400 triệu USD từ các quảng cáo chính trị giả mạo. Cụ thể hơn, ước tính cho thấy các thương hiệu và doanh nghiệp thiệt hại khoảng 235 triệu USD do chạy quảng cáo song song hoặc cạnh bên các quảng cáo tin giả mà không hề hay biết.

 

Thách thức chính sách

 

Những thiệt hại và chia rẽ đó đã đặt ra nhu cầu bức thiết phải có giải pháp công nghệ ngăn chặn tin giả và đòi hỏi phải có chính sách phản ứng mới.

Tuy nhiên, “truy vết” tin giả không hề dễ dàng. Về mặt kỹ thuật, việc tự động hóa nhận dạng tin giả trên thời gian thực (real-time) hiện vẫn là một bài toán không có lời giải. Các mạng xã hội, từ Facebook sang Instagram, Twitter, hay Youtube đều vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng nào về mặt công nghệ để kiểm soát tin giả. Bởi vì cho đến nay, không dễ để xác minh mức độ thực hư của các thông tin trên mạng một cách nhanh chóng và tự động hóa. Các phương pháp nhận dạng, truy vết, và can thiệp vào dòng lan truyền tin sai hiện nay đang chủ yếu dựa vào các phương pháp khoa học mạng, sử dụng các lý thuyết mạng (network theories) và phương pháp toán thống kê để dò đoán đặc tính vai trò của các cá thể và tài khoản trên mạng xã hội và từ đó đưa ra các nhận định về việc lan truyền thông tin với xác suất chính xác cao. Ngoài phương pháp này thì chỉ còn cách “truyền thống” là dành nguồn nhân lực lớn đọc, đánh giá, và rà soát tính xác thực của thông tin để can thiệp vào vấn đề tin giả trên mạng. Ví dụ hiện nay, Mạng lưới kiểm tra tính xác thực thông tin quốc tế (International Fact-Checking Network (IFCN)) của Poynter Institute, một trường đào tạo báo chí phi lợi nhuận ở Mỹ, là một trong nhiều nỗ lực từ phía các tổ chức báo chí trong việc hệ thống hóa từ cấp cơ sở việc kiểm chứng thông tin.

Ở châu Âu, người ta cho rằng tin giả chính trị là một mối nguy hiểm đặc biệt có thể gây suy thoái các thể chế chính trị dân chủ: khảo sát của Ủy ban châu Âu (European Commission – EC) vào năm 2018 cho thấy 83% công dân châu Âu cảm thấy tin giả thực sự là mối nguy hiểm lớn cho việc sống còn của nền dân chủ. Sau chuỗi sự kiện tin dắt mũi gây ảnh hưởng đến bầu cử liên bang tại Đức, bầu cử tổng thống tại Pháp, và nổi tiếng là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, EC liên tục cho thành lập nhiều lực lượng đặc nhiệm và các hội nghị cố vấn toàn khu vực nhằm mục đích đề ra các quy tắc chung chống tin giả tại châu Âu, bao gồm: bảo vệ dữ liệu, tăng cường minh bạch thông tin, đẩy mạnh sự hợp tác đa phương, huy động khối doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy tính đa dạng và độ tin cậy của thông tin, nâng cao nhận thức người dân, và tăng cường quyền lợi cho cộng đồng nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh châu Âu, các quy tắc bảo vệ dữ liệu được dựa trên bộ luật “đình đám” GDPR, có hiệu lực từ giữa năm 2018, vốn đã đề ra khung pháp lý và quy trình căn bản cho các vấn đề về minh bạch và huy động khối doanh nhân trong toàn Liên minh. Tại Mỹ, các thuật ngữ sặc mùi quân đội như tuyên truyền điện toán (computational propaganda) và “chiến tranh thông tin dắt mũi” (disinformation warfare) được phổ biến rộng rãi, định hướng việc chống tin giả như là một sự mở rộng thêm của các cuộc chiến mang tính chính trị.

Gần hơn với Việt Nam, trong bối cảnh Đông Nam Á, tin giả đã tác động mạnh tới tình hình các nước và mỗi nước đã có những chiến lược thông tin để chống lại tin giả theo nhiều cách khác nhau. Ở Malaysia, bộ luật chống tin giả gây tranh cãi và chỉ trích được ra đời vào năm 2018 nhanh chóng được bãi bỏ vào năm 2019, sau khi tổng bầu cử tại nước này kết thúc. Bộ luật chống tin giả được thông qua vào tháng 4/2018 dưới chế độ Thủ tướng Najib Razak, vốn bị chỉ trích là một hành động có chủ đích đàn áp phe đối lập và những người bất đồng chính kiến, đã không thể giúp ông tái đắc cử, khi lãnh đạo đảng đối lập kiêm cố vấn một thời của ông là Mahathir Mohamad giành chiến thắng. Dù chậm hơn Malaysia, Singapore cũng đã đề ra luật chống tin giả mang tên Đạo luật Bảo vệ khỏi sự Giả dối và Thao túng trên Mạng (The Protection from Online Falsehoods and Manipulation Act – POFMA) và chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2019. Chính phủ Singapore thường xuyên rà soát các bài viết người dùng đăng tải trên Facebook và yêu cầu chỉnh sửa khi chính phủ này đánh giá rằng thông tin người dùng cung cấp là sai hoặc không chính xác; nếu người dùng không tuân thủ, Chính phủ Singapore có động thái làm việc với Facebook để thực hiện gỡ bỏ các bài viết trên. Tuy vậy, việc các chính phủ kiểm soát thông tin vẫn là một vấn đề rất gây tranh cãi.

 

“Khả năng đề kháng”

 

Tuy nhiên, mặc cho các nỗ lực của chính phủ và của các mạng xã hội, việc can thiệp trong quản lý thông tin và chống lại tin giả vẫn còn là một tương lai xa vời. Vậy thì làm sao các cơ quan truyền thông và người đọc có thể kháng cự lại tin giả?


Mạng lưới kiểm tra tính xác thực thông tin quốc tế (International Fact-Checking Network (IFCN)) của Poynter Institute, một trường đào tạo báo chí phi lợi nhuận ở Mỹ, là một trong nhiều nỗ lực từ phía các tổ chức báo chí trong việc hệ thống hóa từ cấp cơ sở việc kiểm chứng thông tin. Trong ảnh: Hội nghị  kiểm chứng thông tin (fact-checking) lần thứ sáu vào năm 2019 tại Nam Phi. Nguồn: Poynter Institute

GS Yochai Benkler, tại ĐH Harvard có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu luật pháp thông tin mạng từ những ngày đầu tiên của internet, nhận định rằng “khả năng đề kháng” tin giả phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ phân cực chính trị và phân mảnh độc giả; mức độ tin tưởng vào các tổ chức hoạt động dựa trên lý lẽ và bằng chứng (như khoa học, luật pháp, tính chuyên nghiệp); quy định truyền thông chặt chẽ; có nguồn tài trợ công cho các phương tiện truyền thông chuyên tâm tìm kiếm sự thật một cách đáng tin cậy; và công chúng có học thức cao.

Một hệ thống truyền thông linh hoạt và có “tính đề kháng” cao có thể ngăn chặn sự phát tán tin giả theo hai quy tắc chính. Thứ nhất, môi trường truyền thông có tính đề kháng cao sẽ ngăn chặn được một lượng khán giả lớn mất niềm tin vào truyền thông chính thống và chuyển sang tiêu thụ thông tin từ các kênh truyền thông mang tính cổ vũ cái nhìn riêng của họ, dù các kênh truyền thông đó cố tình bóp méo sự thật. Thứ hai, một hệ thống truyền thông với sức đề kháng cao có cơ sở hạ tầng truyền thông chuyên nghiệp nghiêm túc áp dụng các nguyên tắc xác minh có trách nhiệm đối với tất cả các thông tin, dù các thông tin này được ồ ạt kéo đến từ các kênh truyền thông cũ hay mới. Cơ chế này tương tự như việc nếu cơ thể người có sức đề kháng với virus gây bệnh, lây nhiễm trong cộng đồng cũng giảm thiểu đáng kể.

Tuy nhiên, về phía người tiêu thụ thông tin, việc tìm cách giảm thiểu khả năng tiếp xúc với tin giả là chưa đủ, mà còn cần tới khả năng lập luận, phản bác, và góp phần tăng chất lượng thảo luận thông tin trong cộng đồng. Điều này phụ thuộc vào vấn đề giáo dục kĩ năng hiểu tin và những am hiểu cơ bản về truyền thông đa phương tiện nói chung. Trong một nghiên cứu xuất bản trên tờ American Behavioral Scientist, nhóm nghiên cứu từ Boston College và University of South Carolina tìm hiểu vai trò của các hiểu biết và kĩ năng về truyền thông (media literacy), thông tin (information literacy), tin tức (news literacy), và truyền thông số (digital literacy) trong việc giúp người tiếp cận thông tin phân biệt và đánh giá các thông tin sai lệch. Trong đó, kĩ năng thông tin, gồm khả năng tư duy, hiểu, tìm kiếm, và sử dụng thông tin hiệu quả là yếu tố quan trọng nhất trong việc giúp người đọc chống lại tin giả. Kĩ năng thông tin cũng bao gồm khả năng phân biệt phát biểu mang tính thực tế và phát biểu mang tính ý kiến, nhận ra thông tin đã qua kiểm chứng và đáng tin, và biết cách tìm kiếm thông tin trên các cơ sở dữ liệu.

Nhìn từ góc độ tư duy sinh thái, ta có thể ví von tin giả, tin sai lệch, tin dắt mũi, là một phần không thể nào biến mất của môi trường thông tin đa phương tiện của thời đại chúng ta. Điều mà mỗi cá nhân cũng như các tổ chức chính trị – xã hội có thể làm trong việc sống chung với các thể loại thông tin có thể gây hại này là tăng cường sức đề kháng thông tin trong mỗi người bằng cách tăng cường giáo dục kĩ năng thông tin, truyền thông, tin tức, và truyền thông số. Khi mà bài toán về công nghệ và chính sách chống tin giả còn đang chưa có hồi kết, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào việc giáo dục các kĩ năng thông tin không chỉ cho thế hệ trẻ, mà còn hướng đến phổ cập cho toàn dân..

Các kĩ năng về thông tin, vốn được xem là nghiệp vụ đặc thù của các cán bộ khối truyền thông và báo chí, cần được giới thiệu gần gũi đến người dân để giúp tăng cường hành trang cho công dân Việt Nam trong bối cảnh mà internet và công nghệ thông tin đang ngày càng chi phối mạnh mẽ các khía cạnh kinh tế, xã hội và chính trị của cuộc sống.

—-

1 Xem thêm các bài:

Tin giả: Không dễ định nghĩa http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Tin-gia-Khong-de-dinh-nghia-24187;

Tại sao tin giả thao túng xã hội? http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Tai-sao-tin-gia-thao-tung-xa-hoi–23069;

2 Tin sai lệch về sức khỏe trong bối cảnh Covid-19: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Tin-sai-lech-ve-suc-khoe-trong-boi-canh-COVID19-Cac-dien-bien-phuc-tap-toan-cau-24221

3 Các công bố:

https://phys.org/news/2019-11-fake-news-healthcare-online-major.html

https://phys.org/news/2020-02-fake-news-disease-outbreaks-worse.htm

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)