Hộ chiếu vaccine: Cơ hội đạt mục tiêu kép hay mối nguy phân cực xã hội?
Bất kỳ một giải pháp nào được đề xuất nhằm khống chế hay khắc phục các hệ quả tiêu cực gây ra bởi đại dịch COVID-19 đều được cho là phải đối mặt với sự đánh đổi nhất định. Dù vậy, nhiều chính phủ đang kỳ vọng tìm được phương thức đạt “hiệu quả Pareto” trong mục tiêu chính sách, ít nhất đảm bảo “mục tiêu kép” phát triển kinh tế và bảo đảm sức khoẻ cộng đồng. Với sự biến đổi mau lẹ của các thể virus COVID-19, chính sách về hộ chiếu vaccine được tin tưởng là phương án “sống chung với lũ” một cách an toàn và lâu dài trong khi chờ đại dịch hoàn toàn qua đi.
Nước Anh đang cho phép những người đã tiêm chủng có thể vào các quán bar. Ảnh: skynews.com
Theo tạp chí Forbes, tại cuộc họp G20 vào tháng 5/2021, đại diện các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã họp bàn và quyết định cân nhắc việc thực hiện chính sách hộ chiếu vaccine như một giải pháp thúc đẩy nền kinh tế du lịch và lữ hành toàn cầu. Vào ngày 1/7 vừa qua, Quy định chứng nhận COVID kỹ thuật số (EU Digital COVID Certificate Regulation) của Liên minh châu Âu đã được đưa vào áp dụng dưới dạng mã QR, cho biết liệu khách du lịch đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ hay chưa, đã nhận được kết quả xét nghiệm âm tính gần đây hoặc có khả năng miễn dịch sau khi bị nhiễm COVID-19 hay không. Chứng chỉ này được cấp miễn phí, thuộc quyền phát hành của cơ quan có thẩm quyền tại mỗi quốc gia thành viên và có giá trị ở tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Dẫn từ trang SchengenVisaInfo.com, từ đầu tháng sáu đã có tám quốc gia EU đã bắt đầu cấp hộ chiếu COVID-19 gồm Bulgaria, Séc, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Croatia và Ba Lan và Iceland. Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình công nhận hộ chiếu vaccine, thí điểm trước hết tại Phú Quốc.
Hộ chiếu vaccine không chỉ được sử dụng để mở cửa chào đón khách du lịch quốc tế mà còn được gọi chung cho các ứng dụng trong nội địa xác nhận đã tiêm chủng, đã khỏi bệnh hoặc kết quả xét nghiệm âm tính để cấp quyền di chuyển hay tiếp cận dịch vụ cho người dân, nhằm giảm tác động tiêu cực khi ban hành những biện pháp phong toả. Đan Mạch bắt đầu thử nghiệm thẻ y tế của riêng mình được gọi là Coronapass – một phiên bản khác của GreenPass được Israel phát triển từ tháng 2/2021, nhằm tạo điều kiện kinh doanh các doanh nghiệp không thiết yếu vốn đang bị đóng cửa để phòng ngừa COVID-19 và có kế hoạch mở rộng cho quyền được sử dụng dịch vụ các nhà hàng, bảo tàng và rạp chiếu phim trong nước từ ngày 6/5.
Hiện nay, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực đối với người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP.HCM đi các tỉnh/thành phố khác và ngược lại.
Do đó, ta thấy chính sách cấp hộ chiếu vaccine này, dù áp dụng ở tầm quốc tế hay trong nước, đều được xem là chìa khóa giúp các chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, cũng như được cho là ít tạo ra tranh cãi về hạn chế quyền con người hơn so với biện pháp phong tỏa khi mức độ kéo dài của đại dịch này và hệ quả của nó vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, chính sách này có thực sự vạn năng như kỳ vọng?
Hộ chiếu vaccine và hiệu quả pareto
Dù bảo vệ sức khỏe cộng đồng là quan trọng, việc dồn hầu hết vật lực và nhân lực chỉ để đạt được mục tiêu này mà không giải quyết được những vấn đề có liên quan như phát triển kinh tế, lao động, giáo dục, tâm lý, quyền con người… là một chuỗi liên hoàn trong cái “búng tay” của đại dịch là kém hiệu quả. Hiệu quả Pareto, vốn là một lý thuyết trung tâm trong kinh tế học được ứng dụng rộng rãi trong cả lĩnh vực khoa học xã hội, được phản ánh trong nỗ lực chính sách mà các quốc gia theo đuổi để đạt được “điểm cân bằng” khi thành công trong một mục tiêu cụ thể mà không ảnh hưởng đến các mục tiêu quan trọng khác. Nói cách khác, điều này có nghĩa các mục tiêu chính sách quan trọng đều được đảm bảo mà không có sự đánh đổi nào. Trong tất cả các biện pháp hiện có, có thể thấy hộ chiếu vaccine tỏ ra ít đánh đổi hơn cả, đặc biệt khi so với các lệnh giới hạn đi lại và phong tỏa (sau đây gọi chung là lệnh phong toả) và khá tiệm cận với điểm hiệu quả Pareto.
Đầu tiên, nếu xét về mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng, lệnh phong tỏa không phải là một chính sách có hiệu quả liên tục trong trường hợp đại dịch kéo dài. Nghiên cứu của Goldstein, Yeyati và Sartoria (2021) cho thấy, lệnh phong tỏa ban đầu có mối tương quan đến sự sụt giảm đáng kể số ca nhiễm và tử vong của virus, nhưng hiệu ứng này giảm theo thời gian. Biện pháp này có thể phù hợp với các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng và khó đạt được miễn dịch cộng đồng trong ngắn hạn. Tuy vậy, việc phụ thuộc vào biện pháp phong tỏa hay các giải pháp hạn chế mang tính hành chính khác như trong giai đoạn đầu của đại dịch đã không còn phù hợp khi tình hình biến chủng ngày càng phức tạp.
Trong khi đó, hiệu ứng tràn của tiêm vaccine tác động tích cực đến việc giảm khả năng lây nhiễm và đạt miễn dịch cộng đồng là không thể chối bỏ. Đây là điều khiến chính sách này ưu việt hơn hẳn so với việc chỉ phong tỏa đơn thuần trong việc đáp ứng mục tiêu sức khỏe công cộng.
Thứ hai, về mục tiêu phát triển kinh tế, đây là một trong các đánh đổi lớn nhất của việc sử dụng biện pháp phong tỏa mà chính sách hộ chiếu vaccine có thể khắc phục được. Theo một nghiên cứu, biện pháp phong tỏa đã giảm hơn 99% tổng số chuyến bay quốc tế và nội địa trong thời gian 30 ngày sau khi thực hiện; tổng lượng năng lượng tiêu thụ đã giảm hơn 95%; xuất nhập khẩu hàng hải đã giảm hơn 40%. Lệnh đóng cửa nơi làm việc và bắt buộc ở nhà có hiệu quả cao nhất trong việc “làm phẳng” các ca nhiễm và tử vong liên quan đến COVID-19, nhưng lại tốn kém nhất khi xét về hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, với mức độ hiệu quả của các loại vaccine hiện nay cao nhất là 95% và thấp nhất là 60% đối với người chưa nhiễm lần nào, hộ chiếu vaccine lại là cánh cửa cho nền kinh tế thời đại dịch khi cho phép di chuyển thể nhân an toàn giữa các quốc gia và trong nội địa, phục hồi sức tiêu dùng dịch vụ và hàng hóa một cách tự nhiên mà không cần đến các công cụ kích cầu tốn kém từ phía nhà nước sau mỗi đợt suy giảm kinh tế hậu phong tỏa. Do đó, rõ ràng chính sách này là chìa khóa để thực hiện mục tiêu kép mà chính phủ kỳ vọng.
Nếu mở rộng ra về khía cạnh quyền con người, việc cân nhắc đến cải thiện Pareto để đảm bảo lợi ích đối với một số người mà không làm cho tình trạng của nhóm người khác trở nên tồi tệ hơn cũng là điều mà các quốc gia đang hướng tới. Việc áp dụng các lệnh phong tỏa hiện nay được cho là bảo vệ sức khỏe những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao và nhóm yếu thế trong xã hội khó tiếp cận với hệ thống y tế. Tuy nhiên, biện pháp này vi phạm quyền tự do đi lại và quyền làm việc, quyền học tập của những nhóm người khác không có nguy cơ hoặc có nguy cơ bị nhiễm virus thấp do cách sinh hoạt hay đặc thù nghề nghiệp, vì vậy khiến cho lợi ích hưởng thụ quyền tự do của họ cũng bị ảnh hưởng.
Phong tỏa ngay lập tức tại nơi có nguồn lây cao như các bệnh viện và khu công nghiệp trong đợt bùng dịch tại Bắc Giang và TP. Hồ Chí Minh vừa qua, hoặc dồn tất cả các công nhân vào làm việc “nội trú” tại nhà máy, không chỉ giới hạn quyền tự do đi lại mà còn ảnh hưởng tới quyền được hưởng một mức sống thích đáng đủ để đảm bảo các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế nếu công tác quản lý không hiệu quả. Mặt khác, điều này gây ra hiệu ứng xã hội rằng việc cách ly, phong tỏa như một “chế tài” dành cho những người bị xem là nguồn lây nhiễm.
TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, người dân không được ra đường trừ trường hợp cần thiết, việc mua nhu yếu phẩm cũng khó khăn do các chợ dân sinh đều đóng cửa. Ảnh: Trương Thanh Tùng.
Trong khi đó, hộ chiếu vaccine dùng để chứng nhận tình trạng tiêm chủng và rủi ro lây nhiễm COVID-19 thấp để cấp phép đi lại và tiếp cận dịch vụ cho từng trường hợp là một lựa chọn hiệu quả ít hạn chế quyền tự do cá nhân nhất, mà không gây tác động tiêu cực đến quyền tự do của người khác. Do đó, trong điều kiện tất cả các thành viên trong xã hội đều phải tuân thủ những quy định giới hạn quyền tự do và một số quyền con người để phòng, chống COVID-19, hiệu quả Pareto của chính sách hộ chiếu vaccine là hoàn toàn khả thi khi “giải phóng” một cá nhân khỏi các hạn chế xã hội mà không khiến những người khác bị thiệt hại hơn, từ đó đáp ứng nhiều mục tiêu chính sách.
Một số quan điểm phản đối cho rằng việc buộc người không tiêm phải chịu hạn chế hơn so với người đã được chứng nhận tiêm chủng cũng bất bình đẳng chẳng khác gì một người không được tới chỗ làm, thậm chí mất việc so với lao động tại gia vốn không thiệt hại gì thêm khi bị phong toả. Đây là một cách tiếp cận vấn đề không chính xác, vì nếu một người có thể chứng minh rằng họ rất khó có khả năng lây lan virus làm ảnh hưởng đến quyền sống và quyền tự do của người khác, hạn chế quyền của họ là vô lý.
Mặt trái của hộ chiếu vaccine
Khi áp dụng vào thế giới thực, khả năng đảm bảo sự công bằng của cơ chế hộ chiếu vaccine là một thách thức trước nhiều rào cản về nguồn lực. Dù về nguyên tắc tất cả mọi người nên được dễ dàng tiếp cận với nguồn vaccine như một loại hàng hóa công, trên thực tế, Tổng Giám đốc của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại của mình “Bình đẳng vaccine là thử thách mang tính thời đại của chúng ta. Và chúng ta đang thất bại.”
Với tận 82% tổng số liều vaccine sẵn có đã bị các quốc gia có thu nhập cao và trên trung bình thâu tóm, trong khi các cường quốc dược phẩm như Anh Quốc đang muốn độc chiếm nguồn cung tại nhà máy sản xuất vaccine tọa lạc trên lãnh thổ nước này qua vụ kiện giữa Ủy ban châu Âu và AstraZeneca AB vào tháng sáu vừa qua, bối cảnh này có vẻ không phù hợp để áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine một cách triệt để.
Cụ thể, trong nội bộ quốc gia, không phải ai cũng đều có cơ hội bình đẳng tiếp cận nguồn vaccine mà trước tình trạng thiếu hụt hiện nay, các thành viên trong xã hội được phân thành các nhóm được ưu tiêm tiêm vaccine và nhóm còn lại. Trong khi một số cường quốc dược phẩm như Úc có thể xây dựng được cả lộ trình phân phối vaccine cho từng nhóm người khi số lượng liều sản xuất được đạt đến từng mốc nhất định, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam không chủ động được nguồn cung rất khó để lên một chiến lược tiêm chủng có thể dự đoán được.
Bên cạnh đó, mặc cho lời kêu gọi của WHO về việc công nhận bình đẳng các loại vaccine để tránh hiện tượng phân biệt đối xử trong hệ thống du lịch trước tình trạng phân bổ không đồng đều các liều tiêm chủng hiện nay giữa các nhóm quốc gia nghèo và quốc gia phát triển, hộ chiếu vaccine của EU chỉ công nhận bốn nhóm vaccine trừ Sinovac của Trung Quốc và Sputnik V của Nga. Trong khi đó, Pfizer và Moderna – vốn chưa được công nhận tại Trung Quốc, vẫn còn đang được nước này cân nhắc đưa vào danh sách trong hộ chiếu vaccine.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là nếu ngân sách chính phủ không tài trợ nổi cho nhu cầu tiêm vaccine quá lớn của xã hội và các lựa chọn vaccine của người dân trước tình trạng phân biệt đối xử mang tính chính trị giữa các nước, chi phí giao dịch phát sinh sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của chính sách này? Tới nay, hộ chiếu vaccine không phải là giấy thông hành không giới hạn điểm đến, mà chỉ có hiệu lực được công nhận dựa trên nguyên tắc có đi có lại song phương hoặc nội bộ nhóm các quốc gia như G7 và EU.
Nhìn từ góc độ kinh tế, việc áp đặt sử dụng chứng nhận như một công cụ kiểm soát khả năng tiếp cận nguồn cung dịch vụ trong xã hội nhằm phòng dịch không thể khống chế cầu đi lại và tiếp cận các lợi ích khác của con người. Cầu tiêm vaccine quá chênh lệch so với nguồn cung hiện tại khiến người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi gánh nặng chi phí giao dịch nếu phải tự trả tiền.
Dù có thể được thay thế bằng chứng nhận xét nghiệm âm tính, kết quả này vốn chỉ chứng minh được rủi ro mắc bệnh và lây nhiễm thấp vào thời điểm ban đầu. Việc yêu cầu cung cấp loại chứng nhận này yêu cầu người dân phải tự bỏ chi phí cho một xác nhận kết quả ngắn hạn, nhưng cần sử dụng nhiều lần dẫn đến chi phí phải trả tăng theo số lần xét nghiệm. Nhóm xã hội không có khả năng tiếp cận nguồn vaccine hoặc dịch vụ y tế sẽ quay sang tìm kiếm các biện pháp thay thế khác ngoài vòng quản lý của Nhà nước như các giấy chứng nhận giả mạo.
Hiện nay, vấn nạn hộ chiếu vaccine và giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với virus giả được bán trên thị trường chợ đen ngày càng tăng lên tại Hoa Kỳ, Anh và một số nước khác tại châu Âu đang triển khai chính sách hộ chiếu vaccine. Theo BBC, giá thấp nhất cho loại chứng nhận này là 150 USD và cao nhất là 750 USD, khác nhau tùy theo từng loại vaccine từ AstraZeneca tới Johnson&Johnson. Có thể thấy con số này cao gấp nhiều lần so với giá thực tế của vắc-xin do Chính phủ cung cấp, ví dụ như chỉ từ 3 đến 5 USD cho một liều AstraZeneca và khoảng 15 USD cho một liều Sinovac, nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận mua để đổi lấy quyền tự do đi lại và tiếp cận dịch vụ trong xã hội.
Thất bại của nhà nước trong việc cung cấp vaccine như một hàng hoá công để đảm bảo phúc lợi cộng đồng khiến người dân viện dẫn đến cơ chế của thị trường theo cách không mong muốn nhất. “Thị trường” này nếu bị bỏ mặc thậm chí còn có thể gây ra các tác động tiêu cực lớn hơn cho xã hội.
Do đó, để quản lý một cách hiệu quả, ngoài việc đảm bảo nguồn cung dài hạn, chính phủ lại phải xây dựng một lực lượng quản lý và thực thi vốn cũng tốn thêm nhiều phần ngân sách của nhà nước đến từ tiền thuế của người dân. Đơn cử, chính quyền New York vào tháng sáu vừa qua đã lên kế hoạch hợp tác với công ty IBM mở rộng nền tảng điện tử quản lý hộ chiếu vaccine, dự tính tốn đến 2,5 triệu USD cho việc xây dựng chương trình và tới 17 triệu đô-la để mở rộng, tất cả đều đến từ nguồn thu thuế.
Trong khi đó, giữa nội khối EU vẫn còn đang tranh cãi việc thống nhất tiêu chuẩn của giấy chứng nhận và nền tảng quản lý, đặc biệt khi nguồn lực và trình độ công nghệ giữa các quốc gia không hẳn là đồng đều nhau, chưa nói tới việc công nhận giấy phép cấp từ các quốc gia ngoại khối. Và trong khi lợi ích của việc triển khai còn cần cân nhắc từ nhiều phía, chi phí bỏ ra là một con số không nhỏ gây sức ép lên phía chính phủ và cả người dân.
Các lưu ý khi thực thi hộ chiếu vaccine
Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng hộ chiếu vaccine chỉ phát huy hiệu quả Pareto nếu như mọi người đều có khả năng tiếp cận vaccine. Lúc này, việc tiêm hay không là do lựa chọn chủ quan của họ chứ không đến từ việc thiếu thốn nguồn cung. Nếu không, hộ chiếu vaccine sẽ bị xem là một loại giấy thông hành cấp đặc quyền cho người đã được chứng nhận, tạo nên sự phân cực xã hội với những nhóm yếu thế không đủ nguồn lực để tiếp cận với nguồn vaccine.
Còn trong thời kì vaccine còn khan hiếm như hiện nay mà vẫn duy trì hộ chiếu vaccine, nếu nhóm không tiêm bị ảnh hưởng về sinh kế, sự bất bình đẳng giữa hai nhóm tiêm – không tiêm cần phải được khắc phục bằng hỗ trợ của chính phủ cho những phúc lợi xã hội. Ngoài ra, trong bất kì trường hợp nào, những đối tượng không tiêm vẫn sẽ phải chịu một số bất tiện nhất định (như không được đi dự các sự kiện giải trí đông người, không được đến các quán bar, đi ra khỏi thành phố cần có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, tới nơi công sở phải ngồi dãn cách, đeo khẩu trang…) để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, nhưng nhà nước vẫn phải đảm bảo cho họ quyền được tiếp cận với những dịch vụ thiết yếu cơ bản như giáo dục, y tế, mua nhu yếu phẩm thiết yếu.
Khi truyền thông về hộ chiếu vaccine, không nên xoáy vào những mặt bất lợi nếu không có tấm hộ chiếu này mà phải nhấn mạnh vào những lợi ích của việc tiêm vaccine. Điều này vừa tránh tạo bất bình đẳng xã hội giữa hai nhóm tiêm – không tiêm, ngăn chặn việc dấy lên các bất đồng chính trị giữa các quốc gia, và vừa tạo động lực cho mọi người tự nguyện tiêm phòng mà không cần thông qua sự cưỡng chế hành chính nào, hay bất kỳ biện pháp nào giới hạn quyền con người mang tính chế tài, trừng phạt.
Cũng nên cân nhắc để sự khác biệt về quyền lợi giữa những người tiêm và người không tiêm dần được thu hẹp khi số người tiêm chủng đạt ở một tỉ lệ nhất định hay tỉ lệ mắc bệnh trong cộng đồng ở mức chịu được. Việc bãi bỏ hiệu lực của hộ chiếu vaccine sẽ dựa trên mức độ rủi ro có thể chấp nhận được bằng việc đánh giá tác động của tiêm chủng, khả năng sản sinh các biến thể mới trong tương lai, dẫn chứng khoa học về tác hại của virus, cũng như khả năng chống chịu của xã hội theo từng quốc gia trong việc đối phó với dịch bệnh. Như vậy, những trở ngại khi triển khai hộ chiếu vaccine sẽ được giảm nhẹ hoặc chỉ mang tính chất ngắn hạn, trong khi vẫn đảm bảo việc tiến đến điểm hiệu quả tối ưu Pareto trong các mục tiêu chính sách là khả thi./
________________________
Chú thích:
1 Giảng viên khoa Luật Quốc tế trường Đại học Luật TP. HCM.
2 Patricio Goldstein, Eduardo Levy Yeyati, Luca Sartorio (2021), Lockdown fatigue: The declining effectiveness of lockdowns, https://voxeu.org/article/declining-effectiveness-lockdowns
3 Pragyan Deb, Davide Furceri, Jonathan D. Ostry, Nour Tawk (2020), The economic effects of COVID-19 containment measures, https://voxeu.org/article/economic-effects-covid-19-containment-measures
4 YaleMedicine (2021), Comparing the COVID-19 Vaccines: How Are They Different?, https://www.yalemedicine.org/news/covid-19-vaccine-comparison
5 The New York Times (2021), New York’s Vaccine Passport Could Cost Taxpayers $17 Million, https://www.nytimes.com/2021/06/09/nyregion/excelsior-pass-vaccine-passport.html