Hỗn loạn thông tin ở Việt Nam: Một năm đối phó

Cách đây một năm, khi Covid-19 bắt đầu rình rập Việt Nam, tin giả bùng phát thành một cơn dịch chưa từng thấy trên mạng xã hội, làm hỗn loạn xã hội và gây sức ép lên ngành y tế công cộng. Những trận dịch thông tin như vậy sẽ còn trở lại trong những cuộc khủng hoảng khác, nhưng làm sao đối phó với nó? PGS. TS. Nguyễn Đức An – nguyên là nhà báo ở TP.HCM, hiện là nhà nghiên cứu truyền thông khoa học và sức khỏe tại ĐH Bournemouth, Anh – trò chuyện với Tia Sáng để nhìn lại một năm dịch thông tin và bài học cho tương lai.


PGS. TS. Nguyễn Đức An.

Hiện tại, Việt Nam đang đối đầu với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 diện rộng. Nhưng hình như so với thời điểm này năm ngoái, mạng xã hội có vẻ ít tin giả hơn?

Tôi thấy mọi thứ yên ắng hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch thông tin trước và sau Tết năm ngoái. Chúng ta vẫn thấy các tin đồn thất thiệt – đại loại như tin sân bay Nội Bài sẽ đóng cửa, hay tin Hà Nội phong tỏa, hay các phát ngôn giả mạo ông Vũ Đức Đam, rồi tin bịa rằng các người này người kia nhiễm – nhưng nó không dồn dập, tràn ngập như lúc dịch mới khởi phát từ Vũ Hán. Lý do, theo quan sát chủ quan của tôi, là dân đợt này quen với dịch hơn, có vẻ bình tĩnh hơn, ít hoảng loạn hơn, nên ít lan truyền, chia sẻ các thông tin sai sự thật hơn.

Nếu so với những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19 năm ngoái, bối cảnh thông tin rất khác. Dịch bệnh nào khởi phát cũng đi kèm sự bất định. Covid-19 xuất hiện đột ngột, khiến giới khoa học và các chính quyền, thế giới cũng như Việt Nam, lâm vào thế pháo thủ nhắm vào bóng đêm. Mọi phản ứng ban đầu với corona đều dựa trên những suy luận từ các virus cùng dòng trước đây. Điều chắc chắn duy nhất lúc đó là không ai có thể chắc chắn cái gì cả.

Cái oái ăm là trạng thái am hiểu cực tiểu trong giới chuyên môn và có thẩm quyền lại diễn ra lúc nhu cầu thông tin trong công chúng đang ở mức cực đại. Việc corona có xuất xứ từ Trung Quốc, một đất nước mà người Việt luôn dè chừng, càng thêm dầu vào lửa. Ai cũng cảm giác như hiểm họa đang đuổi ngay sau mình, nhất là trong những ngày đầu, khi Chính phủ Việt Nam chưa ra lệnh đóng biên giới.

Trong không khí bất an, người dân đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mang dáng dấp sinh tồn, nhưng không nhận được gì nhiều từ giới chuyên môn hay và giới có thẩm quyền thông tin, nên phải quay sang các nguồn tin phi chính thống mà họ tín nhiệm, chủ yếu là bạn bè và người thân. Thông tin sai trái nhờ đó mà thả sức tung hoành, tạo nên cơn đại dịch thông tin trên mạng xã hội Việt Nam vào những tháng đầu 2020.

Nó như một cái vòng luẩn quẩn: càng lo sợ, càng đi tìm thông tin; càng tìm, càng thấy thiếu thông tin từ các nguồn hữu trách, lại càng dựa vào các nguồn thông tin tả pí lù trên mạng xã hội. Hoảng loạn tâm lý trở thành hỗn loạn xã hội. Người dân đổ xô tích trữ lương thực, khẩu trang, dược phẩm tới mức nhiều nơi cháy hàng. Giới y tế thêm oằn vai, thời gian chăm sóc bệnh nhân đã ít lại càng ít hơn, vì bác sĩ, y tá phải lo tiếp nhận và giải thích với dòng người khỏe mạnh đổ xô đi xét nghiệm1. Vào tháng 5/2020, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người coi khoa học không ra gì, bỗng dưng ca ngợi ký ninh (thuốc chống sốt rét, hydroxychloroquine) như một thuốc kỳ diệu giúp điều trị Covid-19, người dân cũng đổ xô đi mua, đẩy giá loại thuốc này lên gấp nhiều lần2. Thậm chí có người uống quá liều, bị ngộ độc phải nhập viện3.

 

Liệu có thể quy trách nhiệm chính cho mạng xã hội (MXH) không khi mà lịch sử cho thấy hỗn loạn thông tin gần như là một yếu tố không bao giờ thiếu mỗi khi dịch bệnh bùng phát, thưa ông?

MXH đóng phần rất quan trọng trong sự lan truyền chóng mặt của tin giả ở Việt Nam cũng như thế giới. So với cái thời H1N1 vào những năm 2003-2004 chẳng hạn, chúng ta cũng thấy hỗn loạn thông tin và hoảng loạn tâm lý như khi Covid-19 mới bắt đầu, nhưng mọi thứ chỉ lan chủ yếu qua các cuộc trà dư tửu hậu, các cuộc trò chuyện điện thoại trong phạm vi hẹp giữa các thân hữu, bạn bè.

Đến 2020, mọi sự đã khác: người người Facebook, nhà nhà Facebook. 65 triệu tài khoản Facebook, ai cũng có thể đánh vài chữ, like vài cái, hay share vài mẩu tin đồn trong tích tắc với hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người. Dịch chưa bùng phát ngoài đời nhưng đã tràn lên MXH Việt. Giữa năm 2020, Hoàng Thị Kim Khánh, một nghiên cứu sinh tôi đang hướng dẫn tiến sĩ tại Đại học Bournemouth, khảo sát gần 1130 người sử dụng Facebook Việt Nam. Kết quả sơ bộ cho thấy đại đa số “thỉnh thoảng” (60%), “thường xuyên” (21%) hoặc “rất thường xuyên” (11%) bắt gặp tin giả về Covid-19 trên Facebook. Câu chuyện không chỉ khu trú trong những tin đồn thổi trong nước mà còn cả các thông tin sai lệch và bịa đặt từ người Việt ở nước ngoài, từ những người Việt trong nước biết ngoại ngữ, nhưng đọc và chia sẻ tin tức nước ngoài thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, mạng xã hội là xúc tác, chứ không phải là nguyên nhân gốc, cho đại dịch thông tin Covid-19. Nguyên nhân chính nằm ở sức đề kháng rất yếu của người Việt Nam trước tin giả. Người Việt không được hướng dẫn và rèn luyện thói quen phản biện thông tin từ khi còn nhỏ. Sức đề kháng yếu diễn ra không chỉ ở những thành phần dân trí thấp, mà ngay trong giới trí thức, kể cả không ít nhà báo. Họ mang sứ mệnh dẫn dắt dư luận bằng sự điềm tĩnh về tri thức, chứng lý nhưng lại hùa theo dư luận, chạy theo đám đông, góp phần lan truyền những tin bịa đặt và sai lệch. Tôi thấy nhiều vị học hàm học vị đầy, nhưng chưa đọc hết một tin trên Facebook đã hốt hoảng chia sẻ bằng những lời bình luận gây sốc. Một vài người còn bịa trắng trợn vì những mục đích câu like, gây ảnh hưởng rẻ tiền.

Hơn nữa, văn hóa ứng xử trên mạng cũng là điều đáng bàn. Theo khảo sát về chỉ số văn minh số (DCI – Digital Civility Index) của Microsoft công bố vào tháng 2/2020, Việt Nam đứng hàng 21 trên 25 quốc gia được khảo sát. Nói cách khác, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có người dùng số ứng xử thiếu văn minh nhất: mỗi cá nhân dùng mạng đều đối mặt rủi bị cộng đồng tiết lộ đời tư và xúc phạm nhân phẩm. Trường hợp bệnh nhân số 17 bị phơi đời tư, bêu riếu, mắng nhiếc, dọa giết hồi cuối tháng hai năm ngoái là một minh chứng. Bịa đặt thông tin và vu khống người khác cũng phát nhanh trong bối cảnh văn minh số thấp đó.

 

Trong phản ứng với Covid-19, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và quy định xử phạt rất nghiêm với những người loan tin giả trên MXH. Ông đánh giá việc này đã hữu hiệu đến mức nào trong việc ngăn chặn tin giả?

Trước tiên, cần lưu ý bản chất tin giả trên MXH. Tin giả có nhiều cấp độ thật-giả khác nhau, nhưng tựu trung có hai loại: thông tin nhầm tưởng (misinformation) và thông tin bịa đặt (disinformation). Thông tin bịa đặt là các tin giả được tung ra theo chủ ý của người đưa tin, từ các lời nói láo trắng trợn, các thông tin lừa đảo đến các thuyết âm mưu và, phức tạp hơn nữa, là các video sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả mạo điệu bộ, giọng nói y như thật. Thông tin nhầm tưởng (misinformation) là thông tin bị bóc tách khỏi bối cảnh, bị hiểu sai, bị nhào nặn hoặc bóp méo khi được chia sẻ… Nó được lan truyền, đồn thổi từ người này sang người khác một cách vô ý.


Tin giả là vấn nạn rất lớn của thế giới cũng như ở Việt Nam. 

Về mặt đạo đức, việc lan truyền thông tin như thế có thể không tệ hại – vì phần lớn đều không có chủ ý lừa lọc mà là do hiều nhầm, cả tin, không sàng lọc. Nhưng về mức độ nguy hiểm thì nó không hề thua kém gì thông tin bịa đặt. Lượng thông tin bịa đặt thực ra không nhiều, nhưng tràn ngập trên MXH, là do quá nhiều người nhầm lẫn và lan truyền cái giả như thật.

Xử lý tin giả vì thế đòi hỏi không chỉ dùng quyền lực chính trị, luật pháp và hành chính mà cả chú trọng sức đề kháng tin giả tôi nói ở trên, sâu xa hơn nữa là cải thiện nền dân trí truyền thông (media literacy) còn thấp ở ta. Mọi biện pháp xử phạt, thậm chí phạt tù, có tác dụng cảnh báo, răn đe với những hành vi bịa đặt thông tin nhưng khó có thể giải quyết tình trạng nhầm lẫn thông tin rộng rãi trong công chúng. Đó là một vấn đề lớn, đòi hỏi quyết sách, chiến lược lâu dài để giúp mỗi công dân trở thành bộ lọc thông tin cho chính mình.

Tuy nhiên, trước mắt, với Covid-19 và các cuộc khủng hoảng y tế-xã hội khác, có thể tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng rãi và bao quát, lấy sự trung thực và minh bạch làm nền tảng. Trong những ngày đầu dịch, thông tin hỗn loạn một phần vì báo chí không đưa người đọc kịp thời đến với những thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để họ hiểu rõ tình hình. Bản thân Chính phủ Việt Nam cũng không giải tỏa kịp cơn khát thông tin trong dân khi đã im lặng trong những ngày đầu dịch.

Rất may là mọi thứ trở nên tốt hơn sau thời gian đầu lúng túng. Sự hỗn loạn về thông tin ở giai đoạn đầu dịch có một tác dụng phụ tích cực: nó tạo một áp lực dư luận to lớn, buộc giới có thẩm quyền phải minh bạch trong công tác phòng chống dịch. Cho nên, từ khoảng tháng tư trở đi, chúng ta thấy mỗi ca bệnh mới, cùng hành tung bệnh nhân, đều được cập nhật và công bố trên báo chí. Bộ Y tế tận dụng mọi phương tiện truyền thông có thể, từ truyền thống đến phi truyền thống (SMS, Facebook, TikTok), với các mô thức truyền thông đa dạng (bài hát, thơ, nhảy…), để truyền thông về các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ với mọi lứa tuổi.

Cần nghiên cứu bao quát để đánh giá đầy đủ hiệu quả các nỗ lực trên. Tuy nhiên, các khảo sát ban đầu đều cho thấy thông tin chính thống có vai trò rất quan trọng đối với dẫn dắt dư luận trong việc phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Trong nghiên cứu nêu trên, Hoàng Thị Kim Khánh cũng tìm thấy rằng hai nguồn tin phổ dụng nhất về Covid-19 trên Facebook không phải là bạn bè/người thân mà là các cơ quan báo chí chính thống (67%) và trang thông tin chính phủ (58%). Một thăm dò gần đây của YouGov, một công ty điều tra dư luận toàn cầu, cho thấy tới 97% người Việt đồng tình với cách chính phủ phản ứng với dịch bệnh Covid-19. Đằng sau những con số tích cực đó, theo tôi, là sự trung thực và minh bạch trong truyền thông.

 

Theo ông thì làm sao để minh bạch trong một bối cảnh mà nhiều thứ còn bất định, sự hiểu biết về dịch bệnh thay đổi từng ngày, kéo theo yêu cầu thay đổi quyết sách liên tục?

Minh bạch là nền tảng để công chúng đặt lòng tin vào các thiết chế xã hội. Thiếu nó, mọi thứ cùng lắm chỉ có thể vận hành một cách què quặt và dễ tan vỡ, vì không ai tự tin tằng mình có đủ thông tin trung thực và độc lập để biết mình đang theo đuổi, thực hiện một việc đúng.

Tôi nói ví dụ: Nga, Trung Quốc, Mỹ và Anh đều tuyên bố tạo ra vaccine hữu hiệu cho Covid-19 nhưng thế giới chỉ dám đặt hàng vaccine chủ yếu từ Mỹ và Anh. Đó là do ở hai nước này, khoa học làm việc độc lập theo những nguyên tắc đạo đức tự trị nghiêm ngặt. Mọi dữ liệu phải công khai rõ ràng để các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn đánh giá, cũng như báo chí và công chúng giám sát, theo dõi. Minh bạch như thế nên khi công bố ra thì người ta tin. Còn vaccine Nga và Trung Quốc, hiệu quả dù cao đến mấy thì cũng khó thuyết phục thế giới, vì mọi thứ mờ mờ, ảo ảo sau các bức tường thông tin dày đặc và đầy màu sắc địa chính trị.

Quay lại chuyện chống dịch, chỉ cần truyền thông và giới thẩm quyền bất nhất hay giấu giếm một tí là có thể làm mất lòng tin, tạo thời cơ cho các đồn đoán sẽ ngay lập tức nổi lên. Khi Việt Nam lần đầu tiên có ca tử vong vì Covid-19 vào tháng bảy, việc một số báo đăng tin rồi vội gỡ xuống đã đủ gây ra sự ầm ĩ trên mạng xã hội. Sự minh bạch trong truyền thông sẽ là vũ khí hàng đầu trong cuộc chiến chống tin giả trên MXH, trong dịch Covid-19 lẫn tương lai lâu dài. Trước mắt, nó sẽ rất quan trọng để chúng ta bước tới giai đoạn tới, khi Việt Nam sẽ phải đối đầu với làn sóng nhiễu loạn thông tin rất nguy hiểm về vaccine Covid-19 từ các nước khác. Điều này, tôi hy vọng sẽ quay lại với bạn đọc Tia Sáng trong một tương lai gần. □

 

Hảo Linh thực hiện

—–

1 https://soha.vn/vi-bac-si-truc-tiep-doi-mat-corona-kinh-khung-nguoi-ta-huong-keu-ca-nuoc-tieu-chung-toi-qua-kiet-suc-vi-fake-news-20200203101009574.htm

2 https://tuoitre.vn/chong-covid-19-bang-thuoc-sot-ret-gia-vot-nhu-ten-lua-20200321113551685.htm

3 https://tuoitre.vn/ngo-doc-nang-vi-uong-15-vien-thuoc-sot-ret-de-phong-corona-20200322105405788.htm

Tác giả