Yuval Noah Harari: Xã hội có nguy cơ bị kiểm soát hoàn toàn

Nhà sử học Yuval Noah Harari cho rằng, nguy cơ do một loại virus kỹ thuật số gây ra còn lớn hơn nhiều so với một loại virus hữu cơ khác. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói về con quái vật sinh ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng đối với xã hội trên Internet.


Thế giới sẽ như thế nào hậu corona? Thuật toán và dữ liệu lớn sẽ đóng vai trò gì? Nhà sử học người Israel Yuval Noah Harari, tác giả của một loạt cuốn sách lược sử quá khứ và lược sử tương lai bán chạy nhất thế giới “Homo Deus: lược sử tương lai” và “21 bài học cho thế kỷ 21”, trò chuyện về tương lai của nhân loại, trên tờ WELT của Đức.

WELT: Thưa giáo sư Harari, bài học quan trọng nhất mà chúng ta rút ra được từ đại dịch virus corona là gì?

GS. Yuval Noah Harari: Đó là sự cần thiết phải hợp tác toàn cầu khi giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Nhưng tiếc là chúng ta đã không đạt được mục tiêu.

Ý ông là gì? Có phải ông muốn nói vaccine vẫn chỉ dành cho các nước giàu còn số lượng dành cho người nghèo ít hơn đáng kể?

Đây rõ ràng là một tính toán thiển cận, vì virus có thể quay trở lại từ một quốc gia khác và dưới dạng đột biến. Nhưng tình hình còn tồi tệ hơn: sau hai năm đại dịch vẫn không có một kế hoạch toàn cầu – chưa nói đến lãnh đạo toàn cầu – làm thế nào để nhanh chóng vượt qua đại dịch, đối phó với những hậu quả kinh tế mà nó gây ra và đối mặt với một đại dịch khác có thể xảy ra.

Nếu chúng ta không thành công trong việc tìm ra một con đường chung trong một tình huống khẩn cấp mang tính thời đại và toàn cầu như thế này, thì làm thế nào chúng ta có thể đạt được các mục tiêu của mình đối với những vấn đề phức tạp không kém và phức tạp hơn, có thể còn ít rõ ràng hơn, như môi trường hoặc trí tuệ nhân tạo.

Chúng ta cũng chưa thể hợp tác hiệu quả để điều tra về nguồn gốc của virus ở nơi khởi phát của nó.

Đáng tiếc, điều đó xảy ra ở một đất nước không có tự do thông tin. Do đó, chúng ta cần tạo ra một cơ sở tốt hơn để trao đổi càng nhiều thông tin càng tốt trên thế giới để ngăn chặn mối nguy hiểm cho nhân loại. Một bài học khác từ Corona là tầm quan trọng của sức khỏe cộng đồng không chỉ trên bình diện quốc gia mà trên toàn thế giới. Nhưng một số quốc gia vẫn muốn xây những bức tường chống lại người nhập cư. Những bức tường mà chúng ta thực sự cần là những bức tường ngăn cách giữa loài người với các loại mối đe dọa, chẳng hạn như virus. Tính ích kỷ chắc chắn không đưa chúng ta đi đến đâu cả.

Lần đầu tiên thế giới biết tới khái niệm “Chủ nghĩa dân tộc vaccine“ (vaccine nationalism) khi các quốc gia giàu có chủ động nguồn cung và tích trữ vaccine tới mức thừa mứa trong khi các nước nghèo không thể mua nổi. Infographic tiêm vaccine cho đến tháng 6 vừa qua trên trang aljazeera.

Tuy nhiên khoa học đã cho thấy khả năng tuyệt vời của mình, trong chưa đầy một năm mà đã phát triển được vaccine chống COVID -19?

Đúng vậy, và điều đó khiến tôi rất lạc quan. Tôi nghi ngờ rằng đây thực sự có thể là trận đại dịch nghiêm trọng cuối cùng, trong khi những hiện tượng kiểu này trước kia hoàn toàn không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các chính trị gia vẫn chưa rút ra được bài học trong việc xây dựng một nền tảng chiến lược để có thể hành động kịp thời và rộng khắp trên toàn thế giới, và chúng ta đã chứng kiến những tổn thất bộc lộ trong những tháng gần đây, ví dụ như Donald Trump, giữa cơn đại dịch hoành hành đã cắt giảm tài trợ cho WHO. Điều này giống như ta chứng kiến một thảm họa trong chuyển động chậm.

Chí ít thì đã có một số nguyên thủ quốc gia theo chủ nghĩa dân túy đã bị lật nhào vì đại dịch này, ông có thấy thế không?

Vâng, bởi vì trong hoàn cảnh như vậy, mọi người ý thức được rằng họ cần một nhà lãnh đạo thực chất, chứ không phải một nghệ sĩ giải trí trong chương trình thực tế.

Trên khắp thế giới đang có các cuộc thảo luận sôi nổi về hộ chiếu tiêm chủng và những hạn chế liên quan đến Corona. Đã từng viết những cuốn sách về tương lai, bao gồm chủ đề về chủ nghĩa xuyên nhân đạo (Trans-Humanismus) như trong cuốn “Homo Deus: Lược sử tương lai”, giờ đây ông nghĩ gì về điều này?

Trong điều kiện khẩn cấp, các biện pháp như “giám sát” là cần thiết, và cá nhân tôi nghĩ đó là điều đúng đắn, nên làm. Tuy nhiên về lâu dài nó có thể trở thành một loại như con ngựa thành Troy và sẽ kiểm soát toàn bộ xã hội. Đó là lý do có hai điều cực kỳ quan trọng: Các biện pháp này chỉ là những biện pháp tạm thời, nhưng hơn tất cả, các biện pháp đó phải được áp dụng đối với cả hai phía.

Điều này có nghĩa là các nhà nước, chính phủ và các đại gia web cũng phải minh bạch, đặc biệt là trong thời điểm khẩn cấp như thế này. Và theo tôi, điều đó không may là không phải như vậy, như vụ bê bối Facebook vừa qua cho thấy. Nếu việc giám sát chỉ mang tính đơn phương, lâu dài có nguy cơ chúng ta sẽ trở thành một nước chuyên quyền và toàn trị. 

Có nghĩa là ông lo lắng về vấn đề dân chủ?

Chúng ta cần làm điều đó, phải coi đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc, bởi vì trong khi các chế độ độc tài như là một loại cỏ dại có thể mọc ở bất cứ đâu, dân chủ là một bông hoa cần được chăm sóc, bảo vệ, nó cần thời gian và điều kiện tích cực để phát triển. Nó không đến từ hư không, sự hỗn loạn ở Afghanistan đã cho thấy điều này. Nền dân chủ tồn tại nhờ sự chấp nhận của người khác, của những người có suy nghĩ khác biệt và kể cả của những người chống đối.

Tuy nhiên, thật không may, như tôi thấy thì ở nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều hận thù giữa các nhóm sắc tộc, được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo có âm mưu phá hoại nền dân chủ. Với đà này, khi không ai còn tôn trọng ai và mọi người ngày càng trở thành thù địch với nhau, thì có hai kịch bản có thể xảy ra: một là nội chiến, hai là xuất hiện một chính phủ cực kỳ độc tài.


Phim tài liệu “Song đề xã hội” (Social Dilemma) đề cập tới việc các mạng xã hội thu thập dữ liệu người dùng, gây chia rẽ gia đình, cộng đồng và có thể còn làm xói mòn nền dân chủ. Trong phim, GS Shoshana Zuboff, người khai sinh ra khái niệm “Chủ nghĩa tư bản giám sát“ cũng phân tích về nguy cơ chúng ta bị các ông lớn công nghệ giám sát, thu thập dữ liệu.

Ông ái ngại đến mức nào về sức mạnh và ảnh hưởng của các thuật toán trực tuyến, nó thường chỉ cho chúng ta thấy những gì chúng ta thích và loại bỏ phần còn lại? Đó cũng là cơ chế tuyên truyền của những thuyết chống tiêm chủng và các thuyết âm mưu khác.

Chúng cực kỳ nguy hiểm. Thật không may, các thuật toán này chủ yếu dựa trên một mô hình kinh doanh: chúng muốn giữ chúng ta trên một trang web càng lâu càng tốt để kiếm được nhiều tiền hơn nữa, chúng tạo ra cảm xúc ở người dùng để qua đó tăng “mức độ tương tác”. Đây cũng là lý do tại sao các thuyết âm mưu và quan điểm chống vaccine lại lan truyền nhiều hơn so với sự thật. Âm mưu duy nhất thực sự của phương tiện truyền thông xã hội là khai thác người dùng nhiều nhất. 

Vậy làm thế nào để thoát ra được tình trạng này?

Bạn phải “bỏ bom” mọi người đúng với nghĩa của từ này thông qua các dữ kiện, thí dụ nói rõ về vaccine. Tuy nhiên, không phải thông qua nhai đi nhai lại một cách nhàm chán, mà là theo cách cảm xúc và có sự đồng cảm, như trên phương tiện truyền thông xã hội.

Còn một vấn đề nữa, đó là những bất công xã hội. Trong cuốn sách “Sapiens” của ông, một thám tử đã điều tra cái mà ông gọi là “một trong những tội ác tồi tệ nhất của nhân loại”. 

Đúng rồi. Thật không may, lịch sử đã chỉ ra rằng – kể từ cuộc Cách mạng Nông nghiệp – một xã hội công bằng và bình đẳng dường như là không thể, đặc biệt là đối với những điều không tưởng của thế kỷ 20. Nhưng mọi thứ đang phát triển. Vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta là sự tập trung quyền lực vào những gã khổng lồ web và trên hết là vào dữ liệu lớn.

Nói cách khác, lượng dữ liệu cá nhân không thể tưởng tượng được mà chúng ta để lại trên Internet hằng ngày mà hầu hết là không hề hay biết?

Đúng vậy. Đây là hành vi trộm cắp, như Shoshana Zuboff (người khai sinh khái niệm chủ nghĩa tư bản giám sát và cuốn sách “Thời đại Chủ nghĩa tư bản giám sát: Cuộc chiến cho tương lai con người tại ranh giới quyền lực mới”-ND) đã nói. Trong khi sự bất bình đẳng trước đây được định nghĩa về tài sản, thì giờ đây nó là dữ liệu lớn, thứ có giá trị nhất hiện nay. Và điều cực kỳ nguy hiểm là lượng dữ liệu khổng lồ này lại nằm trong tay những gã khổng lồ về web như Facebook, Google, Alibaba và những người khác. Nếu điều này không được ngăn chặn càng nhanh càng tốt, sự bất bình đẳng sẽ ngày càng trở nên cực đoan hơn và có thể phát triển thành một chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số mới.

Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn điều đó?

Các chính phủ, cũng như những công dân cần phải có cam kết, có thể và nên làm điều gì đó để hạn chế quyền lực của các công ty đa quốc gia này. Trong 20 năm nữa, tất cả thông tin của chúng ta, từ công dân bình thường đến thẩm phán hay nhà báo, đều có thể chuyển đến một số trung tâm ví dụ như Bắc Kinh hoặc Washington. Và đó sẽ là một thảm họa.

Gần đây, chúng ta đã chứng kiến một số sự cố mất điện của các mạng máy tính và kỹ thuật số, từ một số ngân hàng cho đến Facebook và Instagram cách đây vài ngày. Thế giới mới của chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào?

Theo tôi, mối nguy hiểm do virus kỹ thuật số gây ra lớn hơn nhiều so với virus hữu cơ khác. Bởi vì bây giờ mọi thứ đều diễn ra trực tuyến, thậm chí còn nhiều hơn cả trước đại dịch, và việc mất điện vài ngày là đủ để gây ra một thảm họa. Chúng ta chưa chuẩn bị cho điều này và do đó đang gặp nguy hiểm lớn. Chúng ta đang ngày càng hướng tới một cuộc chiến tranh lạnh kỹ thuật số, giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia khác.

Vì vậy, không thể có chuyện về “những năm hai mươi vàng son”, như từng xảy ra sau đại dịch vào đầu thế kỷ trước, mà nhiều người đang hy vọng?

Tôi không tin rằng lịch sử có thể lặp lại hoàn toàn. Bởi vì rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào quyết định cá nhân và hoàn cảnh rất đặc biệt. Ví dụ, sau đại dịch, chúng ta có thể đổ lỗi cho người nước ngoài và truyền bá các thuyết âm mưu. Nhưng chúng ta cũng có thể phát triển một ý thức sâu sắc về cộng đồng và sự hợp tác – và thậm chí còn tin tưởng hơn vào khoa học. Đây là hai mô hình tương lai khác nhau và cả hai đều có thể xảy ra.

Tôi cho bạn một ví dụ khác: Khi một đại dịch lớn khác bùng phát, AIDS, cộng đồng người đồng tính bị chính phủ bỏ rơi hoàn toàn: “Hãy để bọn đồng tính chết đi” là câu thần chú của họ. Thay vào đó, trong trường hợp khẩn cấp này, cộng đồng đồng tính luyến ái đã ngày càng xích lại gần nhau hơn và kết quả là họ trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bởi vì cuối cùng quyền lực luôn thuộc về nhân dân.□

Xuân Hoài dịch
Nguồn: Die Welt

Tác giả