Có cần đổi mới tư duy về mục tiêu tăng trưởng?

Dư địa để nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Nhưng để tận dụng dư địa đó, chắc chắn không phải bằng cách cứ chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn hàng năm, mà có lẽ, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao trường kỳ, sự chú ý cao nhất trong hệ mục tiêu kinh tế vĩ mô chắc chắn phải được dành cho chất lượng tăng trưởng chứ không phải là tốc độ.

Xu hướng giá, đặc biệt là giá năng lượng trên thị trường thế giớđang định hình trên một số cơ sở và nguyên tắc mới khiến sự tự chủ trong nước  ngày càng khó khăn hơn. ảnh: Quốc Tuấn

1. Giai đoạn 5 năm 2001-2005 sắp kết thúc. Chỉ báo cơ bản của nền kinh tế cho cả giai đoạn này là: tốc độ tăng trưởng ngày càng được nâng cao (từ 6,9% năm 2001 lên khoảng 8,4% năm 2005 theo dự báo). Đó là một xu hướng rất tích cực. Trong hoàn cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động bất thường và tác động tiêu cực mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, xu hướng đó chứng tỏ sức vươn và đà tiến mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta. Sự khởi sắc trở lại của dòng FDI và sự trỗi dậy đã có thể gây bùng nổ của khu vực tư nhân cũng là những yếu tố quan trọng làm gia tăng tinh thần lạc quan cho giai đoạn tới.

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, tình hình lại không hoàn toàn như vậy. Thậm chí, các chỉ báo về chất lượng tăng trưởng là đáng quan ngại. Các khuyết tật lớn dẫn đến tình trạng tăng trưởng kém hiệu quả (bao cấp, đầu tư nhà nước tràn lan, chỉ số ICOR cao, nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí trở nên đặc biệt nghiêm trọng, v.v.) vẫn chưa có dấu hiệu được đẩy lùi. Đồng thời, năng lực cạnh tranh tăng trưởng quốc gia trong bảng xếp hạng toàn cầu liên tục bị tụt hạng, với mức tụt “quán quân”1. Đây là bằng chứng phản ánh rõ nét thực chất tình trạng và triển vọng “tụt hậu phát triển ngày càng xa hơn” của nền kinh tế nước ta.

Thậm chí, sự tăng trưởng GDP được ghi nhận, trong nhiều trường hợp, lại là kết quả của một sự lãng phí tài sản quốc gia. Ví dụ về sự cố cầu Văn Thánh (TP. HCM), hàng loạt cảng cá ở Cà Mau, Sóc Trăng, chưa làm xong đã hỏng, tốn thêm hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa; hay đường Hồ Chí Minh thường xuyên bị sụt lở mỗi năm tốn hàng trăm, thậm chí, hàng nghìn tỷ đồng để vá víu, khôi phục để phục vụ cho một số xe rất khiêm tốn chỉ là những minh họa cho một nghịch lý phát triển: càng đầu tư một cách lãng phí, tài sản quốc gia càng hao hụt thì GDP lại càng tăng. Loại ví dụ này, như báo chí thường nêu và hay được dẫn ra trên diễn đàn Quốc hội, có thể nói là vô số.
2. Tình trạng đối nghịch đó nói lên điều gì?

Thứ nhất, nó nói lên rằng tăng trưởng cao của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa rồi không đi liền với việc cải thiện chất lượng tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh, thậm chí còn là ngược lại. Nếu đặt bức tranh tăng trưởng này vào trong khung cảnh kinh tế quốc tế hiện đại và giữ nguyên xu hướng đó cho 5-10 năm tới, thật không khó khăn gì để tiên đoán số phận của nền kinh tế Việt Nam trong khung cảnh hội nhập và cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng cao đương nhiên là một cách thức quan trọng để đưa nền kinh tế thoát khỏi tụt hậu. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta xuất phát muộn và có trình độ xuất phát rất thấp nên việc nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP – là một giải pháp bị đặt trong những giới hạn nghiệt ngã về nguồn lực và tài năng tổ chức quá trình tăng trưởng – không thể là cách thức duy nhất, càng không phải cách thức cơ bản, để thoát khỏi tụt hậu. Trong khi đó, nếu chúng ta không nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này, khả năng tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế và khu vực hiện đại, khẳng định vị thế tồn tại của mình trong đó sẽ trở nên đặc biệt gay go, nếu không nói là không thể. Có nghĩa là nếu không có tư duy phát triển mới mẻ hơn, mà cái đang bàn ở đây trực tiếp là tư duy về mục tiêu, thì khó có thể đưa ra một định hướng phát triển đúng cho nền kinh tế, cả trong dài hạn lẫn trung và ngắn hạn. 
Thứ ba, những biến động bất thường của thị trường thế giới trong vài năm gần đây và xu hướng gia tăng lạm phát trong nền kinh tế nước ta chỉ ra hai điều căn bản. Một là xu hướng giá cả trên thị trường thế giới đang định hình dựa trên một số cơ sở và nguyên tắc mới, trong đó, sự nổi lên của hai cường quốc kinh tế đang phát triển Trung Quốc và Ấn Độ là yếu tố đặc biệt quan trọng. Hai là một số cơ sở tăng trưởng và ổn định quan trọng hàng đầu của nền kinh tế nước ta là không vững chắc, đơn giản vì chúng không thuộc tầm kiểm soát và điều chỉnh của Chính phủ Việt Nam. Quan hệ cung cầu đầu vào, đầu ra trên thị trường thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ trong nguyên tắc vận động; còn lưu lượng của các dòng tiền và dòng vốn trên thế giới trở nên lớn, nhanh và nhạy cảm một cách bất thường. Đó là chưa kể đến các biến cố tự nhiên như thiên tai, dịch bệnh cũng có thể tàn phá các nền kinh tế theo đúng kiểu toàn cầu hóa: lan tỏa nhanh và hủy diệt.  

Một số cơ sở tăng trưởng và ổn định quan trọng hàng đầu của nền kinh tế nước ta là không vững chắc, đơn giản vì chúng không thuộc tầm kiểm soát và điều chỉnh của Chính phủ Việt Nam.

Tình hình này đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận mới đến vấn đề tăng trưởng và lạm phát. Giữ nguyên cách tiếp cận truyền thống, trong cách nói biện chứng, hàm nghĩa với “đằng sau – quay” trong phát triển.

3. Có vô vàn lý do để giải thích tình hình trên. Báo chí, nhiều công trình nghiên cứu đã tận tình mổ xẻ, phân tích chúng một cách sâu sắc. Và nhiều điều đã được Chính phủ đón nhận một cách tích cực, thông qua việc biến các gợi ý, đề xuất khoa học thành giải pháp chính sách và quyết sách hành động. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua (18/10/2005) chứng tỏ rất thuyết phục điều đó. Báo cáo đó dấy lên và củng cố một niềm tin về triển vọng kinh tế lạc quan hơn của giai đoạn tới.

Chủ nghĩa thành tích, dàn trải và lãng phí trong đầu tư, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng đang trở thành phổ biến. ảnh: Quốc Tuấn

Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh lại một vài điều thuộc về “yếu tố chủ quan tác động đến tăng trưởng” được coi là mấu chốt.

Thứ nhất, thành tích tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2001-2005 “chủ yếu dựa vào tăng đầu tư vốn”; trong đó, nguồn tăng chủ yếu nhất là  đầu tư nhà nước. Trong 5 năm qua, phần vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội luôn giữ ở mức 55-60%, với hệ số ICOR (hiệu suất vốn đầu tư) duy trì ở mức trên dưới 7,0 (ICOR chung của nền kinh tế là khoảng 5,0). Dù có biện luận kiểu gì – nhà nước cần đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất hàng hóa công, phải duy trì và phát triển một số ngành then chốt nhưng hiệu quả không cao, v.v. nên cần lượng vốn lớn và hiệu suất đầu tư không thể cao – thì như thực tế chỉ ra và được nêu chỉ phần nào trên báo chí, không thể không thừa nhận rằng mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào nhà nước mà chúng ta đang cố gắng duy trì là không hiệu quả, cả về mặt nâng cao tốc độ lẫn cải thiện chất lượng tăng trưởng. Muốn xoay chuyển căn bản tình hình, chắc chắn phải có tư duy mới về mô hình tăng trưởng theo hướng phải đổi mới lập trường về vai trò chức năng của các các lực lượng thị trường trong quá trình tăng trưởng.

 Thứ hai, cách xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng và ổn định (chống lạm phát) trong vài năm qua bộc lộ nhiều vấn đề về năng lực phối hợp mục tiêu và công cụ chính sách, về tầm nhìn vĩ mô tổng thể và dài hạn của các cơ quan điều hành kinh tế. Có hai điểm cần nhấn mạnh.

Một là cách tư duy cục bộ của các bộ phận chức năng (bộ, ngành) về mục tiêu kinh tế vĩ mô chung (khuynh hướng đứng trên lập trường lợi ích cục bộ khi thay mặt Chính phủ thiết kế các chính sách vĩ mô chức năng, khi hành động và nhận lãnh trách nhiệm thực thi)2. 

Hai là khuynh hướng đối phó tình thế ngắn hạn, bị động thay vì tư duy dài hạn để định hướng hành động ngắn hạn một cách chủ động. Việc phải nỗ lực hết sức cho mục tiêu tốc độ tăng trưởng hàng năm ít nhiều chi phối cách hành động đã trở thành cố hữu: đầu năm thong thả, cuối năm dốc sức, bất chấp điều kiện. Chủ nghĩa thành tích, dàn trải đầu tư, chấp nhận lãng phí vốn, dễ dãi hơn với các khuyết tật cơ chế và sai lầm cá nhân, v.v. để hoàn thành mục tiêu tốc độ vẫn tiếp là cách thức chi phối hoạt động đầu tư nhà nước, thậm chí có xu hướng được củng cố thêm.

 

Dịch bệnh cúm gia cầm đang đặt các nền kinh tế trước nguy cơ bị thiệt hại nặng nề. ảnh: Lê Anh Tuấn

 Hai điểm nhấn mạnh nêu trên có liên quan đến một thực tế: cấu trúc thị trường của nền kinh tế nước ta, sau 20 năm phát triển kinh tế thị trường, vẫn còn khiếm khuyết nghiêm trọng. Hệ thống các thị trường hình thành và phát triển không đồng bộ, cơ chế “bộ chủ quản” và “độc quyền của DNNN” còn nặng là những cơ sở để chính sách dễ bị thiên lệch và môi trường kinh doanh không bình đẳng. Tình trạng này là cơ sở để các nhóm lợi ích cục bộ phát huy sức mạnh chi phối, làm cho việc phối hợp mục tiêu và công cụ chính sách vĩ mô trở nên khó khăn và kém hiệu quả.

Nhận định về một khía cạnh thực chất của tăng trưởng trong giai đoạn 2001-2005, Báo cáo của Chính phủ dẫn lại một luận điểm của Nghị quyết Hội nghị TƯ 9 (khóa IX): “mức tăng trưởng còn thấp hơn khả năng thực tế, ít tiến bộ về các nhân tố phát triển theo chiều sâu, năng suất lao động xã hội thấp và tăng chậm, hiệu quả đầu tư kém, chi phí sản xuất và lưu thông cao”. 

Cấu trúc thị trường của nền kinh tế nước ta, sau 20 năm phát triển kinh tế thị trường, vẫn còn khiếm khuyết nghiêm trọng. Hệ thống các thị trường hình thành và phát triển không đồng bộ, cơ chế “bộ chủ quản” và “độc quyền của DNNN” còn nặng là những cơ sở để chính sách dễ bị thiên lệch và môi trường kinh doanh không bình đẳng.  

Nhận định này hàm nghĩa gì? Trong tầm nhìn dài hạn, hàm nghĩa là rõ ràng: Phương cách tăng trưởng như những năm qua vừa không giải quyết được vấn đề tốc độ (nền kinh tế vẫn tăng trưởng thấp hơn khả năng thực tế), vừa không giải quyết được vấn đề chất lượng (hiệu quả và năng lực cạnh tảnh chậm được cải thiện); rằng dư địa để nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Nhưng để tận dụng dư địa đó, chắc chắn không phải bằng cách cứ chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn hàng năm. Có lẽ, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao trường kỳ, chúng ta phải tạm thời “quên” tốc độ đi. Để tăng trưởng nhanh lâu bền, sự chú ý cao nhất trong hệ mục tiêu kinh tế vĩ mô chắc chắn phải được dành cho chất lượng tăng trưởng chứ không phải là tốc độ.

Lập luận này dựa trên cách đặt vấn đề dài hạn đối với quá trình tăng trưởng, đồng thời, phù hợp với yêu cầu sinh tồn và phát triển của một nền kinh tế đi sau trong môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt.
——–
1 Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh tăng trưởng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2004, Việt Nam bị tụt 17 bậc,mức tụt cao nhất thế giới; năm 2005, Việt Nam bị tụt tiếp 4 bậc.
2 Minh họa rõ nhất cho hiện tượng này là việc một loạt bộ, ngành, khi đối mặt với lạm phát cao, đều cố gắng thể hiện mình “vô can”, ít “đóng góp vào lạm phát” bằng cách đưa ra những bằng chứng riêng của ngành mìnhhơn là nỗ lực cùng Chính phủ (mà Bộ, ngành đó là một thành viên) xác định hệ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân thuộc về điều hành, và các giải pháp vĩ mô tông thể để đối phó.

Trần Đình Thiên

Tác giả