Ấn Độ và Brazil: bài học về cái giá mà con người phải trả nếu phớt lờ khoa học

Chính phủ hai nước này đã phớt lờ hoặc trì hoãn đưa ra hành động dựa trên lời khuyên của các nhà khoa học, điều này đồng nghĩa với việc họ đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng để kiểm soát đại dịch.

Một trung tâm chăm sóc Covid-19 ở New Delhi. Ấn Độ đã ghi nhận 400.000 ca mắc và hơn 3.500 ca tử vong mỗi ngày do Covid-19. Ảnh: Imtiyaz Khan/Anadolu Agency/Getty
 
Tuần trước, tổng số ca tử vong vì Covid-19 của Brazil đã lên đến 400.000 người. Tại Ấn Độ, đại dịch đang cướp đi sinh mạng của khoảng 3.500 người mỗi ngày, kéo theo đó là sự hỗ trợ của toàn thế giới – với việc cung cấp oxy, máy thở, giường chăm sóc đặc biệt v.v.. Mặc dù hai quốc gia này cách nhau hàng ngàn dặm, nhưng cuộc khủng hoảng mà cả hai đang đối mặt đều là kết quả của sự thất bại trong quản lý: các nhà lãnh đạo của họ hoặc thất bại, hoặc trì hoãn hành động theo tư vấn của các nhà nghiên cứu. Điều này đã góp phần ra gây ra những tổn thất khủng khiếp về người.  
 
Người chịu trách nhiệm lớn nhất cho thất bại của Brazil chính là tổng thống của nước này, Jair Bolsonaro. Ông đã liên tục gọi Covid-19 là “bệnh cúm nhỏ” và từ chối tuân theo lời khuyên của các nhà khoa học về việc đưa ra các chính sách cần thiết như bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. 
 
Giới chức Ấn Độ đã không hành động dứt khoát vào những lúc cần thiết. Chẳng hạn, họ đã cho phép – và trong một số trường hợp, khuyến khích – tụ tập đông người. Tình huống như vậy không mới. Chúng ta đã từng chứng kiến nó vào thời điểm cựu tổng thống Mỹ Donald Trump còn tại vị, chính quyền của vị cựu tổng thống này đã phớt lờ các bằng chứng về tầm quan trọng của giãn cách xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19, để rồi nước này đã ghi nhận hơn 570.000 ca tử vong vì căn bệnh này.
 
Như Nature đã từng viết, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ đã chủ quan sau khi các ca mắc Covid-19 mỗi ngày đạt đỉnh vào tháng 9 với 96.000 ca mắc và rồi giảm dần – xuống còn khoảng 12.000 vào đầu tháng 3. Thời điểm đó, các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại. Người dân tụ tập, thậm chí là tham gia các cuộc biểu tình phản đối luật nông nghiệp mới – hàng nghìn nông dân đã tập trung gần biên giới New Delhi. Những cuộc biểu tình bầu cử và tụ tập để sinh hoạt tôn giáo tiếp tục diễn ra trong tháng Ba và tháng Tư.  
 
Khó khăn về dữ liệu
 
Đó không phải là khó khăn duy nhất mà Ấn Độ phải đối mặt. Ngoài ra, các nhà khoa học không dễ dàng truy cập dữ liệu để nghiên cứu về Covid-19. Điều này cản trở họ cung cấp các dự đoán chính xác, cũng như đưa ra lời khuyên dựa trên bằng chứng đáng tin cậy cho chính phủ. Ngay cả khi không có dữ liệu cần thiết, vào tháng 9 năm ngoái, họ đã cảnh báo chính phủ nên thận trọng với việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19. Và cuối tháng Tư, họ tiếp tục cảnh báo rằng làn sóng dịch thứ hai có thể dẫn đến 100.000 ca mắc mỗi ngày. 
 
Và rồi, vào ngày 29 tháng 4, hơn 700 nhà khoa học đã viết thư cho Thủ tướng Narenda Modi, yêu cầu chính quyền hỗ trợ họ trong việc tiếp cận các dữ liệu như kết quả xét nghiệm Covid-19 và kết quả lâm sàng của bệnh nhân trong bệnh viện, cũng như các chương trình giám sát bộ gen quy mô lớn nhằm xác định các biến thể mới. Ngày hôm sau, Krishnaswamy Vijayraghavan – cố vấn khoa học chính của chính phủ nước này – đã thừa nhận những lo ngại này và làm rõ các phương án mà những nhà nghiên cứu độc lập, không thuộc chính phủ, có thể truy cập vào những dữ liệu này. Những nhà khoa học ký tên trong bức thư này tỏ ra hoan nghênh trước động thái này, nhưng họ trao đổi với Nature thêm rằng một số khía cạnh của quyền truy cập dữ liệu thực ra vẫn chưa rõ ràng. 
 
Ngay từ đầu, không cần thiết phải viết một lá thư phản đối. Những người ký vào thư đã mạo hiểm khi để lại danh tính của mình: trong quá khứ, chính phủ Modi đã không có thái độ tốt đối với các nhà nghiên cứu đặt nghi vấn về những chính sách của mình. Hai năm trước, một lá thư bao gồm hơn 100 nhà kinh tế và nhà thống kê kêu gọi chấm dứt can thiệp chính trị vào số liệu thống kê chính thức, đã không được giới chức nước này đón nhận. Bức thư được viết sau khi các quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Thống kê Quốc gia của Ấn Độ từ chức sau khi bị cáo buộc đã can thiệp vào thời gian công bố dữ liệu của chính phủ. 
 
Việc cá nhà nghiên cứu mâu thuẫn với chính phủ nước họ không phải là tín hiệu tốt. Điều này có thể dẫn đến thêm nhiều ca tử vong khi đại dịch xảy đến – bởi đó là thời điểm chính phủ cần đưa ra quyết định nhanh chóng, những quyết định dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy. Bằng cách gạt bỏ các nhà khoa học của mình sang một bên, chính phủ Brazil và Ấn Độ đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng để giảm thiểu thiệt hại về người. 
 
Trong một đại dịch, tất cả chúng ta đều cần chính phủ của mình sát cánh bên cạnh. Tuy nhiên, thật khó để đưa ra quyết định hợp lý một cách nhanh chóng, nhất là khi thông tin không đầy đủ – đó là lý do vì sao dữ liệu sức khỏe cần phải chính xác và dễ tiếp cận đối với các nhà nghiên cứu lẫn bác sĩ lâm sàng. Từ chối hoặc che giấu dữ liệu chỉ khiến đại dịch kéo dài. 
 
Anh Thư tổng hợp
Nguồn: 
https://www.nature.com/articles/d41586-021-01166-w
https://www.nature.com/articles/d41586-021-01031-w

 
 

Tác giả