Bất bình đẳng kinh tế làm giảm hạnh phúc của người cao tuổi?

Một nghiên cứu liên ngành kinh tế học, xã hội học và tâm lý học đã cho thấy bất bình đẳng xã hội đang làm giảm hạnh phúc người cao tuổi ở Việt Nam, đặc biệt là ở các nhóm nghèo và nông dân và đề xuất điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ cho các nhóm này.

Người cao tuổi nhận chi trả bảo hiểm

“Bất bình đẳng kinh tế liệu có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam?” là một nghiên cứu liên ngành giữa kinh tế học, xã hội học và tâm lý học của nhóm tác giả TS Trần Quang Tuyến (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong) và TS. Vũ Văn Hưởng (Học viện Tài chính) đã tiến hành trong hai năm qua. Kết quả nghiên cứu được công bố trong tháng 1/ 2017 trên tạp chí Nghiên cứu Hạnh Phúc (Journal of Happiness Studies)[1].

Phần lớn các bằng chứng thực nghiệm cho thấy bất bình đẳng về mức sống có tác động tiêu cực tới mức độ người dân hài lòng về cuộc sống, do các ngoại ứng xã hội tiêu cực như sự căng thẳng, mất gắn kết xã hội, gia tăng tội phạm và các bệnh thần kinh… Bất bình đẳng cũng hàm ý có nhiều rủi ro về mức sống có thể xảy ra với mọi người. Trong một số rất ít trường hợp, bất bình đẳng có tác động tích cực nếu người dân nhìn đó như một cơ hội tốt để dịch chuyển xã hội (social mobility: thay đổi thu nhập, công việc, địa vị). Người dân cảm thấy hài lòng với bất bình đẳng bởi họ nghĩ rằng họ có sẽ có thể cải thiện mức sống trong tương lai khi thấy những người xung quanh mình trở nên giàu có hơn.

Nhóm tác giả đã sử dụng dữ liệu từ Cuộc Điều Tra Người Cao Tuổi Việt Nam và Cuộc Tổng Điều Tra Nông-Lâm-Thủy Sản năm 2011 (Tổng cục Thống kê tiến hành) để tiến hành một nghiên cứu về mối liên hệ giữa bất bình đẳng (đo bằng mức chi tiêu tiêu dùng đầu người) và mức độ hài lòng cuộc sống hay hạnh phúc ở người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam. Kết quả phân tích hồi quy từ nghiên cứu này cho thấy rằng tính trung bình, những người cao tuổi ở các xã có mức độ bất bình đẳng cao có xu hướng tự đánh giá mức hài lòng cuộc sống thấp hơn. Mối tương quan này rất có ý nghĩa thống kê ngay cả khi mô hình phân tích đã kiểm soát nhiều đặc điểm cá nhân và hộ gia đình như giáo dục, thu nhập, tôn giáo, quân hệ xã hội, sức khỏe…. Điều đó cho thấy rằng bất bình đẳng có tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam.

Kết quả phân tích hồi quy cũng cho thấy, tác động của bất bình đẳng tới chất lượng sống của người cao tuổi mạnh hơn đối với các nhóm nghèo hoặc nông dân. Mặt khác, nghiên cứu cũng cung cấp thêm các bằng chứng cho thấy rằng người dân nông thôn Việt Nam có mức độ dịch chuyển xã hội kém.

Các phát hiện nghiên cứu có hàm ý chính sách rằng các chính sách hỗ trợ người cao tuổi nên tập trung cho người nghèo và nông dân bởi chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tình trạng bất bình đẳng.

————

[1] Một tạp chí quốc tế ISI uy tín xuất bản bởi nhà xuất bản Springer Netherlands, xếp hạng Q1 (top 25%) trong cả danh mục ISI theo phân ngành khoa học xã hội liên ngành (Social Sciences, Interdisciplinary) và Scimago-Scopus về khoa học xã hội (Social Sciences). Bạn đọc có thể đọc toàn văn công bố tại: http://link.springer.com/article/10.1007/s10902-017-9851-4

Tác giả