Các nhà khoa học kêu gọi ngừng chỉnh sửa gene người

Một nhóm các nhà khoa học hàng đầu gồm 18 người từ 7 quốc gia đã kêu gọi một cuộc tạm ngừng áp dụng những thay đổi về di truyền vào phôi, trứng và tinh trùng người – chỉnh sửa gene dòng mầm, để tạo ra những đứa trẻ được biến đổi về gene trên quy mô toàn cầu.

Họ đã công bố lời kêu gọi này trên tạp chí Nature với hi vọng gây ảnh hưởng lên cuộc tranh cãi kéo dài mà đỉnh điểm của nó là sự kiện TS. He Jiankui (Hạ Kiến Khuê) ở Trung Quốc loan báo việc anh dùng công cụ CRISPR để thay đổi gene của các đứa trẻ để giúp nó kháng được virus HIV vào tháng 11/2018. Nhiều nhà khoa học, trong đó có nhà khoa học đoạt giải Nobel David Baltimore (Viện Công nghệ California) vẫn còn không đồng ý với quan điểm tạm dừng này. Thậm chí với sự việc TS. He Jiankui, ông còn cho rằng việc cấm là “hà khắc” và “phản các mục tiêu khoa học”.
Kêu gọi của họ cũng trên cơ sở thông điệp từ hai hội nghị toàn cầu về chỉnh sửa hệ gene vào năm 2015, 2018 cũng như hai báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, kỹ thuật và y học Mỹ (NASEM) năm 2017 và báo cáo của Hội đồng Y đức Nuffield (Anh) năm 2018 trong đó không đề nghị cấm hoàn toàn việc chỉnh sửa dòng mầm người hứa hẹn giúp hiệu chỉnh lại một số bệnh tật di truyền của con người nhưng cảnh báo việc chỉnh sửa dòng mầm để làm gia tăng sức mạnh thể chất và nhận thức của con người. 
18 nhà khoa học cảnh báo, bất kỳ quốc gia nào muốn bật đèn xanh cho việc chỉnh sửa dòng mầm gene người sẽ phải thông báo công khai, đi kèm với một đánh giá minh bạch và quốc tế hóa là liệu việc can thiệp đó có đúng quy định của pháp luật và có đảm bảo nó nhận được sự ủng hộ rộng rãi không. “Các quốc gia có thể chọn lựa những cách thức khác nhau nhưng họ phải đồng thuận để thực hiện một cách công khai với sự tôn trọng các quan điểm về con người trong vấn đề mà sau này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các loài trên trái đất”, họ nêu trong thư ngỏ. Các nhà khoa học cũng khuyến khích các quan điểm của những giới ngoài khoa học, trong đó có cả người khuyết tật và tôn giáo, tham gia thảo luận, đồng thời nhấn mạnh, việc kêu gọi này không bao gồm việc chỉnh sửa gene trên các tế bào xô ma – là bất kỳ tế bào nào của cơ thể ngoài tế bào mầm, tế bào sinh dục, tế bào gốc, vốn không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. 
Không phải là nhà khoa học muốn dừng vĩnh viễn việc biến đổi các tế bào mầm người mà thay vào đó là thời gian được ấn định “5 năm là phù hợp cho các chính phủ cam kết không theo đuổi các mục tiêu chỉnh sửa gene”. Khoảng thời gian tạm hoãn này có thể đủ “thiết lập một khung quy định quốc tế” dưới sự điều phối của một tổ chức quốc tế, có thể là Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cùng thảo luận về đề xuất của các quốc gia đang xem xét việc cấp phép chỉnh sửa một gene dòng mầm đặc hiệu.
Bài viết trên Nature đề xuất cần tạo ra một cơ chế cho phép các nhà khoa học “dán nhãn nghiên cứu có tiềm năng nguy hiểm” bởi ít nhất sáu nhà khoa học biết He Jiankui lập kế hoạch chỉnh sửa và hoàn thiện các phôi người – hoặc thậm chí là đã sẵn sàng làm – nhưng đều im lặng theo đề nghị của anh ta. 
Hầu hết các viện nghiên cứu quốc gia đều cam kết phân tích vấn đề này trong năm tới. “Đây là vấn đề cấp bách để cho ra đời khung quy định”, Victor Dzau, chủ tịch Viện Hàn lâm Y học quốc gia Mỹ  và là đồng tác giả một bức thư khác trên Nature có mô tả chi tiết kế hoạch của NASEM cho vấn đề chỉnh sửa gene dòng mầm. 
Vào ngày 18 và 19/3/2019, WHO cũng sẽ nhóm họp để thành lập Ủy ban tư vấn chuyên môn về phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu cho chính phủ và giám sát chỉnh sửa gene người.
Trong số những đồng tác giả bài báo trên Nature có nhà tiên phong về kỹ thuật CRISPR Feng Zhang (Broad Institute ở Cambridge, Massachusetts), Emmanuelle Charpentier (Viện Max Planck khoa học mầm bệnh ở Berlin), nhà khoa học đoạt giải Nobel Paul Berg (trường Đại học Stanford ở Palo Alto, California), trong đó Berg và Baltimore từng tổ chức hội nghị danh tiếng  Asilomar năm 1975 thường được xem như một mô hình thảo luận về các công nghệ sinh học mới và nhiều nguy cơ rủi ro. Nó đã đề xuất những quy định về các thí nghiệm DNA tái tổ hợp sau sau đó gây nhiều tranh cãi, bao gồm cả việc cấm các nghiên cứu về mầm bệnh nguy hiểm.□

Thanh Nhàn lược dịch
Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2019/03/new-call-ban-gene-edited-babies-divides-biologists

Tác giả