Chủ động tương tác và tự ngấm

Tạo niềm vui thích thay vì những bài học cứng nhắc là kinh nghiệm để thu hút trẻ em tham gia vào các hoạt động trải nghiệm ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới.


Trẻ em thích thú trò chuyện với linh vật hình bác sĩ, một hoạt động do Bảo tàng Smithsonian kết hợp với Chương trình Sức khỏe cộng đồng của Mỹ thực hiện. Nguồn ảnh: anacostia.si.edu.

Nhiều người hẳn không quên “Đêm ở bảo tàng” ra đời năm 2006, một trong những loạt phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh kể về trải nghiệm của Larry khi làm việc tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ. Anh không ấn tượng gì với các hiện vật “vô tri vô giác” đến khi màn đêm buông xuống, những hiện vật sống dậy, hành động giống y hệt như những gì được miêu tả trong lịch sử và bắt đầu quậy phá “tưng bừng”. Quá trình “sống với” những nhân vật lịch sử, trải qua cả những cuộc chiến một mất một còn giữa các phe phái đã khiến Larry yêu lịch sử, yêu bảo tàng tự lúc nào không hay và tìm mọi cách bảo vệ bảo tàng khi nó đứng trên bờ vực phá sản

Từ “một chiều” sang “tương tác”

Diễn biến phim là hư cấu, nhưng “tương tác” giữa Larry với các nhân vật lịch sử cũng như chứng kiến các sự kiện trong quá khứ thực ra cũng thể hiện một “chiến lược” của các bảo tàng trên thế giới trong việc thu hút khách tham quan, đặc biệt là trẻ em thông qua một quá trình có thể nói ngắn gọn là trải nghiệm “tương tác và tự ngấm”.

Hiện nay, trước khi thực sự bước vào những bảo tàng lớn trên thế giới như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, hệ thống Bảo tàng Smithsonian, bảo tàng nghệ thuật Musée d’Orsay ở Pháp…, bạn đều có thể đặt mua một khoá học trải nghiệm rất thú vị cho trẻ em. Với mỗi khoá này, giáo viên và học sinh (hoặc phụ huynh và học sinh) phải tuân thủ các bước tìm hiểu trước tham quan, trong và sau tham quan với những hoạt động chuẩn bị tài liệu trước khi đi bảo tàng, tham gia trải nghiệm chủ động và sáng tạo sản phẩm sau tham quan tương ứng. Thông qua khoá học trải nghiệm đó, các em học sinh tự “thẩm thấu” các kiến thức lịch sử, nghệ thuật mà không hề bị “nhồi” kiến thức bởi những bài giảng thuyết minh “một chiều”. Ví dụ: Bảo tàng nghệ thuật Smithsonian, Mỹ có hàng chục khoá khác nhau về nhiều chủ đề tương ứng với các không gian trưng bày của bảo tàng. Trong đó, chỉ dành riêng cho nữ sinh cũng có các khoá hướng đạo sinh dành cho nữ với những nội dung rất phù hợp với sở thích của nữ sinh đang tuổi “ô mai” như: Làm trang sức, Phác hoạ kiến trúc hay “hàn lâm” như tìm hiểu về Lịch sử di sản.

Nhưng ít ai biết rằng, các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới cũng đã phải trải qua những lần “cách mạng” trong tư duy giáo dục bảo tàng cho trẻ em, với bước chuyển từ thuyết minh “một chiều” sang tương tác có sự “tham gia” chủ động như ngày nay. Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia tại Copenhagen, Đan Mạch là một minh chứng. Bà Nana Bernhardt, cán bộ giáo dục tại bảo tàng này, đã chứng kiến sự thay đổi mang tính lịch sử trong chiến lược tiếp cận trẻ em: Cho đến tận những năm 1990, bảo tàng này vẫn duy trì “thói quen” thu hút trẻ em thông qua những tour tham quan ngắn khoảng một giờ và có hướng dẫn viên. Nhưng rồi, nhân viên bảo tàng ngày càng nhận thấy “không ổn” vì bọn trẻ cảm thấy thật xa lạ và bé nhỏ trong những không gian trưng bày khổng lồ, khó cảm nhận được các công trình nghệ thuật. Sau đó, bảo tàng này đã phải đóng cửa trong hai năm (1996-1998) để thiết lập lại các hoạt động và mở cửa lại sau khi bố trí thêm không gian trải nghiệm dành riêng cho trẻ em dưới tên Bảo tàng trẻ em. Khu vực này rất thân thiện với trẻ nhỏ trong độ tuổi 6 – 12, cung cấp cho trẻ và gia đình những chương trình “trải nghiệm”. Các chủ đề cũng rất gần gũi với tâm lý, tình cảm của trẻ thay vì mang tính hàn lâm với những tác phẩm nghệ thuật “cao siêu”. Một trong những chủ đề thu hút học sinh, phụ huynh và giáo viên cùng tham gia thảo luận sôi nổi mà bảo tàng này cung cấp là “Hoa và ong” – đề cập tới những vấn đề về tình yêu, lãng mạn và tình dục vốn là “chuyện khó nói” ở Đan Mạch tại thời điểm đó.

Tương tự, bảo tàng nghệ thuật Musée d’Orsay, Pháp từng nhận được phản hồi của học sinh là “nơi chán chường, tẻ nhạt”, “bắt buộc phải đi với nhà trường/ sẽ không đi nếu không bắt buộc”. Musée d’Orsay buộc phải “lột xác” bằng những hoạt động “trẻ trung” hơn cho phép học sinh lựa chọn chủ đề và tương tác trực tiếp với các nghệ sĩ trẻ chứ không chỉ chứng kiến những bức tranh đã ra đời từ hàng trăm năm và có cảm tưởng “nghệ sĩ phải là những người đã băng hà như Claude Monet”.

“Khăng khít” với chiến lược giáo dục

Thông thường, các bảo tàng đều tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông và tiến hành nghiên cứu khảo sát về xu hướng, sở thích của trẻ em rồi mới đưa ra các khoá trải nghiệm. Chương trình “Hoa và Ong” của Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật quốc gia Đan Mạch hay các cuộc tương tác giữa trẻ em và nghệ sĩ của bảo tàng Musée d’Orsay, Pháp trong ví dụ ở trên đều hình thành sau khi cán bộ giáo dục của các bảo tàng này có điều tra và phỏng vấn sâu các em học sinh. Đồng thời, để đảm bảo cho các khoá trải nghiệm diễn ra “suôn sẻ”, các bảo tàng đều có hướng dẫn chi tiết để giáo viên phối hợp chuẩn bị cho học sinh trong các khâu trước và sau tham quan.

Về mặt quản lý giáo dục, mỗi điều chỉnh trong chính sách, chương trình giáo dục luôn có tác động mạnh tới sự “sống còn” của các bảo tàng. Trong tháng hai vừa qua, một báo cáo của Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao Anh đã cho thấy, lượng khách tới tham quan các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật nước này giảm tới 1.4 triệu người so với năm 2016 (từ 49 triệu người xuống còn 47,6 triệu người), ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên trong gần một thập kỉ qua. Hiệp hội Bảo tàng Anh cho biết đã chứng kiến “sự đáng thất vọng to lớn” vì sự sụt giảm lớn nhất trong đó là số lượng thanh thiếu niên đến thăm viện bảo tàng vì mục đích giáo dục (giảm hơn 6% so với năm trước). Sự sụt giảm đáng kể này được cho là có liên quan tới sự thay đổi “mang tính hệ thống” là loại bỏ nghệ thuật và văn hoá khỏi chương trình giảng dạy. Một nghiên cứu của Đại học Warwick năm 2015 đã phát hiện ra rằng số giáo viên nghệ thuật trong trường học đã giảm 11% kể từ năm 2010, các hoạt động liên quan tới nghệ thuật trong trường học giảm 25%. Tương tự, nội dung về lịch sử nghệ thuật đã bị loại khỏi chương trình A-level (tương đương với lớp 11, 12 ở Việt Nam).

Mặc dù các bảo tàng phải “tự chủ” trong chiến lược thu hút trẻ em của mình, nhưng các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của chính phủ cũng có tác động “hỗ trợ” tới các chương trình giáo dục di sản của bảo tàng. Chẳng hạn, tháng 9 năm 2016, chính phủ Anh đã thí điểm chương trình cho trẻ em tiếp cận nghệ thuật miễn phí. Chính quyền ở năm thành phố lớn nước này cung cấp miễn phí 600 suất cho trẻ em tiếp cận các hoạt động văn hoá bao gồm cả xem nội dung chính của các hoạt động nghệ thuật và cả tương tác “hậu trường”. Sau chương trình thí điểm sẽ là các hoạt động trên diện rộng tại nhiều địa điểm thưởng thức văn hoá nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử trong khắp cả nước. Điều đặc biệt của các chương trình này là trẻ em mới chính là “đạo diễn” của khoá tham quan trải nghiệm, nghĩa là chính các em được cùng tham gia với ban tổ chức lên kế hoạch cho mọi hoạt động tham quan.

Và đương nhiên, truyền thông xã hội cũng góp phần không nhỏ cho việc “quảng bá” hình ảnh, cập nhật sự thay đổi trong chương trình hoạt động của các bảo tàng. Ví dụ, chính bộ phim “Đêm ở bảo tàng” đã thu hút thêm tới 20% lượng khách tham quan và đăng ký các khoá trải nghiệm ở bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ trong suốt các kỳ nghỉ năm đó. Thậm chí, ngay từ tháng1/2007, bảo tàng đã bán “hết veo” toàn bộ số vé của các khoá trải nghiệm ăn nghỉ tại bảo tàng cho đến hết tháng sáu.

Bảo Như tổng hợp.

 

Tác giả