Công nghệ mở trong các cơ sở văn hóa và giáo dục
Sau Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chính phủ đã có hai quyết định có liên quan tới việc xây dựng, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bao gồm cả các dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.
Tranh đường phố ở Ý (được số hóa trên trang của Europeana) .
Từ ví dụ của Europeana
Việc xây dựng một hệ thống thư viện số, mở và chia sẻ để dùng chung giữa các thư viện là chủ đề nóng vài năm gần đây, và nó đã trở nên đặc biệt nóng hơn nhiều trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19, khi nhiều hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, đã và đang phải chuyển lên trên trực tuyến.
Cũng đã có vài sáng kiến xây dựng các hệ thống như vậy, ví dụ như sáng kiến xây dựng thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam thuộc dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ với sự tham gia của 45 trường đại học và học viện, hay sáng kiến xây dựng hệ thống thư viện số đại học dùng chung nhằm chia sẻ các học liệu nội sinh giữa 28 cơ sở thư viện đại học và học viện. Các sáng kiến này đều được khởi xướng từ 2017, nhưng vì nhiều lý do, tới nay vẫn chưa thể đi vào sử dụng trong thực tế.
Bài viết này gợi ý một ví dụ điển hình xây dựng hệ thống kết nối mở, liên thông như vậy nhưng được mở rộng hơn không chỉ cho các thư viện của các cơ sở giáo dục, mà còn cho cả các cơ sở bộ nhớ khác của ngành văn hóa, như các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ và các viện bảo tàng, như của Europeana.
Europeana và tiếp cận OpenGLAM
Europeana một nền tảng số, mở, do Europeana Foundation (Quỹ Europeana), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Hà Lan quản lý, đã tập hợp được hơn 57 triệu đối tượng số từ các bộ sưu tập trên trực tuyến của hơn 3.500 phòng trưng bày, thư viện, viện bảo tàng, các bộ sưu tập nghe nhìn và các kho lưu trữ từ khắp châu Âu, theo một tài liệu được Europeana xuất bản năm 2019. Tài liệu này cũng cho biết, trên thực tế có tới 90% các đối tượng di sản văn hóa của châu Âu còn chưa được số hóa, và Europeana sẽ tiếp tục làm việc với các cơ sở văn hóa và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu để xử lý phần còn lại.
Điều đặc biệt quan trọng là Europeana chọn tiếp cận mở để tiến hành chuyển đổi số, và đương nhiên, bao gồm việc số hóa nội dung của các cơ sở văn hóa được kết nối tới nó, một tiếp cận được biết tới với tên gọi là OpenGLAM, với GLAM là viết tắt các từ tiếng Anh của các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ, viện bảo tàng (Galleries, Libraries, Archives, Museums).
OpenGLAM là mạng toàn cầu của những người và tổ chức đang làm việc để mở nội dung và dữ liệu do các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ và viện bảo tàng nắm giữ. Như một cộng đồng thực hành, nó kết hợp các nỗ lực liên tục để phổ biến tri thức và văn hóa thông qua các chính sách và thực hành để khuyến khích các cộng đồng rộng lớn hơn tham gia, và tích hợp họ với các nhu cầu và hoạt động của các cộng đồng nghề nghiệp làm việc trong các cơ sở GLAM.
Các GLAM là các cơ sở mạnh về chia sẻ tri thức với thế giới. Đặc biệt trên Internet, việc xây dựng thực hành chia sẻ tri thức đòi hỏi áp dụng các thực hành mở các bộ sưu tập bằng việc sử dụng cấp phép mở, các công cụ mở, và hạ tầng mở.
Câu hỏi là: Với vai trò là người dẫn dắt và tổ chức hệ thống, làm thế nào Europeana xây dựng được một hệ thống mở, kết nối và chia sẻ rộng khắp như vậy?
Trang chủ của Europeana
14 tuyên bố quyền
Để có thể xây dựng một hệ thống như vậy, Europeana trước hết tập trung vào việc làm rõ bản quyền của các bộ sưu tập và các hạng mục trong các bộ sưu tập được các nhà cung cấp nội dung đưa lên nền tảng số, mở Europeana bằng việc đưa ra 14 tuyên bố các quyền như được nêu ở phần ngay bên dưới đây, nhiều trong số đó gắn liền với các giấy phép nói chung, và các công cụ dành cho các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng nói riêng, trong hệ thống cấp phép mở Creative Commons.
Bên cạnh việc đưa ra các tuyên bố về các quyền bản quyền đối với các đối tượng số của bản thân, đặc biệt là đối với các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng, việc ban hành các chính sách ở mức châu Âu của Ủy ban châu Âu, Nghị viện và Hội đồng châu Âu có liên quan tới: (1) việc cấp phép mở để sử dụng lại các đối tượng số; (2) việc khẳng định rõ ràng các quyền của người sử dụng đối với các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng; và (3) chính sách rõ ràng về phần mềm nguồn mở, đã giúp cho việc chuyển đổi số bằng công nghệ mở của Europeana, về khía cạnh cơ sở pháp lý, là rất thuận lợi.
Các tuyên bố quyền đối với các đối tượng số của Europeana
Một trong những vấn đề quan trọng khi Europeana đứng ra tập hợp các đối tượng số là đưa ra một cách rõ ràng và chi tiết các tuyên bố quyền được tiêu chuẩn hóa mà bạn có thể chọn khi cung cấp nội dung cho Europeana hoặc sẽ là các giấy phép và các công cụ của Creative Commons hoặc các tuyên bố từ nhóm các tuyên bố quyền. Trước khi áp dụng các tuyên bố quyền, bạn nên biết:
– Danh sách các tuyên bố quyền sẽ được cập nhật theo thời gian.
– Tất cả các giấy phép và các công cụ của Creative Commons chỉ có thể được những người nắm giữ các quyền áp dụng, hoặc được họ cho phép.
– Khuyến cáo bạn nên tham khảo website của Creative Commons để hiểu đầy đủ các định nghĩa và mã pháp lý. Điều này sẽ giúp bạn quyết định giấy phép
Creative Commons nào là tuyên bố quyền phù hợp nhất cho dự án của bạn.
Ở thời điểm hiện tại, có tất cả 14 tuyên bố quyền như vậy đã được Europeana đưa ra, bao trùm toàn bộ phổ các giấy phép, từ mở nhất cho tới đóng nhất, được liệt kê ngắn gọn bên dưới đây:
1. Dấu Phạm vi Công cộng – PDM (Public Domain Mark). Dấu này được áp dụng cho các đối tượng số không còn được bản quyền bảo vệ nữa. Bất kì ai cũng có thể được sử dụng các nội dung được gắn nhãn này mà không có bất kỳ hạn chế nào.
2. Không có bản quyền – chỉ sử dụng lại phi thương mại – NoC-NC (No Copyright – non commercial re-use only (NoC-NC). Tuyên bố NoC-NC này được áp dụng cho các đối tượng số nằm trong phạm vi công cộng đã được số hóa như là kết quả của mối quan hệ đối tác công – tư, nơi mà các điều khoản hợp đồng giới hạn sử dụng thương mại trong một giai đoạn thời gian nhất định.
Hệ sinh thái của Europeana gồm cơ quan chủ quản là Europeana .Foundation (Quỹ Europeana), Liên minh đối tác (bao gồm các chuyên gia về bảo tồn văn hóa), Diễn đàn cho những nhà thu thập dữ liệu – là nơi thu thập các dữ liệu văn hóa, làm việc trực tiếp với các bảo tàng, cơ sở giáo dục, thư viện, kho lưu trữ riêng lẻ.
3. Không có bản quyền – Các hạn chế Pháp lý Được biết Khác – NoC-OKLR (No Copyright – Other Known Legal Restriction). Tuyên bố NoC-OKLR này được áp dụng cho các đối tượng số nằm trong phạm vi công cộng. Tuy việc sử dụng những đối tượng này không bị ràng buộc bởi bản quyền nhưng người dùng cần phải tuân thủ những hạn chế pháp lí khác, hoặc chấp hành những quy định của tổ chức phát hành chúng.
4. Creative Commons CC0 1.0 Hiến tặng vào Phạm vi Công cộng – CC0 (The Creative Commons CC0 1.0 Universal Public Domain Dedication). Khi tác giả gán nhãn CC0 cho tác phẩm của mình, điều đó có nghĩa là họ từ chối mọi quyền tác giả gắn liền với tác phẩm đó, miễn là không vi phạm pháp luật. Họ cho phép tất cả mọi người có thể sao chép, phân phối, chỉnh sửa, thậm chí là buôn bán tác phẩm đó mà không phải hỏi ý kiến ai.
5. Creative Commons – Ghi công – CC BY (Creative Commons – Attribution). Giấy phép CC BY này cho phép những người khác phân phối, kết hợp, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép, thậm chí thương mại hóa, miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền như được mô tả trong giấy phép đó. CC BY được khuyến khích sử dụng để thúc đẩy mọi người truy cập, khám phá và sử dụng các tác phẩm được cấp phép.
6. Creative Commons – Ghi công, Chia sẻ tương tự – CC BY-SA (Creative Commons – Attribution, ShareAlike). Giấy phép CC BY-SA này cho phép những người khác kết hợp, sửa đổi và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép, thậm chí vì các mục đích thương mại, miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền như được mô tả trong giấy phép, và cấp phép cho các tùy chỉnh tác phẩm đó của họ theo các điều khoản y hệt. Tất cả các tác phẩm mới dựa vào tác phẩm được cấp phép gốc ban đầu sẽ mang giấy phép y hệt, nên bất kỳ bản phái sinh nào cũng sẽ cho phép sử dụng thương mại.
7. Creative Commons – Ghi công, Không có Phái sinh – CC BY-ND (Creative Commons – Attribution, No Derivatives). Giấy phép CC BY-ND này cho phép phân phối lại, bao gồm cả sử dụng thương mại và phi thương mại tác phẩm đó miễn là không có chỉnh sửa nào được làm đối với tác phẩm đó và người nắm giữ các quyền được thừa nhận ghi công phù hợp với các đặc điểm của giấy phép đó.
8. Creative Commons – Ghi công, Phi Thương mại – CC BY-NC (Creative Commons – Attribution, Non-Commercial). Giấy phép CC BY-NC này cho phép những người khác kết hợp, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép đó cho các mục đích sử dụng phi thương mại. Bất kỳ tác phẩm mới nào được tạo ra dựa vào tác phẩm của bạn cũng phải được thừa nhận ghi công cho người nắm giữ các quyền như được chỉ định trong giấy phép, và chỉ có thể sẵn sàng cho sử dụng phi thương mại.
9. Creative Commons – Ghi công, Phi Thương mại, Chia sẻ Tương tự – CC BY-NC-SA (Creative Commons – Attribution, Non-Commercial, ShareAlike). Giấy phép CC BY-NC-SA này cho phép những người khác pha trộn, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép đó cho các mục đích sử dụng phi thương mại miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền của tác phẩm theo các điều khoản được chỉ định trong giấy phép đó, và cấp phép cho các sáng tạo mới theo các điều khoản y hệt.
10. Creative Commons – Ghi công, Phi Thương mại, Không có Phái sinh – CC BY-NC-ND (Creative Commons – Attribution, Non-Commercial, No Derivatives). Giấy phép CC BY-NC-ND này là hạn chế nhất trong số sáu giấy phép Creative Commons, chỉ cho phép những người khác tải về các tác phẩm được cấp phép và chia sẻ chúng với những người khác miễn là họ thừa nhận ghi công cho người nắm giữ các quyền như được chỉ định trong giấy phép, nhưng người sử dụng không thể thay đổi tác phẩm theo bất kỳ cách gì hoặc không thể sử dụng chúng cho các mục đích thương mại.
11. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – InC (In Copyright). Tuyên bố InC là để sử dụng các đối tượng số còn trong thời hạn bảo vệ bản quyền mà vẫn sẵn sàng được sử dụng tự do và miễn phí trên internet. Tuy nhiên, việc sử dụng lại chúng đòi hỏi sự cho phép bổ sung từ (những) người nắm giữ các quyền bản quyền.
12. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – Được phép Sử dụng trong Giáo dục – InC-EDU (In Copyright – Educational Use Permitted). Tuyên bố InC-EDU là để sử dụng với các đối tượng số còn trong thời hạn bảo vệ bản quyền mà sẵn sàng được sử dụng tự do không mất tiền trên internet và (những) người nắm giữ các quyền đã cho phép sử dụng lại chỉ cho các mục đích giáo dục.
13. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – Tác phẩm Mồ côi ở Liên minh châu Âu – InC-EU-OW (In Copyright – EU Orphan Work). Tuyên bố InC-EU-OW là để sử dụng với các đối tượng số đã được xác định như là một tác phẩm mồ côi ở quốc gia xuất bản đầu tiên và phù hợp với các yêu cầu của luật quốc gia triển khai Chỉ thị 2012/28/EU của Nghị viện và Hội đồng châu Âu này 25/10/2012 về sử dụng các tác phẩm mồ côi được cho phép nhất định.
14. Chưa được Đánh giá Bản quyền – CNE (Copyright Not Evaluated). Tuyên bố CNE là để sử dụng với các đối tượng số nơi mà tình trạng bản quyền còn chưa được đánh giá.
Bổ sung thêm rằng, vì Europeana làm việc với các di sản văn hóa của châu Âu, nó đặc biệt chú trọng tới các đối tượng, cả ở dạng tương tự (analog) lẫn ở dạng số (digital) và mối quan hệ giữa chúng với nhau. Về khía cạnh này, Europeana đã đưa ra Hiến chương Phạm vi Công cộng, khẳng định tầm quan trọng của phạm vi công cộng:
“Phạm vi Công cộng là nguyên liệu thô từ đó chúng ta tạo ra kiến thức mới và tạo ra các tác phẩm văn hóa mới. Việc có Phạm vi Công cộng lành mạnh và thịnh vượng là cơ bản cho phúc lợi xã hội và kinh tế của các xã hội của chúng ta”.
và để có được phạm vi công cộng lành mạnh và thịnh vượng trong kỷ nguyên số, Europeana đã đưa ra nguyên tắc cho các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng khi được số hóa như sau:
“Số hóa nội dung thuộc Phạm vi Công cộng không tạo ra các quyền mới đối với nó: các tác phẩm nằm trong Phạm vi Công cộng ở dạng tương tự tự (analogue form) tiếp tục nằm trong Phạm vi Công cộng một khi chúng được số hóa.”
biết rằng, như các tuyên bố quyền số 1 và 4 ở trên, nhiều nội dung trong phạm vi công cộng cho phép mọi người có thể sử dụng chúng tự do, miễn phí mà không có bất kì hạn chế nào.
Bốn mức nội dung trên Europeana – tùy thuộc vào lựa chọn cấp phép của các nhà cung cấp nội dung cho các hạng mục trong các bộ sưu tập của họ.
Chính sách của Liên minh châu Âu tạo thuận lợi cho chuyển đổi số với công nghệ mở
Trong khi các tuyên bố quyền nêu trên của Europeana có thể được xem như là chính sách cấp phép mở của riêng Europeana hoặc như là chính sách cấp phép mở ở cấp cơ sở, thì ở mức của Ủy ban châu Âu và Liên minh/Hội đồng châu Âu cũng có các chính sách tạo thuận lợi cho các tuyên bố quyền, cũng như việc xây dựng nền tảng số, mở Europeana, như được nêu dưới đây:
1. Ngày 22/2/2019, Ủy ban châu Âu đã ban hành chính sách áp dụng giấy phép mở Creative Commons cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban châu Âu, theo đó:
a0 Điều 1. Giấy phép Công cộng Creative Commons Ghi công 4.0 Quốc tế (CC BY 4.0) được phê chuẩn như là giấy phép mở cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban theo Điều 6 của Quyết định 2011/833/EU.
b0 Điều 2. Không ảnh hưởng tới điều trước, dữ liệu thô, siêu dữ liệu hoặc các tài liệu khác có bản chất tương đương có thể được phân phối cách khác theo các điều khoản hiến tặng vào phạm vi công cộng Creative Commons (CC0 1.0).
2. Ngày 17/4/2019 Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị về bản quyền và các quyền liên quan trong Thị trường Số Duy nhất và sửa đổi bổ sung cho các Chỉ thị 96/9/EC và 2001/29/EC, với Điều 53 của nó được nêu như sau: Các tác phẩm nghệ thuật nhìn trong phạm vi công cộng. Các quốc gia thành viên sẽ quy định rằng, khi thời hạn bảo vệ tác phẩm nghệ thuật thị giác đã hết hạn, bất kỳ sản phẩm nào là kết quả của hành động tái tạo lại tác phẩm đó cũng đều không có bản quyền hoặc các quyền tương tự, trừ phi sản phẩm đó là sáng tạo trí tuệ của chính tác giả.
3. Ngày 21/10/2020 Ủy ban châu Âu đã ban hành ‘Chiến lược phần mềm nguồn mở 2020-2023 của Ủy ban châu Âu: Nghĩ Mở’ nhằm đạt được các mục tiêu: (1) Tiến bộ hướng tới tự chủ số; (2) Triển khai chiến lược số của châu Âu; (3) Chia sẻ và sử dụng lại vì lợi ích của tất cả mọi người; (4) Đóng góp cho xã hội tri thức; và (5) Xây dựng dịch vụ công cấp độ thế giới. Chiến lược này của Ủy ban châu Âu chắc chắn là tạo thuận lợi cho việc xây dựng nền tảng số, mở Europeana.
Quy trình chia sẻ dữ liệu với Europeana
Hiện có hàng ngàn kho lưu trữ, thư viện và viện bảo tàng của châu Âu làm việc với Europeana để mang các bộ sưu tập của họ tới những người sử dụng khắp trên thế giới. Để điều này diễn ra suôn sẻ, Europeana đã chuẩn hóa, cả về mặt pháp lý và kỹ thuật, một quy trình năm bước mà một cơ sở GLAM ở châu Âu muốn chia sẻ các đối tượng số với Europeana cần biết để tuân thủ. Từng bước quy trình đều có một câu hỏi đặc trưng và các câu trả lời sẵn để giúp cho bạn, với vai trò của một nhà cung cấp dữ liệu cho Europeana, vì lợi ích của chính bạn, cân nhắc để lựa chọn tuyên bố quyền phù hợp.
Bên dưới đây là tóm tắt nội dung các câu trả lời cho từng câu hỏi ở từng bước quy trình và đưa ra giải thích ngắn gọn các yêu cầu về pháp lý và kỹ thuật cùng các tài liệu (vài trong số đó đã được dịch sang tiếng Việt) tham chiếu tới các yêu cầu đó.
Bước 1. Các lợi ích
Vì sao chia sẻ dữ liệu với Europeana?
Vì dữ liệu đó sẽ được trình bày trên Europeana một cách trực quan và sáng tạo. Đồng thời, đó cũng là một cơ hội để các cơ sở văn hóa quảng bá bộ sưu tập của mình đến với những khán giả mới và đối tác mới. Những cơ sở văn hóa cũng sẽ được đào tạo và hướng dẫn về cách số hóa dữ liệu bài bản (bao gồm cách mô hình hóa dữ liệu, bản quyền của dữ liệu và các hình thức cấp phép sử dụng dữ liệu)
Bước 2. Các yêu cầu
Các yêu cầu chính cho việc chia sẻ dữ liệu của bạn với Europeana là gì?
Về cơ bản, Europeana yêu cầu các dữ liệu và thông tin mô tả dữ liệu phải ở dạng số, ai cũng có thể theo dõi được. Tuy nhiên, Europeana chỉ tiếp nhận các dữ liệu về châu Âu, do người châu Âu làm ra hoặc thuộc bộ sưu tập của các cơ sở văn hóa đặt tại các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu.
Europeana cũng làm việc với các đối tác để chỉ ra nội dung nào cần mở rộng, nội dung nào nên hạn chế, ai nắm quyền sở hữu các quy trình ra quyết định theo một chiến lược được vạch ra bởi Europeana Foundation (tổ chức vận hành dự án Europeana).
Bước 3. Các tiêu chí kỹ thuật
Liệu có các tiêu chí kỹ thuật cho việc chia sẻ dữ liệu của bạn hay không?
Các tổ chức khi đóng góp dữ liệu cho Europeana cần tuân thủ định dạng dữ liệu và mô tả dữ liệu theo một nguyên tắc gọi là Mô hình dữ liệu của Europeana – EDM (Europeana Data Model) và đảm bảo chất lượng như được nêu trong Khung Xuất bản của Europeana. Chỉ có như vậy thì mới đảm bảo dữ liệu xác thực, đáng tin cậy và người dùng có trải nghiệm chiêm ngưỡng, chia sẻ, sử dụng dữ liệu một cách tốt nhất.
Bước 4. Cấp phép
Bạn cần cấp phép cho dữ liệu bạn chia sẻ với Europeana như thế nào?
Ngoài việc xem xét tình trạng bản quyền của từng tác phẩm (tác phẩm nào còn hạn bản quyền, tác phẩm nào đã hết hạn) và lựa chọn một trong 14 giấy phép của Europeana để dán nhãn vào các dữ liệu, các cơ sở văn hóa phải phải cho phép người dùng sử dụng lại phần mô tả dữ liệu mà không có bất kì hạn chế nào về quyền.
Bước 5. Xuất bản
Bạn xuất bản bộ sưu tập của bạn như thế nào?
Là một tổ chức nhỏ ở Hà Lan, có lẽ là không thể đối với Europeana Foundation để làm việc trực tiếp với tất cả các cơ sở di sản văn hóa nào muốn chia sẻ dữ liệu. Thay vào đó Europeana Foundation làm việc với các nhà tổng hợp, các tổ chức thu thập dữ liệu. Những tổ chức này giống như cầu nối giữa Europeana Foundation và các cơ sở văn hóa và giúp họ xuất bản dữ liệu của mình.
Kết luận và gợi ý
Nền tảng số, mở Europeana có thể là một mô hình tham khảo rất tốt cho việc xây dựng một nền tảng thư viện dùng chung, ví dụ như, cho các thư viện các trường đại học và cao đẳng hoặc cho bất kỳ cơ sở GLAM nào khác ở Việt Nam khi triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg cho các cơ sở văn hóa và/hoặc cho ngành thư viện như được nêu trong các Quyết định số 1296/QĐ-TTg và số 206/QĐ-TTg, một cách tương ứng. Đặc biệt, mô hình này có lẽ là thích hợp khi việc chuyển đổi số được thực hiện, như mong muốn của chính phủ, bằng công nghệ mở.
Để một nền tảng số, mở làm việc được, điều tối cần thiết là phải tập trung vào việc làm rõ các quyền bản quyền và chuẩn hóa nội dung/dữ liệu sẽ được tập hợp trên nền tảng đó từ các cơ sở khác nhau. Các bước triển khai để xuất bản nội dung/dữ liệu lên nền tảng số, mở đó phải rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi để từng bên cung cấp nội dung/dữ liệu có được lựa chọn như họ mong muốn nhưng vẫn tuân thủ việc chuẩn hóa đó. Ngoài ra, để nền tảng số, mở đó phát huy tác dụng, nó cần phải được chính sách, đặc biệt là chính sách cấp phép mở, ở mức quốc gia/nhóm quốc gia tạo thuận lợi.
Nền tảng số, mở Europeana được tổ chức phi lợi nhuận – Europeana Foundation – quản lý và kết nối với hàng ngàn nhà cung cấp nội dung khắp châu Âu, nhưng các nhà cung cấp nội dung này không xuất bản nội dung của họ trực tiếp tới nền tảng Europeana, mà thông qua các nhà tổng hợp và các tổ chức thu thập dữ liệu, có lẽ cũng là một khía cạnh khác gợi ý cho cách làm khi chúng ta muốn xây dựng một hệ thống thư viện dùng chung. Liệu có thể một Hội/Hiệp hội nghề nghiệp hay một đơn vị chuyên ngành trực thuộc nó đóng vai trò của bên quản lý/kết nối và đưa ra các quy định chung để các bên cùng tuân thủ, khi có sự tham vấn và đồng thuận với cả các nhà cung cấp nội dung (ví dụ, là các thư viện của các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu và/hoặc các cơ sở GLAM của ngành văn hóa là các thành viên của các Hội/Hiệp hội nghề nghiệp đó) và các nhà tổng hợp và các tổ chức thu thập dữ liệu (ví dụ, là các công ty cung cấp các giải pháp về công nghệ thông tin và truyền thông) để xây dựng và triển khai các quy định chung đó vào thực tế, vì lợi ích của tất cả các bên có liên quan tham gia trong nền tảng dùng chung đó hay không?
Trong khi chờ đợi để có câu trả lời từ tất cả các bên liên quan, một trong những vấn đề cấp thiết và có lẽ là ưu tiên số 1 ở thời điểm hiện nay, là chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia/chính phủ, giống như những gì Liên minh châu Âu/Ủy ban châu Âu/Hội đồng châu Âu đã làm để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các chính sách mức cơ sở của Europeana được thuận lợi khi triển khai vào thực tế ở khắp tất cả các quốc gia châu Âu.
Không có chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia/chính phủ, nhiều khả năng việc xây dựng một nền tảng số, mở dùng chung sẽ khó trở thành hiện thực, và xa hơn, Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở và Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO sẽ chỉ có thể được triển khai trên giấy, không thể hiện thực hóa được trong thực tế, và có lẽ, khoa học và giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục, trên thực tế, đi ngược đường với các xu thế không thể đảo ngược của khoa học mở và giáo dục mở của thế giới.□
Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0 Quốc tế