Đổi mới sáng tạo: Góc nhìn từ người nông dân

Thời gian qua, cụm từ “Đổi mới sáng tạo” được nhắc nhiều trên các diễn đàn quốc gia và quốc tế. “Đổi mới sáng tạo” luôn nằm trong các phát biểu của những chính khách, nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn. Và thật sự, “Đổi mới sáng tạo” là sự kỳ vọng của mỗi quốc gia trên con đường tìm kiếm sự thịnh vượng và bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đất nước mình đại đa số là nông dân, những người đang bắt tay vào tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình như còn xa lạ với câu chuyện đó. Làm sao để hàng chục triệu nông dân không bị bỏ quên và đứng ngoài làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp và xu thế “Đổi mới sáng tạo” đang diễn ra trên khắp hành tinh này? Cách mạng 4.0 và nông nghiệp 4.0 làm sao đến được người nông dân, những người được xem như là một chủ thể, một nguồn lực, một động lực trong cuộc cách mạng nông nghiệp và nông thôn? Ai và bằng cách nào dẫn dắt người nông dân nhanh chóng tiếp cận trào lưu của thế giới? Hay “Đổi mới sáng tạo” là câu chuyện chỉ dành riêng cho giới tinh hoa, chỉ được luận bàn trong các bộ ngành, viện trường?

Quả thật, đây đó trên mảnh đất hình chữ S này, có biết bao người nông dân sáng tạo, đến nỗi còn được tôn vinh là “Những nhà khoa học chân đất – những anh Hai lúa”. Họ có thể thiếu những kiến thức hàn lâm, nhưng lại thừa khát vọng và những sáng kiến, sáng tạo đều xuất phát từ nhu cầu của chính họ và từ cuộc sống muôn màu. Có thể những sáng kiến, sáng tạo chưa hoàn mỹ, khó có thể thương mại hoá, nhưng đa phần đã giải quyết được những bức xúc trong cuộc sống và sản xuất. Những nông dân lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi. Những nông dân cải tiến, chế tạo các thiết bị phục vụ sản xuất như: bơm tưới tự động, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, máy đào mương, máy cấy lúa. Những nông dân còn chế tạo thuyền năng lượng mặt trời, máy bay, tàu lặn… Có nông dân còn được phong là “vua sáng chế”.

Tự hào lắm những nông dân sáng tạo như vậy, nhưng đồng thời cũng thấy còn gì đó có khoảng cách với xu thế “Đổi mới sáng tạo”. Cuộc cách mạng 4.0 bắt đầu từ sự đột phá mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Vậy không biết có bao nhiêu nông dân xứ mình biết sử dụng những thiết bị thông minh để làm giàu tri thức trong cuộc sống, để tối ưu hoá quy trình sản xuất, để tận dụng được sức mạnh công nghệ, để tham gia vào thương mại điện tử…? Thế giới người ta đang tiến vào nền nông nghiệp 4.0 còn nông nghiệp, nông dân xứ mình đang “chấm” nào? Muốn “Đổi mới sáng tạo” phải chăng bằng cách mỗi người có thể tiếp cận được kho tàng tri thức của nhân loại. Từ tiếp cận đến tận dụng được kho tàng đó để rồi tìm cơ hội sáng tạo từ trong đó là cả một hành trình cần đến cách tiếp cận mới.

Tri thức không dành riêng cho giới tinh hoa, mặc dù giới tinh hoa luôn là những người dẫn dắt nhân loại tiến từ cuộc cách mạng này sang cuộc cách mạng khác. Nhưng hình như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, giới tinh hoa vẫn chỉ là thiểu số, những người dân mới là đa số. Nếu những người dân được tạo điều kiện tiếp cận kho tàng tri thức chắc chắn sẽ là sức mạnh vô cùng to lớn cho mỗi quốc gia, địa phương. Sức mạnh của nhân dân đã được khẳng định qua các cuộc cách mạng của nhân loại, dù là cách mạng chính trị hay cách mạng khoa học kỹ thuật. Ý tưởng của con người là như nhau, nhưng khác nhau điều kiện và cách thức thực thi.

Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ việc hình thành ý tưởng, mà ý tưởng thường xuất phát từ một người nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó thường phải cần đến nhiều người. Vậy thì cần phải có không gian cộng đồng để những người đến với nhau. Đó là một trong những lý do Đồng Tháp hình thành các hội quán nông dân. Hội quán được nhiều chuyên gia đánh giá là một sáng kiến cộng đồng, một thiết chế tự nguyện của người dân. Mọi sự sẽ bắt đầu thay đổi từ những không gian như thế. Những thông tin, kiến thức được chia sẻ ở đó. Những ý tưởng sáng tạo cũng sẽ được bàn bạc thảo luận ở đó cùng với các chuyên gia, nhà khoa học. Hạ tầng viễn thông cùng với công nghệ thông tin được đầu tư sẽ kết nối những người nông dân với thế giới. Người nông dân sẽ không còn sống trên những “ốc đảo” tri thức nữa. Người nông dân sẽ biết thế giới này người ta thay đổi nhanh chóng như thế nào, trong khi đó thì mình đang đứng ở đâu trong vòng xoáy của sự thay đổi đó. Có định vị được mình, có so sánh giữa mình với thiên hạ mới kích hoạt sự mới mẻ, và từ sự mới mẻ đó mới kích thích đổi mới sáng tạo trong những người nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Hệ tri thức Việt số hóa là một bước đi cần thiết để kết nối tri thức. Nhưng suy cho cùng phải cần đến sự sẵn lòng và sẵn sàng từ xã hội, trong đó có những người nông dân. Hãy cùng chung tay để sự kết nối thành công, để tri thức ngày càng lan toả, để đổi mới sáng tạo đến tận xóm làng.

Một nền tảng dân trí và nắm bắt sức mạnh công nghệ thông tin sẽ là động lực cho một xã hội đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và rộng khắp.

 

Tác giả