Giải Nobel cho nghiên cứu về kinh tế học hành vi

Giải Nobel kinh tế năm 2017 được trao cho GS Richard H. Thaler, đến từ Đại học Chicago, Hoa Kỳ cho những đóng góp của ông trong nghiên cứu về kinh tế học hành vi nhằm lý giải yếu tố tâm lý chi phối như thế nào tới các quyết định kinh tế.


GS Richard H. Thaler. Ảnh: AP

Giải thích những quyết định kinh tế “vô lý” của con người

Cho đến nay, quan điểm chủ đạo trong kinh tế học truyền thống giả định rằng tất cả mọi người đều đưa ra các quyết định kinh tế dựa trên những tính toán duy lý. Quan điểm đó cũng ảnh hưởng tới giới làm chính sách, ví dụ, những nhà quản lý ban hành chính sách về kinh tế, xã hội thường dựa trên quan điểm là nếu chính sách đó có tác động tốt trên lý thuyết thì khi đưa vào thực tế sẽ được đón nhận. Nhưng từ khoảng 20 năm trước, kinh tế học hành vi ra đời và cho thấy điều ngược lại, đó là, con người không đưa ra các quyết định dựa trên lựa chọn duy lý mà bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. GS. Richard H. Thaler chính là người đã tiên phong xây dựng lý thuyết về tâm lý học hành vi, hay nói một cách ngắn gọn là ông đã đưa kiến thức tâm lý học vào trong ngành kinh tế học, theo TS. Phạm Khánh Nam, nhà kinh tế học nghiên cứu về kinh tế học hành vi, đến từ ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Hội đồng giải thưởng Nobel năm 2017 cho biết, Richard H. Thaler đã khám phá một cách có hệ thống về hệ quả của các yếu tố xã hội như tính duy lý bị hạn chế, sở thích xã hội và tính thiếu kiềm chế bản thân sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các quyết định của mỗi cá nhân cũng như tới thị trường (mặc dù có thể quyết định đó không mang lại lợi ích trong dài hạn). Cụ thể, ông đã phát triển hệ thống lý thuyết và những công cụ thử nghiệm để đo lường trong kinh tế học hành vi gồm1:

Tính duy lý bị hạn chế: Ông đã phát triển lý thuyết về “kế toán tinh thần”, giải thích về việc các cá nhân thường đơn giản hóa các quyết định tài chính của mình bằng cách tưởng tượng và chia nhỏ tài khoản của mình thành các tài khoản nhỏ hơn, sau đó đưa ra quyết định dựa trên từng tài khoản nhỏ đó thay vì đưa ra một quyết định mang tính tổng thể. Ông cũng đưa ra khái niệm “hiệu ứng sở hữu” (endowment effect), thông qua phân tích tâm lý sợ rủi ro và mất mát của con người để giải thích về việc tại sao con người lại đánh giá cao giá trị của những vật mà mình đang có hơn là khi không sở hữu nó.

Sở thích xã hội: Thaler đã đưa ra một công cụ là “trò chơi độc tài” (dictator game) để thực nghiệm về quan điểm công bằng ở mỗi cá nhân, trong đó “nhà độc tài” sẽ được quyền tùy ý chia một khoản tài trợ cho người thứ hai. Hành vi chia tiền của “nhà độc tài” sẽ thể hiện quan điểm của anh ta về sự công bằng (có hào phóng chia đều không hay không chia). Công cụ này đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu để đo lường thái độ đối với sự công bằng trong các nhóm người khác nhau trên khắp thế giới.

Tính thiếu kiềm chế bản thân: Thaler đã phân tích tính kiềm chế bản thân của con người thông qua việc sử dụng mô hình lập kế hoạch, giống như cách các nhà tâm lý học và thần kinh học sử dụng để quan sát mối quan hệ giữa việc xây dựng kế hoạch dài hạn với việc thực hiện kế hoạch đó trong ngắn hạn. Theo đó, những “cám dỗ” trước mắt thường là nguyên nhân quan trọng làm thất bại các kế hoạch dài hạn như tiết kiệm tuổi già hoặc một lối sống lành mạnh, hoặc đơn giản là chúng ta thường hào hứng lên kế hoạch vào đầu năm nhưng rất khó lòng thực hiện được.

Phạm vi ứng dụng rộng rãi

Dù mới ra đời và phát triển trong hai thập kỷ trở lại đây nhưng kinh tế học hành vi đã được ứng dụng khá rộng rãi ở các nước phát triển, theo TS. Phạm Khánh Nam. Các nghiên cứu của GS. Thaler đã ảnh hưởng tới việc ra quyết định chính sách kinh tế xã hội ở một số nước trong thời gian gần đây. Dưới thời tổng thống Obama, đã có một ủy ban cố vấn về kinh tế học hành vi được thành lập để phân tích các yếu tố tâm lý sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chính sách xã hội và Thaler cũng từng là cố vấn cho ủy ban này. Ông đồng thời cũng là nhà tư vấn để đưa các ý tưởng về kinh tế hành vi vào xây dựng chính sách cho chính phủ Anh và tư vấn cải tiến hệ thống lương hưu của Thụy Điển2. Hay trước sự kiện Brexit ở Anh, ông cho rằng các cử tri Anh đã không đưa ra lựa chọn hợp lý về mặt kinh tế dựa trên thông tin mà giới tinh hoa và truyền thông ở Anh cung cấp. “Hầu hết cử tri Anh đã không suy nghĩ [về việc bỏ phiếu Brexit] một cách có phân tích”, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của Marketwatch vào năm ngoái3.

Ở Việt Nam, kinh tế học hành vi vẫn là một xu hướng học thuật mới mẻ, chỉ được nghiên cứu trong khoảng năm năm trở lại đây, theo TS. Phạm Khánh Nam. Ở khu vực phía Nam, có hai nhóm nghiên cứu về kinh tế học hành vi ở ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ còn ở khu vực phía Bắc mới chỉ có nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Việt Cường, Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong quan tâm. Đến nay, trong hệ thống đề tài của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted), đã có hai đề tài về kinh tế học hành vi được tài trợ.

Tuy nhiên, “môn kinh tế học hành vi chưa được dạy hoặc dạy rất ít ở các trường đại học”, TS. Nguyễn Việt Cường cho biết. “Còn việc đưa ứng dụng của ngành này vào xây dựng các chính sách kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng thì vẫn còn xa lắm”, TS. Phạm Khánh Nam nói.

——

Chú thích:

1 https://www.nobelprize.org/nobel_prizes/economic-sciences/

2 https://www.ft.com/content/aa08d810-acd8-11e7-aab9-abaa44b1e130

3 http://www.marketwatch.com/video/richard-thaler-brits-are-voting-with-their-guts/00CDC7BC-4A32-45E4-8556-BAAE4CD41596.html

Tác giả