Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: Một cái nhìn đa diện về quá khứ

"Với tư cách là độc giả của lịch sử, ngày nay chúng ta phải có cái nhìn đa diện để đánh giá đúng di sản thuộc địa", TS Nguyễn Thụy Phương cho biết trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh cuốn sách "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: Huyền thoại đỏ và Huyền thoại đen" của chị vừa xuất bản.

TS Nguyễn Thụy Phương. Ảnh: FB nhân vật.

Lý do nào thôi thúc chị viết cuốn sách này?

Cuốn sách này là phần đầu tiên không thể thiếu trong luận án tiến sỹ của tôi thuộc chuyên ngành lịch sử giáo dục. Trước khi phân tích chủ đề giải thực dân văn hóa trong giai đoạn hậu thuộc địa của luận án, tôi muốn lý giải thêm 2 điểm mà tôi cho là then chốt của nền giáo dục thực dân tại Đông Dương: 1. Tìm hiểu nguồn gốc luận thuyết sứ mạng khai hóa, được coi là biểu tượng cho thiết chế thuộc địa của đế chế Pháp, và 2. phân tích chính sách đào tạo cản bước tầng lớp tinh hoa Việt.

Cuốn sách của chị có nhan đề phụ đọc lên nghe rất ấn tượng, tại sao lại là Huyền thoại Đỏ và Huyền thoại Đen?

Tôi mượn lại 2 thuật ngữ Huyền thoại Đỏ và Huyền thoại Đen từ sử gia Marc Ferro trong cuốn sách của ông Lịch sử các nền thuộc địa, in năm 1994, với hàm ý nhận định về di sản giáo dục của chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Đây là phép ẩn dụ về 2 quan điểm đánh giá di sản này: 1 quan điểm tô hồng ca tụng và 1 quan điểm chỉ trích phê phán. Hai quan điểm này đều được phát ngôn bởi cả hai phía người thống trị – nhà cầm quyền và người bị trị – và thụ hưởng văn hóa Pháp.

Chị mở đầu cuốn sách này bằng câu đề từ, trích dẫn lời của Thống đốc Nam kỳ Maurice Cognacq nói dằn mặt nhà cách mạng Nguyễn An Ninh nhân một buổi gọi ông lên thẩm vấn vào năm 1924: “Tụi trí thức hả, chúng tôi đâu có cần!” Chị có thể cho biết rõ hơn về chính sách đào tạo cản bước tầng lớp tinh hoa Việt của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ và sự tranh đấu của “Thế hệ 1925” – những người được thụ hưởng một nền giáo dục ca tụng tự do cá nhân và tinh thần phản biện?

Chính sách giáo dục này nằm trong logic của chính quyền thuộc địa, đó là không bao giờ để thuộc địa phát triển bằng chứ đừng nói là hơn chính quốc vì thuộc địa không được phép cạnh tranh với chính quốc. Điểm này đặc biệt rõ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và sản xuất. 

Chính sách giáo dục cản bước đó là phân chia thành nhiều bậc – cấp học, cộng với đó là các loại bằng cấp và kỳ thi, tạo nên những vật cản khiến đa số học sinh khó tiếp tục học lên cao được. Chỉ có khoảng 1 triệu học sinh trên tổng số 12 triệu trẻ đến tuổi đến trường được đi học. Năm 1943, chỉ có 1 trên 10 học sinh qua được bậc tiểu học, 1 trên 100 học xong cao đẳng tiểu học, và dưới 2 trên 1.000 học sinh chạm đến cánh cửa trung học và đại học. 

Như vậy, một thiếu niên Đông Dương học trường làng thì vận may học cao tiến xa là rất thấp, nếu không muốn nói đó như một giấc mơ. Chính một vị đại diện của Bộ Thuộc địa được cử từ chính quốc sang tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 1927 cũng chỉ trích chính sách giáo dục này ở các góc độ sau: “quá đào thải, chất lượng giáo dục ‘xoàng’ một phần vì chương trình ‘quá Pháp’ và vì đào tạo đội ngũ giáo viên không đủ.”


Trưng bày trong tọa đàm ra mắt sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” của TS. Nguyễn Thụy Phương, do Omega+ kết hợp cùng Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 15/11.

Tuy nhiên, giữa và cuối giai đoạn thuộc địa, chính quyền thuộc địa nhận ra rằng họ đã đào tạo nên một tầng lớp tinh hoa Việt hấp thụ văn hóa phương Tây. Những học sinh Việt xuất sắc đứng trên đỉnh ngọn kim tự tháp giáo dục là những người đầu tiên trải nghiệm những mâu thuẫn giữa sự phi lý của một nền giáo dục ca tụng tự do cá nhân và tinh thần phản biện thế nhưng những cuộc biểu tình đòi tự do, bình đẳng lại bị đàn áp. Một bộ phận của thế hệ này, mà nhà xã hội học Trịnh Văn Thảo gọi là “Thế hệ 1925”, đã gia nhập vào hàng ngũ đấu tranh bằng cả chính trị và vũ lực, theo cộng sản hay quốc gia.

Họ đã huy động và vận dụng trình độ, chuyên môn, kiến thức lĩnh hội được trong trường học dùng làm vũ khí cho cuộc đấu tranh giành độc lập. 

Jules Harmand từng nêu ra một vấn đề gây ám ảnh chính quyền thuộc địa rằng, “Trong số tất cả các vấn đề gây khó cho kẻ chinh phục ngoại quốc trong công cuộc thống trị thì giáo dục dân bản xứ là một trong những vấn đề khó xử nhất.” Theo chị, vì sao giáo dục dân bản xứ lại trở nên “khó xử” như vậy? 

Giáo dục dân bản xứ lại trở nên “khó xử” trong con mắt nhà cầm quyền bởi vì dân bị trị được học hành, được nâng cao kiến thức, được tiếp nhận nhiều luồng gió tư tưởng mới đến từ Tây phương chứ không còn thu hẹp trong hệ hình Khổng giáo nên họ sẽ là những “con dao hai lưỡi” mà mũi dao đáng sợ này chính là hai bậc học: trung học và đại học. Nhà sử học Pierre Brocheux đã sử dụng khái niệm “vũ khí phản ngược” (retournement des armes) để chỉ những người Việt, thông qua nhà trường hay tự đọc tự học, đã sử dụng chính những giá trị của thế kỷ Ánh Sáng, của Cách mạng Pháp như tư tưởng canh tân, tinh thần đấu tranh, ý thức độc lập để đấu tranh giành bình đẳng, tự do. Những giá trị phổ quát này bị nhà cầm quyền coi là “thuốc độc”.

Sứ mạng khai hóa ở cuối thế kỷ 19 được coi như là một trong những nền tảng trụ cột của công cuộc thực dân Pháp. Những nhà tư tưởng thực dân Pháp tuyên bố thực dân “khai hóa” của Pháp khác hẳn với thực dân “con buôn” của Anh hay Hà Lan. Lập luận khai hóa này giúp cho người Pháp phản bác lại sự mâu thuẫn giữa nguyên tắc bình đẳng, tự do bắt nguồn từ Cách mạng Pháp với sự phục tùng của các dân tộc bị trị. Năm 1885, trong một cuộc tranh luận ở Nghị viện về nền móng của chính sách thuộc địa, chính khách Jules Ferry khẳng định rằng công cuộc thực dân không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ: đó là nghĩa vụ khai hóa những giống nòi hạ đẳng!

Như vậy, giáo dục là đại diện khía cạnh tinh thần của sứ mệnh khai hóa thì y tế (vệ sinh, tiêm chủng…), xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, đường sắt, thủy lợi…) và an ninh (chống trộm cắp, sự bành trướng của những nước láng giềng) là khía cạnh vật chất.

Giải thuộc địa, giải thực văn hóa, giáo dục… là tinh thần cần có khi tiếp cận kho sách Đông Dương và nghiên cứu về Đông Dương một thuở, từ nội dung cho đến tranh ảnh. Quan điểm của chị như thế nào về vấn đề này?

Cá nhân tôi, với tư cách là nhà nghiên cứu thì đây không chỉ là cách tiếp cận trong quá trình nghiên cứu mà còn là chủ đề trọng tâm cho công việc nghiên cứu.

Với tư cách là độc giả của lịch sử, ngày nay chúng ta phải có cái nhìn đa diện để đánh giá đúng di sản thuộc địa, nó bao gồm cả hai thứ huyền thoại đỏ và đen, và để nhìn nhận lại những nhân vật lịch sử như Victor Hugo. Ông vẫn là đại thi hào, vẫn là đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa lãng mạn Pháp nhưng cũng là người ủng hộ hết mình cho công cuộc thuộc địa. Hay như Alexandre Yersin, bác sỹ, nhà khoa học, nhà thám hiểm, cả cuộc đời dấn thân cho khoa học, vì cộng đồng, nhân loại, nhưng chúng ta không thể không nhận ra sự nghiệp đó được ủng hộ và bảo trợ bởi chính quyền thực dân mà ông là một trong những viên chức cao cấp khá mẫn cán và được trọng dụng.

Thực ra đã có những cuộc giải thực dân như cuộc chiến tranh chống Pháp hay cuộc chiến ở Algérie, đây là những cuộc giải thực dân bằng súng đạn, nó đau và nhanh. Còn giải thực dân tinh thần diễn tiến lâu hơn và cần tri thức và phải tiến hành ở hai phía: cựu thống trị và cựu bị trị. 

Với tư cách là công dân của một quốc gia cựu bị trị và cựu thống trị, ngày nay, người Việt, người Maroc, người Senegal hay người Pháp, người Anh, người Bỉ, đều là các thế hệ hậu duệ xuất thân từ hai phe yếu thua – mạnh thắng. Chúng ta cùng phải sinh trưởng và đồng hành trong một thế giới hòa bình. Dù muốn hay không, chúng ta đều là những người thừa kế “bất đắc dĩ” của những quá khứ xung đột. Theo tôi, vấn đề cấp thiết với thế hệ trẻ ngày nay là nới rộng biên độ ký ức của quá khứ chung và cùng kiến tạo tương lai. Để sao cho sức nặng của quá khứ không tiếp diễn ở hiện tại qua sự tồn tại dai dẳng của thứ chủ nghĩa chủng tộc hay sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trên chính trường và trong đời thường.

Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trao đổi!

Nguyễn Quang Diệu thực hiện

Tác giả

(Visited 74 times, 1 visits today)