Hạ giải hay không?: Bài học từ trùng tu đình Trần Đăng

Lời tòa soạn: Trong thời gian vừa qua, việc trùng tu một số di sản đã nhận được sự quan tâm rất lớn của không chỉ các nhà chuyên môn, nhà quản lý, mà còn thu hút cả dư luận xã hội. Việc khảo sát và ra quyết định hạ giải hay không, trong nhiều trường hợp là không hề đơn giản, bởi nó cần tới sự cân nhắc kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, sự am hiểu văn hóa và đồng thuận của chủ thể di sản. Câu chuyện trùng tu di sản đình Trần Đăng của KTS Lý Trực Dũng với một quá trình cân nhắc tới từng milimet của di sản, cung cấp một bài học kinh nghiệm hữu ích điển hình cho công tác bảo tồn di sản các công trình khác hiện nay.


Đình Trần Đăng.

Cuối tháng 11/2008 ông Rolf P.G.Schulze, Đại sứ Đức ở Việt Nam gọi điện thoại cho tôi và hỏi liệu tôi có thể nhận trùng tu một ngôi đình không? Ông nói nếu tôi không nhận thì Bộ Ngoại giao Đức sẽ hủy dự án này. Tôi trả lời ông là người Đức mà còn quan tâm đến việc bảo vệ di sản kiến trúc văn hóa Việt Nam đến vậy thì tôi là một kiến trúc sư Việt Nam sao lại có thể từ chối, tôi đồng ý. Đó chính là dự án trùng tu đình Trần Đăng ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Tây năm 2009, cách đây đúng 10 năm. Địa phương này hiện đã thuộc về Hà Nội.

Tính đến năm 2008 tôi đã có khoảng ba mươi năm kinh nghiệm thiết kế và thi công sửa chữa, cải tạo, duy tu khá nhiều biệt thự Pháp cổ cho các sứ quán, các tổ chức quốc tế vv… ở Hà Nội và ở cả Phnom Penh nhưng trùng tu một ngôi đình kết cấu gỗ lớn như đình Trần Đăng, một di tích văn hóa quốc gia đã được xếp hạng thì chưa hề. May mắn tôi nhận được tư vấn và trợ giúp vô cùng quý báu của KTS Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng ST&C, một chuyên gia đáng nể trong lĩnh vực bảo tồn di tích văn hóa. Khi đi khảo sát ngôi đình này, tôi quá ấn tượng bởi quần thể kiến trúc văn hóa quá độc đáo mà theo tôi ở Việt Nam không đâu có, bao gồm gần chục ao nước lớn dọc theo đường vào làng được lát gạch cổ. Tương truyền, cùng với chùa Trần Đăng, đình Trần Đăng được xây dựng từ đời Trần, thờ tướng quân Cao Lỗ, có 19 sắc phong. Đình có kiến trúc chữ Công, có 7 gian, rộng 273m2 trong đó đại bái rộng 173m2, được xây trên một khu đất hình con rùa, xung quanh là ao nước, cây cầu tượng trưng cho cổ và đầu của con rùa trong truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Cách cầu khoảng 30m là một giếng làng, tháp chuông, chùa Trần Đăng và cổng làng. Dân gian, thần thoại, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật gốm sứ, điêu khắc gỗ dân gian đều được thể hiện sống động ở quần thể kiến trúc tuyệt vời này.

Hư hại nghiêm trọng ở phần kết cấu gỗ chịu lực

Do ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt hàng trăm năm qua, do những biến động xã hội dữ dội như chiến tranh, rồi cải cách ruộng đất khi mà đình, chùa là đối tượng được coi là tàn dư của phong kiến từng bị phá bỏ, do không có đủ kinh phí để duy tu bảo dưỡng và chỉ có thể sửa chữa một cách chắp vá để khỏi bị sụp đổ, nên mái ngói, tường gạch, bẩy, lan can gỗ, cửa đều bị xuống cấp hoặc hỏng. 

Điêu khắc gỗ rất sống động bên trong đình.

Đầu đao bằng gốm đen.

Riêng phần kết cấu gỗ chịu lực của đình Trần Đăng trong đó có một số cột cái, câu đầu, xà thượng, xà nách bị hư hại nghiêm trọng. Không ít cột cái bị tiêu tâm, nhiều xà thượng, xà nách, bẩy và cả kèo xó cũng bị mục do mối mọt xâm hại. Thậm chí người ta đã phải xây một vòm cuốn bằng gạch để đỡ một câu đầu đã bị mục ở đầu hồi và phải dùng rất nhiều ống tuýp sắt để chống các kết cấu gỗ sắp bị sụp ở đầu hồi này.

Thay mới các kết cấu gỗ chịu lực quan trọng nhất 

Công việc trùng tu đình Trần Đăng được Bộ Ngoại giao Đức tài trợ nên được quản lý chặt chẽ bởi sứ quán Đức và các chuyên gia bảo tồn Đức và được tiến hành rất bài bản từ việc gặp gỡ trao đổi với người dân tìm sự đồng tình ủng hộ của họ rồi bắt đầu từ công tác chống mối, chống thấm và sửa chữa từng mảng tường cũ, phục dựng lại các hoa văn, phù điêu, hệ thống lan can gỗ, tu bổ lại hệ thống bẩy hiên, thay và đóng mới của bức bàn, tu bổ và thay một số cột gỗ lim bị hư hại. 
Là những người trực tiếp thi công trùng tu ngôi đình này, với trăn trở trùng tu cần hạn chế càng nhiều càng tốt sự can thiệp vào di tích, chỉ can thiệp khi cần thiết nhưng cố gắng không làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích, ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo, chúng tôi cố gắng chỉ loại bỏ, thay thế từng chi tiết buộc phải thay. Vấn đề nan giải nhất ở ngôi đình này là một câu đầu ở ngay hồi phía Tây đã bị mục và dân làng đã phải xây một vòm cuốn để chống đỡ và phải thay nó bằng cách nào?
Trong công tác trùng tu đình hay chùa ở Việt Nam, thay một hay hai cột cột cái, cột quân hay xà thượng… thì cũng bình thường, nhưng thay một câu đầu dài hơn 4 m nặng gần 1 tấn ở ngay đầu hồi mà không cần hạ giải thì quả thật chúng tôi chưa nghe nói tới. Rất nhiều người có kiến thức và kinh nghiệm trùng tu chùa hoặc đình ở Trần Đăng hay địa phương lân cận cho rằng, với hư hại nghiêm trọng phần kết cấu chịu lực ngay đầu hồi như đình Trần Đăng này, bắt buộc phải hạ giải ít nhất một nửa mái Đình phía câu đầu và kèo xó và cột cái đã bị mục mới có thể thay thế câu đầu và kèo xó cũng như cái cột cái đã bị mục nói trên. Nhưng nếu phải hạ giải thì toàn bộ đầu đao với linh vật bằng gốm đen và gạch nóc hoa chanh cũng bằng gốm có niên đại khoảng 300 năm tuyệt đẹp vô cùng quý giá này sẽ bị phá hủy và giá trị lịch sử và văn hóa của đình Trần Đăng sẽ giảm sút, xuống cấp. Đây là một bài toán vô cùng nan giải trong công tác trùng tu các công trình nằm trong diện di tích văn hóa quốc gia: Hạ giải hay không hạ giải? 


Bẩy, cửa được phục dựng.

Ngay tai hiện trường, chúng tôi họp các kỹ sư xây dựng và những người chuyên thi công các công trình gỗ tìm giải pháp tối ưu để làm sao thay mới được câu đầu, gia cường được cột cái và kèo xó bị mục này. Rồi những người thợ mộc lành nghề của chúng tôi lên tiếng “nếu các bác kỹ sư có biện pháp chống được gần một nửa mái đình nặng khoảng 15-18 tấn này an toàn thì thợ mộc chúng em sẽ đảm bảo thay được câu đầu, cột cái, kèo xó… mà không cần hạ giải”. Lập tức kỹ sư và thợ sắt của chúng tôi đã  thiết kế và thi công tại chỗ một giàn giáo đặc biệt chống đỡ gần một nửa mái đình và cánh thợ mộc bắt tay vào việc. Đặc trưng của kết cấu gỗ đình chùa là liên kết bằng mộng và lắp dựng từ dưới lên trên, bắt đầu từ cột cái, cột quân, xà thượng, xà nách, câu đầu, rường, thượng lương, hoành, rui mè. Nhưng trong trường hợp này những người thợ của chúng tôi buộc phải làm ngược lại, thi công từ trên xuống dưới. Hôm thay câu đầu, trước hết là chúng tôi dỡ vòm gạch xây đỡ câu đầu, rồi tháo và hạ câu đầu cũ đã bị mục. Sau đó dùng pa lăng từ từ kéo cái câu đầu mới nặng gần một tấn lên để lắp vào cột cái cũ có nhiều mộng ngang dọc lồng vào nhau… Loay hoay mãi từ sáng đến trưa chúng tôi vẫn chưa thể đấu cái mộng của câu đầu và cái cột cái. Đây gần như một sự kiện nên có rất nhiều người dân địa phương đến xem và dù muốn hay không sự có mặt của họ cũng gây áp lực cho thợ của chúng tôi. Sau khi nghỉ trưa, ăn uống thoải mái, được động viên , khích lệ và bàn tính kỹ ,cánh thợ mộc của chúng tôi tự tin tiếp tực công việc của mình. Vô cùng cẩn trọng, hết sức tập trung, chỉnh cái câu đầu từng milimet một, lúc nhích lến, lúc hạ xuống… đến bốn giờ chiều cái câu đầu mới bằng gỗ lim được lắp đặt thành công trong sự hân hoan của thợ chúng tôi và bà con dân làng. Công việc khó khăn nhất trong trùng tu đình Trần Đăng tưởng bất khả thi đã hoàn thành.


Một phần cột cái bị mối ăn (ảnh trái) và hoạt động thi công thay cột cái và câu đầu.

Một chi tiết thú vị nữa là hằng năm ở Trần Đăng đều có Hội làng mà số người tham gia đông đến hàng ngàn người nhưng không hề có nhà vệ sinh công cộng. Khi được hỏi nếu không may có người có nhu cầu đi vệ sinh thì phải đi đâu? Các cụ bô lão chỉ cho chúng tôi bãi đất rìa ao hơi khuất một chút rồi đấy!!! Phải thuyết phục các cụ thủ từ, lãnh đạo địa phương về sự cần thiết phải có nhà xí công cộng đúng nghĩa, rồi được sự nhất trí của họ, một khu vệ sinh nhỏ có kiến trúc hài hòa với đình, có cả xí bệt được xây dựng phục vụ du khách.
Đánh giá cao chất lượng trùng tu đình Trần Đăng, phía Bộ Ngoại giao Đức đã tiếp tục giúp đỡ Trần Đăng trùng tu cầu, cổng làng, giếng nước ở quần thể kiến trúc văn hóa tuyệt vời này. 
Đối với cá nhân tôi, với tư cách là một kiến trúc sư, được tham gia trùng tu đình Trần Đăng thực sự là một trải nghiệm nhớ đời. Mới đây, tháng 4/2019 tôi vinh dự được lãnh đạo xã Hoa Sơn đề nghị giúp dân làng Trần Đăng khảo sát, thiết kế và lập dự toán gửi Sứ quán Đức với mong ước được Bộ Ngoại giao Đức tiếp tục giúp địa phương trùng tu chùa Trần Đăng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hi vọng dự án trùng tu chùa Trần Đăng có niên đại từ đời Trần này sẽ được thực hiện trong thời gian tới.□

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)