Một xã hội lập nghiệp cần một nhà nước lập nghiệp

Tăng trưởng nhờ đổi mới sáng tạo có thể làm được những điều không tưởng hiện đang thách thức chủ nghĩa tư bản hiện đại: làm cách nào để tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững và kéo dài trên nền tảng những công việc lương cao và đem lại giá trị lớn. Đây là cốt lõi của xã hội lập nghiệp (entrepreneurial society) và là một mục tiêu tốt. Vấn đề là làm sao đạt được mục tiêu đó.


Tinh thần đổi mới sáng tạo góp phần tạo dựng xã hội lập nghiệp. Nguồn: ssir.org

Dù nhiều nước đã đề ra mục tiêu này, nhưng con số những nơi thực hiện được vẫn còn khiêm tốn. Lý do của khó khăn này nằm ở những hiểu lầm phổ biến về cách thức đạt được tăng trưởng nhờ đổi mới sáng tạo (innovation) trước đây. Cách hiểu sai này khiến việc đề ra chính sách bị đưa theo những lối lập luận sai vốn cho rằng các nhà lập nghiệp và công ty cá nhân là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Nếu không bị thách thức, những lập luận này sẽ đưa đến những chính sách gây cản trở và lối phân phối thành quả không phản ánh sự phân bố rủi ro trên thực tế.

Một xã hội lập nghiệp cần một nhà nước lập nghiệp (entrepreneurial state), một nhà nước mà thông qua tầm nhìn cùng những đầu tư công chiến lược phân bố khắp chuỗi đổi mới sáng tạo có thể tạo ra cái tinh thần động vật (animal spirit)1 ở các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nhân lập nghiệp (entrepreneur) từ đó sẽ nhìn thấy các cơ hội tăng trưởng, rồi đầu tư sẽ diễn ra.

Những công nghệ đột phá như Internet và công nghệ sinh học không xuất hiện vì các chính phủ lo lắng về vấn đề “thương mại hóa”, mà chúng xuất hiện từ hệ quả của đầu tư tập trung vào những sứ mệnh công dài hạn. Những sứ mệnh trong quá khứ chẳng hạn như đưa người lên Mặt trăng đã được diễn dịch thành nhiều bài tập nhỏ cần nhiều thành phần khác nhau cùng làm việc trong những quan hệ đối tác năng động, kích thích đổi mới sáng tạo. Những thách thức xã hội ngày nay, từ dân số lão hóa cho đến biến đổi khí hậu, có thể tạo ra những điểm tập trung và động lực thúc đẩy tương tự. Chúng có thể kích thích đổi mới sáng tạo, và đưa ra định hướng cho đầu tư tư nhân và hoạt động kinh doanh lập nghiệp mới khi các cơ hội tạo ra lợi nhuận dần trở nên rõ ràng. Tư duy theo sứ mệnh cũng có thể được sử dụng để phát triển các lộ trình công nghệ cho 17 mục tiêu phát triển bền vững2.

Mấu chốt là việc này cần vai trò lãnh đạo công, thách thức hệ tư tưởng đang thịnh hành đang giới hạn khu vực công vào những vai trò đơn giản là giảm rủi ro hay trợ giúp những người hùng thực sự – những người tạo ra của cải và doanh nhân lập nghiệp yêu thích rủi ro của khu vực tư nhân – trong khi chờ đợi thị trường tự tìm ra các giải pháp. Trong một số ít những nước đã đạt được tăng trưởng thông minh do đổi mới sáng tạo dẫn dắt – như Hoa Kỳ, Israel, Đan Mạch và thậm chí Trung Quốc ngày nay – khu vực công không chỉ tạo điều kiện cho khu vực tư. Khu vực công đã chủ động nhận lấy rủi ro như nhà đầu tư trong phương án đầu tiên chứ không phải kẻ cho vay trong phương án cuối cùng. Ở thung lũng Silicon, cái cực kỳ quan trọng là mạng lưới phân quyền gồm các tổ chức công thông minh đóng vai trò trợ giúp các phản hồi tích cực xuyên suốt toàn bộ chuỗi đổi mới sáng tạo. Mạng lưới này gồm có nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng cùng nguồn tài chính hạ nguồn bền bỉ và có tính chiến lược dài hạn cho các công ty. Nó còn có cả những chính sách trực tiếp và gián tiếp định hình mức cầu cho những sản phẩm và dịch vụ mới.

Trái với quan điểm đang chiếm ưu thế rằng chính sách có tác dụng đơn giản là “sửa chữa” những thất bại của thị trường, những cơ quan công như DAPRA (Cục quản lý dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến) và SBIR (Chương trình nghiên cứu đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nhỏ) ở Hoa Kỳ, Yozma (“Sáng kiến”: chương trình đầu tư mạo hiểm) của Israel, Sitra (Quỹ đổi mới sáng tạo) và Tekes (chương trình đầu tư nghiên cứu công nghệ và đổi mới sáng tạo) của Phần Lan đều chủ động định hình và kiến tạo thị trường. Những dạng đầu tư trực tiếp này thành công hơn trong việc tạo ra đầu tư tư nhân mới so với việc dùng tiền thông qua những biện pháp gián tiếp như miễn giảm thuế.

Cách tiếp cận này có nghĩa là phải vượt lên trên việc tạo sân chơi bằng phẳng, mà thay vào đó là chủ động làm sân chơi nghiêng về một phía cụ thể. Điều đó không có nghĩa là chỉ đặt cược vào những công nghệ đơn nhất (bỏ hết trứng vào một rổ) mà phải hỗ trợ một tập hợp các công nghệ khác nhau (theo các vấn đề cần giải quyết) có chung một sứ mệnh (vấn đề lớn). Những người thường chỉ trích rằng chính phủ không thể lựa chọn kẻ thắng người thua đã bỏ qua thực tế là Internet đã được lựa chọn thông qua những đầu tư hướng theo sứ mệnh như vậy; và gần như tất cả các công nghệ trong chiếc điện thoại iPhone (bao gồm hệ thống định vị toàn cầu GPS, Siri, và màn hình cảm ứng) cũng đều như thế. Còn trong lĩnh vực năng lượng thì năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân và thậm chí năng lượng từ khí đá phiến (shale gas) cũng do tài chính công tạo mồi cho phát triển. Ba công ty của Elon Musk là Solar City, Tesla, và Space X đã nhận hơn 4,9 tỷ USD tiền hỗ trợ từ nguồn công. Có lúc những đầu tư này thành công (như Tesla), có lúc chúng thất bại (như Solyndra) – nhưng bất kỳ nhà đầu tư mạo hiểm nào cũng sẽ nói đây là chuyện bình thường.

Thách thức đặt ra là chúng ta phải vượt qua những lối lập luận sai lầm và những cuộc tranh cãi ý thức hệ mệt mỏi về chuyện nhà nước phải tiến hay thoái. Câu hỏi thực sự là làm sao áp dụng những bài học của chính sách hướng theo sứ mệnh thành công trong quá khứ cho những thách thức xã hội ngày nay – với vai trò vừa là nền tảng để giải quyết những thách thức quan trọng này vừa là động lực thúc đẩy và định hướng cho tăng trưởng bao trùm (inclusive), bền vững (sustainable), và do đổi mới sáng tạo dẫn dắt (innovation-led). Điều này có nghĩa là phát triển các khung khái niệm, công cụ phân tích, và năng lực tổ chức có thể lập luận hỗ trợ, đánh giá, và nuôi dưỡng cách tiếp cận này.

Trong một bài gần đây trên tạp chí Industry and Innovation (Công nghiệp và đổi mới sáng tạo)3, tôi (Mazzucato) đã mô tả những thách thức này dưới dạng bốn vấn đề sau.

Một là con đường và định hướng. Nếu “cứ để thị trường quyết định” là phản ứng không đầy đủ và không hiệu quả trước những thách thức ta đang đối mặt, thì làm cách nào ta có thể tìm ra những cách bền vững một cách dân chủ để chọn ra những sứ mệnh cụ thể rồi đặt ra con đường và định hướng thay đổi?

Hai là tổ chức. Làm cách nào ta có thể tạo ra những tổ chức học tập trong khu vực công có thể đón nhận rủi ro, học từ thất bại, khám phá, tìm hiểu, và hiểu được đâu là điểm dừng? Điều này có nghĩa là hiểu chính sách như một tiến trình mà học tập từ thất bại là thứ được đón nhận. Nói về các tổ chức công như những tác nhân hoạt động theo sứ mệnh, chứ không đơn thuần là hỗ trợ các tác nhân khác, cũng giúp thu hút nhân tài mà những tổ chức công có viễn kiến cần.

Ba là đánh giá. Phân tích chi phí – lợi ích ở trạng thái tĩnh không thể nắm bắt được ảnh hưởng chuyển đổi của đầu tư công chiến lược, có tác dụng kiến tạo thị trường. Ta cần có các công cụ đánh giá năng động mới dựa trên hiểu biết sâu rộng hơn về kiến tạo giá trị công.

Bốn là rủi ro và thành quả. Lập luận sai về ai là người chịu rủi ro đã đưa một cách phân phối thành quả không phản ánh cách phân phối thật của rủi ro. Nếu người đóng thuế chịu rủi ro lớn nhất trong những giai đoạn không chắc chắn ban đầu của tiến trình đổi mới sáng tạo thì họ phải được hưởng thành quả. Câu hỏi là làm thế nào mới tốt nhất. Có nhiều lựa chọn, như thỏa thuận tái đầu tư lợi nhuận (chính là loại thỏa thuận đưa đến việc thành lập Bell Labs)4, đặt mức giá trần cho các sản phẩm từ đầu tư công (ví dụ như thuốc), giữ lại cổ phần vàng (golden share) các quyền sở hữu trí tuệ, giữ lại tài sản hay bản quyền khi có thể, hay tín dụng theo thu nhập (income-contingent loan). Không có giải pháp nào là duy nhất, nhưng việc xem xét các cách khác nhau nhằm chia sẻ tốt hơn thành quả đổi mới sáng tạo phải giữ vai trò trung tâm trong chiến lược không chỉ nhắm tới tăng trưởng thông minh mà còn cả tăng trưởng bao trùm.

Hiển nhiên là kẻ thắng cuộc viết nên lịch sử. Những người thắng cuộc ở thung lũng Silicon – các nhà đầu tư mạo hiểm và các doanh nhân lập nghiệp – viết nên những câu chuyện biện hộ cho những thành quả mà họ được hưởng. Nhưng câu chuyện của họ không phải là chỉ dẫn có ích cho việc làm chính sách ở những chỗ khác. Để làm điều đó, ta cần phải nhìn xuống phía dưới, nhìn vào những đôi vai mà họ đứng trên đó, để tạo ra những hệ sinh thái cộng sinh giữa khu vực công và khu vực tư cùng nhìn nhận việc kiến tạo của cải là một hành trình chung. Vì một xã hội lập nghiệp trước hết cần một nhà nước lập nghiệp.

 

Nguyễn Trịnh Đôn dịch

Nguồn: “An entrepreneurial society needs an entrepreneurial state”. Harvard Business Review, 25/10/2016


TS Mariana Mazzucato hiện là giáo sư kinh tế đổi mới sáng tạo và giá trị công tại Đại học London. Khi viết bài này, bà là giáo sư kinh tế tại Đại học Sussex (Anh). Nghiên cứu của bà tập trung vào những mối quan hệ cộng sinh kinh tế đóng góp vào tăng trưởng bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo. Ngoài nghiên cứu và giảng dạy, TS Mazzucato là thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế cho Chính phủ Scotland, cố vấn khoa học cho Phòng ngân sách Nghị viện Italia, và ủy viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp uốc. Một trong những quyển sách đáng chú ý của TS Mazzucato là “Nhà nước lập nghiệp: bác bỏ những định kiến sai lầm về công–tư” (The entrepreneurial state: Debunking public vs private sector myths) xuất bản lần đầu năm 2013, có nội dung phần nào được phản ánh trong bài viết này.

 

Ghi chú:

[1] “Tinh thần động vật” (“animal spirit”) là cụm từ nhà kinh tế học John Maynard Keynes dùng để chỉ một dạng lạc quan, tự tin của giới doanh nghiệp, cũng như tâm lý mong muốn tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh tế của cả người đầu tư lẫn người tiêu dùng. Trong quyển “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The general theory of employment, interest, and money) năm 1936, Keynes nói “tinh thần động vật” phản ánh qua “suy nghĩ về mất mát lớn nhất vốn thường xảy ra cho những người tiên phong … bị đặt qua một bên cũng như một người khỏe mạnh bỏ qua một bên cái chết trong tương lai”.

[2] Năm 2015, Đại hội đồng Liên Hiệp uốc thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững mà thế giới hướng đến vào năm 2030. Các mục tiêu này bao gồm xóa bỏ đói nghèo, phát triển kinh tế bền vững, bình đẳng giới, giữ gìn hòa bình và bảo vệ môi trường, v.v…

[3] From market fixing to market creating: a new framework for innovation policy (2016). Industry and Innovation 23:140–156. https://doi.org/10.1080/13662716.2016.1146124

[4] Bell Labs là một trong những công ty nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới. Nhiều công nghệ mà Bell Labs phát triển có tầm ảnh hưởng lớn đến khoa học và kinh tế như transistor, tia laser, hệ điều hành Unix, ngôn ngữ lập trình C, pin Mặt trời, các hệ thống viễn thông, v.v… Hệ thống Bell Labs ra đời do chính quyền Hoa Kỳ yêu cầu AT&T, một tập đoàn viễn thông độc quyền, phải đầu tư lợi nhuận ngoài phần mà tập đoàn này cần trở lại cho việc sản xuất và đổi mới sáng tạo [K. Hamilton & C. Hepburn. National wealth: what is missing, why it matters. Oxford University Press, 2017].

Tác giả