Người “cởi trói” thông tin trong học thuật

Nếu như Napster đã từng tạo ra một sự thức tỉnh trong ngành âm nhạc thì Sci Hub cũng làm điều tương tự với ngành xuất bản.


Alexandra Elbakyan.

Tất cả các công bố quốc tế của tôi đều nhờ đến nó – chủ nhân của giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, GS. Nguyễn Văn Hiếu, Viện trưởng Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói về Sci Hub, trang web cho phép tất cả mọi người có thể tiếp cận miễn phí hầu hết các bài báo khoa học của các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới. Trước đây, khi chưa có Sci Hub, anh phải nhờ bạn bè khắp nơi ở nước ngoài, ai đó có quyền truy cập vào kho dữ liệu của các nhà xuất bản trên thế giới, download về và gửi cho anh.

“Đi đến hội thảo, hội nghị nào tôi cũng giới thiệu [Sci-Hub] cho mọi người” – GS. TS. Hiếu nói. Ngay cả khi nhiều người nói với anh rằng Sci Hub tồn tại một cách phi pháp, anh cũng không để tâm, anh coi người lập ra Sci Hub là anh hùng hơn là tội phạm. Hơn thế, anh còn đóng góp một khoản tiền nhỏ để tri ân website này: “Đối với một nước nghèo như mình, đó [sự tồn tại của Sci Hub] là điều đáng quý”.

Người phá bỏ rào cản trong khoa học

Sci Hub dễ sử dụng một cách đáng kinh ngạc: chỉ cần đăng link, mã số (DOI) hoặc tên bài báo vào ô tìm kiếm trên Sci Hub website là đọc được ngay bài báo sau vài giây

Người đứng sau Sci Hub là Alexandra Elbakyan (sinh năm 1988), người Kazakhstan. Cô được tạp chí Nature bình chọn là một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới khoa học năm 2016. Mặc dù Sci Hub được lập ra từ tháng Chín năm 2011 nhưng đến đầu năm 2016, Alexandra mới được biết đến rộng rãi khi nhà báo khoa học Simon Oxenham đăng bài báo của anh về Alexandra lên trang blog bigthink.com, sau khi nó bị một loạt các tờ báo lớn, bao gồm The New York Times và The Guardian, từ chối. Không ai ngờ được rằng, ngay sau đó, câu chuyện về Alexandra đã làm dấy lên mạnh mẽ phong trào đấu tranh của các sinh viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học, nhân viên ở các thư viện, các biên tập viên khoa học chống lại “bá quyền” của các nhà xuất bản và cổ vũ cho tự do thông tin qua truy cập mở (open access).  

Alexandra sinh ra và lớn lên ở Kazakhstan, một nơi mà việc tiếp cận internet rất hạn chế (73% người dân vẫn sử dụng internet theo phương thức truy cập quay số – dial up) và giá cả của báo chí, sách vở, phim và nhạc có bản quyền rất đắt đỏ. Cô tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, chuyên ngành bảo mật thông tin tại Đại học Công nghệ Quốc gia Kazakh, nơi cô trở nên hứng thú với việc hack máy tính. Sau đó, Alexandra thực tập và nghiên cứu về khoa học thần kinh và nhận thức tại Phòng thí nghiệm Viện Công nghệ Georgia, Mỹ và Đại học Albert – Ludwigs tại Freiburg, Đức để phục vụ cho mối quan tâm mới của cô là triết học siêu nhân học. Các trường nơi cô học đều không mua các gói tạp chí và trao quyền truy cập cho nghiên cứu sinh. Một bài báo có bản quyền có giá khoảng 30 USD và quá trình nghiên cứu đòi hỏi người ta phải đọc hàng trăm, có lúc là hàng nghìn bài báo nên số tiền mà một nhà khoa học sẽ phải trả là “khủng khiếp”.

Nhiều nhà khoa học nói rằng Sci Hub là phao cứu sinh của họ. Khi Tia Sáng đăng bản dịch bài báo của Nature về Alexandra lên Fanpage của mình, một loạt các comment đều tỏ ý biết ơn và ca ngợi cô là anh hùng, khiến công việc nghiên cứu của họ bước sang một trang mới. Sci Hub dễ sử dụng một cách đáng kinh ngạc: chỉ cần đăng link, mã số (DOI) hoặc tên bài báo vào ô tìm kiếm trên Sci Hub website là đọc được ngay bài báo sau vài giây. Mặc dù không tiết lộ chi tiết nhưng Alexandra công nhận hai cách thức Sci Hub sử dụng để phá tường phí (paywall) của các tạp chí: truy cập vào các kho tài liệu lậu có sẵn và sử dụng một loạt khóa truy cập vào hệ thống dữ liệu của các nhà xuất bản lớn mà các giáo sư hào phóng tại các trường đại học lớn tình nguyện đóng góp. Trong hơn năm năm, Sci Hub đã “cho đi” 58 triệu bài báo, tương đương hơn 150 nghìn bài báo mỗi ngày, cho khoảng 10 triệu người dùng.

Khoảnh khắc “Napster”

Việc truy cập các tài liệu có bản quyền vốn là “đặc quyền” của một số rất ít người đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học giàu có bậc nhất thế giới. Chính vì vậy, với đa số người trong giới học thuật trên thế giới, Sci Hub là một giấc mơ có thực. Triết lý đằng sau Sci Hub của Alexandra được rất nhiều người chia sẻ, và đó cũng là lí do khởi nguồn cho cuộc đấu tranh vì truy cập mở diễn ra hàng thập kỉ nay lại bùng lên: “Tri thức phải được chia sẻ miễn phí cho tất cả mọi người”.

Càng ngày, người ta càng nhận ra rằng, các nhà xuất bản đang đi quá giới hạn của mình trong việc can thiệp vào nền học thuật. Bên cạnh làm chậm lại tiến độ phát triển của khoa học thế giới bằng cách giới hạn việc tiếp cận các bài báo cho một số ít người trả tiền, họ còn góp phần “thao túng” các nhà khoa học, đánh giá một cách thiên lệch về hiệu quả làm việc của các nhà khoa học bằng cách đưa ra chỉ số ảnh hưởng. Giá tạp chí hiện nay được cho là tăng nhanh hơn cả mức lạm phát kinh tế và các nhà xuất bản luôn tìm cách ép buộc thư viện của các trường đại học phải tung ra hàng triệu USD để trả cho các gói tạp chí gồm cả những ấn phẩm vô thưởng vô phạt. Mặc dù các nhà xuất bản đều có các hoạt động hỗ trợ những nước đang phát triển nhưng chẳng thấm tháp gì. Theo Financial Times, doanh thu của Elsevier1 là 2 tỉ USD mỗi năm và lợi nhuận đạt 30%. Cách đây bốn năm, Đại học Harvard đã phải thừa nhận rằng họ không đủ điều kiện chi trả cho các gói tạp chí với giá tăng vùn vụt nữa và kêu gọi các nhà khoa học chuyển sang sử dụng truy cập mở. Đại học Cornell cũng phải ngừng mua nhiều tạp chí của nhà xuất bản Elsevier.

Alexandra Elbakyan bị Elsevier kiện ra tòa án Mỹ vì tội xâm phạm bản quyền. Sự kiện này nhắc lại những phong trào phản đối Elsevier mạnh mẽ. Năm 2012, Tim Gowers (nhà toán học người Anh, Huy chương Fields năm 1998) đã viết trên blog của mình kêu gọi tẩy chay Elsevier bao gồm: không xuất bản, không tham gia hội đồng biên tập, không phản biện trên bất kì ấn phẩm nào của Elsevier vì thấy rằng nhà xuất bản này cản trở quyền tự do tiếp cận thông tin của công chúng. Lời kêu gọi của ông đã dẫn đến sự hình thành của phong trào mang tên The cost of knowledge (Cái giá của tri thức) với sự tham gia của hơn 16 nghìn nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực ở khắp thế giới. Ngoài ra, năm 2015, 31 biên tập viên của tạp chí ngôn ngữ Lingua thuộc Elsevier đã đồng loạt từ chức và lập ra tạp chí truy cập mở mới – Glossa.

Tờ Financial Times coi cuộc chiến giữa giới học thuật và các nhà xuất bản là không cân sức. Họ khẳng định điều đó bằng bài báo với tít: “Elsevier dẫn đầu một ngành kinh doanh không bị lụi tàn bởi internet”. Bài báo chỉ ra rằng, chừng nào các trường đại học, viện nghiên cứu không thay đổi cách đánh giá các nhà khoa học thì sự nghiệp của họ luôn phụ thuộc vào các nhà xuất bản này. Và như vậy, những nhà xuất bản như Elsevier vẫn đòi giá tạp chí ngất ngưởng trong khi không trả một đồng nào cho tác giả bài báo, người phản biện cũng như ban biên tập.

Tuy nhiên, nếu điều Financial Times nói là đúng thì cũng không ai có thể ngăn cản được sự sinh sôi của những trang web lậu. Trường hợp của Napster trong ngành âm nhạc là một ví dụ. Với việc cung cấp miễn phí những sản phẩm âm nhạc lậu, Napster đã làm những hãng sản xuất đĩa “kinh hoàng”. Nhưng đóng cửa Napster thì lại có những trang tương tự mọc lên, cho đến khi iTunes của Apple ra đời, đưa ra một dịch vụ với giá cả mà cả người nghe và các nghệ sĩ đều thỏa mãn. Nhiều người ví Alexandra Elbakyan đã tạo ra khoảnh khắc “Napster” như thế với ngành xuất bản. 
——
1 Nhà xuất bản Hà Lan chiếm hơn 40% thị phần ngành xuất bản các tạp chí khoa học với 2.500 tạp chí.

Tác giả