Những bảo tàng của tương lai

Các bảo tàng được gắn với những gì thuộc về quá khứ cũng không thể cưỡng lại làn sóng công nghệ của hiện tại và tương lai.


Một em nhỏ xem bản chụp cắt lớp của xác ướp Ai Cập trong một triển lãm tại bảo tàng Powerhouse, Sydney, Úc (trước đó, một triển lãm tương tự đã được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Los Angeles, Mỹ vào tháng 9 năm ngoái). Nguồn ảnh: CGTN.

Làm “sống” lại quá khứ

Pokemon Go, trò chơi từng làm mưa làm gió trên thế giới vào năm 2016, cho phép người chơi thu phục vật hoạt hình ảo Pokemon trong thế giới thực đã khiến bảo tàng Tưởng niệm Holocaust “đau đầu”, buộc khách tham quan phải ngừng chơi khi bước vào đây. Tuy nhiên, trò chơi này nói riêng và công nghệ thực tại ảo nói chung lại đưa ra gợi ý quan trọng cho những bảo tàng để họ “thổi sức sống” vào những hiện vật và không gian trưng bày. Bảo tàng Anh (The British Museum) đã tái hiện lại không gian sinh hoạt của con người thời kỳ đồ Đồng ở châu Âu trong một video thực tại ảo, trong đó có hình ảnh 3D của những hiện vật trong bộ sưu tập của bảo tàng. Khách tham quan cảm giác như mình đang ở trong không gian của video này, trải nghiệm cảm giác nâng lên đặt xuống các công cụ được trưng bày bằng ba cách: xem trên điện thoại di động bằng kính thực tại ảo (VR headset), xem trong phòng chiếu 360o hình bán cầu (immersive fulldome) và màn hình tương tác của máy tính bảng.

Sự kết hợp công nghệ trong trưng bày bảo tàng đã cộng thêm vố số lớp thông tin cho những hiện vật được trưng bày. Trước đây, tất cả những gì chúng ta biết về các hiện vật trong bảo tàng là
bằng việc đứng ngắm chúng từ xa qua một lớp kính bảo vệ, đọc các tấm bảng chú thích và catalogue chuẩn bị sẵn. Bây giờ, mọi chuyện đã khác, bảo tàng có thể cho người đọc tiếp cận với khối lượng thông tin đồ sộ đã số hóa liên quan đến các hiện vật trong bảo tàng. Trong triển lãm “Xác ướp: Những bí ẩn mới từ hầm mộ” do Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ tổ chức vào tháng chín năm ngoái, người xem được tiếp cận với toàn bộ các bản chụp cắt lớp của các xác ướp, được lưu trữ trong một máy tính bảng đặt bên cạnh mỗi hiện vật. Nhờ vậy, lần đầu tiên, công chúng được tận mắt chứng kiến tư thế nằm, kiểu tóc, trang sức, quần áo, những vật chôn cùng người Peru và Ai Cập được cách đây vài nghìn năm. Hay một dự án của Đại học Nam California (USC) quay phim và thu âm những người sống sót sau vụ thảm sát Holocaust rồi chiếu dưới dạng hình ảnh 3D (holograms) và sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhân chứng này có thể trích rút các thông tin thu âm sẵn để trả lời đa dạng các câu hỏi khiến cho những người đến bảo tàng có cảm giác mình đang đối thoại trực tiếp và được nhân chứng lịch sử này dẫn đi tham quan khắp bảo tàng.

Thay đổi khái niệm bảo tàng

Với công nghệ internet của vạn vật cho phép thu thập, lưu trữ và phân tích các hành vi của con người, các bảo tàng có thể tạo ra những trải nghiệm và cách tiếp cận không gian và hiện vật của bảo tàng của khách tham quan hoàn toàn khác so với truyền thống. Gallery One của bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, Mỹ là một ví dụ. Không gian chỉ chiếm một phần rất nhỏ diện tích của bảo tàng nghệ thuật đông khách nhất nước Mỹ này là tâm điểm để tất cả các bảo tàng khác học hỏi về sự kết hợp công nghệ trong trưng bày bảo tàng. Trong hơn 1000 m2 và chỉ với sáu màn hình cảm ứng, Gallery One tạo ra trải nghiệm riêng tư giữa mỗi khách tham quan với những tác phẩm được trưng bày. Màn hình cảm ứng gần 500 inch được đặt ở ngay lối vào, hiển thị 4000 tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng. Người xem chạm vào hình ảnh của tác phẩm nào, tác phẩm ấy sẽ được phóng to, thông tin về tác phẩm và vị trí của nó trong phòng trưng bày sẽ hiện ra và các tác phẩm có nội dung liên quan sẽ “trôi” đến. Bằng cách bấm vào biểu tượng trái tim ở dưới tác phẩm họ xem, hình ảnh của nó sẽ “nhảy” vào ipad của họ. Bằng cách này, họ có thể tự tạo ra kế hoạch thăm thú toàn bộ bảo tàng hoặc có một bộ sưu tập ảnh mang về. Người xem có thể “làm trò” trước một camera và màn hình ở gần đó gợi ý một tác phẩm nghệ thuật vẻ mặt tương tự với họ. Một màn hình khác cho trẻ em vẽ một đường bất kì lên màn hình và các tác phẩm nghệ thuật chứa đường nét tương tự sẽ hiện ra, khớp vào đường các em vừa vẽ. Màn hình khác nữa là những chi tiết trong bức tranh Tĩnh vật với bánh quy của Picasso, cho phép người xem sắp xếp lại và tạo ra một bức họa mới…

Công nghệ có thể sẽ thay đổi hình dung của công chúng về bảo tàng. Bảo tàng không chỉ là một công trình để người ta đến thăm mà có thể là thứ người ta…bỏ túi. Một vài bảo tàng hiện nay đã đưa các bộ sưu tập của mình lên internet. Dự án nghệ thuật Google (Google’s Art Projects) còn cung cấp nguồn lực miễn phí cho các bảo tàng, scan các tác phẩm nghệ thuật với độ phân giải rất cao lên internet cho công chúng chiêm ngưỡng. Oculus Riff, một trong những công ty nổi tiếng nhất với kính thực tại đã tạo ra các tour 3D cho phép bất cứ ai, dù ở đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại với kính thực tại ảo cũng có thể trải nghiệm tham quan những bảo tàng nổi tiếng trên thế giới. Thậm chí, hiện nay với công nghệ in 3D, các bảo tàng chia sẻ file quét 3D các hiện vật của mình miễn phí để công chúng tự in và sở hữu bản sao của các hiện vật cho riêng mình.
***
Tuy nhiên, những ví dụ ở trên mới xảy ra với những bảo tàng hàng đầu trên thế giới, đa số những nơi khác không có nhiều niềm tin vào công nghệ hiện đại. Nhiều giám tuyển (curator) cho rằng, bảo tàng là nơi những người khách đến để đối thoại, tìm sự đồng cảm trực tiếp với tác phẩm chứ không phải thông qua một màn hình cảm ứng. Họ cảm thấy khó chịu khi mọi người “dán mặt” vào màn hình nhiều hơn là hiện vật. Họ cảm thấy đặt các thiết bị vào bất cứ chỗ nào gần tác phẩm cũng ảnh hưởng đến tầm quan sát của người xem.

“Bảo tàng không phải là tổ chức cởi mở. Họ có tiếng là nơi quá khép kín, quá nghi thức, quá nhiều quy định. [Trong khi đó] công nghệ là một thứ dễ tiếp cận và quen thuộc hơn. Nó là một cách thức thú vị để các bảo tàng đạt được mục đích quan trọng nhất của mình, nghĩa là giúp mọi người coi trọng và học hỏi về những gì họ trưng bày”. – Susana Smith Bautista, giám đốc truyền thông tại Bảo tàng Châu Á Thái Bình Dương của USC, tác giả của cuốn sách: “Bảo tàng trong kỷ nguyên số: Thay đổi khái niệm về nơi chốn, cộng đồng và văn hóa”, cho biết.  

Thực tế rút ra từ những trường hợp thành công, các bảo tàng không bắt đầu bằng việc có thể áp dụng những công nghệ gì mà là công chúng của họ cần gì? Dù ở trong thời kì nào, bảo tàng vẫn là nơi mở ra cho công chúng một thế giới khác, những câu chuyện và trải nghiệm mới mẻ và bảo tàng phải thật hiểu “khách hàng” của mình, hiểu mục đích và động cơ của họ khi tìm đến những nội dung về văn hóa trước khi thiết kế các trải nghiệm mới. Bên cạnh đó, tìm kiếm vị thế của mình trong thời đại số không phải là thách thức mà các bảo tàng có thể tự mình giải quyết mà cần phải hợp tác với các công ty công nghệ. Google, Wikipedia, Oculus Rift, Samsung… vẫn tài trợ việc số hóa bộ sưu tập, tạo trải nghiệm mới trong các bảo tàng để công chúng toàn thế giới có thể tiếp cận miễn phí.

Bích Hảo tổng hợp

 

Tác giả