Tạp chí của Đại học Đà Lạt vào danh mục ASEAN Citation Index

Trong đợt xét duyệt tháng 12/2017, Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index - ACI) đã chấp nhận 3 tạp chí khoa học của Việt Nam đạt chuẩn ACI, trong đó có một tạp chí của Đại học Đà Lạt và hai tạp chí của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.


Đại học Đà Lạt. Ảnh: Hà Hữu Nết.

Ba tạp chí của Việt Nam vào ACI

Trung tâm Trích dẫn ASEAN là một cơ sở dữ liệu chung cho toàn bộ khu vực ASEAN, làm cầu nối giữa các Trung tâm Trích dẫn quốc gia (National Citation Index – NCI) của các nước thành viên với các cơ sở dữ liệu quốc tế như ISI, SCI hay Scopus. ACI có chức năng lưu trữ, tìm kiếm bài báo và trích dẫn, giúp phân loại và đánh giá chất lượng tạp chí khoa học của các nước ASEAN. Để được chấp thuận chỉ mục trong cơ sở dữ liệu này, các tạp chí khoa học cần phải đạt được bốn tiêu chuẩn sơ loại và mười tiêu chuẩn xét duyệt (gồm 13 tiêu chí về hình thức và nội dung), tiệm cận với các tiêu chuẩn của hệ thống SCOPUS.

Trong đợt xét duyệt tháng 12/2017, Việt Nam có 3 tạp chí được chấp nhận đạt chuẩn ACI gồm: Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt (Dalat University Journal of Science) thuộc Đại học Đà Lạt, Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Vietnam Journal of Science and Technology) và Tạp chí Khoa học Trái đất (Vietnam Journal of Earth Sciences) thuộc Viện Hàn lâm KH&CNVN. Trước đó, trong năm 2015 và 2016 đã có 3 tạp chí trong nước khác lọt vào danh mục của ACI gồm Journal of Economic Development của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Journal of Economics and Development của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, và Biomedical Research and Therapy của Trường ĐHKHTN, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Như vậy, Đại học Đà Lạt là đại học vùng duy nhất ở Việt Nam đã có tạp chí trong danh mục của ACI. Được thành lập từ năm 2010, Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt là một tạp chí học thuật đa ngành bình duyệt độc lập, có ba Chuyên san: “Xã hội và Nhân văn”; “Tự nhiên và Công nghệ”; “Kinh tế và Quản lý”. Hội đồng biên tập các Chuyên san của Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt gồm 40 thành viên, trong đó có nhà khoa học quốc tế, ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành và thành viên Hội đồng Khoa học ngành/liên ngành của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Các bài báo gửi đăng đều được thẩm định nghiêm ngặt bởi một thành viên hội đồng biên tập và được bình duyệt bởi ít nhất một chuyên gia phản biện độc lập thông qua quy trình bình duyệt kín hai chiều (tỷ lệ từ chối bản thảo trong các năm 2016 và 2017 đều xấp xỉ 50%). Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt đang đặt mục tiêu sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng để được chấp thuận vào Thư mục các tạp chí truy cập mở (Directory of Open Access Journals – DOAJ) trong năm 2018.

Hai tạp chí còn lại của Viện Hàn lâm KHCNVN đều là các tạp chí lâu đời đã có nhiều “tiếng tăm” trong giới khoa học Việt Nam. Được thành lập từ năm 1962 với tiền thân là Tập san Khoa học kỹ thuật, Tạp chí Khoa học và Công nghệ xuất bản các bài báo khoa học trong các lĩnh vực vật liệu, các hợp chất thiên nhiên, môi trường, điện tử và viễn thông và cơ khí. Còn tạp chí Khoa học Trái đất, xuất bản từ năm 1979, đã được chỉ mục ở một số cơ sở dữ liệu khoa học có uy tín khác từ trước đó, như danh sách tạp chí Hạng 1 của Nauy (NRSJ), Viện Khoa học địa lý Mỹ, Copernicus International…

“Nhà nước đang có chính sách khuyến khích các tạp chí khoa học Việt Nam cải tiến, nâng cao chất lượng để ngày càng có nhiều tạp chí của nước ta được chỉ mục trong các hệ thống ISI, SCOPUS và ACI. Trong nỗ lực lâu dài của các tạp chí Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn chỉ mục vào ISI và SCOPUS thì việc được chỉ mục vào hệ thống ACI của khu vực Đông Nam Á sẽ là một bước trung gian quan trọng và cần được khuyến khích mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên thư ký Hội đồng Khoa học ngành Kinh tế học của Quỹ NAFOSTED nhận định.

… Nhưng còn xa mới tiệm cận chuẩn khu vực

GS.TSKH Nguyễn Xuân Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ cho biết, từ 5 năm lại đây các cơ quan nghiên cứu khoa học đang thúc đẩy xây dựng các tạp chí khoa học có chất lượng khoa học ngày càng cao, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế để lọt vào danh mục ISI hoặc Scopus. Cùng với Viện Hàn lâm KH&CN VN, các trường đại học lớn ở Việt Nam đang nỗ lực để đạt được điều đó. Tuy nhiên, số lượng tạp chí khoa học Việt Nam lọt vào trong danh mục ISI/Scopus hay ngay cả ACI đều rất thấp so với các quốc gia trong khu vực [1].

Với số lượng 6 tạp chí được ACI chấp nhận, Việt Nam chỉ hơn Brunei (1), Campuchia (1), Myanmar (1) và  Lào (0). Hiện nay, ACI có 408 tạp chí khoa học đạt chuẩn, trong đó, Thái lan có số lượng tạp chí đạt chuẩn nhiều nhất (161 tạp chí đạt chuẩn), Indonesia có 101, Malaysia có 100, Philipines có 28, Singapore có 8 [2].

Mặc dù có 387 tạp chí khoa học Việt Nam được đưa vào danh mục tạp chí tính điểm của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, nhưng chỉ có 3 tạp chí (xấp xỉ 0,78%) được vào danh sách của Scopus gồm Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN); Acta Mathematica Vietnamica của Viện Hàn lâm KH&CNVN và Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam và Viện Hàn lâm KH&CNVN); và cũng chỉ có 32 tạp chí bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Việt – Anh (xấp xỉ 8,3%) [3].  

Trong khi đó, theo thống kê của ACI, tính đến hết năm 2016, số tạp chí khoa học thuộc ISI/Scopus của các nước Châu Á như sau: Trung Quốc 538, Nhật Bản 459. Toàn bộ khu vực ASEAN có 225 tạp chí thuộc ISI/Scopus, trong đó lần lượt là Singapore 101, Malaysia 69, Thailand 23, Philippines 21, Indonesia 12, Việt Nam 3.

Ba tạp chí Việt Nam vào ACI năm 2017.
 

Trung tâm Trích dẫn ACI được thành lập và có ban điều hành từ năm 2013, chính thức xét duyệt tạp chí từ năm 2014. ACI được Quỹ Nghiên cứu khoa học Thái Lan tài trợ đến hết năm 2016; từ năm 2017 kinh phí sẽ do các nước thành viên đóng góp. Chủ tịch ACI là GS. Narongrit Sombatsompop, thuộc King Mongkut’s University of Technology, Thái Lan; ban điều hành gồm thành viên các nước ASEAN, mỗi nước được cử hai người do Bộ Giáo dục của nước đó giới thiệu. Mỗi năm ACI mở một đợt xét duyệt với hạn chót là ngày 15/11. Những tạp chí có trong danh mục Scopus hay ISI đương nhiên được chấp nhận, những tạp chí khác sẽ được xét duyệt theo các tiêu chí của ACI. Mục tiêu của ACI là sớm trở thành một cơ sở dữ liệu đủ lớn để liên kết với SCOPUS.
Để lọt vào danh mục của ACI, các tạp chí phải đáp ứng 4 tiêu chuẩn sơ duyệt và đạt tối thiểu 15 điểm (tối đa 20 điểm) của 10 tiêu chuẩn về nội dung và hình thức để bình duyệt, cụ thể gồm:
4 tiêu chuẩn sơ duyệt
1. Bài báo đăng trên Tạp chí phải được phản biện;
2. Tạp chí phải được xuất bản theo định kỳ và đúng hạn đã công bố;
3. Các bài báo phải có tiêu đề, tóm tắt, tên tác giả và địa chỉ cơ quan công tác bằng tiếng Anh;
4. Các bài báo phải có phần tài liệu tham khảo theo hệ chữ Latin.
10 tiêu chuẩn để chỉ mục tạp chí vào ACI
1.Mức độ phản biện: bình duyệt ẩn danh hai chiều (Double-blind peer-review) hay bình duyệt ẩn danh (Single-blind peer-review) hay không có bình duyệt (No peer-review).
2.Xuất bản đúng hạn.
3.Đã xuất bản ít nhất 3 năm hoặc 6 số liên tục.
4. Mức độ được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu.
5.Mục đích và phạm vi của tạp chí: Mục đích và phạm vi được công bố rõ ràng; Có danh sách thành viên Hội đồng biên tập và cơ quan công tác; Chu kỳ phát hành được công bố theo tháng; Quy trình phản biện được công bố rõ ràng; thông tin hướng dẫn dành cho tác giả đầy đủ và rõ ràng.
6.Sự đa dạng trong thành viên hội đồng biên tập tạp chí.
7.Sự đa dạng của tác giả viết bài cho tạp chí.
8.Sự phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về hình thức trình bày tạp chí: Có tên tác giả và cơ quan làm việc; Có tóm tắt tiếng Việt và tiếng Anh; Hình thức trình bày, trích dẫn và tài liệu tham khảo được trình bày nhất quán.
9.Website của Tạp chí có đầy đủ thông tin và được cập nhật thường xuyên: Có danh mục các bài báo được xuất bản trong cùng một số; Có mục đích, tôn chỉ, phạm vi của Tạp chí; Có danh sách Hội đồng biên tập và nơi công tác của họ; Có hướng dẫn dành cho tác giả; Thông tin trên Website và trên bản in Tạp chí là nhất quán.
10.Có hệ thống gửi bài và phản biện trực tuyến.

Chú thích:

[1] http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc/trong-nuoc/3122-hai-tap-chi-khoa-hoc-cua-vien-han-lam-khcnvn-duoc-lot-vao-danh-muc-aci-asean-citation-index-nam-2017

[2] http://www.asean-cites.org/index.php?r=contents%2Findex&id=9

[3] http://tuyensinh.dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chua-den-10-tap-chi-khoa-hoc-cua-viet-nam-duoc-xuat-ban-bang-tieng-anh-20170601072544742.htm

Tác giả

(Visited 26 times, 1 visits today)