Tia X mở khóa các bức thư hàng trăm năm tuổi

Hàng thế kỷ trước, con người đã dùng rất nhiều hình thức khác nhau để giữ bí mật thư tín khỏi các cặp mắt tò mò. Giờ đây, những công nghệ mới nhất đã mở các bức thư đó một cách dễ dàng, qua đó tìm thấy một đường liên kết còn lẩn khuất giữa những kỹ thuật bảo mật truyền thông từ thế giới cố đại và mật mã số hiện đại.


Những bức thư bị khóa được được mở bằng công nghệ hiện đại. 

Vào lúc hai giờ sáng ngày 8/2/1587, nữ hoàng Mary của Scotland viết một bức thư gửi em chồng là vua Henry đệ tam của Pháp. Đó có thể là bức thư cuối cùng trong cuộc đời bi thảm của bà bởi bà còn chưa kịp ký tên và gửi nó đi. Quỹ thời gian còn lại của nữ hoàng không nhiều, bà chỉ còn có thể gập đi gập lại những trang giấy, cắt lấy một đoạn nhỏ ở mép rồi đục lỗ và xâu nó theo một cách để chỉ người hiểu rõ kỹ thuật đặc biệt này mới có thể mở được mà không làm rách lá thư… Sáu giờ sau, bà bị đao phủ hành quyết theo lệnh của cô mình là nữ hoàng Elizabeth nước Anh vì bị buộc tội bạo phản. Nhiều người xót thương cho số phận bất hạnh của nữ hoàng Mary và bức thư cuối cùng của bà kể từ đó đã được coi là một trong những hiện vật được quan tâm bậc nhất của Scotland bởi nó góp phần đem lại một cái nhìn sâu hơn về một nhân vật hoàng gia đang phải đối mặt với cái chết sắp đến.

Số phận bất hạnh và những bí mật cung đình phủ bóng cuộc đời nữ hoàng Mary đã gợi cảm xúc cho nhà soạn nhạc Đức Felix Mendelsohn sáng tác bản giao hưởng số ba Scottish. Vào năm 1928, Mendelsohn đã  ghi lại “Nhà nguyện [Holyrood] giờ không còn mái che, cỏ và cây thường xuân mọc ở đó và tại bàn thờ đổ nát đó, Mary đã đội lên vương miện nữ hoàng Scotland. Mọi thứ xung quanh giờ vỡ vụn và hoang tàn còn bầu trời thì rực rỡ” 1. Gần 100 năm sau, kỷ vật của nữ hoàng Mary còn đủ sức để gợi mở ý tưởng cho một sáng tạo khác, không phải trong lĩnh vực âm nhạc mà là khoa học, để đọc bức thư của bà mà không làm phá hủy chúng.

Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ trong lịch sử bảo mật thư tín nhằm ngăn chặn những cái mũi ưa nhòm ngó bằng kỹ thuật “khóa thư” (letterlocking), tương tự ý nghĩa của việc mã hóa hộp thư điện tử của mọi người ngày nay. Có thể kể ra một số cái tên nổi tiếng trong lịch sử ưa thích cách làm này: nhà thiên văn học Galilei Galileo, nhà ngoại giao kiêm nhà văn thời Phục hưng Niccolò Machiavelli, vương hậu Pháp Marie Antoinette, nhà từ thiện Isabella Gardner… “Nhiều người đã làm như vậy”, Daniel Starza Smith, một giảng viên văn học Anh ở trường King’s College London, cho biết. “Đó là những gì còn ẩn sâu trong hàng trăm năm lịch sử truyền thông, và cũng là một trong những thứ khiến người ta phải ‘bão não’ nhất”.

Kỹ thuật “khóa thư” được coi là hoạt động ưa thích trong hàng thế kỷ, xuyên qua nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia, nhiều tầng lớp xã hội và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tồn tại của các hệ thống bí mật. Dù kỹ thuật này đã dần phai nhạt kể từ những năm 1830, khi những bức thư bắt đầu được đưa vào trong các phong bì nhưng theo thời gian, nó vẫn gợi sức tò mò cho các học giả, ví dụ như câu hỏi: bằng cách nào có thể đọc được nội dung của nhiều bức thư bị “khóa” có những giá trị lịch sử vô giá mà không phá hủy chúng?

Đó là lý do thôi thúc 11 nhà nghiên cứu ở MIT và nhiều viện nghiên cứu khác trên thế giới phát triển một kỹ thuật thực tế ảo giúp họ tìm hiểu những bí mật trong những kho tàng lịch sử thư tín. Kết quả của nghiên cứu được xuất bản trên Nature Communications “Unlocking history through automated virtual unfolding of sealed documents imaged by X-ray microtomography” (Sự mở khóa lịch sử thông qua việc mở tự động ảo các tài liệu kín được chụp bằng phương pháp chụp cắt lớp vi mô tia X) 2.

Nữ hoàng Mary của Scotland. Nguồn: britannica.com

Những bức thư bị khóa

Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo sư Jana Dambrogio, một nhà bảo tồn tại Thư viện MIT. Bà là trưởng nhóm nghiên cứu Mở khóa lịch sử, một nhóm bao gồm các nhà bảo tồn, cổ tự học, học giả văn học, sử gia, nhà xuất bản, chuyên gia hình ảnh, kỹ sư…, nghĩa là tất cả những ai quan tâm đến thực hành lịch sử về “khóa thư”. Dambrogio viết trên trang web của mình “các đặc điểm vật liệu của thư từ có thể nói với chúng ta về quá khứ nhưng chỉ khi chúng ta học được ngôn ngữ của chúng. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi nguyện mang tất cả các công cụ mà chúng tôi có để làm được điều đó – một từ điển, những đoạn băng và hình ảnh, những hội thảo trong các thư viện, bảo tàng, trường đại học vòng quanh thế giới”.

Cách đây 20 năm, giáo sư Dambrogio lần đầu gặp các bức thư bị khóa trong một phòng thí nghiệm bảo tồn của Kho lưu trữ Bí mật Vatican. Dự án bà được tham gia bao gồm một nghiên cứu rất cẩn trọng về các hồ sơ pháp lý và kế toán từ thế kỷ thứ 10 đến 17, tất cả đều được bảo quản cẩn thận và không được phép chạm vào. “Ngay trong tuần đầu tiên, tôi đã bắt đầu thấy những đường rạch, những con dấu xác nhận, những dấu niêm phong bằng sáp ong tuyệt đẹp, và cả những góc bị cắt rời, những đường gập trong sách, trang giấy, gập khắp mọi nơi”.

Các nghiên cứu tiếp theo đã giúp giáo sư Dambrogio viết một cuốn sách khám phá 250 hồ sơ lưu trữ, chương đầu tiên dành cho những bức thư “cơ bản nhất, cấu trúc đơn giản nhất”. Theo thời gian, chương đầu đã phát triển đời sống của riêng nó. Trong một cuộc phỏng vấn, bà cho biết, vào năm 2014, việc nghiên cứu về các bức thư đang tồn tại đã gợi mở cho bà ý tưởng là liệu các đồng nghiệp am hiểu về công nghệ có thể tìm ra cách mở tự động ảo các bức thư đang bị khóa không? Ở thời điểm đó thì các học giả đã có thể đọc và nghiên cứu những bức thư như vậy bằng cách mở chúng ra. Tuy nhiên việc làm theo cách này thường làm hỏng những trang viết có tuổi đời hàng trăm năm và làm mất đi hoặc loại bỏ manh mối về cách chúng được bảo mật. “Chúng tôi thực sự cần giữ sự nguyên bản”, bà nói, “Anh vẫn phải giữ để nghiên cứu về chúng, đặc biệt nếu anh muốn hiểu sâu về cách chúng được tạo thành”.

Dẫu các bức thư bị khóa cứ chất đống trong các kho lưu trữ thì vẫn còn thách thức để tái tạo một cách chính xác những vật thể ba chiều đó. Một số công việc dò dẫm của cả Dambrogio và Smith đều ở quy mô nhỏ, tập trung vào cấu trúc gập của từng bức thư. Ngay cả khi những nếp gập đó đã bị làm phẳng theo cách lưu trữ thì các mẫu hình của sự bạc màu hay bụi bám trên giấy cũng có thể đem lại manh mối là phần gấp nào của thư nằm ở bên ngoài. Để hiểu rõ hơn về sự đứt đoạn của các con dấu bằng sáp ong nguyên bản, nhóm nghiên cứu đã phải thử nghiệm các công thức có trong lịch sử về việc niêm phong bằng sáp.

Sau ngần ấy thời gian, nghiên cứu của họ giống như một cuộc săn tìm kho báu kỳ lạ. Đã có nhiều trường hợp, Smith nói, họ tìm thấy chín mẩu thư bị hư hỏng, “và rồi sau đó tìm thấy mẩu thứ 10 cũng bị hư hỏng nhưng theo cách khác. Nó cung cấp bằng chứng về sự mất tích của những mẩu còn lại. Đó chính là một dạng trò chơi xếp hình”.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, họ quét các bức thư với một thiết bị tia X tiên tiến. Kết quả là những hình ảnh ba chiều – giống như một máy quét y khoa – tiết lộ hình dạng bên trong của thư. Sau đó một máy tính giúp họ phân tích hình ảnh để lặp lại các nếp gập và hoàn toàn kỳ diệu là dùng kỹ thuật xử lý hình họ để đưa các lớp đó vào một mặt phẳng, tiết lộ toàn bộ phần chữ viết tay để có thể đọc một cách bình thường.

Với kỹ thuật hình ảnh mới, các nhà nghiên cứu có thể vừa đọc được cả những bức thư bị khóa mà không phải mở chúng ra, vừa bắt đầu hiểu sâu hơn về sự đa dạng khác thường về chiến lược bảo toàn thông tin của người gửi. Một dấu sáp đơn giản là chưa đủ. “Nếu là một điệp viên siêu hạng, anh có thể làm nóng niêm phong, loại bỏ nó, mở thư, đọc nội dung, rồi sắp xếp trở lại như cũ”, nhà khoa học máy tính MIT Erik Demaine, đồng tác giả của nghiên cứu, nói. Nếu làm điều này đủ khéo thì người nhận thư không bao giờ biết được. “Nhưng với các kỹ thuật khóa thư thì anh sẽ buộc phải xé một phần bức thư”.

Bước vào những thế giới riêng biệt

Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Dambrogio và cộng sự không chỉ tìm hiểu về lá thư cuối cùng của nữ hoàng Mary mà còn tiếp cận một kho tàng vô giá trong lịch sử thư tín: bộ sưu tập Brienne, nơi có 2.660 bức thư viết giữa năm 1680 đến năm 1706 từ khắp châu Âu tới Hague (Hà Lan) nhưng đáng tiếc không đến được tay người nhận. Vào thời điểm đó, dịch vụ bưu điện không như chúng ta hình dung ngày nay. Người nhận, chứ không phải người gửi, sẽ phải trả tiền. Một bưu tá có động cơ khuyến khích để chuyển được thư. “Nếu không làm được điều đó, anh sẽ không nhận được tiền”, Rebekah Ahrendt, một nhà lịch sử âm nhạc tại ĐH Utrecht và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. “thông thường thì người nhận không ở một chỗ đủ lâu để nhận được một bức thư”.

Bộ sưu tập Brienne là của Simon và Marie de Brienne, hai người chủ của một bưu cục và đã thuê một nhân viên kế toán sổ sách “hoàn toàn có vấn đề về thần kinh” điều hành bưu cục. Không rõ ai trong số họ có ý tưởng để bưu cục này bắt đầu lưu trữ thư từ mà họ không thể phát cho người nhận, một dạng phiên bản đầu của Văn phòng thư vô chủ. “Ý tưởng này là nếu họ giữ lại những bức thư không thể phát tới người nhận thì một lúc nào đó, cuối cùng ai đó cũng phải mò đến” và trả tiền, Ahrendt giải thích.   

Brienne qua đời vào năm 1707, những bức thư vô chủ được coi là một tài sản. Điều rắc rối là những người thừa kế ông ở Pháp là Thiên chúa giáo còn ông là Kháng cách. Chẳng dại gì mà để tài sản này rơi vào tay họ, vì thế Brienne di chúc để lại kho thư đó cho một trại trẻ mồ côi. Cuối cùng, bộ sưu tập thuộc về Bộ Tài chính ở La Hay.

Ngày nay, với những bức thư bị khóa, bộ sưu tập này trở thành một tài sản vô giá với những thông tin về đời sống con người thế kỷ 17. Ví dụ, một trong những bức được mở tự động ảo đã cho thấy suy nghĩ của một người ở Lille, Pháp là Jacques Sennacques gửi tới người anh em họ của mình là Pierre La Pers, một thương gia Pháp sống ở La Hay, khẩn cầu ông ta và gửi cho ông ta thông tin chứng tử của người có liên quan là Daniel Le Pers. “Tôi đang viết cho anh lần thứ hai để gợi anh nhớ đến sự nỗi phiền muộn mà tôi phải đã thay mặt anh làm”. Dĩ nhiên, cả bức thư này cũng không đến được tay người nhận.

“Các bức thư đều có tình cảm rất sâu sắc, nó kể rất nhiều câu chuyện quan trọng về gia đình, tôn giáo, tình yêu và sự mất mát”, Smith nói. Ahrent bổ sung “Những gì thực sự đáng chú ý về bộ sưu tập này là nó là những bức thư từ tất cả mọi người, trong đó có cả thư từ những người mù chữ và phải thuê người viết, đó là thư từ những người mẹ lo âu về những đứa con mình, đó là thư của những kẻ yêu nhau giờ đã tan thành tro bụi… Đó là sự tập hợp tất cả các tầng lớp xã hội”.

Tuy nhiên việc nghiên cứu một cách tường tận sẽ phải mất nhiều năm sau nữa. Các nhà nghiên cứu lưu ý đến mối liên hệ giữa các bức thư và những nhân vật họ đang nghiên cứu. “Nếu so sánh thư của nữ hoàng Elizabeth và thư của nhà thơ Anh John Donne và nhìn vào bộ sưu tập Brienne, anh sẽ thấy một sự tiến hóa về công nghệ khóa thư”, Smith nói. “Những gì anh bắt đầu thấy ở đây là cái gì đó tương tự như một phong bì hiện đại. Đó là một phần câu chuyện chúng tôi có thể kể”.

Thậm chí nó cũng là bằng chứng cho thấy khóa thư có thể phản ánh cá tính và gu của mỗi người, ví dụ “Donne sử dụng năm phong cách khóa thư khác nhau và chúng tôi chưa từng thấy ai sử dụng nó, vì vậy chúng tôi đã tường tận thêm về con người có những vần thơ sáng tạo và hài hước bậc nhất thế hệ mình, bởi ông cũng sử dụng cách khóa thư sáng tạo nhất mà người ta có thể hình dung”, Smith nhấn mạnh.

Theo cách đó thì bức thư của nữ hoàng Mary của Scots đã đưa chúng ta có được cái nhìn mới vào những giờ phút cuối cùng của bà. “Thật không thể tưởng tượng được, ở một thời khắc nhất định, ai đó đã viết một bức thư, một thứ vẫn được coi là hành động cuối cùng của họ”, Dambrogio nói. “Nhưng trên thực tế hành động cuối cùng của họ lại là chọn kỹ thuật khóa thư mà họ sẽ dùng để liên lạc với người mà họ yêu thương”. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: New York Times, Wire, Atlas Obscura

1. http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Giao-huong-Scottish-Cuoc-vien-du-ve-qua-khu-26934

2. https://www.nature.com/articles/s41467-021-21326-w

Tác giả