Tiềm năng của nấm ma thuật trong điều trị trầm cảm
Nấm ma thuật có một lịch sử lâu đời và thú vị. Giờ đây các nhà khoa học cho biết việc dùng các hoạt chất của chúng kết hợp với liệu pháp tâm lý sẽ là một phương án điều trị đầy hứa hẹn cho bệnh trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo không nên tìm kiếm nấm ma thuật để tự điều trị tại nhà. Ảnh: Imperial College London/PA
Kết quả từ giai đoạn hai của một thử nghiệm lâm sàng nhỏ đã tiết lộ rằng hai liều hoạt chất thức thần psilocybin (một hoạt chất gây ảo giác mạnh có trong nấm ma thuật) có hiệu quả như thuốc chống trầm cảm escitalopram – loại thuốc phổ biến trong điều trị rối loạn trầm cảm, ít nhất là khi kết hợp với liệu pháp tâm lý.
“Công bằng mà nói, kết quả này cho thấy đây có thể là một phương pháp điều trị thay thế đầy hứa hẹn cho bệnh trầm cảm”, TS Robin Carhart-Harris thuộc Imperial College London, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Theo Carhart-Harris, về cơ bản psilocybin và escitalopram có cách thức tác động khác nhau. Nhìn chung, cả hai đều tác động lên hệ thống serotonin của não, tuy nhiên escitalopram giúp con người chịu đựng căng thẳng tốt hơn, “còn chất thức thần thiên về giải phóng suy nghĩ và cảm xúc – sử dụng chất này dưới sự hướng dẫn của liệu pháp tâm lý sẽ tạo ra kết quả tích cực”, ông khẳng định. Ông cũng cho biết thêm, những người tham gia vào nghiên cứu thường báo cáo rằng, sau khi sử dụng hoạt chất thức thần, họ đã hiểu rõ hơn về căn nguyên của việc tại sao họ bị trầm cảm.
Thử nghiệm này được xây dựng dựa trên công trình trước đó của nhóm nghiên cứu về cách hoạt chất thức thần ảnh hưởng đến não, cũng như một thử nghiệm lâm sàng trước đây – khi đó thuốc đã giúp giảm bớt chứng trầm cảm kháng trị ở 12 bệnh nhân.
Trong thử nghiệm kéo dài sáu tuần này, nhóm đã phân bố ngẫu nhiên 30 trong số 59 người lớn mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng từ trung bình đến nặng để nhận hai liều psilocybin 25mg cách nhau ba tuần – liều lượng mà Carhart-Harris cho là đủ để tạo ra những trải nghiệm khác lạ, có phần “thần bí”. Ngày sau liều psilocybin đầu tiên, nhóm này bắt đầu dùng giả dược mỗi ngày.
29 người tham gia khác thì nhận được hai liều psilocybin thấp, hoặc “không có tác động”, cách nhau ba tuần. Điều này nhằm đảm bảo bất kỳ sự khác biệt nào về kết quả giữa các nhóm sẽ không chỉ đơn giản là do kỳ vọng được cung cấp psilocybin. Ngày sau liều psilocybin đầu tiên, nhóm này bắt đầu dùng escitalopram hằng ngày, độ mạnh của liều tăng dần theo thời gian.
Mỗi lượt sử dụng psilocybin kéo dài sáu tiếng, bao gồm một “chuyến đi” từ ba đến bốn tiếng đối với những người dùng liều cao – dưới sự giám sát của ít nhất hai chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trong lúc đó, những người tham gia nằm ngửa, đầu kê lên gối và nghe nhạc tân cổ điển để khơi gợi cảm xúc.
Tất cả những người tham gia đều nhận được liệu pháp tâm lý vào ngày hôm sau lượt sử dụng psilocybin, cũng như một cuộc gọi điện thoại hoặc cuộc gọi video vào một tuần sau liều đầu tiên.
Sau sáu tuần, những người tham gia được yêu cầu điền vào một bảng câu hỏi. Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả trên New England Journal of Medicine, tiết lộ rằng trung bình sau sáu tuần, triệu chứng trầm cảm của cả hai nhóm đều có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể trong mức thuyên giảm giữa hai nhóm.
Cụ thể, chứng trầm cảm của 57% bệnh nhân trong nhóm thứ nhất (sử dụng psilocybin liều cao) đã thuyên giảm sau sáu tuần, so với 28% ở nhóm thứ hai (sử dụng escitalopram). Cả hai nhóm đều không có phản ứng phụ nghiêm trọng.
Dữ liệu chưa hoàn chỉnh
Nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả này vô cùng hứa hẹn, tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng nghiên cứu này chưa đủ để có thể đưa ra kết luận chắc chắn. Một trong số những hạn chế của nghiên cứu, đó là phần lớn những người tham gia là người da trắng, trung niên, học vấn cao và là nam giới. Ngoài ra, những người tham gia có thể đoán được họ đang thử nghiệm phương pháp điều trị nào. Và một điều thiếu sót khác là không có nhóm nào chỉ dùng giả dược và trị liệu.
Anthony Cleare, giáo sư tâm thần học tại King’s College London, cho biết nhóm cần bổ sung nhiều dữ liệu hơn nữa trước khi áp dụng các loại thuốc như psilocybin vào thực tế, đồng thời khẳng định thêm rằng những loại thuốc này sẽ không thể thay thế các phương pháp điều trị trầm cảm hiện có.
Anh Thư dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2021/apr/14/magic-mushroom-psilocybin-show-promise-treatment-depression-clinical-trial-finds
(Visited 8 times, 1 visits today)