Tiếp tục tiêm vaccine, châu Âu chuẩn bị trở lại cuộc sống bình thường

Sau khi nhiều nước đã tiêm được vaccine cho ít nhất một nửa dân số, các nước Châu Âu ứng xử với đại dịch có phần khác nhau. Một số nhấn mạnh đến quyền tự do cá nhân, số khác lại muốn thi hành tiêm chủng bắt buộc. Sau đây là một cái nhìn tổng quan.


Ảnh: BBC

Vương quốc Anh 

Cách đây ba tuần chính phủ Anh hầu như đã hủy bỏ hầu hết các hạn chế đi lại và kêu gọi mọi công dân hãy tự chịu trách nhiệm. Những người phê bình cảnh báo về khả năng tăng lây nhiễm tuy nhiên cho đến nay điều này không xảy ra. Từ giữa tháng bẩy, số ca lây nhiễm mới giảm đi nhưng những ngày gần đây lại có xu hướng tăng ở giới trẻ. 

Anh triển khai chiến dịch tiêm chủng khá sớm so với các nước khác ở Châu Âu, hiện 2/3 người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ. Nay nhà nước nhắm vào giới trẻ: bước tiếp theo là tiêm chủng cho 1,5 triệu thanh thiếu niên từ 16-17 tuổi.  Đẩy mạnh vận động giới trẻ tham gia tiêm chủng. Tóm lại nước Anh chủ trương tiếp tục mở rộng tiêm chủng thay vì bàn bạc về các biện pháp đối với người đã tiêm chủng và không tiêm chủng – đồng thời bảo đảm quyền tự do cho mọi người. Không có chủ trương áp dụng thẻ tiêm chủng.

Đan Mạch

Hầu như không có nước nào ở Châu Âu có cuộc sống gần như đã trở nên bình thường như Đan Mạch. Từ giữa tháng sáu hầu như không ai còn đeo khẩu trang, tuy nhiên khi sử dụng các phương tiện giao thông cộng cộng thì vẫn phải đeo khẩu trang. Khi vào các nhà hàng, rạp hát, bảo tàng người Đan Mạch phải có giấy chứng nhận âm tính, thẻ tiêm chủng hoặc chứng chỉ đã bình phục. Những hồ sơ này được lưu trong Hộ chiếu Corona App.

Mới đây Quốc Hội Đan Mạch quyết định mọi quy định trên sẽ hủy từ ngày 1 tháng 10. Mọi công dân có quyền tự do như nhau dù có hay không tiêm chủng. 
Tuy còn có các ca lây nhiễm mới, nhưng hầu như không có ca tử vong cũng như diễn biến bệnh nặng. Hiện đã có 74% số dân trong độ tuổi đã tiêm chủng đầy đủ. Đến cuối tháng 8 công dân trên 16 tuổi đều có thể tham gia tiêm chủng nếu muốn. 

Italia

Italia áp dụng chiến lược hai đường ray song song đối với Corona. Một mặt nước này hạn chế quyền của những người không tiêm chủng từ tuần qua. Vì vào nhà hàng, bảo tàng, rạp hát phải có thẻ tiêm chủng Corona, hoặc đã bình phục và xét nghiệm âm tính. Với một số ngành nghề như viên chức, nhà giáo, y tế thì bắt buộc phải tiêm chủng,  không có thẻ tiêm chủng buộc nghỉ việc không lương.

Đồng thời, mô hình phân cấp tiếp tục tồn tại, phân loại các khu vực theo mức độ rủi ro với Corona để đưa ra các hạn chế tương ứng. Nếu số ca lây nhiễm Corona tiếp tục tăng như hiện tại ở một số khu vực, chẳng hạn như Sardinia và Sicily có thể sẽ rơi vào danh mục rủi ro màu vàng vào cuối tháng –  sau đó tất cả cư dân ở đó sẽ lại phải thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với Corona như áp dụng giờ giới nghiêm – bất kể đã được tiêm chủng hay chưa. 

Thụy Sỹ

Tại Thụy Sỹ, chính phủ muốn bắt đầu giai đoạn “bình thường hóa” một cách nhanh nhất, hiện nay hầu như mọi biện pháp ngăn ngừa virus Corona đều đã được dỡ bỏ. Chỉ vài tuần gần như mọi công dân Thụy sỹ muốn tiêm chủng đều sẽ được tiêm chủng và kết thúc hoạt động này. 

Bộ trưởng Y tế Alain Berset mới đây tuyên bố tới đây chỉ số quan trọng nhất của đại dịch không còn là việc bảo vệ những người chưa tiêm chủng như hiện nay, mà là số người bị lây nhiễm phải điều trị tại bệnh viện. Ông này cho rằng: “Sẽ không công bằng, nếu những người đã tiêm chủng vì những người chưa tiêm chủng mà phải chịu một số hạn chế.”

Tuy nhiên cũng trong bài phỏng vấn trên tờ SonntagsZeitung và Le Matin Dimanche Berset cho biết Chính phủ sẽ làm mọi điều để không phải ra chỉ thị đóng cửa (lockdown) một lần nữa và không dỡ bỏ các hạn chế nhẹ hiện nay là đeo khẩu trang và trình chứng chỉ COVID một cách liều lĩnh. Vì nếu không làm tốt thì có nguy cơ phải áp dụng các biện pháp chặt hơn vào mùa thu này. Vẫn còn quá sớm để điều trị COVID-19 như bệnh cúm, “điều này chỉ có thể xảy ra khi có thể loại trừ nguy cơ các bệnh viện quá tải. Và rất tiếc, hiện nay chưa làm được điều đó”, Berset nói. 

Mặc dù nới lỏng nhưng cũng để giúp Thụy Sỹ tránh được một đợt đóng cửa lần nữa, thì yêu cầu về chứng chỉ COVID đang có sự điều chỉnh. Những nơi yêu cầu phải có chứng chỉ COVID thì trong tương lai có thể thu thập dữ liệu về sự tiếp xúc để khi bùng phát sự cố có thể nhanh chóng tiến hành truy vết dịch tễ tìm ra người liên đới.  

Pháp

Trong các nước EU, Pháp đang đi đầu trong việc thi hành các hạn chế với những người không chịu tiêm chủng: Tổng thống  Emmanuel Macron hồi giữa tháng 7 đã tuyên bố, ai không có thẻ tiêm chủng chứng minh đã tiêm chủng, đã bình phục hoặc test âm tính sẽ không được đi xe lửa, không vào các tiệm ăn và các bảo tàng.

Những quy định này được áp dụng từ tuần này và sang mùa thu sẽ áp dụng cho trẻ em trên 12 tuổi. Chủ trương này hết sức rõ ràng, Tổng thống muốn mọi người dân phải nhanh chóng  tham gia tiêm chủng. Người Pháp không muốn lại phải phong tỏa một lần nữa và thực sự là người ta đã quá mệt mỏi bởi các hạn chế thời gian qua.

Áo 

Cuộc chiến chống lại đại dịch của Áo dựa trên nguyên tắc 3G: Trong nhiều lĩnh vực của đời sống công cộng, chỉ những người đã được tiêm chủng, hồi phục hoặc xét nghiệm âm tính mới được tham gia. Kể từ ngày 1 tháng 7, các quy tắc này cũng áp dụng cho những trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Một yếu tố quan trọng của chiến lược này là các xét nghiệm nhanh, hiện miễn phí ở hầu hết các nơi ở Áo – ngay cả đối với khách du lịch. 

Ở Áo đang diễn ra các cuộc tranh luận về việc trong tương lai có thu phí xét nghiệm hay không, cả vấn đề hạn chế các quyền của người không tiêm chủng cũng được thảo luận xem có phù hợp về mặt pháp lý hay không. Mọi người đều nhận thức việc phải tránh trường hợp phải phong tỏa lại vào mùa thu này. Hiện nay Áo có khoảng 60% dân số tiêm chủng một lần. 

Ba Lan 
Ba Lan đã làm cho đại dịch biến ra khỏi cuộc sống hàng ngày của họ –  ít ra là không còn có các biện pháp hạn chế. Các quán ăn, nhà hàng đều mở cửa trở lại và khá đông đúc, nhộn nhịp… nhìn chung hầu như tình hình đã trở lại như trước thời có đại dịch. Hầu như ít ai đeo khẩu trang, người ta không cần xét nghiệm âm tính để được vào nhà hát hay rạp chiếu phim. 

Thực ra các quy định hạn chế ở Ba lan như các cuộc họp mặt, lễ lạt không được tụ tập quá 150 người tính vẫn còn được áp dụng đến 31 tháng 8 tuy nhiên giờ không mấy ai để ý đến các quy định này. Chỉ có một vài nhà chức trách nhắc đến một làn sóng thứ tư đầy khốc liệt, vì mới có 49% người Ba Lan tiêm chủng một lần. Không loại trừ khả năng Ba Lan lại phải trở lại với các hạn chế về tiếp xúc trong mùa thu tới. Jaroslaw Kaczynski, thủ lĩnh đảng cầm quyền Pháp luật và công lý (PiS) mới đâu cho biết “Nhà nước sẽ làm tất cả để bảo vệ công dân của mình trước dịch bệnh”.  

Xuân Hoài tổng hợp 
Nguồn: welt.de; swissinfo.ch;

 

Tác giả