Triết lý giáo dục ở đâu trong bức tranh giáo dục tương lai?
Đại dịch xảy ra khiến chúng ta phải nhìn lại về giáo dục, để chuyển đổi từ dạy học truyền thống sang dạy học trực tuyến, cập nhật kiến thức khoa học và công nghệ cho học sinh trong bối cảnh đối diện với nhiều chuyển đổi, đặc biệt là gắn với thời đại kỹ thuật số đang làm thay đổi căn bản xã hội loài người. Vậy thì triết lý giáo dục ở đâu trong bức tranh giáo dục tương lai?
PGS.TS Marek Tesar, Đại học Auckland (New Zealand).
Giáo dục đóng vai trò rất lớn trong đời sống, điều này đã được ba nhà tư tưởng từ các thời đại và quốc gia khác nhau đúc rút ngắn gọn. Đầu tiên là Aristotle, với tuyên bố “người có học khác với người vô học như cách mà người sống khác với người chết”. Người thứ hai là John Dewey, người lập luận rằng “giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà giáo dục chính là cuộc sống”. Và người thứ ba là Nelson Mandela, với tuyên bố “giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.
Ý nghĩa giáo dục từ Aristotle cho đến tận bây giờ vẫn chưa từng thay đổi, nó vẫn luôn đóng một vai trò không thể tách rời trong đời sống của chúng ta. Mặt khác, sự bất di bất dịch ấy còn nằm ở hình thức dạy học cũng như những yếu tố cơ bản khác của giáo dục. Dĩ nhiên, tất cả những yếu tố ấy vẫn có sự biến đổi và phát triển, nhưng về bản chất, nó vẫn luôn như thế.
Trước khi đại dịch xảy đến, những nhà giáo dục đã khuyến nghị giáo viên và nhà trường nên kết hợp công nghệ thông tin vào chương trình học, hoặc thử dạy học trực tuyến. Đôi khi nó được đưa vào quy định triển khai bắt buộc, nhưng thường thì, theo lời một số giáo viên, đó là chỉ là một cái ‘nháy mắt vui vẻ’, nhà trường luôn miệng hô hào rằng sẽ thúc đẩy việc dạy và học trực tuyến trong nhà trường, và chỉ dừng lại ở việc hô hào mà thôi.
Nhưng giờ đây chúng ta bị đẩy vào tình thế bắt buộc, mọi thứ xảy đến quá nhanh và hầu như không có ai kịp chuẩn bị cho một giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài. Tuy vậy, trong nguy có cơ, đây cũng chính là cơ hội để chúng ta phải suy ngẫm lại về nền tảng của giáo dục và hình dung về tương lai của giáo dục cũng như con đường mà ta phải đi qua. Trên con đường ấy, triết lý giáo dục sẽ vẫn luôn là câu hỏi xuyên suốt mà tất cả chúng ta đều cần phải tìm kiếm lời giải đáp, bởi nó sẽ giúp ta trả lời được những câu hỏi cơ bản nhất về giáo dục, và ta cần gì để con trẻ có thể lĩnh hội được tri thức như một hành trang thiết yếu bước vào đời.
Vai trò của triết lý giáo dục
Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm giúp chúng ta hình dung về một thế giới hậu Covid-19. Dù triết lý giáo dục đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong tiến trình phát triển của xã hội thì phần lớn mọi người vẫn đánh giá thấp sự tồn tại của nó, nó dường như luôn vắng mặt trong các cuộc thảo luận về tái xây dựng xã hội và quá trình suy ngẫm lại về tương lai giáo dục của chúng ta. Dưới đây, tôi muốn trình bày về sự tồn tại của triết lý giáo dục trong việc tái xây dựng xã hội và vai trò của nó trên hành trình đưa chúng ta đến tương lai.
Đầu tiên, để hiểu về triết lý của hệ thống giáo dục trong hiện tại và tương lai, chúng ta cần phải hiểu về lịch sử và tư tưởng giáo dục của riêng từng quốc gia – dù cho đó là New Zealand, Indonesia hay Việt Nam. Không có một tư tưởng giáo dục ở bất kỳ quốc gia nào trong số này có thể tồn tại độc lập, vì mỗi tư tưởng đều gắn với lịch sử của một giai đoạn, hệ thống tri thức, bản thể học và quan hệ quyền lực; tất cả những yếu tố này sẽ khắc họa cho chúng ta tương lai của một nền giáo dục. Và điều này sẽ hình thành nên nền tảng về triết lý giáo dục – chúng ta là ai trong mối quan hệ với giáo dục, chúng ta hiểu gì về chương trình giảng dạy, và những ý tưởng sư phạm nào đang xác định bản sắc giáo dục của chúng ta.
Các em cần học để hòa nhập với quốc tế, nhưng nhà trường cũng nên trao cho các em cơ hội để suy nghĩ về các vấn đề xung quanh mình. Ảnh: Các em học sinh tham gia trải nghiệm chủ đề “Khám phá bia tiến sĩ” trong phòng trải nghiệm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các em sẽ đề xuất những giải pháp để bảo vệ bia tiến sĩ trước những hành vi phá hoại của du khách. Nguồn: Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu
Thứ hai, điều quan trọng hơn bao giờ hết là liên kết suy nghĩ của chúng ta về triết lý giáo dục với triết lý của trẻ em và những thời thơ ấu, cũng như suy ngẫm về trẻ em và về những thời thơ ấu. Tôi đã sử dụng một cách có chủ đích thuật ngữ ‘những thời thơ ấu’, vì nó giúp chúng ta không hình dung về thời thơ ấu một cách chung chung, chúng ta sẽ hiểu về khái niệm này một cách đa dạng, gắn kết vào chân dung của từng đứa trẻ. Cách chúng ta giáo dục trẻ em và định hình tuổi thơ của chúng sẽ khắc họa nên hình ảnh của một đứa trẻ. Trong một lớp học, không phải học sinh nào cũng giống nhau, chúng ta phải giúp các em tìm kiếm căn tính cá nhân của mình, cùng các em khám phá năng lực riêng và phát triển nó một cách đúng đắn. Hiểu rõ về một đứa trẻ, chúng ta sẽ có những hướng tiếp cận khác trong mối quan hệ và về tiến trình dạy và học.
Thứ ba, một số quốc gia trên thế giới đã phải vật lộn với sự thống trị của tư tưởng giáo dục và hệ thống triết học phương Tây, cũng như nhận thức luận, bản thể luận, và đạo đức học liên quan. Các quốc gia đối cực với phương Tây và các nước Đông Nam Á đã tiếp xúc với chủ nghĩa ngoại lệ thuộc địa (colonial exceptionalism) – cho phép tư tưởng phương Tây thống trị về văn hóa và tài chính (học bổng, đầu tư, tài trợ) sử dụng tư tưởng và triết học phương Tây. Trong một môi trường như vậy, tư duy bản địa và kiến thức địa phương đã bị gạt ra ngoài lề; xuất khẩu giáo dục trở thành một ngành dịch vụ béo bở, các hệ thống giáo dục địa phương đang vấp phải những khó khăn. Triết lý giáo dục của chúng ta bao gồm những bản sắc văn hóa ấy, một nền giáo dục hiện đại sẽ trao cho các em nhiều cơ hội, nhưng nó không đồng nghĩa với việc tư duy bản địa là những thứ không cần thiết trong căn cốt các em.
Những lầm tưởng về đổi mới giáo dục
Khi Covid-19 buộc tất cả giáo viên chuyển lớp học của mình sang không gian mạng, theo nghĩa đen, chỉ sau một đêm – cả thế giới đã đã cùng dịch chuyển. Tất cả mọi thứ, chỉ trong vài ngày, đều chuyển dời sang trạng thái trực tuyến, và kết quả là cho chúng ta thấy được khả năng sáng tạo và bản lĩnh của cả giáo viên và giảng viên. Nó đã cho chúng ta thấy cách mà hệ thống giáo dục, dù thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về dạy học từ xa, sẽ dịch chuyển vào không gian mạng nhờ nỗ lực của người giáo viên và giảng viên như thế nào. Thêm vào đó, việc dạy và học trực tuyến sẽ phát huy quyền dân chủ của học sinh, và cung cấp khả năng tiếp cận tri thức cho những người không thể tham gia lớp học – vì lý do cá nhân, địa lý, hoặc khả năng kinh tế. Một số người còn cho rằng dạy và học trực tuyến mang lại hiệu quả tương đương với dạy học trực tiếp, nhưng chi phí rẻ hơn.
Để giúp những phụ huynh người nhập cư cũng có thể cùng con học tại nhà, giáo viên trường Yung Wing (New York) đã cho mời người phiên dịch ngồi cạnh mình trong thời gian diễn ra buổi học online. Ảnh: Michael Loccisano/Getty Images
Có nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra về ý tưởng này. Vấn đề là việc dạy học trực tuyến vẫn chưa thật sự được nghiên cứu sâu, những ý tưởng về dạy học trực tuyến hầu hết vẫn còn ở dạng phác thảo, và không gợi lên cho giáo viên một điều gì đáng kể. Dạy học kiểu này chỉ đơn thuần là ‘bê nguyên’ nội dung dạy học trên lớp rồi ‘thả’ vào không gian trực tuyến. Khi mọi người bắt đầu chú ý đến dạy học trực tuyến, họ đưa ra nhiều ý tưởng để khiến quá trình dạy học này thật sự đi vào hoạt động; nhưng dần dà, mọi thứ biến thành sự phô diễn về kỹ năng công nghệ thông tin: người thầy đã quên đi ý nghĩa thực sự của việc dạy học trực tuyến, các nhà giáo dục không đưa ra những điều chỉnh cần thiết đối với lượng công việc của người dạy lẫn người học; thêm vào đó, nội dung dạy học được truyền tải không theo một lề lối sư phạm nào.
Và nó, như một cú sốc đột ngột, giúp ta nhận thức một cách sâu sắc hơn về sự bất bình đẳng và phi dân chủ của hệ thống trực tuyến, về cách mà người da trắng, nam giới, tầng lớp trung lưu thêm một lần nữa được ưu tiên tiếp nhận tri thức ra sao – điều mà các nhà khoa học vẫn luôn cảnh báo chúng ta từ trước khi đại dịch xảy ra, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực sự lắng nghe.
Những thay đổi chậm rãi của giáo dục và chương trình giảng dạy đã không thể bắt kịp biến cố đột ngột này. Qua một đêm, chúng ta đã phá vỡ cấu trúc tổng thể của các chương trình, kế hoạch, quy tắc và tiến trình học tập. Mọi người bắt đầu đặt ra câu hỏi về lý do tại sao mọi thứ lại như thế này, thay vì tìm kiếm câu trả lời; cũng không ai đặt ra câu hỏi về sự thiếu vắng chính sách cũng như lời giải đáp về tình trạng mà chúng ta đang gặp phải. Một lần nữa, triết lý giáo dục đã bị gạt ra ngoài lề, chúng ta đã tự tước đi cơ hội của mình để có thể hiểu sâu hơn về nền tảng của những cuộc tranh luận này.
Các nhà giáo dục cho rằng, trong bối cảnh Covid-19, dạy học trực tuyến không nhằm thay đổi thế giới, mà để giúp bổ sung cho bức tranh dạy học truyền thống, và giúp chúng ta nhận ra những thứ mà chúng ta theo đuổi hóa ra không phải lúc nào cũng có thể tồn tại mãi mãi. Điều này có thể nhận thấy thông qua cách mà các trường trung học và đại học đầu tư vào cơ sở vật chất của trường. Phần lớn khoản đầu tư này bắt nguồn từ ý tưởng rằng họ sẽ cung cấp những mức học phí khác nhau cho sinh viên đến từ nước ngoài, và nguồn doanh thu bổ sung mà các sinh viên quốc tế có thể mang lại là một trong những chủ đề thường được đem ra tranh luận tại các trường Đại học – từ ngôi trường top đầu cho đến ngôi trường tỉnh lẻ.
Covid-19 đã cho thấy dạy học trực tuyến không chỉ dành cho một số sinh viên, học sinh nhất định; và các sinh viên quốc tế không nhất thiết phải bỏ một số tiền lượng để bù đắp chi phí cho các trường học nếu muốn được cung cấp dịch vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu chất lượng cao. Cả hai ý tưởng này – ‘một tương lai đầy mơ hồ về dạy học trực tuyến’ và ‘một nguồn hàng vô tận đầy ắp những sinh viên quốc tế’ hóa ra đều chỉ là ngộ nhận.
Bức tranh Giáo dục hậu Covid-19?
Chúng ta đang chuyển sang một thế giới ‘hậu Covid-19’. ‘Hậu’ là một giả định thú vị, bởi vì rõ ràng là chúng ta chưa thể – trong thời gian sớm nhất – bước hẳn sang giai đoạn hậu Covid-19. Có khả năng, Covid-19 vẫn tồn tại trong đời sống của loài người trong một thời gian dài, và không nhất thiết là tồn tại liên tục. Nói cách khác, đó là một sự chuyển đổi lâu dài, mơ hồ và lộn xộn. Trong nhiều năm, chúng ta đã tiếp xúc với nhiều nhà tư tưởng và tác giả khác nhau – những người phản ánh, tái hiện lịch sử và tương lai của giáo dục bằng ngòi bút của mình. Nhưng có lẽ họ cũng không thể hình dung đầy đủ những gì đang diễn ra, loài người đang cách xa nhau về mặt vật lý, và càng cách xa nhau hơn trong môi trường giáo dục, nơi sự cách biệt đang hằn sâu hơn bởi chính sách cách ly và giãn cách xã hội.
Giờ đây, người dân đang bắt đầu bước vào giai đoạn ‘bình thường mới’. Nhưng ‘mới’ và ‘bình thường’ ở đây có nghĩa là gì? Chúng ta có thể ‘đưa thần đèn vào lại chiếc đèn’? Nói cách khác, chúng ta có thể quay lại cuộc sống như trước đây? Nhiều quốc gia đang dần trở lại với trạng thái ‘bình thường’ như trước Covid-19, người ta đã bỏ quên triết lý giáo dục khi xem xét những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua, rằng chúng ta có thể học được gì từ những trải nghiệm đó, và làm thế nào chúng ta có thể áp dụng triết lý giáo dục vào dạy và học trên thực tế; họ đã quên đi việc nuôi dưỡng tuổi thơ của những đứa trẻ – giúp chúng không bị bỡ ngỡ khi phải quay trở lại với trạng thái ‘bình thường mới’. Nhưng trên tất cả, Covid-19 đã phản ánh khoảng cách giữa các em học sinh, khi mà những em sinh ra trong gia đình trung lưu có thể dễ dàng tiếp cận với thiết bị và không gian học tập tại nhà, thì những em có hoàn cảnh khó khăn phải chật vật để ứng phó, bởi với các em sự tương tác trực tiếp trong lớp học là hình thức duy nhất để lĩnh hội tri thức.
Đối với các em vùng cao, sự tương tác trực tiếp trong lớp học gần như là hình thức duy nhất để lĩnh hội tri thức. Covid-19 xảy đến, các em phải loay hoay để tìm ra phương án ứng phó để theo kịp bài vở trên trường. Ảnh: Em Vàng Thị Xa, người dân tộc Mông, đang tranh thủ học bài khi đang lên nương. Ảnh: Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc
Tất cả những điều trên sẽ giúp ta hình dung như thế nào về bức tranh giáo dục trong thế giới hậu Covid-19, nơi tri thức sẽ gắn kết cùng ngôn ngữ và sức mạnh, nơi mà những quyết định mang tính đạo đức sẽ ảnh hưởng đến nền giáo dục tương lai theo một cách rất khác. Lớp học sẽ trông như thế nào? Chúng ta nên học cái gì, và học như thế nào? Mọi người sẽ nghĩ gì về giáo dục? Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra một triết lý giáo dục toàn cầu – thứ liên kết cả tri thức của phương Tây và tư duy bản địa? Chương trình giảng dạy và kỹ năng sư phạm của các khu vực liệu có thể cải thiện hơn trong thời gian này? Các chuyên gia giáo dục nước ngoài có thể thay đổi hệ thống giáo dục của nước họ? Chúng ta cần suy nghĩ lại về tất cả những điều đó, để khi một biến cố nào khác – ngoài Covid-19 – xảy đến, dù hình thức giảng dạy có thay đổi, giáo dục cũng vẫn luôn giữ được ý nghĩa của mình.
Một điểm tích cực mà Covid-19 đã mang đến, đó là chúng ta đang chứng kiến mọi người chuyển dịch sự tập trung sang đời sống và kiến thức địa phương – một phần của ý nghĩa giáo dục thực sự. Rốt cục, chúng ta cũng bắt đầu nhìn nhận thế giới xung quanh mình qua lăng kính giáo dục, và hiểu rằng chưa cần phải đi đâu xa, giáo dục và học tập gắn chặt với văn hóa địa phương cũng thực sự có ý nghĩa. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của triết lý giáo dục, và chúng ta vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.
Anh Thư dịch
—
* PGS.TS Marek Tesar, Khoa Giáo dục và công tác xã hội, Đại học Auckland, New Zealand.
Tài liệu tham khảo
Littlejohn, A., & Hood, N. (2018). Reconceptualising learning in the digital age: The [un] democratising potential of MOOCs. Springer
Tesar, M. & Arndt, S. (2019). Writing the Human “I”: Liminal Spaces of Mundane Abjection. Qualitative inquiry. DOI: 10.1177/1077800419881656
Tesar, M., & Arndt, S. (2020). Problematising and activating Te Whāriki through the childhood studies lens. In A. Gunn and J. Nuttall (Eds), Weaving Te Whāriki: Aotearoa New Zealand’s Early Childhood Curriculum Document in Theory and Practice (181-194). Wellington, New Zealand: NZCER Press
Tesar, M., Tong, Z., Gibbons, A., Arndt, S. & Sansom, A. (2019). Children’s literature in China: Revisiting ideologies of childhood and agency. Contemporary Issues in Early Childhood. 20(4) 381–393. doi: 10.1177/1463949119888494
—
Tác giả: PGS.TS Marek Tesar, Khoa Giáo dục và công tác xã hội, Đại học Auckland, NewZealand.