Trung Quốc lấy lại vai trò mà nước này từng có hàng trăm năm trước

John Naisbitt nguyên là nhà tư vấn cho chính phủ Hoa kỳ và là người đưa ra thuật ngữ “toàn cầu hoá”. Hiện nay ông cùng với vợ thành lập viện nghiên cứu ở Trung Quốc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn dưới đây, cả hai ông bà đã giải thích cách nhìn của họ đối với toàn cầu hoá đã thay đổi như thế nào và vai trò đang lên của Trung Quốc ra sao.

Trong những năm 1980, nhà khoa học chính trị John Naisbitt đã khắc sâu khái niệm “Toàn cầu hoá” trong cuốn sách bán chạy nhất thế giới của ông “Megatrends”. Dưới thời John F. Kennedy, Naisbitt là thứ trưởng giáo dục. Hiện tại ở tuổi 89, John Naisbitt và đồng tác giả – vợ ông, Doris Naisbitt sống tại Viên và Trung Quốc, tại đây hai ông bà đã thành lập Viện Naisbitt China Institute.

Thưa ông Naisbitt, đầu những năm cách đây trên 30 năm, ông đã đưa ra khái niệm “Toàn cầu hoá“. Trên cơ sở những nào quan sát thời đó mà ông đã đưa ra khái niệm này?

John Naisbitt: Nhiều nền công nghiệp liên kết với nhau ngày càng nhiều hơn. Các bộ phận của một chiếc ô tô và bản thân chiếc ô tô không còn hình thành ở trong một nhà máy, mà ở nhiều nhà máy thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Tôi còn nhớ hồi đó VW lắp ráp các chi tiết máy nhập từ Mexico và Brazil và bản thân doanh nghiệp này lại sản xuất động cơ cho hãng chế tạo xe hơi Chrysler ở Đức. Găng tay bóng chày đính hàng chữ “Made in Japan”, mặc dù da bò là của Hoa kỳ, trước đó đưa sang Brazil để thuộc. Khái niệm toàn cầu hoá đã tự nó hình thành trên cơ sở sự chuyển biến từ kinh tế của mỗi quốc gia thành kinh tế toàn cầu, từng nhà doanh nghiệp cũng có dịp thâm nhập vào thị trường thế giới.

Kể từ đó quan điểm của ông về hiện tượng này có thay đổi ?

John Naisbitt: Nhận thức và sự thấu hiểu khái niệm này nhìn chung có những thay đổi rõ rệt. Trong những ăm 1980, nước Mỹ sợ toàn cầu hoá và các công đoàn đã kêu gọi công nhân chống lại sự bóc lột không thể tránh khỏi. Công đoàn kêu gọi tập hợp lực lượng xây dựng phong trào công nhân toàn cầu coi đây là biện pháp chống trả toàn cầu hoá. Cho đến tận ngày nay người Mỹ ở miền Trung và Tây Hoa kỳ hiểu về toàn cầu hoá khác với người Mỹ ở vùng bờ biển phía Đông. 

Doris Naisbitt: Lập trường này và cách tiếp cận khác với toàn cầu hoá mà Trung Quốc đang quảng bá, và Trung Quốc muốn thực hiện nó thông qua con đường tơ lụa do Trung Quốc khởi xướng, những điều này sẽ là thách thức với quan niệm của phương Tây chúng ta về toàn cầu hoá.

Trong những năm 80 ông đã có hy vọng gì với toàn cầu hoá?

John Naisbitt: Câu cuối trong cuốn sách “Megatrends” của tôi là: “Lạy Chúa, được sống trong thời đại này mới tuyệt vời làm sao”. Tôi biết, chúng ta đang trải qua thời kỳ quá độ. Không phải ai cũng lạc quan trước câu hỏi, chúng ta đang đi về đâu. Điều mà tôi quan tâm nhất là những khả năng hình thành từ sự bất định. Ted Turner thành lập đài TV tin tức đầu tiên, CNN. MTV làm đảo lộn ngành công nghiệp âm nhạc, IBM sản xuất những chiếc PC đầu tiên, và điện thoại di động nặng cỡ một kilogram và là biểu tượng về đẳng cấp đối với những nhân vật “quan trọng”. Trên bình diện chính trị thì sự tái thống nhất nước Đức là một sự phát triển kỳ thú nhất. Khi đó tôi đang ở London và đã ngay lập từ đó bay tới Berlin để trải nghiệm bầu không khí sôi nổi này. Đó là sự toàn cầu hoá đã đưa hàng trăm triệu người thoát sự nghèo khó, và ngày nay toàn cầu hóa đã mở cửa để các nước mới nổi có thể tiếp cận các thị trường. Tuy nhiên có một sự ước vọng của tôi không đạt được. Toàn cầu hoá đã không làm cho con người được chứng kiến sự đa dạng về sắc tộc.

Ông là công dân Hoa kỳ, dưới thời John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson ông từng là cố vấn chính phủ. Hiện tại một trong hai nơi sinh sống của ông là Trung Quốc. Vai trò của Hoa kỳ và Trung Quốc kể từ đầu những năm 1980 tới nay đã biến đổi như thế nào?

John Naisbitt: Đầu những năm tám mươi Trung Quốc bắt đầu khởi động quá trình cải cách và mở cửa, nhưng khi đó Trung Quốc vẫn là một quốc gia đói nghèo và lạc hậu. Hồi đó tôi thường xuyên tới Trung Quốc. Khi đó rõ ràng Trung Quốc phải biến đổi từ một nền kinh tế mang nặng dấu ấn nông nghiệp sang một nền kinh tế sản xuất. Thay vì bán nguyên liệu thô, nhất là dầu mỏ, Trung Quốc đã dành toàn bộ sức lực để xuất khẩu hàng hoá. Bắt đầu là hàng may mặc, các bộ phận máy cho tivi và các loại hàng hoá khác, đó là những hàng hoá không đòi hỏi phải có nhiều bí quyết kỹ thuật.

Doris Naisbitt: Hồi đó Hoa kỳ ở trên cao nhìn xuống Trung Quốc. Một quốc gia có nền công nghiệp hoá cao đang tiến vào kỷ nguyên thông tin đối diện với một đất nước hầu như không nuôi nổi người dân của mình. Nhiều người Mỹ vẫn giữ hình ảnh này ở trong đầu và họ không thể tưởng tượng nổi về Trung Quốc ngày nay. Và nhiều người cũng không thích gì điều này, vì song song với sự đi lên của Trung Quốc thì vai trò thống trị của Hoa kỳ trên thế giới cũng đang đi đến hồi kết.

John Naisbitt: Cuối cùng thì Trung Quốc đã lấy lại được vai trò của họ, điều mà họ từng có hàng trăm năm trước. Các đột phá về công nghệ như giấy viết, thuốc súng, la bàn, súng ống hay tơ lụa đều là những phát minh của Trung Quốc và từ đó lan ra khắp thế giới. Điều này đã diễn ra cho đến khi Vương quốc Anh chấm dứt được sự thống trị của Trung Quốc.

Ông hoàn toàn không thấy có vấn đề gì trong sự vươn lên của Trung Quốc? Nhất là về vấn đề nhân quyền và các quyền tự do?

Doris Naisbitt: Trong thực tế có một sự khác biệt rất lớn về báo chí, kinh tế và về chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây. Hệ thống của Trung Quốc dựa trên một nền tảng lịch sử và văn hoá khác, kể cả trên nền tảng khác về giá trị. Sự ứng xử về quyền con người, về tự do tư tưởng và dân chủ thường mâu thuẫn với kiểu tư duy phương Tây. Trong khi ở phương Tây có một sự tự do rất lớn về kinh tế, thì đảng cộng sản lại lèo lái về chính trị một cách có hệ thống và tập trung. Điều này có thể không thoả mãn được những đòi hỏi của phương Tây, nhưng làm ăn kinh tế phải định hướng trên cơ sở thực tế chứ không thể dựa vào nhưng suy nghĩ viển vông, mơ hồ.

John Naisbitt: Ở mọi nơi trên thế giới luôn có lợi ích địa phương và cùng với nó là tiếng gươm đao xủng xẻng đe doạ bên ngoài, vấn đề chính trị. Đáng buồn là Donald Trump lại thúc đẩy quá trình này một cách đáng sợ và nguy hiểm. Tuy nhiên cho đến nay trên thị trường toàn cầu những cân nhắc về kinh tế luôn dành thắng lợi trước những toan tính về chính trị.

“Chúng tôi không thấy Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng, mà là Hoa kỳ”

Điều mà ông Trump muốn làm nhất là triệt tiêu toàn cầu hoá – và không chỉ một mình ông ta muốn điều đó. Hầu như ở khắp thế giới phương Tây đâu đâu cũng trỗi dậy những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc. Phải chăng toàn cầu hoá đang đi đến hồi kết?

John Naisbitt: Không có công tắc nào để người ta có thể vặn để chặn đứng toàn cầu hoá. Trung Quốc tự coi mình là người đổi mới toàn cầu hoá bằng cách của mình, có lợi cho những khu vực kém phát triển và dân chúng còn nghèo khổ. Trung Quốc làm điều này không phải vì lí do từ thiện. Đây là một sự đòi hỏi tất yếu về kinh tế và chính trị.

Doris Naisbitt: Chính sách của ông Trump củng cố vai trò mới của Trung Quốc là kẻ bảo vệ thị trường tự do, giúp Trung Quốc tăng nhiều ảnh hưởng trong các vấn đề mậu dịch và tài chính toàn cầu. Năm năm sau khi tuyên bố về sáng kiến – con đường tơ lụa khối lượng giao dịch thương mại giữa các nước nằm ven con đường này vượt mốc 5000 tỷ đôla. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 25 trong số tổng cộng 65 quốc gia tham gia sáng kiến này, và đã xây dựng 82 khu thương mại và mậu dịch tự do. Khi chúng ta nhìn Trung Quốc, chúng ta thường quên, nước này lên kế hoạch và suy tính chiến lược lâu dài như thế nào. Xét cho cùng đối với Trung Quốc chỉ có một con đường để thay đổi trật tự toàn cầu, đó là nhất thể hoá và tăng cường sức mạnh các nước mới nổi.

Để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã khởi xướng cuộc chiến tranh thương mại. Điều đó có làm ông lo lắng?

John Naisbitt: Chúng ta hãy gác sang một bên các vấn đề có đi có lại về thuế quan, về tiếp cận thị trường và về đầu tư giữa hai nước. Tương tự như vậy về sự lo lắng đối với vấn đề chuyển giao công nghệ với Trung Quốc và chương trình đổi mới công nghệ cao. Cả hai bên đều đưa ra các lý lẽ để nhấn mạnh cho quan điểm của mình. Có điều chúng ta trước hết cần phải hiểu khía cạnh cảm xúc. Cái cảm giác nhục nhã và xấu hổ khi bị châu Âu đè đầu cưỡi cổ vẫn hằn sâu trong tâm khảm người Trung Quốc. 

Doris Naisbitt: Vì thế mọi hành động đối xử mang tính lăng mạ sẽ bị Trung Quốc phản ứng một cách gay gắt. Nếu Donald Trump tiếp tục cuộc tranh chấp hải quan, thậm chí tăng thuế điều này sẽ đánh vào nền kinh tế Hoa Kỳ. Nền kinh tế Hoa kỳ sẽ bị tác động xấu đáng kể. Và điều mà ông Trump cho rằng nền kinh tế đi lên và thị trường chứng khoán bùng nổ là nhờ nỗ lực của cá nhân ông, giờ thành công cốc.

John Naisbitt: Một khi nền kinh tế bị lung lay thì Trump sẽ gặp nhiều vấn đề. Trong trường hợp xấu nhất ông sẽ ra đòn một cách quyết liệt.

Trump có thể tiến hành một chính sách nghiệt ngã đối với Trung Quốc, vì nhiều người Mỹ lo sợ trước hậu quả của toàn cầu hoá, nhất là trước sự cạnh tranh của Trung Quốc. Ông sẽ làm gì để trả lời những người Mỹ này?

Doris Naisbitt: Người Mỹ cần có một cái nhìn hiện thực về cái lợi và bất lợi của toàn cầu hoá và của tiến bộ kỹ thuật. Khi cái nhìn càng chính xác hơn thì người ta sẽ hành động tốt hơn – thay vì có phản ứng. Ngay cả khi tổng thống Trump đưa các nhà máy trở về Hoa Kỳ, thì điều đó, ở thời buổi này, hầu như cũng không tạo ra thêm việc làm. 

John Naisbitt: Thật mỉa mai khi tổng thống Hoa Kỳ lại dựa vào giải pháp sản xuất theo giây chuyền cổ lỗ, trong khi Trung Quốc thúc đẩy mạnh các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất.

Cùng với toàn cầu hoá đã diễn ra một loạt sự đổ vỡ, trong những năm 90 là cuộc khủng hoảng Mexico, cuộc khủng hoảng châu Á và cuộc khủng hoảng ở các nước mới nổi, bong bóng Dot-Com-2000 bị nổ, vụ phá sản Lehman năm 2008 và 2010 là cuộc khủng hoảng đồng Euro. Nhiều nhà kinh tế ái ngại, lo lắng về các khoản nợ của Trung Quốc. Có nguy cơ xảy ra một cú đổ vỡ tiếp theo, thưa ông?

Doris Naisbitt: Vấn đề nợ của Hoa Kỳ rõ ràng là nguy hiểm hơn nhiều so với các khoản nợ của Trung Quốc. Phần lớn các khoản nợ của Trung Quốc là nợ từ các công trình hạ tầng do chính quyền địa phương quản lý. Trung Quốc sẽ xử lý nội bộ vấn đề này.

John Naisbitt: Khác biệt lớn nhất đối với Hoa Kỳ là ở chỗ, Trung Quốc có một hệ thống kinh tế hỗn hợp. Hệ thống này nửa kín nửa hở. Ở đây không có thị trường vốn và thị trường tín dụng công khai. Trung Quốc có thể bù đắp hay xoá nợ trong nội bộ một cách có hiệu quả. Để đánh giá thoả đáng các khoản nợ của Trung Quốc, chúng ta cần nhớ các chính phủ ở địa phương đều có tài sản có giá trị lớn. Những tài sản này làm giảm đáng kể nợ công.

Doris Naisbitt: Trung Quốc không không tuân thủ chính sách của Hoa kỳ từng gây mất ổn định ở Mỹ La Tinh và châu Á. Trung Quốc bác bỏ sự đồng thuận Washington năm 1989 – sự đồng thuận này liên quan đến các điều kiện vay tín dụng của Quỹ tiền tệ quốc tế IWF và Ngân hàng thế giới WB – và cưỡng lại việc sớm mở cửa thị trường vốn, cũng như thả lỏng giá cả và thị trường trái phiếu. Với sự kiên định của mình Trung Quốc mở ra những con đường mới trong ngành tài chính và qua đó khắc phục được nhiều trở ngại. Chúng tôi không thấy Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng mà trái lại là Hoa Kỳ.

John Naisbitt: Phương tây cần phần nào cởi mở hơn, rằng không phải chỉ tồn tại một hệ thống duy nhất. Trong việc nợ nần rủi ro lớn nhất, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, là sự suy thoái tiếp theo của nền kinh tế và một sự đổ vỡ thị trường chứng khoán. Chúng tôi cho rằng, thị trường Mỹ sẽ trải qua một sự suy sụp tiếp theo. Và điều đáng sợ là tổng thống Trump sẽ không chùn bước trước một cuộc chiến tranh, để tránh xảy ra điều đó. Các nhà băng phương Tây ở Trung Quốc cũng thường chia sẽ quan điểm này, thường qua các cuộc chuyện trò riêng tư, bởi vì đây là điều mà người ta không muốn nghe.

Nguyễn Xuân Hoài dịch

Nguồn: https://www.wiwo.de/futureboard/john-und-doris-naisbitt-china-nimmt-die-rolle-ein-die-es-ueber-jahrhunderte-inne-hatte/23179444.html

Tác giả