Truy cập mở di sản âm nhạc Chopin

Làn sóng truy cập mở trong khoa học giờ đây đã lan sang cả lĩnh vực âm nhạc. Vào ngày 30/1/2018, Viện nghiên cứu Chopin (National Fryderyk Chopin Institute NIFC) – cơ sở nghiên cứu do Quốc hội Ba Lan thành lập tại thủ đô Warsaw năm 2001 nhằm bảo tồn di sản của nhà soạn nhạc thiên tài thời kỳ Lãng mạn này, đã công bố quyết định của mình: sẽ cho mọi người được tự do khai thác toàn bộ tài liệu về Chopin qua một trang web vào năm 2020.

Một dự án mang tính tiên phong để chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng truy cập mở di sản của Chopin – biểu tượng của văn hóa Ba Lan, đã được Viện nghiên cứu Chopin bật đèn xanh. Mục tiêu của dự án này là mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của Chopin thông qua việc gia tăng số lượng người hâm mộ những tác phẩm do ông sáng tác.

“Với việc thực hiện dự án này, Chopin sẽ trở thành nhà soạn nhạc xuất sắc đầu tiên trên thế giới có toàn bộ bản thảo được số hóa và mọi người ai cũng có quyền truy cập miễn phí”, ông Maciej Janicki – phó giám đốc Viện nghiên cứu Chopin nhận xét.

Như vậy gần 40.000 tài liệu về Chopin từ bộ sưu tập di sản thế giới của UNESCO, bao gồm các bức ảnh, bức vẽ nhà soạn nhạc, các tài liệu nghiên cứu của các học giả về Chopin cũng như các bản nhạc viết tay của ông sẽ được đưa lên internet, ông Maciej Janicki cho biết thêm.

Bất cứ ai cũng có thể tải xuống bản thu âm của các thí sinh tham dự cuộc thi Chopin quốc tế (International Chopin Piano Competition), vốn được tổ chức 5 năm một lần tại Warsaw, đến việc truy cập tự do các nghiên cứu, tư liệu về Chopin do nhiều viện nghiên cứu trên thế giới thực hiện.

Các tài liệu sẽ được hiển thị dưới hai thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Liên minh châu Âu và Ba Lan đồng tài trợ dự án. Ông Maciej Janicki còn cho rằng, phần lớn phần đổi mới sáng tạo trong dự án nguồn mở này chính là việc đưa lên internet các bản nhạc. Người truy cập vào trang web của dự án sẽ không chỉ có thể tìm kiếm và tải xuống những trang tổng phổ của từng tác phẩm riêng biệt hoặc trích đoạn nổi tiếng mà còn có khả năng thực hiện mọi phương pháp phân tích về giai điệu, hòa âm, nhịp điệu và những khía cạnh khác trong âm nhạc Chopin.

“Vì thế, nó không đơn thuần chỉ là sao chụp các bản nhạc hoặc đưa các tệp thông tin dưới dạng PDF”, TS. Marcin Konik, người phụ trách thư viện Viện nghiên cứu Chopin và là người đảm nhiệm dự án giải thích.

“Lần đầu tiên trên thế giới có một trang web đưa toàn bộ hoạt động, tác phẩm và những di sản về một nhà soạn nhạc được xây dựng theo cách này”, ông tự hào trả lời Đài phát thanh Ba Lan.

Chopin sinh năm 1810 tại Zelazowa Wola, gần Warsaw trong một gia đình yêu âm nhạc. Ông rời gia đình tới sống tại Vienna và sau đó là Paris – những trung tâm âm nhạc thế giới thế kỷ 19, để phát triển sự nghiệp. Qua đời ở tuổi 39 vì bệnh tật, Chopin cũng kịp để lại một di sản âm nhạc đặc sắc và một vị trí độc nhất vô nhị trong làng âm nhạc cổ điển.

Tuy thời gian sống ở Ba Lan không nhiều nhưng với tài năng của mình, Chopin đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đáng tự hào của đất nước Đông Âu này. Theo số liệu do ngành du lịch Ba Lan công bố vào năm 2015, mỗi năm có khoảng 3 triệu khách du lịch tới Warsaw chỉ để tìm hiểu về Chopin và mua vé tham gia các buổi hòa nhạc Chopin ngay trên quê hương ông. Thậm chí, số lượng người hâm mộ đến Ba Lan nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Chopin vào năm 2010 còn nhiều hơn cả số người tham dự vòng chung kết bóng đá châu Âu do Ba Lan và Ukraine đồng tổ chức năm 2013.

Thanh Nhàn tổng hợp

Nguồn: The Guardian, AFP, thenews.pl

Tác giả