Văn hóa dẫn dắt tiến hóa của con người nhiều hơn cả di truyền

Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu trường đại học Maine phát hiện ra văn hóa giúp con người thích ứng với môi trường và vượt qua thách thức tốt hơn và nhanh hơn di truyền.

Lễ hội đền Cổ Loa khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng . Nguồn: thanglong.chinhphu.vn/

Sau khi tiến hành khảo cứu tài liệu và các bằng chứng về tiến hóa dài hạn của con người, các nhà khoa học Tim Waring và Zach Wood đã kết luận là con người đang trải nghiệm “chuyển tiếp tiến hóa đặc biệt”, trong đó yếu tố quan trọng của văn hóa, như tri thức, thực hành và các kỹ năng, đang có vai trò trội hơn cả gene trong việc định hình nền tảng cho tiến hóa của con người.

Văn hóa vốn là một nhân tố bị đánh giá thấp trong tiến trình tiến hóa của con người, Waring nói. Giống như các gene, văn hóa giúp con người thích nghi với môi trường của mình và đáp ứng với những thách thức của sự sống còn và sinh sôi nảy nở. Văn hóa, dẫu vậy, hiệu quả hơn nhiều so với gene bởi sự chuyển giao tri thức diễn ra nhanh hơn và linh hoạt hơn cả việc kế thừa gene, theo cả Waring và Wood.

Văn hóa là một cơ chế thích ứng mạnh hơn bởi một số nguyên nhân. Nó nhanh hơn: việc kế thừa gene di truyền xuất hiện chỉ một lần trong một thế hệ; trong khi đó thì các thực hành văn hóa có thể được học hỏi một cách nhanh chóng và cập nhật một cách thường xuyên. Văn hóa cũng linh hoạt hơn nhiều so với gene: di truyền gene rất cứng nhắc và bị giới hạn với thông tin di truyền của hai bố mẹ; trong khi việc chuyển tiếp văn hóa được dựa trên cơ sở học tập linh hoạt và hiệu quả không giới hạn với năng lực tận dụng thông tin từ cả [những người] đồng đẳng, chuyên gia hơn cả từ cha mẹ. Kết quả là, văn hóa tạo ra một dạng thích nghi mạnh hơn so với yếu tố di truyền cổ xưa.

Waring mới xuất bản phát hiện của mình trong một bài review tài liệu trong tạp chí Proceedings of the Royal Society B,  một tạp chí nghiên cứu sinh học hàng đầu của Hội Hoàng gia ở London.

“Nghiên cứu này giải thích tại sao con người lại là một loài độc nhất vô nhị. Chúng ta tiến hóa cả về di truyền và văn hóa theo thời gian nhưng chúng ta cũng dần trở nên ‘văn hóa hơn’ và ít ‘di truyền hơn’”, Waring nói.

Văn hóa ảnh hưởng lên cách con người sống sót và tiến hóa hàng thiên niên kỷ. Theo Waring và Wood, sự kết hợp của cả văn hóa và gene đều là “nhiên liệu” cho những thích nghi chủ yếu ở con người như giảm bớt tính hung hãn, có khuynh hướng hợp tác, năng lực cộng tác và năng lực học tập xã hội. Hai nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết là, sự thích nghi của con người là do văn hóa dẫn dắt và đòi hỏi gene phải đáp ứng đang ngày càng tăng. 

Các làn điệu quan họ là một nét đẹp văn hóa ở vùng Kinh Bắc. Nguồn: vntrip 

Waring và Wood cũng cho rằng, văn hóa cũng đặc biệt theo một cách quan trọng: nó mang tính định hướng nhóm người một cách rõ rệt. Các nhân tố như sự tuân thủ, bản sắc xã hội, chia sẻ các chuẩn mực và định chế xã hội – các yếu tố không có sự tương đương với di truyền – khiến tiến hóa văn hóa có tính định hướng nhóm. Do đó, sự cạnh tranh giữa các nhóm người có tổ chức theo văn hóa thúc đẩy những thích nghi như các chuẩn mực hợp tác mới và các hệ thống xã hội có thể giúp các nhóm tồn tại cùng nhau tốt hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, “các nhóm có tổ chức về mặt văn hóa dường như giải quyết những vấn đề thích ứng tốt hơn so với từng cá nhân, thông giá trị kép của học hỏi xã hội và lan truyền văn hóa trong các nhóm”. Các thích nghi văn hóa có thể xảy ra ở các nhóm lớn nhanh hơn là các nhóm nhỏ. [Con người hoạt động theo nhóm nên] các nhóm đang thúc đẩy văn hóa và văn hóa đang “tiếp lửa” cho tiến hóa người nhiều hơn di truyền, Waring và Wood nhận thấy, bản thân sự tiến hóa đã thiên về nhóm hơn.

“Về lâu dài, chúng tôi cho rằng con người đang tiến hóa từ cá thể di truyền đơn lẻ thành các nhóm văn hóa với chức năng như các xã hội đoàn kết hữu cơ (superorganism), như kiểu các đàn kiến và các tổ ong”, Waring nói. “Câu nói ‘xã hội như một tổ chức’ không hoàn toàn là phép ẩn dụ. Cái nhìn này có thể giúp xã hội hiểu tốt hơn cách các cá nhân có thể phù hợp vào một hệ thống được tổ chức tốt và cùng có lợi. Hãy coi đại dịch coronavirus là ví dụ. Một chương trình đáp ứng dịch bệnh ở tầm quốc gia hiệu quả thực sự là một hệ miễn dịch quốc gia, và do đó, chúng ta có thể học hỏi trực tiếp từ cách các ‘hệ miễn dịch’ hoạt động để đáp ứng với COVID”.

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://phys.org/news/2021-06-culture-human-evolution-genetics.html

Tác giả