Xét trên bình diện toàn cầu thì cuộc chiến chống virus mới bắt đầu

Gần 10% dân số thế giới đã tiêm chủng vaccine COVID xong đợt một nhưng các biến thể virus đang làm dấy lên nỗi lo các loại vaccine có thể bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi gần đây với tờ Welt của Đức, giáo sư Andrew Pollard, chuyên gia phát triển vaccine Oxford-AstraZeneca lại cho rằng, đó không phải là điều đáng lo nhất.


Giáo sư Andrew Pollard.

WELT: Giáo sư Pollard, liệu đến mùa thu này chúng ta có phải tiêm chủng nhắc lại chưa?

Andrew Pollard: Từ đây nảy sinh nhiều câu hỏi. Khả năng miễn dịch giảm sút nhanh chóng như thế nào? Liệu những đột biến mới xuất hiện có con đường nào thoát khỏi vaccine hay không? Ngoài ra còn có các chiến lược như tăng cường miễm dịch, hoặc phát triển các vaccine mới nhắm vào các đột biến. Trường chúng tôi (ĐH Oxford) đang làm các nghiên cứu về những vấn đề này, tôi hy vọng sẽ sớm có kết quả. Cũng có khả năng với chương trình tiêm chủng hiện nay con người có thể tự vệ được trong những năm tới.

Ông lo lắng về đột biến Ấn Độ đến đâu?
Chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào đột biến Ấn Độ, nó chỉ là một trong nhiều đột biến. Các nghiên cứu cho đến nay có thể giúp chúng ta yên lòng, vì các vaccine đang được sử dụng đều rất có hiệu quả nên có thể không xẩy ra các diễn biến bệnh nghiêm trọng.

Việc kết hợp các loại vaccine với nhau, như hiện nay đang tiến hành, liệu có nguy hiểm gì không?
Xét về mặt sinh học thì một hỗn hợp sẽ cho kết quả tốt. Tất cả các loại vaccine được dùng ở Châu Âu đều tạo ra một hệ thống miễn dịch dựa trên protein gai (spike protein). Dùng riêng rẽ tốt hơn hay là phối trộn hai loại vaccine với nhau sẽ tốt hơn? cho tới nay chưa có đủ số liệu. Hiện đang tiến hành thử nghiệm phối trộn, khoảng một hoặc hai tháng nữa sẽ có câu trả lời. Tuần trước, chúng tôi đã có kết quả rằng người lớn tuổi gặp phải tác dụng phụ mạnh hơn với các sản phẩm khác nhau trong những ngày đầu tiên sau khi tiêm chủng lần thứ hai. Điều này thậm chí có thể xảy ra với những người ít tuổi hơn.  Khi sử dụng vaccine phối trộn cần có sự giải thích và điều trị phù hợp. Muốn vậy chúng tôi còn phải chờ các kết quả nghiên cứu.

Phát hiện mới nhất về máu đông sau khi tiêm vaccine là gì?
Dữ liệu gần đây của Cơ quan quản lý Dược phẩm Vương quốc Anh, MHRA, cho thấy tỷ lệ đông máu sau khi tiêm vaccine thứ hai là rất, rất thấp. Nó cực kỳ thấp ngay từ liều đầu tiên. Nếu bạn còn lái xe ô tô, lái xe ô tô ở Châu Âu còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc tiêm phòng.

Chúng ta nên có chiến lược tiêm chủng ưu tiên như thế nào? 
Để hệ thống y tế không bị quá tải thì lối thoát duy nhất là phải tiêm chủng cho nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Ưu tiên số một là không để người ta bị bệnh nặng phải đi viện điều trị để cho nền kinh tế và cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường. Sau đó tiêm chủng rộng rãi cho toàn dân vì qua đó mới chặn đứng sự lây lan.

Vậy khi nào sẽ đạt được sự miễn dịch quần thể?
Chúng ta nên quên ý tưởng về miễn dịch quần thể đi. Nếu chúng ta đối diện với một loại virus không thay đổi thì các nhà toán học có thể tính toán ra tỷ lệ (miễn dịch cộng đồng) cần thiết. Với bệnh sởi tỷ lệ này là 95%.  Đối với COVID-19 ví thử số người bị lây nhiễm như năm vừa qua thì có thể dựa vào miễn dịch quần thể. Nhưng ai cũng biết nó lại không như vậy. Đáng ra câu hỏi phải là, chúng ta phải tiêm chủng cho bao nhiêu người để có thể giảm thiểu nhiều nhất các ca bệnh nặng phải đi viện điều trị?
Nếu chúng ta chỉ tiêm chủng cho những người trên  50 tuổi thì những người ít tuổi hơn vẫn có thể bị bệnh nặng. Chí ít đối với châu Âu chúng ta có thể cho rằng, trong mùa hè này đại đa số dân chúng sẽ không có nguy cơ bị bệnh nặng. Như vậy đã là thành công vĩ đại rồi.

Liệu có nguy cơ gì không, nếu chỉ tiêm chủng một lần rồi đi nghỉ thoải mái?
Sau một lần tiêm chủng thì nguy cơ bị lây nhiễm giảm đáng kể. Nhưng ở đây còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Liệu nơi bạn đến có đột biến mới không, vì cho dù bạn đã tiêm chủng vẫn có thể tha nó theo về nhà. Hễ có một chuyến đi đâu đó luôn có một rủi ro đi kèm. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta cần chú ý đó là sự lây lan virus ở nơi đó như thế nào, quy chế tiêm chủng ở đó ra sao, từ đó tính ra sự đi lại thích hợp giữa các nước.

Liệu có đúng không khi ở Châu Âu tiêm chủng dứt điểm cho cả một quốc gia sau đó mới tính dần đến các nước nghèo?
Về mặt đạo đức việc ưu tiên mạng sống của những người cao tuổi ở các nước nghèo là đúng, trước khi châu Âu tiêm chủng cho giới thanh niên trai tráng, những người thực tế không bị đe dọa bởi virus. Thêm vào đó là lý do thứ hai, điều này thể hiện rõ qua biến thể Ấn Độ mà chúng ta vừa đề cập: một khi chúng ta hạn chế sự lây lan và từ đó hạn chế cả đột biến trên toàn thế giới thì bản thân chúng ta cũng ít bị đe dọa hơn. Và thứ ba, chúng ta sẽ mất cơ hội giao dịch buôn bán với các nước này vì nền kinh tế các nước đó có nguy cơ bị sụp đổ vì các làn sóng đại dịch liên tục đổ vào.

Ông có tán thành việc thu hồi  việc bảo hộ bằng sáng chế đối với các loại vaccine corona?
Nếu tiếp cận được với bằng sáng chế thì trên thế giới sẽ sản xuất được  nhiều vaccine hơn, mục tiêu đó là đúng. Cái khó là ở đây có các lợi ích về thương mại. Ngay cả chúng ta ở châu Âu cũng thấy có những trục trặc trong khâu bổ sung vì sản xuất vaccine hàng loạt là một điều rất khó khăn. Vả lại hủy chế độ bảo hộ bằng sáng chế cũng không giải quyết được các khó khăn hiện nay. Riêng trong tháng này đã có gần một triệu người bị chết vì corona, điều này sẽ không thay đổi dù có thay đổi việc tiếp cận với bằng sáng chế. Do đó chúng ta phải tìm ra các cách để phân phối lại lượng vaccine đang dư thừa, tồn đọng hoặc số dùng để tiêm chủng cho thanh thiếu niên.

Không phải chỉ có tổng thống Pháp Emmanuel Macron dè bỉu cho rằng loại vaccine do ông phát triển không có tác dụng và gây tai tiếng, ông có cảm giác như thế nào về điều này?
Vấn đề không ở chỗ vaccine của AstraZeneca bị bôi nhọ. Mà là, những lời nói như vậy hủy hoại niềm tin của dư luận đối với chương trình tiêm chủng. Thực tế kết quả rất xuất sắc, công dụng của AstraZeneca cũng tốt không khác gì các loại vaccine khác. Tại nước Anh, nhờ tiêm chủng đã cứu được mạng sống của trên một vạn người. Trên toàn thế giới, cụ thể ở 160 quốc gia cho đến nay đã phân bổ được khoảng  400 triệu lọ AstraZeneca qua đó cứu được mạng sống của hàng trăm nghìn người.
Về phía mình, trong mọi việc chúng tôi luôn rất công khai, minh bạch, luôn nói rõ những gì mình đã làm. Chúng tôi đăng tải nhiều dữ liệu hơn bất kỳ nhà phát triển vaccine nào khác. 

Từ cuộc đua phát triển vaccine, nếu so sánh với công nghệ vector (mà các hãng như AstraZeneca, Johnson&Johnson phát triển – ND) thì công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna phát triển -ND) có phải là kẻ thắng cuộc?
Những phương pháp được Pfizer hoặc Moderna sử dụng là những công nghệ mới đầy hấp dẫn và  thú vị. Chúng là một nền tảng nữa cực kỳ hữu ích đối với tương lai. Thành công thực sự trong đại dịch này là chúng ta có một danh sách vaccine lớn đến như vậy. Nhưng nếu chỉ tập trung vào một công nghệ, điều đó khiến thế giới có thể bị rủi ro.  

Theo giáo sư có phải chúng ta đang dần đi tới giai đoạn cuối của đại dịch?
Với góc nhìn toàn cầu thì cuộc chiến chống đại dịch mới bắt đầu. Lúc này, ở châu Âu chúng ta dường như đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Nhưng nếu người ta lúc này ở Nepal hay Ấn Độ thì lại nghĩ, làm gì có đường hầm nào!

Xuân Hoài lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.welt.de/wissenschaft/plus231304997/AstraZeneca-Chefentwickler-erklaert-wie-Impfstoffe-die-Pandemie-beenden-koennen.html

Tác giả