Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về đất hiếm

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Obama hôm 13/3 đã leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, với những ngôn từ gay gắt nhằm thúc đẩy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) buộc Trung Quốc phải nới lỏng nguồn cung cấp đất hiếm rất cần thiết cho sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay Trung Quốc sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm của thế giới.

Tuyên bố của Tổng thống Barack Obama thể hiện lập trường cứng rắn của chính quyền đương nhiệm đối với Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc bầu cử đang tới gần. Thái độ này cũng nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc phải phản hồi với WTO về vấn đề đất hiếm, một vấn đề rất quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất công nghiệp.

Như vậy, Mỹ, theo bước Liên minh Châu Âu và Nhật Bản, đã đề nghị WTO chủ trì các cuộc đối thoại với Trung Quốc về chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Trung Quốc chi phối các hoạt động khai thác mỏ đất hiếm cũng như chế biến các quặng ô xít thành những kim loại rất quan trọng trong nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh tới xe hơi hybrid, và các thiết bị quân sự.

Những nỗ lực phản ứng của Mỹ đã được kỳ vọng từ trước bởi giới công nghiệp sau nhiều năm nỗ lực nhưng bất thành trong việc gây sức ép trực tiếp tới Trung Quốc. Mỹ sẽ đề nghị WTO yêu cầu Trung Quốc ngừng kiểm soát hạn chế sản xuất đất hiếm. Vấn đề này đã trở nên chính muồi để đưa ra WTO, trừ phi các cuộc đàm phán đạt được một tiến triển bất ngờ nào đó. 

Các quan chức Trung Quốc không bình luận gì về vấn đề này. Trong quá khứ, Bắc Kinh thường viện dẫn những lý do mang tính chất bảo tồn môi trường để giải thích cho chính sách kiểm soát chặt xuất khẩu đất hiếm.

Cứng rắn với Trung Quốc là một cách để ông Obama củng cố quan hệ với công đoàn và giới công nhân, những người phản đối đường lối của ông trong một loạt các hiệp định thương mại song phương ký kết năm ngoái. Đây là những cử tri gần đây tỏ ra tương đối lạnh nhạt, trong khi sự ủng hộ của họ lại đóng vai trò sống còn cho mục tiêu tái đắc cử của vị tổng thống đương nhiệm.

Hồi tháng Một, ông Obama bổ nhiệm một nhóm đặc trách đối thoại với Trung Quốc về các hoạt động thương mại và kinh doanh, trong đó giải quyết những lo ngại gia tăng từ các doanh nghiệp Mỹ về nạn ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, và những hạn chế trong chính sách của Mỹ đối với các thị trường hàng hóa, dịch vụ quan trọng ở Trung Quốc.

Khi gần đây tiếp Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người được coi là sắp tới sẽ kế nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Obama từng nói Mỹ ủng hộ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng cảnh báo ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc cần tôn trọng các tiêu chuẩn kinh tế và kinh doanh quốc tế.

Mỹ đã đạt được một số thành công nhất định trong việc gây sức ép lên Trung Quốc thông qua WTO. Nhưng các vụ việc thường mất vài năm để ngã ngũ, trong đó cần thời gian để giải quyết các vụ kháng án. Mỹ và Trung Quốc đã đấu khẩu từ vài năm nay về các chính sách thương mại đối với nhiều loại hàng hóa, từ lốp xe hơi tới gà.

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm đã làm gia tăng lo ngại rằng Mỹ đang quá lệ thuộc vào loại vật liệu hiện rất cần cho việc chế tạo các hệ thống vũ khí.

Năm ngoái, Lầu Năm Góc trong một báo cáo lên Quốc hội Mỹ, đã cảnh báo các nhà làm luật rằng quân đội Mỹ đang bị quá lệ thuộc về nguồn nguyên liệu thô, và đề xuất những lựa chọn khác thay thế cho nguồn cung cấp đất hiếm từ Trung Quốc.

Năm 2009, Mỹ và Liên minh Châu Âu từng kiện Trung Quốc ra WTO một vụ liên quan tới các nguyên liệu thô khác, như ma-giê và kẽm, cho rằng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhằm đẩy cao giá nhằm phục vụ lợi ích các nhà sản xuất trong nước.

WTO phán quyết Trung Quốc thua kiện vào Tháng Một vừa rồi, một kết quả khiến các nhà làm luật và quan chức thương mại trên khắp thế giới càng muốn thúc đẩy việc kiện Trung Quốc về chính sách hạn chế 17 loại đất hiếm. Trung Quốc trước đây rất cứng rắn trong việc bảo vệ chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm, nhưng nay cũng đã có vẻ dao động vì quyết định mới đây của WTO. Các nhà hoạch định Trung Quốc cho rằng đã đến lúc cần sẵn sàng đối thoại với các nước thành viên chủ chốt trong WTO. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với các nước thành viên WTO vào bất kỳ lúc nào theo quy định và quy trình của WTO”, theo lời Li Chenggang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và hiệp định, trong bài phỏng vấn từ Xinhua ngày 1 tháng 2 vừa qua.

Trong khi quy định của WTO cho phép đặt ra hạn mức xuất khẩu với các tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường, các luật sư thương mại cho rằng chính sách hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc vi phạm tinh thần của những quy định này. Họ chỉ ra rằng một mặt Bắc Kinh cắt giảm xuất khẩu tới các nước khác bằng việc áp dụng các hạn mức, nhưng mặt khác quốc gia này rất chậm trễ trong việc áp dụng các hạn mức phục vụ nhu cầu nội địa của mình.

TS lược dịch

 

Tác giả