Màng bảo quản giữ hoa quả tươi lâu

TS. Đinh Gia Thành cùng đồng nghiệp thuộc Viện Hóa học (Viện KH&CN Việt Nam) vừa nghiên cứu, thử nghiệm thành công màng bao gói giúp bảo quản quả tươi trong nhiều tuần không cần hóa chất.

Lời giải cho bài toán khó của người nông dân

Sản phẩm này đã mở ra triển vọng cho ngành công nghệ bảo quản sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thanh ở Lục Ngạn – Bắc Giang vẫn còn nhớ lần được thử nghiệm màng bảo quản này cho quả vải vườn nhà. “Quả vải sau khi được bọc bằng màng gì đó”, theo như cách kể của chị Thanh, thì đến hơn 1 tuần sau, khi mở ra vẫn giữa nguyên màu sắc, ăn thử vị vẫn đậm đà, ngon ngọt như mới hái. Không giấu nổi niềm vui, chị Thanh cho biết, đây thực sự là niềm hy vọng không chỉ cho gia đình chị mà cả vùng trồng vải bởi quả vài chính vụ nếu chậm hái vài ngày là vỏ ngoài xuống màu ngay, và tư thương lấy đó làm lý do  để ép giá.

Theo đánh giá của Bộ NN & PTNT thì hiện nay tỉ lệ hư hỏng rau quả sau thu hoạch ở nước ta còn khá cao, khoảng 20% tổng sản lượng. Vấn đề bảo quản sau thu hoạch các loại rau, hoa quả đang là bài toán khó đối với người nông dân.

Công nghệ bảo quản mà các nhà khoa học Viện Hóa học nghiên cứu thành công đã góp phần giải quyết khó khăn này. Đây là một trong những thành quả của đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu sử dụng trong lĩnh vực bảo quản quả (vải, nhãn, mận)” thuộc chương trình KHCN cấp nhà nước KC02.20/06-10, do TS. Đinh Gia Thành làm chủ nhiệm đề tài.

Kéo dài thời gian bảo quản trái cây lên 3-4 lần

Theo TS. Đinh Gia Thành, công nghệ mà nhóm nghiên cứu thực hiện là bảo quản bằng bao gói khí quyển biến đổi (gọi tắt là MAP). Có thể hiểu đơn giản đó là tạo một vật liệu bao bọc sản phẩm thực phẩm trong các vật liệu chắn khí, trong đó môi trường khí được thay đổi để ức chế tác nhân gây hư hỏng, nhờ đó có thể duy trì chất lượng cao hơn của các thực phẩm dễ hỏng trong quá trình sống tự nhiên hay kéo dài thời hạn sử dụng.

Sản phẩm MAP của Viện Hóa học được sản xuất từ nguyên liệu nhựa polyetylen tỷ trọng thấp (LDPE) kết hợp với một số chất phụ gia vô cơ như silica, zeolit, bentonit. Đây là những vật liệu an toàn, không gây độc cho người sử dụng.

Thử nghiệm trên thực tế như với quả vải tại Bắc Giang, quả nhãn lồng tại Hưng Yên và quả mận tại Lào Cai, màng MAP đã tỏ ra là vật liệu bảo quản đáng tin cậy và hữu dụng trong điều kiện Việt Nam. Với điều kiện bảo quản tại các nông hộ, các nhà khoa học đã xây dựng mô hình bảo quản trên 3 đối tượng quả phổ biến là vãi, nhãn, mận.

Với mô hình 2 tấn vải quả vải tại Bắc Giang, nếu để trong túi PE thông thường chỉ sau 5 – 7 ngày là quả vải bị khô và hỏng hoàn toàn, Tuy nhiên nếu sử dụng màng MAP vải sau 4 tuần vẫn tươi, tỉ lệ thâm vỏ không đáng kể, mùi vị, độ ngọt, độ cứng hầu như không thay đổi. Hiệu quả kinh tế tăng gần 80%.

Tương tự đối với quả nhãn lồng Hưng Yên, thời gian bảo quản cũng kéo dài gấp 3 lần nếu như không bảo quản, do đó người trồng nhãn có thể chủ động điều chỉnh thời diểm đưa nhãn ra thị trường để tăng hiệu quả kinh tế. Theo Hiệp hội nhãn lồng Hưng Yên thì do không sử dụng hóa chất, lại dễ sử dụng nên màng MAP đang được rất nhiều bà con quan tâm.

Riêng với mô hình thử nghiệm 1 tấn mận tại Lào Cai thì mận có thể giữ tươi sau 8 tuần mà không hề làm thay đổi đáng kể các chỉ tiêu chất lượng, cảm quan của quả.

Nếu không có kho lạnh, bà con có thể để hoa quả được bao gói trong điều kiện râm mát, độ ẩm thấp. Không chỉ 3 đối tượng này mà trên các loại quả khác, màng MAP đều có tác dụng kéo dài thời gian bảo quản.

Thử nghiệm cho thấy màng MAP có tác dụng kéo dài thời gian bảo quản của những loại trái cây này từ 3 – 4 lần, tỷ lệ hao hụt sau 4 tuần chỉ khoảng 5%. TS. Đinh Gia Thành đánh giá về ưu điểm của màng MAP: “Nếu không sử dụng thì tỷ lệ hao hụt khoảng từ 20 – 60%. Còn nếu sử dụng màng thì tỷ lệ này giảm còn khoảng 10 %. Rõ ràng bài toán kinh tế rất lớn.”

Với việc chế tạo ra màng MAP, các nhà khoa học Việt Nam đã hoàn thiện một bước công nghệ bảo quản các sản phẩm dễ héo ở nước ta như vải, nhãn, mận, đào, chôm chôm, xoài, chuối… cũng như các loại rau, hoa để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đạt giá trị cao. Sản phẩm này đã mở ra triển vọng cho ngành công nghệ bảo quản sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường tiêu dùng.
 

Tác giả