Nhà đầu tư thiên thần – mắt xích thiết yếu của thị trường đầu tư mạo hiểm

Các nhà đầu tư thiên thần (ANGEL INVESTOR) đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn và cùng đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi chúng đủ trưởng thành để có thể tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên ở Việt Nam hoạt động đầu tư thiên thần còn rất mới mẻ.

Các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm cùng là những thực thể không thể thiếu, mang lại nguồn vốn đầu tư mạo hiểm rất cần thiết để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Năm 2013, tổng số vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới lên tới 28,8 tỷ USD, nhưng tổng số vốn đầu tư của các nhà đầu tư thiên thần cũng không kém phần ấn tượng, lên tới 24,2 tỷ USD. Hằng năm trên thế giới có hàng nghìn doanh nghiệp được nhận tiền đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần. Nhiều thương hiệu hùng mạnh trên thế giới như Facebook, Google, Apple, Amazon.com, Yahoo!, Starbucks, v.v trong quá khứ khi còn là doanh nghiệp khởi nghiệp đều đã từng đi lên nhờ được các nhà đầu tư thiên thần đầu tư và dìu dắt, nâng đỡ. Đổi lại, không ít nhà đầu tư thiên thần đã thành công, trong đó một số người thành công vượt bậc mà trường hợp điển hình nhất là Ram Shriram, nhà đầu tư thiên thần của Google, người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ tìm kiếm qua internet – ngày nay công ty có giá trị hàng trăm tỷ USD, và khoản vốn góp ban đầu trị giá 200 nghìn USD của Ram đã trở nên có giá 1,8 tỷ USD.

Khác biệt giữa nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm

Nhà đầu tư thiên thần là một hoặc một số cá nhân đầu tư bằng tiền túi của mình vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đang ở giai đoạn đầu. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm về đầu tư, kinh doanh, có thể tham gia hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp khởi nghiệp được đầu tư, nhưng không phải là người sáng lập, lãnh đạo, hay nhân viên của các doanh nghiệp này. Các dự án đầu tư thiên thần thường có tính rủi ro cao, đòi hỏi thời gian chờ đợi dài (có thể tới 8 năm), và lợi nhuận chủ yếu chỉ đến sau khi doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, được định giá cao khi bán lại hoặc đưa lên sàn chứng khoán.

Các nhà đầu tư thiên thần chính là bệ phóng đầu tiên của các doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi những doanh nghiệp này đủ lông đủ cánh để chuyển sang nhận đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ này thường quản lý nguồn vốn tương đối lớn từ nhiều nhà đầu tư khác nhau để đầu tư vào những doanh nghiệp khởi nghiệp đã đủ trưởng thành để chinh phục thị trường, trong khi nhà đầu tư thiên thần là những người tự bỏ tiền túi của mình đi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp còn đang ở giai đoạn trứng nước ban đầu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường kiếm tiền bằng cách thu phí quản lý và phần trăm lợi nhuận đầu tư, họ thường chỉ tìm cách tối đa hóa lợi nhuận từ khoản đầu tư trong khoảng thời gian 5 – 10 năm trước khi thoái vốn khỏi doanh nghiệp được đầu tư. Nhưng với các nhà đầu tư thiên thần thì nguồn thu duy nhất là lợi nhuận từ khoản đầu tư, vì vậy phải kiên trì chờ đợi cho đến khi doanh nghiệp mà họ đầu tư trưởng thành và bán được giá.

Theo chuyên gia Bora Kizil1#, hầu hết nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp còn đang ở giai đoạn hạt giống (seed) đến từ các nhà đầu tư thiên thần thay vì từ các quỹ đầu tư mạo hiểm – năm 2013 tổng lượng tiền đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần cho các doanh nghiệp hạt giống là 8,1 tỷ USD, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ đầu tư khoảng 740 triệu USD cho đối tượng doanh nghiệp này. Về cơ bản, các nhà đầu tư thiên thần thường nhắm tới các doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị từ 100 nghìn USD tới 2 triệu USD, trong khi các doanh nghiệp có giá trị trên 2 triệu USD mới là đối tượng để các quỹ đầu tư mạo hiểm ngắm nghía.

Khác biệt cơ bản nữa là các quỹ đầu tư mạo hiểm thường chỉ tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong một vài ngành nghề mà họ quen thuộc và am hiểu – ví dụ quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam ở Việt Nam thường chỉ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp CNTT, ít quan tâm tới các đối tượng doanh nghiệp công nghệ khác – trong khi các nhà đầu tư thiên thần có thể lựa chọn ngành nghề doanh nghiệp được đầu tư một cách linh hoạt, không nhất thiết chỉ đầu tư vào lĩnh vực họ am hiểu chuyên môn.

Ai có thể là nhà đầu tư thiên thần?

Bất kỳ cá nhân nào bỏ tiền túi đầu tư vào một doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể coi là một nhà đầu tư thiên thần, nhưng nhìn chung đó thường là những người có học vấn, kinh nghiệm về đầu tư – kinh doanh, và có một nguồn thu nhập và tài sản nhất định để có thể trích một khoản tiền dành cho hoạt động đầu tư thiên thần – ví dụ ở Mỹ, các nhà đầu tư thiên thần thông thường có học vị thạc sỹ, tuổi đời trung bình là 56, với ít nhất 8 năm kinh nghiệm về đầu tư, và 14 năm kinh nghiệm làm kinh doanh.

Mục tiêu để các nhà đầu tư thiên thần hướng tới là những doanh nghiệp mà giá trị sẽ tăng gấp 30 lần trong vòng 8 năm.

Với bề dày kinh nghiệm về hoạt động đầu tư và kinh doanh như vậy, các nhà đầu tư thiên thần không chỉ đóng vai trò là cổ đông, mà có thể đồng thời đóng vai trò người hướng dẫn, huấn luyện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc, hoặc góp ý giúp doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng hơn. Thường thì các nhà đầu tư thiên thần chuyên nghiệp sẽ đầu tư đồng thời vào vài doanh nghiệp khởi nghiệp và kiên trì cùng đồng hành với các doanh nghiệp này – thời gian chờ đợi có thể lên tới 7-8 năm, trên chặng đường khó khăn này không ít doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, làm tiêu tán theo số vốn của nhà đầu tư – với hi vọng một trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp được đầu tư sau này sẽ thành công, có thể bán lại cho các nhà đầu tư khác hoặc được đưa lên sàn chứng khoán với giá cao.

Do tính rủi ro của hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc thù tự bỏ tiền túi ra đầu tư nên các nhà đầu tư thiên thần không thể đầu tư quá lớn (ở Mỹ trung bình mỗi nhà đầu tư thiên thần chỉ dành dưới 10% tài sản của mình, mặc dù họ thường đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp cùng một lúc), và chỉ nhắm tới những doanh nghiệp mà họ đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Theo chuyên gia Bora Kizil, tỉ suất thu nhập nội bộ (IRR) được các nhà đầu tư thiên thần kỳ vọng trung bình tối thiểu phải đạt 25%. Nói theo cách khác, mục tiêu để các nhà đầu tư thiên thần hướng tới là những doanh nghiệp mà giá trị sẽ tăng gấp 30 lần trong vòng 8 năm.  

Lợi thế của nhóm đầu tư thiên thần

Việc tham gia hình thành các nhóm đầu tư mang lại nhiều lợi ích lớn cho nhà đầu tư thiên thần hơn là tiến hành đầu tư một cách riêng lẻ, không chỉ giúp các nhà đầu tư tập trung được nguồn vốn lớn hơn cho các giao dịch mà còn giúp họ san sẻ chi phí, tiết kiệm thời gian và các nguồn lực, ví dụ khi cần thẩm tra, kiểm toán một doanh nghiệp nào đó thì nhiều người cùng làm sẽ nhanh chóng, khách quan,  hơn so với một người.

Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất của việc cộng tác giữa các thành viên trong nhóm đầu tư thiên thần là ở sự tổng hợp trí tuệ, kinh nghiệm, và chuyên môn phong phú của các cá nhân, đặc biệt là nguồn thông tin về các mối đầu tư mà họ chia sẻ, giới thiệu cho nhau. Với các nhà đầu tư, nguồn thông tin có giá trị nhất về các doanh nghiệp khởi nghiệp không đến từ các nhà tư vấn, các vườn ươm tạo, hay các trang web, mà chính là từ những cuộc trao đổi, trò chuyện giữa các nhà đầu tư với nhau.   

Doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào sẽ lọt mắt xanh nhà đầu tư?

Con người là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của một doanh nghiệp khởi nghiệp, như lời nhận xét của ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch IDG Ventures Vietnam: “Chúng tôi quan tâm đến tố chất của các doanh nhân hơn là những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của họ”. Các nhà đầu tư mạo hiểm (các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm) thường đặc biệt coi trọng những doanh nhân có kinh nghiệm khởi nghiệp trong quá khứ, có tầm nhìn chiến lược, luôn quyết tâm và tận tụy theo đuổi mục tiêu, say mê bám đuổi các cơ hội nhưng không xa rời thực tế, có khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng tích cực tới những người xung quanh, biết tự lập và luôn đòi hỏi cao về chất lượng, tính hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp, và nhạy bén để thích nghi linh hoạt với những rủi ro, biến động.

Đối tượng nhà đầu tư thay đổi khi nhu cầu phát triển và giá trị doanh nghiệp khởi nghiệp gia tăng : những doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu vốn dưới 100 nghìn USD có thể tự huy động từ bản thân, gia đình, bạn bè, nhưng khi cần từ 100 nghìn USD tới 2 triệu USD họ có thể tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần, và khi cần trên 2 triệu USD họ nên tìm các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Yếu tố thứ hai được các nhà đầu tư quan tâm là khả năng tăng trưởng của thị trường và áp lực cạnh tranh. Các yếu tố công nghệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng được chú trọng nhưng chủ yếu vẫn được nhìn nhận dưới góc độ khả năng chinh phục thị trường và tiềm năng sinh lợi. Vì vậy, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào mức độ độc đáo và ưu điểm vượt trội của sản phẩm, mà còn phải xem xét tính hợp lý của thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường, phán đoán về mức độ ổn định của nhu cầu khách hàng. Ngoài ra các nhà đầu tư cũng thường để ý xem xét bộ máy tổ chức của doanh nghiệp, các vấn đề tài chính (nợ, dòng tiền), và cơ sở khách hàng hiện tại (mặc dù không bắt buộc nhất thiết doanh nghiệp khởi nghiệp phải có khách hàng).

Dưới con mắt thẩm định của nhà đầu tư, điều tối kỵ ở các doanh nghiệp khởi nghiệp là: người lãnh đạo doanh nghiệp không hiểu thấu đáo về sản phẩm, dịch vụ của mình; không đánh giá hợp lý khả năng thương mại hóa trên thị trường, đưa ra những dự đoán thị phần thiếu thực tế; lập ra mô hình kinh doanh không khả thi, đưa vào kế hoạch dự kiến những nguồn thu tăng trưởng vượt bậc mà không có đủ căn cứ chứng minh thuyết phục; dự định sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư vào việc trả các khoản nợ thay vì dành cho đầu tư phát triển để đem lại lợi nhuận và sự tăng trưởng cho doanh nghiệp; đồng thời, các nhà đầu tư sẽ không tin tưởng ở những doanh nghiệp cho rằng mình sẽ không có đối thủ cạnh tranh, vì dưới con mắt của nhà đầu tư mọi sản phẩm, dịch vụ đều tiềm ẩn khả năng bị cạnh tranh, vấn đề là người lãnh đạo doanh nghiệp có nhận diện đầy đủ về đối thủ của mình hay không.    

Thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam: chợ đã họp nhưng chưa sôi động

Theo đánh giá của các chuyên gia, đã có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế thường xuyên tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, nhưng số lượng giao dịch đạt được vẫn hạn chế, do số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa nhiều. Việt Nam đã có một số vườn ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo thực sự có tiềm năng còn khá ít ỏi. Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam chủ yếu phải dựa vào các kênh thông tin cá nhân để tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, thay vì từ các vườn ươm tạo. 

Nhược điểm cơ bản của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam là thiếu kinh nghiệm và những kỹ năng cơ bản để chuyển hóa một cách hiệu quả các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường.

Ngoài vấn đề số lượng ít ỏi, chất lượng các dự án đầu tư khởi nghiệp cũng chưa cao, đòi hỏi vòng đầu tư dài hơi. Theo ông Nguyễn Lân Trung Anh của IDG Ventures Vietnam, thời gian trung bình để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được thành công ở Việt Nam là 6,6 năm, trong khi ở Mỹ trung bình các doanh nghiệp chỉ cần 3-4 năm. Nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thường trong tình trạng cô lập, thiếu đối thủ lành mạnh, do đó thiếu chất xúc tác để có thể khai phá thị trường và phát triển mạnh mẽ, ông lý giải.

Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Trần Quang Vinh, Giám đốc điều hành Quỹ Pinehill kiêm cố vấn cho Chính phủ Mỹ về đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhược điểm cơ bản của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam là thiếu kinh nghiệm và những kỹ năng cơ bản để chuyển hóa một cách hiệu quả các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường. Ở các nước phát triển, các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn về đầu tư, nên vòng đầu tư – từ ý tưởng đến khởi nghiệp, gọi vốn đầu tư mạo hiểm, rồi chuyển sang các giai đoạn tiếp theo trong đầu tư mạo hiểm trước khi làm IPO – có thể được tăng tốc rút ngắn. Còn ở Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có thêm những bước đệm để được huấn luyện, bồi dưỡng kinh nghiệm và các kỹ năng tối thiểu về kinh doanh, quản trị, tiếp thị, v.v.

Do những hạn chế trên đây nên các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam đạt được thành công lần đầu ở tuổi đời khá muộn, trung bình là 28,5 tuổi (tuổi đời trung bình của doanh nhân khởi nghiệp thành công lần đầu ở Mỹ là 23), ông Nguyễn Lân Trung Anh cho biết. Những trường hợp thành công ở lứa tuổi 20-22 như Nguyễn Xuân Tài (Naiscorp) hay Nguyễn Hòa Bình (PeaceSoft) là vô cùng hiếm hoi.

Chính sách khuyến khích đầu tư thiên thần

Để có thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đủ độ chín được các quỹ đầu tư mạo hiểm cân nhắc đầu tư, rõ ràng Việt Nam cần có thêm nhiều tổ chức ươm tạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư thiên thần, là những đối tượng có khả năng huấn luyện, cung cấp kinh nghiệm, hoặc hỗ trợ về tài chính cho những doanh nghiệp khởi nghiệp mới đang trong giai đoạn hạt giống. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ mới có một số vườn ươm doanh nghiệp, còn mô hình nhà đầu tư thiên thần thì vẫn còn khá mới mẻ – tại cuộc tọa đàm “Vai trò của đầu tư mạo hiểm đối với chương trình Thương mại hóa công nghệ Việt Nam – Angel Investor Workshop” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội có sự tham gia của hàng trăm người, trong đó không ít người làm việc trong lĩnh vực liên quan đầu tư mạo hiểm, khi được hỏi nhà đầu tư nào đã từng hoặc đang là một nhà đầu tư thiên thần, cả hội trường chỉ có một vài cánh tay giơ lên.

Dù còn nhiều mặt hạn chế, thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đang dần hình thành và bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện qua thành công của một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, điển hình như các doanh nghiệp VNG (Vinagame), Vatgia, VMG Media, v.v được định giá vài chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.
Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp mang lại thành công cho nhà đầu tư mạo hiểm chủ yếu vẫn liên quan tới CNTT, do đặc thù số vốn bỏ ra ban đầu không cần nhiều trong khi tiềm năng gia tăng giá trị doanh nghiệp trong tương lai nếu thành công là rất cao. Còn với những doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc các ngành công nghệ quan trọng khác, ví dụ như công nghệ sinh học hay dược liệu, việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm là một thách thức không nhỏ, do số vốn phải đầu tư ban đầu tương đối cao (để mua sắm nhà xưởng, phòng thí nghiệm, thiết bị, v.v.), và tiềm năng lợi nhuận không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Sự thiếu vắng các nhà đầu tư thiên thần trên thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp của chúng ta bị thiệt thòi đáng kể, do các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ nhắm tới những doanh nghiệp đã phát triển tới một độ chín nhất định, còn các doanh nghiệp khởi nghiệp mới trong giai đoạn trứng nước ban đầu sẽ phải tự lực cánh sinh. Các vườn ươm và hiệp hội cũng chỉ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong một chừng mực nhất định, vì họ không phải là những nhà đầu tư trực tiếp góp vốn vào doanh nghiệp để có thể tham gia sâu sát kề vai sát cánh với doanh nghiệp trên một chặng đường dài.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường đầu tư mạo hiểm trong nước, hiện nay Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN của Bộ KH&CN đang tìm hiểu nghiên cứu nhằm điều chỉnh, bổ sung những chính sách thích hợp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và sự phát triển của thị trường đầu tư mạo hiểm– một trong những giải pháp quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách cần sớm đề xuất, xây dựng là những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư thiên thần, trong đó rất nên tham khảo, học tập những kinh nghiệm quốc tế thành công. Theo chuyên gia Bora Kizil, Việt Nam có thể tham khảo chính sách giảm và miễn thuế cho nhà đầu tư ở một số nước châu Âu, ví dụ như chính sách ở Anh cho phép các nhà đầu tư được hoàn thuế tương đương 30-50% khoản đầu tư thiên thần, và hoàn thuế 100% trong trường hợp khoản đầu tư bị thất bại. Đây là chính sách có tính hấp dẫn đáng kể đối với các nhà đầu tư, nếu được triển khai áp dụng tại Việt Nam, chắc chắn sẽ giúp tăng cường nguồn đầu tư của xã hội cho KH&CN.

Các số liệu trong bài viết được tổng hợp từ báo cáo của chuyên gia Bora Kizil tại tọa đàm “Vai trò của đầu tư mạo hiểm đối với chương trình Thương mại hóa công nghệ Việt Nam – Angel Investor Workshop”, tổ chức tại trụ sở Bộ KH&CN ở Hà Nội ngày 22/3/2014.



1 Bora Kizil là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các vai trò là doanh nhân, nhà đầu tư, và người huấn luyện, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và tiếp thị điện tử; hiện là người điều hành trang NazilliSepeti.com

Tác giả