Ba cấp độ của sự học

Học là một quá trình thụ đắc, chuyển đổi, thiết lập quan niệm mới, là bước đi trên con đường truy tìm chân lý với nhiều cấp độ. Mọi cá nhân và mọi quốc gia đều phải đi trên con đường này. Thế nhưng, cũng như trên những con đường khác, có người đi trước kẻ đi sau; có quốc gia tiến bộ và có những quốc gia lạc hậu. Theo Giordan Andre (2016), chúng ta có thể phân ra ba cấp độ của con đường học tập này.


Cấp độ sơ đẳng nhất nhưng lại phổ biến nhất trong trường học hiện nay xem hành động học như là hành động thâu nhận thông tin. 

Cấp độ 1: truyền tải – thâu nhận

Đây là cấp độ sơ đẳng nhất nhưng lại phổ biến nhất trong trường học hiện nay, đó là xem hành động học như là hành động thâu nhận thông tin. Giáo viên làm công việc truyền tải kiến thức, cung cấp thông tin, học sinh được thông tin một chiều từ giáo viên, từ sách giáo khoa, hay từ các nguồn khác trong khuôn khổ học đường.  

Mô hình truyền tải này có thể mang lại cho người học một số kiến thức, những điều mà học sinh hiểu, thấy đúng, thấy phù hợp với quan niệm của mình. Nghĩa là sự thâu nhận này kèm theo một số điều kiện: thứ nhất, người học phải có khả năng giải mã kiến thức, tức là khả năng hiểu ý nghĩa của kiến thức đó; thứ hai, kiến thức đó phải phù hợp với quan niệm sẵn có vốn đóng vai trò như bộ lọc của anh ta; và thứ ba, người học đang quan tâm về kiến thức đó hay về mảng kiến thức đó bởi chúng liên quan đến những lợi ích, đụng chạm đến những chờ đợi của anh ta. 

Hành động này cũng giống như việc chúng ta được thông tin từ việc đọc báo hay xem truyền hình, chúng ta có thể nhận được một số thông tin mới có giá trị, chúng mở rộng sự hiểu biết của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta nghe tin về sự xuất hiện của một biến thể mới của Covid 19 đang hoành hành, tên là Omicron được phát hiện tại Nam Phi. Đây là một điều mới, chúng ta thâu nhận thông tin này vì chúng ta đã hiểu về Covid 19 là gì, hiểu về biến thể là gì và Nam Phi nằm ở đâu trên địa cầu. Hơn nữa chúng ta đang quan tâm theo dõi đề tài này, bởi nó liên quan đến cuộc sống và cả sự sống của chính chúng ta. 

Thế nhưng hãy hình dung, với một người không hiểu, chưa bao giờ biết đến Covid 19, cũng không có ý niệm gì về thuật ngữ biến thể hay quốc gia Nam Phi xa xôi, thì anh ta không thể giải mã thông tin thời sự đó. Hay nếu anh ta hiểu ý nghĩa của thông tin, nhưng không hề quan tâm vì thông tin không liên quan gì đến anh ta, thì thông tin đó không có chỗ trong trí nhớ lâu dài, hay chỉ lưu lại trên bề mặt của não bộ của anh ta trong một thời gian ngắn. 

Bởi lẽ, cá nhân nhìn nhận các vấn đề, các sự kiện được thông tin thông qua những gì anh ta có, thông qua những gì anh ta là, chứ kiến thức bên ngoài không đến với người học theo một đường thẳng “khách quan” như cách của một máy ghi hình. Học sinh không bao giờ ở trong tình trạng của một “tờ giấy trắng” và giáo viên có thể ghi lên đó những gì giáo viên muốn, nhưng luôn là chủ thể, là tác giả của những gì em ấy thâu nhận được, do đó học là một quá trình thụ đắc mang tính cá nhân và mang tính phức hợp.

Nếu trong một lớp học, tất cả học sinh đều có nền tảng tốt như nhau, có một quan niệm giống nhau liên quan đến kiến thức mà giáo viên chuyển tải và có một thái độ sẵn sàng đón nhận kiến thức mới, thì giáo viên chỉ cần “trình chiếu” các kiến thức này một cách bài bản là đủ, học sinh nắm bắt và lưu chúng lại trong trí nhớ. Thế nhưng đời không như mơ, trên thực tế, một lớp học đồng đều như thế dường như không hiện hữu, kể cả các “lớp tài năng”, bởi lẽ mỗi người học là một chủ thể duy biệt xét trên tất cả các mặt. 

Còn nếu việc giảng dạy chỉ đơn thuần là hành động cung cấp thông tin, kiến thức cho số đông học sinh mặc kệ tính duy biệt nơi từng học sinh như trong các trường học hiện nay, thì giáo viên ngày nay nhìn chung, không thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông xét về mặt kỹ thuật, thậm chí không thể cạnh tranh được với youtube cá nhân.


Nhà trường cần trang bị cho học sinh khả năng biện luận, tư duy phân tích từ tấm bé. Trong ảnh: Một buổi học về lòng đồng cảm theo phương pháp Cánh Buồm ở CLB Ô Xinh. Ảnh của nhóm Cánh Buồm. 

Do đó, điều phổ biến xảy ra là học trò “trả chữ cho thầy” sau khi học, những kiến thức chỉ được lưu lại ở bề mặt não bộ sẽ sớm bốc hơi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, người xem chỉ nhớ tầm 5% lượng thông tin sau khi xem một chương trình thời sự của đài truyền hình trong một thời gian ngắn (Giordan, 2016, tr 39).  Xét về mặt kỹ thuật, các thông tin trong một chương trình thời sự thường được sắp xếp bài bản bởi biên tập viên với sự góp phần của các kỹ thuật viên về âm thanh, ánh sáng, các cảnh quay được thay đổi liên tục để làm tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn người xem, nhưng kết quả của nó vẫn khiêm tốn như thế, trong khi các giáo viên làm công việc truyền tải tương tự một mình với máy chiếu, phấn trắng và bảng đen, thì việc học sinh trả chữ cho thầy cũng là điều dễ hiểu! 

Thế nhưng trường học, đặc biệt là trường học tại Việt Nam vẫn đang miệt mài làm công việc truyền tải kiến thức kiểu như thế.

Cấp độ 2: học chủ động

Người học tích cực hơn, muốn mở rộng sự hiểu biết liên quan đến điều mình đang học. Sinh viên học về một lý thuyết, thì không dừng lại ở sự hiểu biết về lý thuyết cụ thể đó, mà còn mở rộng tìm hiểu lịch sử phát triển, các nguồn ảnh hưởng, sinh viên biết ứng dụng lý thuyết đó để làm các bài tập, biết giải thích một số tình huống liên quan xảy ra trong đời sống thường nhật từ lăng kính của lý thuyết đó. Nói tóm lại, người học không chỉ giải mã được kiến thức và còn biết vận dụng chúng.

Học với một thái độ chủ động như thế là một cách tốt để thụ đắc kiến thức. Edgar Dale, tác giả của tháp học nổi tiếng (pyramid of learning) đã cho rằng người học có thể nhớ tới 90% những gì họ làm.

Trong  thực tế giảng dạy, tuy hiếm hoi, nhưng vẫn có những học sinh, sinh viên học với thái độ chủ động và tích cực như thế. Những kiến thức họ nhớ được thông qua làm, vận dụng sẽ ở lại lâu hơn trong vốn văn hóa mà họ sở đắc. 

Thế nhưng nếu các lý thuyết, các kiến thức mà người học thụ đắc đã bị vượt qua, hay với thời gian đã tỏ ra bất cập, lạc hậu thì sao? Bởi lẽ, không có lý thuyết hay quan niệm nào đúng tuyệt đối, tồn tại vĩnh viễn và có giá trị khắp nơi, kể cả các lý thuyết trong khoa học tự nhiên. Lịch sử khoa học đã chứng minh điều đó, các lý thuyết khoa học ra đời, xâm nhập, phổ biến và bị vượt qua, bị đánh đổ bởi các lý thuyết khác ra đời sau đó.

Các lý thuyết, các kiến thức chúng ta đang có, đang học là những gì đã có sẵn, với thời gian, nó có thể trở nên giáo điều, lạc hậu, có thể trở thành vật cản trở ngáng đường trên hành trình đi tìm “chân lý” của chúng ta. Bởi lẽ, khi chúng ta thực sự thụ đắc được một kiến thức, kiến thức đó sẽ là một phần trong quan niệm (conception) của chúng ta, và đến lượt, quan niệm này trở thành bộ lọc, trở thành căn chuẩn để chúng ta nhận định, phán đoán trước những thực tế khác, và trong nhiều trường hợp, chúng ta từ chối các kiến thức mới chỉ vì những điều mới này không phù hợp hay đe dọa đến sự ổn định của não trạng có sẵn của chúng ta. 

Học là một quá trình chuyển đổi quan niệm, hành trình biến đổi được ví như một sự “lột xác” về mặt tư tưởng, chứ không chỉ là chuyện thâu nhận những gì có sẵn và chỉ dừng lại trong nguyên trạng đã có. 

Cấp độ 3: Học, một sự lột xác

Đây là cấp độ quan trọng và cao nhất của sự học. Giáo sư Giordan đã sử dụng khái niệm “lột xác” (metamorphose) để mô tả sự biến đổi trong quan niệm và nhận thức của người học. Học, đồng nghĩa với một sự lột bỏ cái cũ và thụ đắc cái mới. Người học không chỉ dừng lại ở sự thụ đắc các kiến thức và biết cách vận dụng chúng, mà còn phải nhận diện những hạn chế của những gì bản thân đã thụ đắc, đã vận dụng và có khả năng tinh chỉnh, hoặc thay đổi khi những điều này tỏ ra không còn phù hợp với các thực tế và tình huống mới.

Sự lột xác này nơi cá nhân cũng như một xã hội không phải là vấn đề đơn giản bởi nó đụng chạm đến cuộc sống, đụng đến niềm tin, đến thói quen và cả đến vùng “an toàn” của cá nhân và xã hội. Hãy hình dung, chúng ta đã có một thế giới quan, một lý tưởng đẹp, mà chúng ta đã tin yêu, thậm chí là đã thề thốt, chúng ta đã dấn thân phục vụ cho quan niệm đó trong nhiều năm, nhưng rồi một ngày nào đó, chúng ta nhận ra nó sai, lạc hậu, niềm tin bị sụp đổ, những nỗ lực thực hiện được bỗng dưng trở thành vô nghĩa ! Người học dĩ nhiên là sẽ đau khổ, sẽ bị khủng hoảng, nhiều người không thể vượt qua, và như một cách phòng vệ, họ ra sức bảo vệ hiện trạng, bảo vệ quan niệm cũ, tìm cách ẩn mình trong các giá trị cũ…

Tuy vậy, vẫn có những người bứt phá vươn lên, lột bỏ quan niệm cũ, vượt lên khỏi các ràng buộc của truyền thống, của “ý thức chung”, của những điều đã được xem là hiển nhiên, để thiết lập lại nhận thức, đặt nền móng và dấn thân theo đuổi những điều mới. Đó là các nhà tư tưởng, các nhà phát minh, các nhà cách mạng, những người kiến tạo nên những nền văn hóa mới cho nhân loại, họ là những trường hợp xuất sắc, có khả năng thay đổi thế giới.

Sự lột xác lần này rồi đến lần khác là hành trình trưởng thành về nhận thức của cá nhân, và cũng là hành trình phát triển của lịch sử các khoa học trên thế giới. Chất lượng của các xã hội, của các hệ thống giáo dục là tạo ra những con người có khả năng “lột xác” như thế.

Và để có được điều này, nhà trường cần trang bị cho học sinh ngay còn tấm bé các khả năng biện luận, khả năng tư duy độc lập, thói quen và khả năng phản biện, phân định, truy xét những gì mình đang có, cũng như những điều đang hiện hữu phổ biến xung quanh. Những kỹ năng này là hết sức cần thiết, là chất lượng của người học, của các công dân tương lai, chứ không phải là khối lượng kiến thức. Những điều này là mục tiêu xuyên suốt của các hệ thống giáo dục tại các nước phát triển, được thể hiện xuyên qua từng môn học, từng hoạt động giáo dục, từng lần đánh giá. Những điều này là gốc, còn những thông tin và kiến thức cụ thể chỉ là ngọn. 

Những khả năng này không những là tối quan trọng của người học trên đường truy tìm chân lý và thay đổi bản thân, mà còn là các kỹ năng sống cần thiết trong một thế giới đầy những thông tin thật giả lẫn lộn, trong một thời đại ham chứa nhiều bất toàn như hiện nay (Edgar Morin, 2014).

Thế nhưng thật không may, cỗ máy giáo dục Việt Nam chúng ta dường như đang chạy tối đa chỉ để có được phần ngọn, chủ yếu đang làm công việc truyền tải thông tin và tạo ra những người học thụ động ở cấp độ thứ nhất như đã trình bày ! Đây có lẽ cũng là lý do mà chúng ta “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ” như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 vừa qua.□

Tài liệu tham khảo
Giordan André, 2016. Apprendre. Paris: Belin
Bruno Hourst, 2014. J’aide mon enfant à mieux apprendre. Paris: Eyrolles
Edgar Morin, 2014. Enseigner à vivre. Paris: Play Bac.

Tác giả

(Visited 198 times, 1 visits today)