Đại học Đông Dương: Khái quát một lịch sử thăng trầm (Phần 2)

Sự phát triển của Đại học Đông Dương mang dấu ấn của các Toàn quyền và các trí thức Pháp, với những thăng trầm, đứt gãy nhưng cũng đạt được những thành tựu đáng kể.

Thành lập thêm một số trường cao đẳng thuộc Đại học Đông Dương

Mô hình tòa nhà trung tâm Đại học Đông Dương, nay là tòa nhà Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, 19 Lê Thánh Tông, được hoàn thành vào khoảng 1925.

Như đã đề cập, vào lúc khai giảng Đại học Đông Dương năm học 1917-1918 có sáu trường thành viên. Đến tháng 10/1920, có thêm Trường Thương mại được thành lập. Tiếp đó theo Nghị định của Toàn quyền ký ngày 30/10/1922 Trường Khoa học ứng dụng đã được lập ra với nhiệm vụ đào tạo các kỹ sư bản địa chuyên môn để phục vụ trong các công ty công nghiệp và cho hệ thống hành chính công tại thuộc địa. Trường Khoa học ứng dụng có các ban chuyên môn sau: Điện, Xây dựng công (Công chính), Địa bạ, Mỏ, Hóa học. Duy nhất chỉ có ban Xây dựng công là đào tạo ở trình độ cao đẳng.

Để đáp ứng những thỉnh nguyện thư, một Trường Cao đẳng Văn chương đã được thành lập theo Nghị định ngày 26/7/19232. Trường Cao đẳng Văn chương sẽ giới thiệu đến công chúng về văn chương, triết học và xã hội học. Những buổi diễn thuyết về văn học Việt Nam, Trung Hoa, về lịch sử, địa lý, văn minh Đông Á (viễn đông), nghệ thuật và khảo cổ học sẽ được đảm trách bởi những thành viên của Trường Viễn Đông bác cổ (EFEO). Nhưng một năm sau, trường Văn chương cùng với Trường Pháp Chính đã bị xóa bỏ bằng Nghị định ngày 18/9/1924, nhưng thay thế vào đó là Trường Nghiên cứu Đông Dương.3

Theo số liệu thống kê, tính đến năm 1925 đã có tổng số 1.043 sinh viên tốt nghiệp từ các ban và trường thuộc giáo dục Đại học Đông Dương. Trong đó vượt trội nhất là thuộc trường Xây dựng công với 358 người, tiếp đến là trường Y với 231, thứ ba là Pháp Chính với 136, còn lại là thuộc về các trường và ban thương mại, khoa học, nông lâm, thú y, sư phạm đều ở mức dưới 1004.

Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 và tạm ngừng hoạt động một số trường thành viên Đại học Đông Dương

Cuộc khủng hoảng thị trường tài chính chứng khoán năm 1929 tại Mĩ đã châm ngòi cho cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới trong thế kỷ 20. Tình trạng thất nghiệp và nghèo túng bùng phát toàn cầu. Đông Dương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng thanh niên trí thức tốt nghiệp từ cao đẳng, đại học khi đó cũng không tìm được việc làm vì các nha sở, ban ngành tại Đông Dương đã tạm dừng việc tuyển dụng nhân sự từ năm 1931. Đến năm 1935, Toàn quyền Robin đã đẩy mạnh tuyển dụng lao động trẻ vào trong các cơ quan trong thời hạn nhanh nhất có thể. Nhờ đó tất cả các bác sĩ Đông Dương đã được bổ nhiệm vào trong các cơ quan y tế ở Đông Dương. Tất cả các cựu sinh viên Cao đẳng sư phạm đã tốt nghiệp, bao gồm cả hai khóa gần nhất vừa ra trường cũng đã được bố trí làm giáo viên thực tập. Những giải pháp tương tự cũng đã được áp dụng cho sinh viên tốt nghiệp các trường còn lại của Đại học Đông Dương (Thú y, Xây dựng công, Nông Lâm). Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Thú Y, Trường Cao đẳng Nông Lâm đã phải tạm dừng việc tuyển sinh. Theo chính quyền, đây là giải pháp triệt để nhất cho tình trạng hàng loạt trí thức thất nghiệp.5

Hình thành một đại học thực sự

Mô hình tòa nhà trung tâm Đại học Đông Dương, nay là tòa nhà Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, 19 Lê Thánh Tông, được hoàn thành vào khoảng 1925

Năm 1931, Trường Nghiên cứu Đông Dương được thay thế bằng Trường Luật theo Nghị định ngày 11/12/1931 để đào tạo cử nhân luật giống bên Pháp. Vào năm học 1933-1934, giáo dục Đại học Đông Dương đã có những định hình tương ứng với giáo dục đại học chính quốc. Thật vậy, hai trường Luật và Y đã trở thành một bộ phận thuộc Đại học Luật và Đại học Y bên Paris. Tháng 10/1933, ông M. Escarrat, giáo sư Đại học Luật Paris đã đến chủ trì hội đồng đánh giá năm học đầu tiên của ban đào tạo cử nhân của Trường Luật Hà Nội. Năm 1934, giáo sư LeMaitre, đại biểu đầu tiên của Đại học Y Paris được cử đến Hà Nội để chủ trì hội đồng giám khảo vào tháng sáu và bảy cùng năm, đồng thời cũng theo ủy nhiệm của Bộ Giáo dục Quốc gia để tìm hiểu về hoạt đông của Trường Y.6

Năm 1936, Đại học Đông Dương (vì đặt tại Hà Nội nên có văn bản gọi là Đại học Hà Nội) chỉ còn ba trường thành viên là Trường Y-Dược, Trường Luật và Trường Mỹ thuật. Đại học Đông Dương đã được tổ chức lại để trở thành một Đại học thực sự. Mục đích của nó được xác định như sau:

“1. Đào tạo cán bộ cao cấp hành chính và kỹ thuật; 2. Tham dự vào đại phong trào khoa học ở chính quốc và đặc biệt là vào nghiên cứu liên quan đến Đông Dương; 3. Làm cho đại chúng tại Đông Dương nhận thức được những thành tựu chính của nhân loại. Hai trường lớn là Luật và Y-Dược, trên đường trở thành cơ sở giáo dục đại học thực thụ, sẽ chuẩn bị cho cả ba mục tiêu nêu trên”.7

Vào năm 1936, Đại học Đông Dương đón nhận quyết định thành lập Hội đồng giáo dục Đại học, đây cũng sẽ là hội đồng kỷ luật của trường.8

Vận hành và trắc trở trong thời kỳ đại chiến giới 1939-1945

Trong những năm Thế chiến Thứ hai, vì gặp khó khăn trong kết nối với chính quốc, đi lại giữa hai nơi gặp trở ngại lớn, nên việc đào tạo tại Đông Dương những tinh hoa người Pháp và bản địa trở thành mối ưu tiên. Tướng Catroux, khi đó nắm quyền ở Đông Dương (1940) đã xác định nhiệm vụ của Đại học Đông Dương là đào tạo giới tinh hoa người Đông Dương và cả những người Pháp tại đây.9

Trong thời kỳ này, ĐHĐD cũng đã đón nhận sự ra đời của một thành viên mới, thành viên cuối cùng (trước khi Việt Nam độc lập vào tháng 9/1945) đó là Trường Cao đẳng Khoa học, được thành lập vào năm 1941. Đồng thời những khóa đào tạo của Trường Công chính, Trường Nông-Lâm và Trường Thú y cũng đã được khai giảng lại. Tuy nhiên đáng tiếc là một số trường như  Cao đẳng Sư phạm, Thương mại bị đóng cửa trước đó, đến giai đoạn này vẫn không được mở của lại.

Trong diễn văn ngày 16/10/1942, Decoux đã tuyên bố: 

“Trong tương lai sắp tới, Đông Dương sẽ sở hữu một trung tâm trí tuệ không có sự khác biệt so với những đại học lớn bên chính quốc”, “Đại học Đông Dương sẽ có nghĩa vụ thu thập, giữ gìn, phát triển không ngừng di sản khoa học”.10

Số sinh viên của Đại học Đông Dương, trong đó có sinh viên Pháp, trong thời kỳ 1939-1945 đã tăng lên đáng kể. Cần nhấn mạnh rằng, Đại học Đông Dương dành cho người thuộc ba nước Đông Dương, cho người Âu tại đây và cho người của một số nước trong khu vực, nhưng đáng chú ý là sinh viên Việt Nam luôn chiếm tỷ lệ lớn. Trường đã có sự tiến bộ về lượng và chất. Ông Charton, Giám đốc học chính Đông Dương đã nhận định như sau vào năm 1944:

“Trường đã đón nhận vào đầu năm học hơn 1300 sinh viên (hơn ngàn ba). Từng bước, trường giống với những người chị của nó, tức những Đại học bên Pháp”.11

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, về căn bản, Đại học Đông Dương buộc phải đóng cửa tạm thời, hoặc một số trường thành viên còn có những hoạt động nhưng tính chất không còn như trước nữa.

Đôi nét về tuyển sinh và sinh viên tại Đại học Đông Dương thời kỳ 1917-1945

Số người đã tốt nghiệp từ các trường cao đẳng ở Đông Dương tính đến năm 19251.

Trường Y Hà Nội được ra đời năm 1902, sau đó chính quyền thành lập Đại học Đông Dương vào năm 1906 nhưng chỉ hoạt động được một năm thì bị đóng cửa như đã trình bày ở trên. Đến 1917-1918 bắt đầu mở lại Đại học Đông Dương là tập hợp của một số trường thành viên. Từ đây, giáo dục Đại học Đông Dương chuyển sang giai đoạn có những bước tiến rõ hơn. Chúng ta sẽ đề cập đôi nét về tuyển sinh và sinh viên trong thời kỳ 1917-1945 này.

Vào năm học 1917-1918, hệ thống giáo dục phổ thông còn chưa hoàn thiện. Khi đó thực sự không tồn tại giáo dục trung học đệ nhị cấp dành riêng cho học sinh Đông Dương (giống như cấp 3). Đó là lý do tại sao Đại học Đông Dương phải nhận những học sinh đã tốt nghiệp và có bằng thành chung, hay còn gọi là bằng cao đẳng tiểu học (trung học đệ nhất cấp, cấp 2). Năm học 1920-1921 mới bắt đầu có lớp đào tạo tú tài bản xứ. Đến năm 1925, về nguyên tắc, các trường thành viên của Đại học Đông Dương chỉ tuyển học sinh có bằng tú tài Tây hoặc tú tài bản xứ. Nhưng trên thực tế số lượng tú tài lúc này còn rất ít. Vì thế vẫn phải tiếp tục tuyển đầu vào là người có bằng thành chung.

Tại thời điểm 1924, đầu vào khá đa dạng (về bằng cấp và nguồn gốc): bằng trung học hoặc tương đương, hoặc tú tài, hoặc phải thi để sàng lọc, hoặc ngoài Đông Dương). Tuy nhiên tỷ lệ có bằng thành chung vẫn chiếm số nhiều (117/189, 62%). Năm học 1927-1928 đã có sự đổi mới quan trọng về tuyển sinh, đó là áp dụng việc tổ chức một kỳ thi đầu vào chung ở những trường chưa áp dụng việc này cho những thí sinh chưa có bằng tú tài. Nhiều hiệu trưởng đã đồng ý với cách đó. Tất nhiên điều này đã làm cho số sinh viên giảm đi, cùng với đó là nhiều học sinh bị đuổi học trong các phong trào xã hội năm 1925 (để tang cụ Phan Châu Trinh), nên cũng ảnh hưởng đến nguồn đầu vào.

Số lượng sinh viên Việt Nam được tuyển vào Đại học Đông Dương luôn vượt trội so với phần còn lại. Chẳng hạn năm 1924, tổng số 189 người được tuyển vào năm thứ nhất có 84 người Bắc Kỳ, 59 Nam Kỳ, 36 Trung Kỳ, chỉ có 5 Campuchia, 1 Lào và 4 Trung Hoa. Tức là sinh viên Việt Nam chiếm 94% số lượng được tuyển vào đầu năm học 1924-1925.

Năm 1924, lần đầu tiên có 1 nữ sinh đã trúng tuyển vào Trường Y và 5 nữ sinh vào Trường cao đẳng Sư phạm. Cánh cổng đại học không ngăn cản họ, giáo dục cho nữ lúc này cũng đã có trường thành chung (cấp 2). Sự kiện mở màn của 6 nữ sinh Đông Dương này đã có tác dụng phá vỡ những định kiến Á Đông vốn cho rằng phụ nữ không cần phải học cao. Báo cáo của chính quyền cho thấy những nữ sinh tỏ ra không có chút nào kém hơn những bạn nam sinh viên của họ.12

Nhình chung, số lượng sinh viên được tuyển vào Đại học Đông Dương còn hết sức khiêm tốn so với tổng dân số học đường và dân số Đông Dương. Do giáo dục phổ thông còn chưa thực sự phát triển, do đời sống khó khăn phải lo đi làm kiếm sống khi thấy học đã tạm đủ để có thể xin được một công việc sau khi học xong trung học. Thời kỳ Thế chiến hai, 1939-1945 ghi nhận sự tăng đáng kể số lượng sinh viên so với thời kỳ trước đó, điều này có thể được lý giải như sau:

– Giáo dục phổ thông đã tăng về số lượng nên nguồn đầu vào cho đại học cũng tăng;

– Chiến tranh làm cho sinh viên không hoặc ngại đi ra ngoài Đông Dương, trong đó có cả người Pháp, vì vậy Đại học Đông Dương là một địa chỉ tốt hơn cả vào giai đoạn này để theo học;

– Thời kỳ này thành lập thêm trường Đại học Khoa học và mở lại một số lớp về Nông Lâm, Công chính, đó cũng là lý do làm tăng số sinh viên.

Đôi lời kết

Dòng chữ nho phía bên trên cổng chính toà nhà là « Đông Pháp Đại học » (đọc từ phải qua trái), bên dưới bằng tiếng Pháp là « Đại học Đông Dương ». Nguồn : L’Éveil économique de l’Indochine : bulletin hebdomadaire, le 25.01.1925

Các trường cao đẳng, đại học được tập hợp lại gọi là Đại học Đông Dương (vào năm 1906-1908 và 1917-1945), nhưng thực chất các trường hoạt động độc lập với nhau và có lịch sử phát triển riêng của nó. Tính mốc từ khi thành lập trường Y Hà Nội vào năm 1902 đến năm 1945, thì có khoảng hơn 40 năm tồn tại và phát triển của giáo dục bậc cao bằng tiếng Pháp tại Đông Dương. Đó là một quãng thời gian dài của giáo dục Đại học Đông Dương, mang dấu ấn của các Toàn quyền và các trí thức Pháp, với những thăng trầm, đứt gãy nhưng cũng đạt được những thành tựu đáng kể.

Nếu như Toàn quyền Paul Doumer là người mở đầu cho giáo dục đại học theo mô hình hiện đại phương Tây bằng việc thành lập Trường Y Hà Nội và mời được bác sĩ Yersin danh tiếng về làm hiệu trưởng, thì sau ông, đặc biệt là thời kỳ toàn quyền Klobukowsky, hoạt động tại trường Y đã đi đến trì trệ. Phải đến khi Albert Sarraut sang làm Toàn quyền lần thứ nhất, trường Y đã có những khởi sắc, và khi ông sang lần thứ hai, vào giữa đại chiến 1, đã quyết định dứt khoát việc xóa bỏ giáo dục truyền thống vốn đã không còn phù hợp cho sự phát triển nữa. Ông là người định hình ra một mô hình giáo dục kiểu hiện đại từ tiểu học đến đại học giai đoạn từ 1918 cho đến ít nhất là năm 1945. Các toàn quyền tiếp theo ông đã tiếp tục hoàn thiện hoặc có những thay đổi nhưng căn bản vẫn trên mô hình mà toàn quyền Albert Sarraut đã thông qua bằng bản Học chính tổng quy năm 1917.

Một số trường ra đời sau trường Y là trường Y sĩ Thú y, Công chính, Cao đẳng Sư phạm, Nông-Lâm, Pháp Chính, Thương mại, Văn học, Khoa học ứng dụng. Thực chất đó chỉ là những trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề. Những trường này cũng đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn, có trường sau những năm hoạt động đã không được nâng cấp lên mà còn bị đóng cửa hẳn (Sư phạm, Thương mại), có trường phải ngưng hoạt động một thời gian (Công chính, Nông-Lâm, Y sĩ Thú y), có trường còn rất khó để nhận ra sự tồn tại của nó (trường Văn học). Một số trường may mắn tồn tại liên tục từ khi ra đời đến năm 1945, đó là các Trường Y Hà Nội (1902), trường Mỹ thuật Đông Dương (1924), trường Luật Đông Dương (1931), trường Cao đẳng Khoa học (1941).

Trường Y Hà Nội có lúc phải trải qua thời kỳ phát triển hết sức chậm chạp, nhiều năm đầu hoạt động chỉ đào tạo y sĩ Đông Dương, rồi bác sĩ theo hình thức “di chuyển”, tức là học tại Hà Nội những năm đầu, hai năm cuối thì sang Paris học, thi và bảo vệ luận án (thời kỳ 1922-1935), đến năm 1935 mới có khóa đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ tại Hà Nội bằng việc bảo vệ luận án ykhoa. Thời gian để chuyển giao, hoàn thiện hoàn toàn chu trình đào tạo bác sĩ này đã mất tới hơn 30 năm tính từ khi khai mở Trường Y Hà Nội.

Trường Mỹ thuật (và Kiến trúc) Đông Dương ra đời năm 1924 nhờ sự vận động rất quyết liệt của họa sĩ Victor Tardieu và tồn tại được là nhờ các hoạt động giáo dục, đào tạo hiệu quả. Bên cạnh đó cũng nhờ cả việc ông và các đồng nghiệp quảng bá trường rộng ra dư luận thuộc địa và chính quốc thông qua các triển lãm mỹ thuật thành công. Ban đầu chính quyền chỉ tính đào tạo tại ban mỹ thuật mỗi khóa ba năm học để cung cấp giáo viên dạy mỹ thuật cho trường trung học và đào tạo thợ thủ công mỹ thuật. Nhưng nhờ sự khéo léo của hiệu trưởng Victor Tardieu mà chương trình đào tạo đã được thực thi năm năm cho mỗi khóa, để khi ra trường, các sinh viên tốt nghiệp có một nền tảng vững chắc để sáng tạo và phát triển thành các nghệ sĩ. Bên cạnh đó là đào tạo các kiến trúc sư với thời gian tương đương, tốt nghiệp bằng một đồ án kiến trúc.

Trường Luật Đông Dương ra đời năm 1931, nhờ vào Sắc lệnh của Tổng thống Paul Doumer, người đã khai mở giáo dục đại học hiện đại Đông Đương khi ông làm Toàn quyền bằng việc thành lập Trường Y năm 1902. Giống như trường Y được công nhận là một bộ phận của Khoa Y Paris, vào cùng thời điểm năm 1933, trường Luật được coi như một bộ phận của Khoa Luật kinh đô nước Pháp. Đó là điều kiện pháp lý để trình độ đào tạo tại đây được đảm bảo đầu ra như bên chính quốc và bằng cấp có giá trị tương đương, được công nhận cho sử dụng bên Pháp.

Số lượng sinh viên Đại học Đông Dương qua các năm học, thời kỳ 1918-1944. Nguồn: Gouvernement général de l’Indochine, les Rapports au Conseil de gouvernement (de 1918 à 1937) et Annuaires statistiques de l’Indochine

Trường Khoa học là niềm mong mỏi từ lâu của nhiều người Việt, nhưng lại được ra đời muộn nhất, năm 1941, và hoạt động trong bối cảnh rất khó khăn về nhân sự và cơ sở vật chất. Mới ra đời nhưng số lượng đăng ký học đã tăng nhanh chóng, đạt một số kết quả nhất định. Đáng tiếc là nhà cầm quyền Pháp đã không sẵn sàng mở trường sớm hơn. Có thể trước đó họ còn những nghi ngại hoặc nhận thấy chưa thiết thực với họ, và có thể cả bài toán về chi phí, đầu tư để duy trì sự tồn tại, phát triển của trường một khi lập ra.

Theo một số ý kiến, sau khi trường Khoa học ra đời, còn thiếu một trường nữa là trường Đại học Văn chương (đào tạo trình độ cử nhân và sau đại học ở một số ngành khoa học xã hội) để mô hình giáo dục đại học Đông Dương giống mô hình bên Pháp. (Tại Sài Gòn, vùng Pháp chiếm đóng, vào tháng 10/1948, một Viện Nghiên cứu văn học đã được mở ra để giảng dạy và cấp chứng chỉ một số lĩnh vực khoa học xã hội).13

Như vậy, phải sau rất nhiều năm, tính từ mốc 1902, đến những năm 1930 trở đi, giáo dục bậc cao tại Đông Dương mới có những phát triển rõ nét. Nhận định được đưa ra vào khoảng năm 1925 rằng “Đại học Đông dương chỉ là cái mặt tiền dùng để đánh lừa dư luận chính quốc” không phải là không có lý khi thực tế giáo dục Đại học Đông Dương thời điểm đó chưa đạt được những thành tựu nổi bật, cả về số lượng, quy mô, cơ cấu, trình độ đào tạo. Nhưng kể từ những năm 1930 trở đi, tình hình đã có chuyển biến tích cực, phát triển nhanh hơn giai đoạn trước. Một số thành tựu nổi bật giai đoạn 1930-1945 là: đào tạo thành công bác sĩ tốt nghiệp bằng luận án như bên pháp, dược sĩ nhà nước có bằng tương đương bên Pháp, nghệ sĩ và kiến trúc sư trong năm năm, đào tạo cử nhân luật và bắt đầu tiến tới tiến sĩ luật do bên Pháp cấp bằng, và đào tạo thành công một số cử nhân khoa học với các chứng chỉ khoa học. Giai đoạn 1930-1945 này các trường Y, Mỹ thuật, Luật, Khoa học cũng đã thu hút được cả sinh viên Pháp tại Đông Dương đăng ký học. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển của giáo dục Đại học Đông Dương so với trước đó.

Những người hằng ngày trực tiếp đào tạo các sinh viên, gần như tuyệt đại đa số là các giảng viên người Pháp, họ được sinh viên nhận xét nhìn chung đó là các trí thức tốt. Nhiều người là gương sáng cho học trò trong công việc lao động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật và cả tác phong lối sống, ứng xử hằng ngày.

Nhìn chung các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp từ giáo dục Đại học Đông Dương ra (kể cả một số chưa tốt nghiệp vì những lý do khác nhau) luôn giữ được một tình yêu nước, luôn mong muốn làm và đã làm những việc có ích cho Tổ quốc, cho đồng bào khi có cơ hội. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà trí thức, nhà khoa học lớn. Điều đó để nói rằng Trường Đại học Pháp tại Đông Dương không nhằm đào tạo ra tầng lớp trí thức từ chối nguồn gốc của họ hay làm họ quên đi trách nhiệm, đánh mất tình cảm đối với xã hội và Tổ quốc. Những người hằng ngày trực tiếp đào tạo các sinh viên, gần như tuyệt đại đa số là các giảng viên người Pháp, họ được sinh viên nhận xét nhìn chung đó là các trí thức tốt. Tinh thần làm việc, tình cảm của họ dành cho học sinh, sinh viên rất đáng trân trọng. Nhiều người là gương sáng cho học trò trong công việc lao động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật và cả tác phong lối sống, ứng xử hằng ngày.

Số lượng tốt nghiệp từ giáo dục Đại học Đông Dương giai đoạn 1902-1945 đại đa số là người Việt Nam. Một phần trong số này đã trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ, kiến trúc sư, trí thức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chính trị gia, nhà quản lý, nhà giáo dục có năng lực tốt, hiệu quả cao trong công việc, có uy tín ở nước ta. Đặc biệt là giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám, đội ngũ chất lượng này là nguồn nhân lực, nhân sự rất quý trong bối cảnh xã hội nước ta tới hơn 90% mù chữ sau khi thoát ách thực dân. Họ là những người đóng góp rất quan trọng và to lớn cho việc xây dựng, phát triển các lĩnh vực của nước ta sau năm 1945.

Hệ thống giáo dục Đại học Đông Dương đã giúp những người tham gia và được đào tạo trong hệ thống đó, dù số người này còn rất ít, có những kinh nghiệm rất hữu ích để áp dụng vào tổ chức, xây dựng, vận hành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng tại nước ta sau ngày giành lại được độc lập. Thực tế là các trường Y, trường Mỹ thuật, trường Sư phạm và một số trường cao đẳng, đại học khác hình thành sau Cách mạng tháng Tám và sau năm 1954 có những nét giống với các trường thời Pháp, và vào giai đoạn đầu, các trường này thường được lãnh đạo bởi các nhân vật đã từng học hoặc công tác tại Đại học Đông Dương cùng với một số nhân vật đã học ở Pháp và nước ngoài về.□

—————————————————-

1 Nguồn : Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement (tome 2), 1925, p.71.

2 Journal Officiel de l’Indochine française 1923, N° 61, p.1422

3 Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement, (tome 2), 1925, p.59.

4 Thực tế số liệu này chỉ tương đối để tham khảo, vì còn thiếu số lượng y sĩ thú y tốt nghiệp giai đoạn trước 1919, vì năm 1904 đã có ban thú y thuộc trường Y Hà Nội.

5 Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement, Hanoi 1935, p.107.

6 Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement, Hanoi 1934, p.109.

7 Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement, Hanoi, 1936, p.109

8 Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement, Hanoi, 1936, p.109

9 Gouverneur général de l’Indochine, Remise solennelle de rentrée des diplôme aux lauréats de l’École de Médecine et de Pharmacie de Plein exercide de l’Indochine (année scolaire 1938-1939), Discours de M. le Général d’Armée Catroux, Gouverneur Général de l’Indochine, Hanoi, le 9 janvier 1940, p.15.

10 Indochine Hebdomadaire illustré, n° 114, jeudi 5 novembre 1942, p15,16.

11 Indochine, hebdomadaire illustré, 20 juillet 1944 (M.  Charton,  directeur  de  l’Instruction  publique).

12 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de Gouvernement de l’Indochine, session ordinaire de 1925, deuxième partie, p.69.

13 Les oeuvres culturelles en Indochine, N° spécial de la Revue Education N° 17, 31 décembre 1949. Publ. par le Rectorat d’Académie [Hanoï], p.13), tr.68

Tác giả