Mừng hay lo?

Mới đây, Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam đã công bố báo cáo đầu tiên của mình. Nhân sự kiện này, TS Phạm Thị Ly có bài viết phân tích mức độ tin cậy của báo cáo - vấn đề được người sử dụng quan tâm hàng đầu - từ góc độ xây dựng tiêu chí, trọng số và chất lượng dữ liệu.


TS Phạm Thị Ly phát biểu tại tọa đàm công bố báo cáo “Một cách xếp hạng đại học Việt Nam”, Hà Nội, 6/9/2017. Ảnh: Thu Quỳnh.

Sinh viên và phụ huynh, đối tượng chính mà các bảng xếp hạng đại học trên thế giới nhắm tới, là những người ít quan tâm chú ý tới phương pháp và tiêu chí xếp hạng, mà chỉ nhìn vào thứ hạng cao thấp của trường này hay trường khác, và mặc định là trường nào có thứ hạng cao hơn tức là tốt hơn, bất chấp một sự thật là ngay cả những trường tốt nhất thế giới cũng không thể tốt nhất về tất cả mọi mặt.

Chính vì thế, từ lâu, các bảng xếp hạng đã đi khá xa khỏi mục tiêu ban đầu của nó là cung cấp thông tin cho người học, chủ yếu trở thành một phương tiện tiếp thị để thu hút người học và các nguồn đầu tư hay tài trợ.

Khi giáo dục thực sự trở thành một thị trường, thì tiếp thị cũng là điều bình thường, không phải cái gì xấu xa đáng chê trách. Tuy vậy, vấn đề là, đạo đức kinh doanh đòi hỏi chúng ta chỉ có thể quảng cáo cho những giá trị mà mình thực sự có. Như thế nghĩa là, có ba vấn đề đặt ra với các bảng xếp hạng: (1) Thứ hạng trong các bảng xếp hạng phản ánh đúng đến mức độ nào chất lượng hoạt động của nhà trường; (2) Chúng ta phải diễn giải ý nghĩa các kết quả ấy như thế nào cho đúng?; và cuối cùng (3) các bảng xếp hạng đem lại tác động, ý nghĩa gì cho xã hội nói chung và người học nói riêng.

ĐÁNG TIN CẬY TỚI MỨC ĐỘ NÀO?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xác định rõ, các bảng xếp hạng dự định đo cái gì, bằng cách nào, dựa trên nguồn dữ liệu từ đâu và có chất lượng như thế nào. Nói cách khác, tính khả tín của nó phụ thuộc vào tiêu chí xếp hạng, phương pháp thu thập xử lý dữ liệu, và chất lượng nguồn dữ liệu.

Về các tiêu chí xếp hạng

Trên thế giới, mỗi bảng xếp hạng có một bộ tiêu chí khác nhau, các tiêu chí và thước đo của mỗi bảng cũng không ngừng được thay đổi, cải thiện từ năm này qua năm khác. Các tiêu chí phổ biến là thành tích nghiên cứu khoa học (đo bằng giải Nobel/Fields, số bài báo khoa học có bình duyệt trong danh mục ISI/Scopus/ số trích dẫn tính trên đầu giảng viên, số bằng sáng chế…); kết quả/chất lượng đào tạo (số giảng viên có bằng tiến sĩ, số nghiên cứu sinh hay bằng tiến sĩ đã cấp hằng năm); mức độ quốc tế hóa (số sinh viên/giảng viên nước ngoài,v.v.), hoặc tiêu chí chung nhất là uy tín của nhà trường (đánh giá qua ý kiến của người trong ngành). Những tiêu chí này phản ánh hai nhiệm vụ truyền thống của nhà trường là nghiên cứu và đào tạo.Thực ra, nhiệm vụ thứ ba của nhà trường là phục vụ cộng đồng đang ngày càng được nhấn mạnh, nhưng đã rất ít được đề cập đến trong các bảng xếp hạng. Lý do có thể là vì nó không dễ đo lường.

Đã có vô số bài viết chỉ ra những bất cập trong các tiêu chí nói trên, bao gồm việc nó áp dụng một thước đo chung cho các trường ĐH vốn cực kỳ đa dạng về trọng tâm sứ mạng, vì thế không thể hiện được những thành tựu quan trọng khác của nhà trường nếu những thành tựu đó không được nêu ra và tính đếm qua các tiêu chí xếp hạng. Ví dụ tỉ lệ sinh viên có việc làm, mức lương bình quân của sinh viên sau khi ra trường ba năm, những đóng góp của nhà trường trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh tế của địa phương và trong việc phát triển xã hội, v.v. Vì thế, khi chạy theo một số tiêu chí được chú trọng trong các bảng xếp hạng, các trường sẽ xao nhãng những sứ mệnh quan trọng khác, trở thành đồng phục, làm mất đi sự đa dạng vốn là bản chất và sức mạnh của hệ thống đại học.

Bảng xếp hạng 49 trường Việt Nam đã đề xuất ba nhóm tiêu chí, bao gồm nghiên cứu khoa học; chất lượng giảng dạy, đào tạo; và cơ sở vật chất và quản trị[1] – nhìn chung đều là những tiêu chí “truyền thống”, “cổ điển” của các bảng xếp hạng trên thế giới.

Bên cạnh đó, lại xuất hiện hai tiêu chí mới không thấy trong các bảng xếp hạng quốc tế là điểm đầu vào của sinh viên, và chỉ số minh bạch trong quản trị nhà trường. Đây là hai tiêu chí rất “đặc thù Việt Nam”.

Điểm đầu vào của sinh viên, về nguyên tắc, thể hiện mức độ cạnh tranh để vào trường, và nói lên uy tín, chất lượng đào tạo của trường. Điểm đầu vào cao sẽ góp phần quan trọng trong chất lượng đầu ra. Tiêu chí này xem ra có vẻ rất hợp lý.

Đáng tiếc là điều này không hoàn toàn đúng ở Việt Nam. Ai cũng biết điểm chuẩn 30,5/30 để vào trường an ninh/quân đội trong năm qua và điều này chỉ thể hiện “mức độ đáng mơ ước” chứ không thể hiện chất lượng đào tạo của trường. Nhận xét này dựa trên cách hiểu về “chất lượng đào tạo” như là năng lực sáng tạo đổi mới và khởi nghiệp, kỹ năng học tập suốt đời, phẩm chất công dân và khả năng đóng góp cho xã hội.

Chỉ số minh bạch là điều đáng lưu ý. Về nguyên tắc, chỉ số minh bạch có thể là một biểu hiện của quản trị tốt, dù không phải là tất cả. Tuy nhiên, vấn đề là chỉ số minh bạch của các trường đã được đo bằng cách nào. Theo nhóm tác giả cho biết, chỉ số minh bạch này dựa trên một kết quả nghiên cứu trước đó của Ngân hàng Thế giới, đo bằng mức độ đáp ứng của trường với các quy định của nhà nước về những thông tin phải được nêu công khai. Trong bối cảnh Việt Nam, nếu có thể minh bạch được cách đo minh bạch để thúc đẩy sự minh bạch thì đó là điều đáng khích lệ. Tuy vậy, tiếc là thước đo minh bạch như đã nói trên còn khá thô sơ, vì nó không đo được sự khả tín của những thông tin được nêu công khai. Cũng cần lưu ý là minh bạch chỉ là một yếu tố trong chất lượng quản trị. Yếu tố cốt lõi trong chất lượng quản trị là cơ cấu trao quyền và sự tham gia của các bên khác nhau trong quá trình ra quyết định.

Vấn đề trọng số

Trọng số cho các tiêu chí là cách làm phổ biến và truyền thống của các bảng xếp hạng trên thế giới. Tuy vậy, do bị phản đối dữ dội nên các bảng xếp hạng ra đời sau này ít dùng tới trọng số để xếp hạng chung. Trọng số thể hiện mức độ nhấn mạnh của chúng ta đối với một số yếu tố được xem là cốt lõi tạo ra chất lượng hoạt động của trường. Ví dụ như xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải nhấn mạnh nghiên cứu, còn Times Higher Education thì nhấn mạnh vào uy tín chung của trường.

Trọng số bị phản đối là vì nó chủ quan và tạo ra một khuôn mẫu đồng nhất cho các trường có sứ mệnh khác nhau. Ai cũng biết nghiên cứu là chức năng, vai trò, nhiệm vụ cốt lõi của trường ĐH, nhưng nếu một hệ thống ĐH chỉ gồm các trường nghiên cứu và chỉ đào tạo ra những người nghiên cứu chuyên nghiệp, thì rõ ràng là hệ thống đó không đáp ứng được nhu cầu vốn đa dạng hơn nhiều của cuộc sống. Chúng ta không chỉ cần những người tìm kiếm tri thức mới, mà còn cần những người biến kiến thức đó thành những sản phẩm, hoạt động, dịch vụ đa dạng của đời sống, những người thực thi nghề nghiệp một cách thành thạo.

Vì thế, nếu trọng số được ấn định dựa trên sứ mạng của trường, thì có thể dễ được chấp nhận hơn. Nếu nhà trường tự xác định sứ mạng của mình là nghiên cứu, mà quy mô, tác động, năng suất nghiên cứu của trường quá khiêm tốn thì rõ ràng là rất khó biện minh. Nhưng nếu nhà trường không coi nghiên cứu là sứ mạng cốt lõi của mình, mà coi nghiên cứu chủ yếu là nhằm cập nhật kiến thức để phục vụ việc đào tạo, thì việc không tập trung nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu và không có nhiều sản phẩm nghiên cứu phải được coi là bình thường, hợp lý, và không thể nói rằng một trường như thế là kém chất lượng và đáng phải đứng ở cuối bảng. Một kết quả xếp hạng không gắn với sứ mệnh đa dạng của trường sẽ làm cho công chúng hiểu sai về giá trị đóng góp của nhà trường và làm lệch hướng con đường lẽ ra mỗi trường nên đi.

Về chất lượng dữ liệu

Chất lượng dữ liệu là một trong những lý do chính gây nghi ngờ đối với bảng xếp hạng 49 trường. Theo nhóm tác giả, nguồn dữ liệu dùng để xếp hạng lấy từ nhiều nguồn, trong đó ngoài dữ liệu công bố quốc tế thì chủ yếu là do các trường cung cấp, và không ai kiểm chứng được tính xác thực của những thông tin đó. Các bảng xếp hạng quốc tế cũng dựa trên dữ liệu do các trường cung cấp, nhưng ở các nước phát triển, do trách nhiệm giải trình và tính minh bạch được đề cao, các trường thường không làm giả số liệu một cách thô thiển, mà thường tìm những cách khéo léo hơn để tạo ra con số đẹp. Ví dụ, để có tỉ lệ bài báo trên giảng viên hay số tiến sĩ cao hơn, người ta không tính giảng viên đang làm việc theo chế độ hợp đồng (vốn có thể chiếm hơn nửa tổng số giảng viên).

Ở Việt Nam, theo một chuyên gia kiểm định chất lượng, phải rất ngây thơ mới dựa vào báo cáo ba công khai để xếp hạng. Ngay cả các báo cáo tự đánh giá hoặc báo cáo kiểm định của các trung tâm kiểm định, vốn kèm theo dày đặc các loại minh chứng, mà độ khả tín còn có mức độ, thì những con số tự kê khai đó quả đáng ngờ. Đó là lý do khiến một số kết quả xếp hạng gây bất ngờ cho những người trong giới, chẳng hạn như ĐH Bách Khoa Hà Nội xếp thứ 25 về cơ sở vật chất, trong lúc không ít ý kiến cho rằng nó tốt hơn nhiều so với một số trường được xếp hạng cao hơn.

MỪNG HAY LO?

Trong cơn sốt ý kiến trái chiều về bảng xếp hạng 49 trường này, người ủng hộ kẻ phản đối, và không ít ý kiến chỉ trích khắc nghiệt, những là tiêu chí hay phương pháp có vấn đề, những là kết quả sai lạc, gây rối loạn xã hội, v.v. liệu chúng ta có nên lo lắng?

Trong một xã hội trưởng thành, quan điểm khác nhau là điều hết sức bình thường, và chúng ta nên khích lệ sự cọ xát những ý kiến trái chiều. Tuy chưa thực sự có một cộng đồng học thuật vững mạnh, nhưng nhờ vào hội nhập toàn cầu và tiến bộ của công nghệ truyền thông, chúng ta đã và đang có một sân chơi cho nhiều tiếng nói tham gia hơn, và nếu có những bảng xếp hạng không dựa trên một nền tảng vững chắc, không dựa trên những phương pháp thuyết phục, nó sẽ được hàng trăm, hàng ngàn người chỉ ra chỗ yếu, chỗ sai ngay tức khắc. Những gì đang diễn ra với bảng xếp hạng 49 trường này đã minh họa cho điều vừa nói.

Không có cách nào khác, là mỗi người phải tự học cách làm chủ những thông tin mà mình có, tự mình đánh giá những luận điểm nào là đáng tin cậy hoặc không. Đó là thử thách của một xã hội trong đó người dân có quyền được thông tin. Sẽ có những lệch lạc, có người bị thiệt thòi, có những tác động không mong muốn, nhưng đó là cái giá để chúng ta tiến tới một xã hội trưởng thành, trong đó quyền được thông tin của người dân được bảo đảm.

Vì thế, chúng ta hoan nghênh nỗ lực của nhóm tác giả và chào mừng sự ra đời của bảng xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam với tất cả những khiếm khuyết của nó. Hy vọng năm sau chúng ta sẽ nhìn thấy những tiêu chí được cải tiến và những dữ liệu đáng tin cậy hơn.

 


[1] Xem thêm “Một báo cáo về xếp hạng đại học Việt Nam” (http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Mot-bao-cao-ve-xep-hang-dai-hoc-Viet-Nam-10893)

Tác giả