Nghĩ về việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt hiện nay

Tháng 6/2020, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội gửi công văn tới đối tác yêu cầu thu hồi cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của hai tác giả Hà Quang Năng, Hà Thị Quế Hương. Tháng 7/2020, có nhà sách thông báo là người mua cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (dành cho học sinh) của tác giả Nguyễn Văn Khang được trả và nhận lại tiền nếu không muốn dùng nữa. Tuy nhiên nếu loại sách này có những cái sai hay bị coi là sai cũng là sự bình thường, điều đáng suy nghĩ hơn là vì sao chúng lại xuất hiện.


Cho đến nay vẫn chưa có quy định nào rõ ràng về việc viết các từ tiếng nước ngoài như Niu tơn hay Newton. Ảnh: Thanh niên. 

Ở Việt Nam, tiếng Việt và chữ Việt là hai chuyện khác nhau. Chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây tiền thân của chữ quốc ngữ hiện nay được tạo ra từ thế kỷ XVII nhưng không phải là chữ viết chính thức và chỉ phổ biến trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, còn phụ thuộc vào những dòng tu, khu vực và cá nhân khác nhau, việc chuẩn hóa chưa được đặt ra, viết b Hy Lạp hay b Latin, “bưâm bưấm” hay “bươm bướm”, “Đàng Trong” hay “Dàng Traõ” đều được. Sau khi người Pháp bắt đầu đô hộ Việt Nam và dùng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức, những khác biệt giữa chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây của Dòng Tên với chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự Latin của Dòng Sai đã được giải quyết một cách êm thấm mà dứt khoát, nên chữ Việt Nam hiện đang dùng có thể gọi là chữ quốc ngữ Latin. Vấn đề chính tả tiếng Việt đặt ra hơn một trăm năm nay chính là vấn đề của hệ thống chữ quốc ngữ Latin này.

Những khoảng trống và khó khăn

 

Chính tả là cách viết chính thức, từ điển về chính tả dĩ nhiên là qui chuẩn về cách viết mang tính chính thống. Nhưng nhiều cách viết được coi là chính thống trong chính tả ở Việt Nam trước nay lại có chỗ không chính xác, hợp lý và nhất quán. Trong rất nhiều văn bản chữ quốc ngữ, kể cả từ điển tiếng Việt trước nay, vẫn tồn tại những lối viết song trùng kiểu “giấu diếm – giấu giếm”, “dông tố – giông tố”, “lí lẽ – lý lẽ”, “trối trăn – trối trăng”, “Các Mác – Karl Marx”… Trong các ví dụ nêu trên, “giếm” không phải “gi+ếm” mà là “gi+iếm” tức một biểu hiện bất hợp lý về ký tự, “dông” và “giông” là một biểu hiện chưa rạch ròi trong việc ghi âm, “lí” thay “lý” là một biểu hiện mất gốc về mảng từ Việt Hán, “trăn” và “trăng” là một biểu hiện vô minh về từ vựng, “Các Mác” và “Karl Marx” là một biểu hiện bất nhất trong việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài.

Cũng phải kể tới những khó khăn khác. Sự khác biệt giữa các phương ngữ ở Việt Nam, chính sách ngôn ngữ trong đó có chữ viết của chính quyền thuộc địa trước Cách mạng Tháng Tám, tình trạng chiến tranh và chia cắt đất nước từ 1945 đến 1975, thực trạng của khoa học về ngôn ngữ thế kỷ XX là những nhân tố tác động bất lợi tới sự phát triển của tiếng Việt cũng như việc hoàn thiện chính tả chữ quốc ngữ. Nói thêm thì sau Cách mạng Tháng Tám 1945 không có chính quyền nào ở Việt Nam qui định chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức cả. Hai bản Hiến pháp các năm 1946, 1959 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai bản Hiến pháp các năm 1956, 1967 của Việt Nam Cộng hòa và ba bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, 2013 của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho thấy điều đó. Khoảng trống pháp lý ấy ít nhiều là mảnh đất dọn sẵn cho những qui định chính tả bá láp, thậm chí là những đề xuất cải cách bá vơ. Tuy nhiên bất kể vì lý do gì thì sự chưa hoàn thiện về hệ thống ký tự, sự thiếu định hướng trong việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài và nhất là sự khiếm khuyết trong hiểu biết về tiếng Việt vẫn là những tồn tại chưa được giải quyết trong hoạt động văn tự bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, nên mong muốn chuẩn hóa chính tả tiếng Việt trong rất nhiều năm qua luôn luôn là một việc ngoài tầm tay.

Trong ba vấn đề nói trên, sự chưa hoàn thiện về hệ thống ký tự là điều dễ nhận ra nên đã tạo ra một không gian sôi động với nhiều đề xuất cải cách. Công bằng mà nói, ngoài vài trường hợp cá biệt thì những đề xuất ấy đều có hạt nhân hợp lý bên cạnh yếu tố khả thi. Nhưng là một hình thức đặc biệt của ngôn ngữ, ngoài hai chức năng thông tin và giao tế, chữ viết còn đảm nhiệm chức năng lưu trữ. Nhiều ý kiến đề xuất cải cách, cải tiến chữ quốc ngữ hàng trăm năm qua không được thừa nhận chính vì không những đưa tới sự xáo trộn trong hoạt động văn tự mà còn gây ra sự đứt gãy trên phương diện truyền thừa. Từ phiên họp ngày 6/12/1902 của Tiểu ban cải cách chính tả chữ quốc ngữ trong Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Viễn Đông lần thứ nhất ở Hà Nội, một thành viên của Tiểu ban là Cadière đã nêu ra sáu vấn nạn về những đề xuất cải cách, trong đó có hai là “3. Nếu hệ thống do Hội đồng đề nghị có loại bỏ được một số khó khăn thì ngược lại, nó lại tạo ra một số khó khăn khác. 4. Việc cải cách chữ quốc ngữ sẽ làm cho một số lớn sách không đọc được…”.

Từ ngữ mới du nhập

 

Bên cạnh đó, song song với việc dùng chữ quốc ngữ như chữ viết chính thức, từ cuối thế kỷ XIX xã hội Việt Nam cũng bước vào một quĩ đạo mới. Quá trình tái cấu trúc xã hội dưới tác động của ngoại nhân đã đưa vào xã hội Việt Nam nhiều hiện tượng, lĩnh vực và quá trình chưa từng có về hành chính và pháp lý, công nghệ và thương mại, khoa học và nghệ thuật, các yếu tố phương Tây này là một thử thách mang tính thời đại đối với tiếng Việt. Có thể coi Danh từ khoa học 1942 của Hoàng Xuân Hãn là một điểm sáng trong việc vượt lên thử thách ấy, nhưng đó vẫn là một thành tựu rất nhỏ bé so với những khó khăn mà tiếng Việt phải đối diện. Chỉ riêng mảng tên riêng (tên đất, tên người, tên sách…) nước ngoài, tiếng Việt trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng đã phải xử lý hàng vạn đơn vị có nguồn gốc từ tất cả các châu lục. Kinh nghiệm cũ với những kết quả loại Anh cát lợi – Anh liệt, Ba lê, Bồ đào nha, Cựu ướcTân ước, Ý đại lợi, Kha luân bố, Nã phá luân, Phú lãng sa… quá nghèo nàn và phải thông qua Hán ngữ làm trung gian không thể đáp ứng nhu cầu mới, nhưng việc thông qua Pháp ngữ làm trung gian lại làm nảy sinh những tên đất tên người loại Mốtcu – Moscou (Matxcơva), Lênin (Lênhin). Đến nay thì những cách viết pha trộn nhiều lối phiên âm như “Giáo sư Shen Yi trường Đại học Phúc Đán…”, “Ông Kim Jong-un là cháu nội ông Kim Nhật Thành” vẫn không phải là điều cá biệt. Tóm lại xử lý từ vựng nước ngoài trong đó có tên riêng được du nhập vào tiếng Việt là một nội dung quan trọng trong việc chuẩn hóa chính tả, nhưng một chủ trương thống nhất với những nguyên tắc hợp lý để xử lý vẫn chưa được đặt ra.

Sau cùng và quan trọng nhất là sự khiếm khuyết trong sự hiểu biết tiếng Việt. Đã có không ít từ điển, tự điển tiếng Việt được xuất bản, nhưng không phải đều đặt ra nguyên tắc thu thập từ vựng phù hợp, phương pháp giải thích toàn diện, cả cách sắp xếp mục từ cũng chưa phải đều đã hợp lý. Từ cổ, từ địa phương, từ Việt Hán, thành ngữ tục ngữ, từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, từ nước ngoài… đều được ít nhiều giới thiệu nhưng rời rạc lẻ tẻ và không phải lúc nào cũng chính xác. Hơn thế nữa, từ thời Pháp thuộc tiếng Việt lại phát triển một cách bị động và do đó không thể tránh khỏi tình trạng tự phát trong việc tạo từ. Ký là ghi, danh là tên, nhưng ngoài ký danh ít thấy sử dụng, tiếng Việt có ba tổ hợp khác là ký tên, ghi danh, ghi tên mang nội dung khác nhau, việc tạo ra từ mới như vậy cũng có thể nói là sáng tạo, có điều từ ký tên hiện nay theo Hán ngữ truyền thống phải ghi là thự danh. Việc bài trừ Hán học của chính quyền thuộc địa đã làm suy thoái năng lực hiểu biết và sử dụng chữ Hán trên phạm vi toàn xã hội, nên mảng từ Việt Hán vẫn là một bộ phận máu thịt của tiếng Việt dần dần bị viết sai, hiểu sai và dùng sai trong các văn bản chữ quốc ngữ Latin. Ngay cơ quan ngôn luận qui tụ nhiều trí thức bậc nhất và có ảnh hưởng bậc nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX là Nam Phong tạp chí trong phần Tự vựng như một loại Bảng tra từ ngữ thời gian 1917 – 1918 còn viết Chiết trung, Trinh sát hạm, Xung đột, Khinh suất, Trước tác, Trào phúng là Triết trung, Chinh sát hạm, Sung đột, Khinh xuất, Chước tác, Chào phúng hay lúc viết là lý lúc viết là lí, thì chính tả của những tổ chức và cá nhân khác thế nào không nói cũng biết.

 

Cần có từ điển ngữ nguyên

 

Tiếng Việt có sáu thanh trong đó ba thanh Không Hỏi Sắc là bậc Phù, ba thanh Huyền Ngã Nặng là bậc Trầm. Việc chuyển thanh từ âm đọc Việt Hán qua âm đọc Việt hóa cũng tuân theo qui luật về thanh điệu, như chủ thành chúa, chú (chú thích) thành chua, tứ thành tư là chuyển trong cùng bậc Phù, kỵ thành cưỡi, lợi thành lời/lãi, nhị thành nhì là chuyển trong cùng bậc Trầm. Miếu (ngôi miếu), mộ (ngôi mộ) phải có âm Việt hóa là miểu, mồ/mã mới đúng qui luật chuyển thanh, nhưng hiện nay rất nhiều sách vở từ điển ghi là miễu, mả. Tương tự, hiện nay rất nhiều người coi chỉnh chu là sai, chỉn chu mới đúng. Nhưng chỉn là gì chu là gì thì chẳng ai giải thích, mà giải thích thì giống như bưng đá đập chân. Vì đúng ra nó phải là chỉnh chu, là một từ Việt Hán trong đó chỉnh là gọn gàng, chu là trọn vẹn, chữ quốc ngữ Latin viết sai nhưng phổ biến rồi thì với số đông lại là đúng. Hành hạ vốn là hành hà (hà = khắc nghiệt) chuyển thanh, nghèo nàn vốn là nguy nạn (nguy = nghèo, nạn => nàn) chứ không phải nghèo hay thiếu, bất tử là không chết chứ không phải bất ngờ hay đột nhiên, vân vân và vân vân, nhưng thiên hạ vẫn nói và viết tung tóe. Tóm lại trước khi có từ điển chính tả phải có từ điển giải thích cho thấu đáo nội hàm và sắc thái, từ nguyên và từ pháp của từ vựng trong tiếng Việt đã, mà tất cả các từ điển tiếng Việt ở Việt Nam từ Từ điển Việt Bồ La 1651 trở đi dù ít dù nhiều cũng đều có chỗ thiếu chỗ sai. Thiếu là sự dĩ nhiên, nhưng không chỉnh lý hay ít nhất là giải thích rõ những chỗ sai khác thì không thể nói tới việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt.

Sau cùng, cần nói tới các ký hiệu không phải ký tự trong chữ quốc ngữ. Khác với văn bản Hán Nôm truyền thống, văn bản chữ quốc ngữ có các ký hiệu phẩy, chấm phẩy, chấm, chấm than, chấm hỏi, chấm lửng, hai chấm, ngoặc đơn, ngoặc kép, gạch nối… hay lối viết hoa. Đây là hệ thống kiêm thêm chức năng ngữ pháp nhưng hiện chưa có nguyên tắc xử lý nhất quán trong thực tiễn văn tự. Viết học thuyết Khổng Mạnh, quan hệ Việt Trung, Thái y viện triều Nguyễn hay học thuyết Khổng – Mạnh, quan hệ Việt – Trung, Thái Y Viện triều Nguyễn? Viết “Mẹ chuẩn bị quần áo vật dùng cho tôi lên đường nhập ngũ” hay “Mẹ chuẩn bị quần áo, vật dùng cho tôi lên đường nhập ngũ” là đúng? Câu trong Bình Ngô đại cáo (bản dịch) “Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên làm chủ một phương” có phải viết là “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm chủ một phương” không? Một khi các cơ quan hữu quan chưa quan tâm tới những chuyện loại này, thì việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt chỉ là điều nói cho sướng miệng. Bởi vì trong thực tế việc chuẩn hóa ấy đã được thực hiện nhưng với một cung cách không những đáng buồn mà còn đáng lo.

Cần lưu ý rằng vào năm 1902 thì lực lượng có khả năng tạo ra văn bản chữ quốc ngữ ở Việt Nam tối đa cũng chỉ khoảng 200.000 người, còn đến nay thì tình hình đã rất khác. Hơn thế nữa, trong bối cảnh bùng nổ thông tin với mạng internet hiện nay, việc thông tin và tiếp nhận thông tin bằng chữ viết đã lấn át việc thông tin và tiếp nhận thông tin qua lời nói. Cho nên việc chữ quốc ngữ trở thành hệ thống định chuẩn của tiếng Việt, công cụ lưu trữ trong quốc gia đã là một tình hình không thể đảo ngược, và Việt Nam không nên có một cuộc cải cách văn tự nào có thể đưa số đông tới tình trạng sẽ bị tách rời với các văn bản quốc ngữ hiện có tương tự việc số đông đã trở nên xa lạ với các văn bản Hán Nôm. Vấn đề cần thảo luận hiện nay là chuẩn hóa chính tả tiếng Việt.

Nhiều năm qua, một số cơ quan trong đó có tòa báo, nhà xuất bản đã tự đặt ra qui định chính tả, các văn bản và sách báo do họ soạn thảo hay xuất bản đều được biên tập theo những qui định ấy. Tuy nhiên đó không phải đều là những qui định đúng đắn, nhất quán và toàn diện, nên nếu ví von theo một kiểu rất ít hay ho thì đó là những người muốn dẹp loạn mười hai sứ quân nhưng năng lực thống nhất thì không đủ mà tình cảm cục bộ thì có thừa nên kết quả là lại tạo ra những khu vực cát cứ mới, một mặt bằng hỗn loạn mới, tức vô hình trung lại trở thành những sứ quân thứ mười ba trong chính tả tiếng Việt ở Việt Nam.

Cũng cần nhìn nhận hành vi nói trên từ góc độ pháp lý. Không ai phủ nhận các qui định chính tả cục bộ nói trên là xuất phát từ thiện chí, nhưng chữ viết trong đó có yếu tố chính tả là tài sản của toàn dân, phương tiện của xã hội, ngoài cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia là Quốc hội thì không một cơ quan hay tổ chức nào được phép qui định và áp đặt cách viết của mình. Cho nên trong khi chờ đợi việc lấp bằng khoảng trống pháp lý mà lịch sử để lại cho chữ quốc ngữ và chính tả chữ quốc ngữ, những người tham gia hoạt động văn tự ở Việt Nam cần đề cao ý thức tôn trọng truyền thống và tinh thần thượng tôn pháp luật bên cạnh nỗ lực học hỏi nhiều hơn, sâu hơn về tiếng Việt để có thể chủ động và khôn ngoan trong việc giải quyết các vấn đề chính tả hiện đang tồn tại và sẽ còn nảy sinh. □

Tác giả

(Visited 102 times, 1 visits today)