Tản mạn đầu xuân về lý tưởng của những con Gà nhép

Xin giới thiệu luôn để khỏi hiểu nhầm: năm 2011, một nhà báo già tuy về hưu nhưng vẫn còn sắc sảo, đã mô tả nhóm Cánh Buồm là một con gà trống già theo sau là mấy con gà nhép. Tôi sẽ kể hầu các bạn vài điều về chuyện những con Gà nhép Cánh Buồm đã tự tạo cho mình một lý tưởng xây dựng nền Giáo dục mới hiện nay và thực thi nó từng bước ở đây như thế nào. Thôi thì tẻ vui cùng được ngần này, để chúng ta cùng đón xuân.Hy vọng nó không quá nhạt nhẽo, để các bạn bị rông.

Bắt đầu từ chuyện yêu

Thứ Sáu, ngày 6/1/2017, tôi dự một tiết dạy Văn theo sách Cánh Buồm tại lớp 3A, lớp của cô giáo Lương Thị Mơ. Trước đó tôi cũng dự một tiết dạy Văn cũng theo sách Cánh Buồm tại lớp 3B, lớp của cô giáo Đinh Phương Thảo.

Cả hai lớp đều của trường Gateway Hà Nội.

Hoàn toàn không thấy và không hề có dấu vết của tiết học biểu diễn, được chuẩn bị sẵn mọi mặt để “đón Đoàn”.

Những thao tác học Văn nhập vai, tưởng tượng, liên tưởng, các em đã học từ lớp Một đến lớp Bagiúp các em tự làm việc khi gặp bất cứ văn bản nghệ thuật nào.

Những tiết học Văn trước đó, tôi đã thấy các em đóng vai Bà Trưng quát Tô Định “Ta không thù oán gì, sao mi giết chồng ta?”, đã xem các em đóng vai Trưng Trắc run rẩy bám lấy người chị, “Chị ơi, bên ta thua à…nước sông có lạnh lắm không?

Tôi cũng đã xem các em đóng vai sứ giả Giang Văn Minh “Đằng giang tự cổ duyết do hồng” dõng dạc và lịch sự đáp lạicái vẻ cười nhăn nhở nhạo báng của vua nhà Minh khi ra vế đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”…

Ở tiết học hôm thứ sáu tại trường Gateway, tôi lại được mải mê theo dõi các em thực hiện các thao tác tự học bài văn Một con chó hiền và đóng vai cô bé Faucheuse vuốt ve con chó nhỏ.

Bài văn này nằm trong loạt bài tôi chọn và dịch từ đầu những năm 1980 để dạy ở trường Thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Mấy chục năm rồi, dự giờ mãi các tiết học Văn đó, thế mà tôi vẫn không thấy chán. Chỉ vì tôi được chứng kiến trẻ em tham gia vào việc học không chút mệt mỏi.Vì các em không phải nghe giảng và trả lời đúng ý giáo viên để được điểm cao. Ở đây, các em được sống thực một tình cảm người để sau đó diễn đạt lại bằng lời của riêng mình thể hiện cách cảm nhận tác phẩm của riêng mình.

Dự giờ hôm thứ Sáu ở lớp 3A, có một chuyện làm tôi ngạc nhiên. Đó là đoạn cô bé Faucheuse ôm con chó nhỏ vỗ về nó và nói với nó “Đây rồi, đây đúng là sinh vật duy nhất thực lòng yêu ta”.

Tất cả các cặp lên diễn đều được vỗ tay trong thái độ im lặng có phần cảm động.Riêng đoạn một em trai làm con chó để một em gái vỗ về và nói câu tâm sự đó, thì lại được cả lớp vỗ tay và cười nghiêng ngả.

Cô giáo Thanh Hải, hiệu phó phụ trách triển khai sách Cánh Buồm, nói khẽ vào tai tôi:

– Thầy biết vì sao chúng nó vui thế không?

– Ở lớp nào bọn con trai cũng thích đóng con vật, cứ gì lớp này?

– Không! Thằng cu ấy mê con bé này đấy.

– Thật à? Ờ, cô nàng cũng xinh thật!

– Thế mà bây giờ cô bé lại nói “đây đúng là sinh vật duy nhất thực lòng yêu ta”…

Nếu không ở trong lớp, chắc chắn mình phải phá lên cười hết cỡ.

Tình yêu trẻ con, thích lắm.

Hồi ở trường Thực nghiệm Giảng Võ, GS Hồ Ngọc Đại đã mở hội thảo bàn về chuyện này. Tôi vẫn nhớ như in kết luận của anh Đại bữa đó: “Chúng nó yêu nhau, có tồi tệ nhất thì cũng hơn cái gọi là trong sáng của người lớn”.

Nay nghĩ lại lời của anh Đại, bỗng nhớ việc cũng ở trường đó, một em học sinh, sau này trưởng thành, có chồng con, là một cô giáo chững chạc, cũng khoe với tôi “hồi lớp Sáu em yêu thầy đấy!”Thật hú vía! Hồi cô giáo ấy đang học lớp Sáu, mình đã quá “người lớn” rồi!

Ở một nhà trường không có ganh đua và nịnh bợ vì điểm số, chỉ có học và học hết mình, tình cảm con người mới có thể chân thành và trong sáng.

Cô giáo Thảo được phụ huynh chia sẻ việc bà xem sách vở của con, và con bà nói với mẹ: “Những gì con viết, chỉ cô Thảo mới hiểu hết, mẹ chưa hiểu được đâu!” Cũng cô Thảo, một lần giả vờ ra oai tịch thu “Sổ tay viết văn” của các em lớp 3B, đã được các em phản ứng rất dễ thương như thế này (Xin coi hình).

(Cô Thảo tịch thu sổ tay.

Cô Thảo tịch thu tận cả mấy ngày.

Em thấy buồn khi không được viết.

Cô Thảo có biết là cóngười buồn không?

Cô Thảo,

Em muốn cô biết

Là thiếu sổ tay chúng em buồn lắm.

Bảo Anh)

Một đời đi dạy học, tôi tin rằng mỗi giáo viên đều mong được học trò nũng nịu với mình như thế.

Gà nhép Cánh Buồm xây dựng lý tưởng

Cuối năm 2009, nhóm Cánh Buồm ra đời.Khi đó mới chỉ có “thê đội” 1 gồm những bạn trẻ.Cả nhóm Cánh Buồm bắt buộc phải qua một giai đoạn “tẩy não”. Một nửa quân số đã ra đi vì thấy mình ảo tưởng, và cũng vì công việc không hề nhàn nhã, chưa kể là chẳng đem lại thu nhập gì.

Giai đoạn “đào tạo lại” này gồm có bàn bạc lại với nhau về lý thuyết; thực hành biên soạn bộ sách lớp Một đầu tiên; tổ chức cho các nhà biên soạn tự taydạy thực nghiệm bộ sách đó. Kết quả là có cuộc hội thảo cuối năm 2010 Chào Lớp Một ra mắt xã hộithăm dò Sáu cuốn sách đầu tiên Tiếng Việt, Văn, Lối sống, Khoa học-Công nghệ, Tin học, Tiếng Anh.

Từ năm 2011 trở đi, mỗi năm làm thêm một khối lượng việc mới lại thêm một bước đánh dấu một nấc trưởng thành về lý tưởng Giáo dục của đàn Gà nhóm Cánh Buồm.

Năm 2011, hoàn thành sách Tiếng Việt và sách Văn hết lớp Bốn cũng là lúc cả nhóm Cánh Buồm hiểu rõ hơn về Giáo dục Hiện đại. Tính chất hiện đại của Giáo dục không thể hiện ở những thay đổi bề ngoài của nhà trường qua những thiết bị đắt tiền.Nhà trường hiện đại thể hiện ở cách học và ở quá trình tổ chức cho trẻ em biết tự học – tự giáo dục.

Phải cảm ơn ông giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội Patrick Michel người trong hai nhiệm kỳ bốn năm đã hết lòng kích thích Cánh Buồm.Cuối năm 2011, Patrrick Michel đã giúp nhóm Cánh Buồm thăm dò ý tưởng và công trình của mình bằng gợi ý đi tìm phản biện ở xa hơn. Ông giám đốc đã chi tiền mời một giáo sư Pháp sang tìm hiểu và phản biện.

GS Cao Huy Thuần đã giúp tìm được GS Alain Fenet của Đại học Nantes sang thăm và làm việc với nhóm. Anh Thuần hóm hỉnh viết thưcho nhóm: có hai giáo sư giỏi như nhau, một bà phải ở khách sạn năm sao và một ông có thể ngồi đầu hè ăn bún đạu phụ với các bạn, chọn ai?

Công việc bận rộn, nhưng nhóm Cánh Buồm đã dịch gần hết các tài liệu gốc của mình sang tiếng Pháp hoặc tiếng Anh cho “bạn” Alain đọc. Alain Fenet đã có bài viết từ trang 170-183 trong một tài liệuin năm 2011[1].

Cuối năm, lại là anh Cao Huy Thuần gọi điện sang Hà Nội: “Ngay khi Alain về Pháp, ông ấy gọi điện ngay cho tôi, ba lần nói chữ merveilleux và rất nhớ “cái nhóm nhà giáo dục nho nhỏ be bé” ở Hà Nội. Cánh Buồm làm gì mà bị ông ấy “mê” đến thế?”

Việc học nghề là nhân lõi của công việc được nhóm Cánh Buồm gọi tên là cuộc cải cách nhà cải cách và đã thành tiêu đề cho bài báo đăng ngày 1/1/2017 trên báo mạng Giáo dục (Giaoduc.net.vn)[2].

Nhưng những hỗ trợ khác về tinh thần cũng rất quan trọng.

Trong sự hỗ trợ này, cần phải đặc biệt cảm ơn bà Nguyễn Thị Bình, và tiếp đó là nhiều cơ quan, tổ chức,đã củng cố lý tưởng đổi mới Giáo dục cho những con Gà nhép nhóm Cánh Buồm.

Bà Nguyễn Thị Bình thuộc tên các “nhà hoạt động văn hóa” của nhóm.Rất thiết thực, bà chỉ đường đi xin viện trợ của tổ chức NGO (nhưng nhóm Cánh Buồm không thực hiện được việc này vì không chấp nhận nhiều ràng buộc vô ích, nhóm trưởng bị bà trách là “bảo thủ”, không “uyển chuyển”).

Chính bà Nguyễn Thị Bình đã giúp tổ chức cuộc gặp gỡ báo cáo giữa nhóm Cánh Buồm với Vụ Tiểu học của Bộ Giáo dục vào ngày 3/2/2012.(Mặc dù báo cáo xong thì cả hai phía đều coi như chưa có chuyện gì xảy ra).

Cần cảm ơn ông Vũ Ngọc Hoàngđã mời nhóm báo cáo về tư tưởng và hoạt độngcủa Cánh Buồm tại Ban Tuyên Giáo Trung ương vào tháng 3/2010.Sau này, vào năm 2013, Ban còn “bảo lãnh” cho “nhóm lao động tiên tiến” này lên kế hoạch triển khai thử nghiệm sách tiểu học ở ba trường của Hội An. Ông giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam đã ra tận trụ sở Ban Tuyên giáo gặp nhóm Cánh Buồm.

Sau hơn nửa năm chuẩn bị và chờ, nhóm được chính bà Nguyễn Thị Bình báo tin là “nó hứa mà nó không làm, các em à”. Và nhóm được bà “an ủi”20 triệu đồng là tiền nhuận bút của bà – tiền này thì nhóm nhận, như nhận của người chị lớn chờ đợi trên bờ trước khi đoàn ngư phủ giong buồm ra khơi.

Và không chỉ một đoàn ngư phủ con con dăm bảy con Gà nhép như thuở ban đầu thành lập.

Đến năm 2015 và 2016, đã khó trả lời nhanh cho câu hỏi “nhóm Cánh Buồm có bao nhiêu người?” Bây giờ đã phải lẩm nhẩm đếm: nhóm Gà nhép ban đầu, nhóm các cụ già dịch và làm bộ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm, nhóm các giáo viên thực hành, và gần nhất là nhóm các soạn giả bộ sách mới ra mắt: tám tập sách Tiếng Việt và sách Văn từ lớp Sáu đến lớp Chín.

Những thành viên già mới tham gia vào nhóm Cánh Buồm đã củng cố lý tưởng giáo dục hiện đại cho những con Gà nhép nay đã lên tuổi trên ba mươi. Tuổi ba mươi… Không một chút buồn như Quang Dũng ngày trước, “Lòng người trai ba mươi/ Vui như trẻ lên mười/ Yêu như tuổi mười bảy/ Buồn như sắp năm mươi”…

Gốc của sự vui

Nếu bây giờ có ai hỏi “điều gì bạn thích nhất ở nhóm Cánh Buồm?” mình sẽ không ngập ngừng nói ngay: cái không khí sống vui.

Môt tổ chức cũng như một con người.Muốn con người hoặc tổ chức sống cho ra sống, trước hết nó cần có một linh hồn.

Linh hồn của một tổ chức là tư tưởng của nó.Cái tư tưởng khiến nghìn người như một.

Linh hồn của một con người là tâm hồn của nó.Tâm hồn của một con người trong một tổ chức là lý tưởng của nó, là lẽ sống vì cái tư tưởng của tổ chức con người nằm trong đó.

Một tư tưởng không bao giờ là một tư tưởng suông, giáo điều, thô thiển. May mắn là nhóm Cánh Buồm ngay từ khi “rủ nhau chào đời” thì cũng rủ nhau ngẫm nghĩ về cái lẽ sống của từng người trong nhóm.

Lẽ sống của nhóm Cánh Buồm là xây dựng một nền Giáo dục hiện đại.Cả nhóm đã giáo dục nhau tìm những giải pháp xây dựng nền giáo dục trong mơ ước ấy.Giải pháp gốc là tìm ra cách học sẽ phải trở thành cách tự học của con em.

Cách tư duy đó dẫn tới những sản phẩm cụ thể, sờ mó được, bóc tách ra được.Để làm cho các sản phẩm của mình từ thô đến tinh đến độ tương đối hoàn thiện.Lý tưởng dắt dẫn việc làm – và càng làm càng củng cố lý tưởng.

Nhóm Cánh Buồm tu ở giữa chợ, chứ không tu trong “thiền viện” được cung cấp rau sạch, thịt sạch, nước sạch, cả lửa sạch và cả kinh phí sạch nữa.

Vật lộn xây dựng Giáo dục hiện đại trong đời sống thực xô bồ mà có thực những học sinh giỏi thì mới quý.

Nhân ngày xuân, cho phép tôi giới thiệu mấy bài thơ dịch của học sinh lớp 4 trường Olympia, Hà Nội, học trò của cô giáo Phạm Hải Hà. Trong một số Tia Sáng trước đây[3], nay chọn tiếp cũng trường hợp ấy để thấy những học sinh lớp 4 đủ khả năng cảm nhận bài thơ tiếng Anh và dịch thành bài thơ tiếng Việt làm rung động tâm hồn người đọc – hiện tượng lặp lại đó chứng tỏ “thành công” năm ngoái không phải là chuyện may rủi.

Xin nhắc lại, “đề thi” 1 vẫn là bài thơ cũ được nhà thơ Hoàng Hưng thách dịch:

Night in the garden

Moonlight drops softly

From small flowers. Night wind sings

Like a lost lover

Gele Mehlam, lớp 11 (Ohio)

Còn đây là những bài thơ các học trò cô Hải Hà dịch năm 2016:

Ánh trăng rỏ xuống nhè nhẹ

Từ bông hoa bé nhỏ, gió đêm hát lên

Như là mất một người ta đã yêu…

(Quang Duy dịch)

*

Ánh trăng tỏa xuống mềm mại

Trên những bông hoa nhỏ, gió vi vu

Như người thất tình…

(Đăng Phan dịch)

*

Ánh trăng rơi rất nhẹ nhàng

Từ các bông hoa bé bỏng. Cơn gió đêm hát

Như tìm người yêu mất tích…

(Quang Minh dịch)

*
Ánh trăng rơi dịu dàng từ bông hoa nhỏ

Gió đi ngang qua đêm và đang hát

Như mất đi người mình yêu

(Thuận An dịch)

Nhà thơ Hoàng Hưng còn thách dịch thêm mấy bài nữa, nhưng nhân tiện đang bước vào xuân, và cũng tôn trọng khuôn khổ trang báo, xin tặng bạn đọc thêm một bài dịch nữa:

Spring

Spring’s once every year

It comes in like lion, roar

Out like a lamb, baal

Shannon, lớp 6 (Michgan)

Hằng năm xuân đều thế

Đến như sư tử gầm vang

Đi như chú cừu bẽn lẽn

(Minh Trí dịch)

Nhóm Cánh Buồm tiến hành xây dựng “mẫu” Giáo dục hiện đại. Công cuộc giáo dục phổ thông đó không có sứ mệnh đào tạo nhà thơ, hoặc nhân tài. Sản phẩm về Văn và Tiếng Việt của giáo dục phổ thông chỉ là những con người nhạy cảm, có đủ vốn tiếng mẹ đẻ đủ phong phú để thể hiện tâm hồn mình.

Để làm gì?Để có bạn, dể không buồn như nhà thơ Quang Dũng chẳng hạn, để sống sống sống.

Ham sống, và biết sống cuộc đời đáng sống.


[1]Alain Fenet, “Ý kiến phản biện về công trình của nhóm Cánh Buồm qua bản báo cáo Cánh Buồm – một ước vọng giáo dục hiện đại (hai bản tiếng Việt và tiếng Pháp); trong Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – kỷ yếu hội thảo TỰ HỌC – TỰ GIÁO DỤC, Tri thức xuất bản, 2011. Bài của giáo sư Alain Fenet từ trang 170-183.

[3]Phạm Toàn: Nhà Trường Mới như chúng tôi đã có, Tia Sáng số 17, ra ngày 05/09/2016.

Tác giả