Thế giới năm 2021: Dự báo xu hướng giáo dục

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2021 và những năm tới đây, giáo dục toàn cầu phải đối mặt với những hệ quả và thách thức nào? Các hệ thống giáo dục quốc gia sẽ phải chuẩn bị những chính sách và biện pháp ra sao?

Đảo lộn toàn cầu

Đây là hai hiện tượng nổi bật nhất xảy ra đồng loạt tại các hệ thống giáo dục quốc gia trong năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, mà chỉ cần theo dõi truyền thông thì độc giả có thể dễ dàng nhận thấy: đóng cửa trường để dạy và học tại gia, công cụ và phương tiện dạy – học thông qua các nền tảng trực tuyến. Chính phủ các quốc gia, đặc biệt thuộc khối OECD, áp dụng những biện pháp ngắn hạn sau nhằm trợ giúp hệ thống giáo dục : trang bị thiết bị học trực tuyến, thiết kế nội dung chương trình và thời lượng học, trang bị thiết bị bảo hiểm và vệ sinh, và trợ giúp tài chính cho nhà trường và học sinh. Điểm nổi bật tích cực nhất là khả năng thích ứng và cải tiến phương pháp sư phạm và công nghệ dạy học nhanh đến bất ngờ và trên diện rộng. Tuy nhiên, ẩn dưới bề mặt này là thực trạng bất bình đẳng, học sinh thuộc nhóm xã hội bình dân hay nghèo túng thì không được trang bị công cụ trực tuyến (máy tính hay đường truyền tốt) cũng không được phụ huynh chăm chút, động viên nên bị gạt bên lề và dẫn đến kết quả học tập suy kém. Vấn đề nổi cộm thứ hai liên quan đến sức khỏe tinh thần. Thời gian cấm túc dài mười mấy tuần khiến cả học sinh lẫn giáo viên phải đối mặt với khả năng tập trung, tự chủ trong việc học và những biểu hiện bất ổn về tinh thần (tuy nặng nhẹ khác nhau). Nhiều quốc gia như Pháp, Ý, Anh, Mỹ đã trải qua hai lần cấm túc nhưng vẫn bị dự báo là có thể thêm lần cấm túc thứ ba vào đầu năm 2021.

 

Số học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19

% / tổng số học sinh

Số quốc gia đóng cửa trường học

28/05/2020

997,684,919

57%

129

28/12/2020

158,486,270

9.1%

12

Chất lượng giáo dục giảm, tăng trưởng kinh tế giảm 

Theo đánh giá của các chuyên gia của OECD, việc học hành bị gián đoạn ảnh hưởng xấu đến chất lượng, kết quả học tập, từ đó làm giảm kỹ năng của người đi học mà yếu tố này lại gắn với hiệu suất làm việc. Hệ quả trực tiếp là tổng sản phẩm nội địa (GDP) có thể giảm xuống dưới 1,5% trong những thập niên tới1. Kinh tế nội địa và thương mại liên quốc gia giảm tốc nên những lĩnh vực như giáo dục sẽ bị “soi xét” lại trong mức độ ưu tiên về đầu tư tại mỗi quốc gia. Chi tiêu công cho giáo dục trong trung và dài hạn chắc chắn bị cắt giảm, điều này đã bắt đầu thể hiện ở ngay năm 2020. Theo báo cáo của ba tổ chức quốc tế UNESCO, UNICEF và World Bank, 64% các quốc gia khẳng định đã giảm ngân sách công cho giáo dục trong năm 2020 và tiếp tục cắt vào năm 2021 nhắm vào quỹ lương, việc này đồng nghĩa không tuyển dụng thêm giáo viên trong những năm tới. Nguồn đầu tư tài chính đến từ khối tư nhân cho giáo dục cũng hiếm hơn vì kinh tế yếu và thất nghiệp tăng. Như vậy, tác động của khủng hoảng lên đầu tư giáo dục thể hiện ở hai cấp độ. Thứ nhất là giảm chi tiêu công kèm với đó là giá thành chi tiêu tăng trong suốt cơn dịch. Thứ nhì là các nguồn tài chính vốn có dành cho giáo dục sẽ giảm đáng kể. Các chuyên gia của International Institute for Educational Planning (thuộc UNESCO) dự đoán đòn gánh đầu tư cho giáo dục sẽ nghiêng nhiều về phía hộ gia đình vì nhà nước – đầu kia của đòn gánh, không còn đủ sức nâng đỡ. Nguy cơ về bất bình đẳng, vì thế, càng nhãn tiền hơn, gia đình khá giả thì con cái tiếp tục được đầu tư học hành và ngược lại. “Trên toàn thế giới, những bất bình đẳng tiếp cận giáo dục sẽ còn là cái hố được đào sâu hơn và cơn khủng hoảng về giáo dục toàn cầu sẽ gay gắt hơn”1. Điều này sẽ kìm hãm mục tiêu quan trọng nhất của phát triển bền vững do UNESCO đề ra: mọi trẻ em đều được tiếp nhận một nền giáo dục chất lượng.

Trước thực trạng này, giáo dục với tư cách là phương tiện tạo nên bình đẳng giới có nguy cơ thất bại vì học sinh nữ sẽ chịu thiệt thòi nhất (không được đến trường, ép tảo hôn, lao động tại gia…) khi giáo dục không được đầu tư đúng mức, đặc biệt tại những nước nghèo hoặc đang phát triển.

Tiếp tục thích ứng và biết xử thế đúng bối cảnh là hai điều kiện cần thiết để đáp ứng được những đòi hỏi của từng địa phương và đảm bảo các nhu cầu học tập, sức khỏe và an toàn của mỗi học sinh. (UNICEF-UNESCO-World Bank).

Bài toán đau đầu giữa nhu cầu tăng đầu tư cho giáo dục trong khi tăng trưởng kinh tế chật vật ở giai đoạn hậu đại dịch, giáo dục sẽ nằm ở đâu trong nấc thang ưu tiên của nhà nước so với những lĩnh vực khác như y tế, kinh tế, thương mại?

Tiếp đà cải cách sư phạm

Từ quan điểm thuần túy sư phạm hay giáo học pháp, việc dạy – học từ xa vốn chỉ nhận được sự nghi ngại, thậm chí phản đối, từ các phía giáo viên, gia đình và nhà quản lý giáo dục từ nhiều năm nay ngay cả khi các nền tảng trực tuyến đã nở rộ. Thực ra, việc đưa công nghệ và công nghệ số thành công cụ giảng dạy có cả một chu trình lịch sử của nó, từ thiết bị nghe nhìn, video, bảng điện tử hay gần đây nhất là máy tính, tablet… Nhưng chỉ trong vòng 3-6 tháng, chúng ta chứng kiến một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục của nhân loại: các loại màn hình (máy tính, smartphone) trở thành giao diện sư phạm chính thức. Khủng hoảng thường là thời điểm tạo nên khả năng đổi mới sáng tạo để cải tiến những thiếu sót bất cập chứ không đơn thuần chỉ là trở về với “trạng thái bình thường” của quá khứ.

Các hệ thống giáo dục nên tiếp tục hoàn thiện và cải cách công cụ, phương tiện, phương pháp, dịch vụ học trực tuyến (online platforms, broadcast media (TV/radio), paper-based take-home packages…), và cũng nên đánh giá, so sánh hai phương pháp trực diện (offline) và trực tuyến (online) đến chất lượng giảng dạy và kết quả học tập cũng như sự tương tác giữa thầy và trò. Việc này sẽ giúp nâng cao trình độ sử dụng công nghệ và khả năng học tự lập của học sinh, giúp các thế hệ học sinh tiếp thu được các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và công việc tương lai như tương tác, hợp tác, tương thuộc, tương hỗ…

Để công cuộc này thành công thì vai trò và sứ mệnh của giáo viên chiếm phần quan trọng. Giáo viên phải là tác nhân và tác giả của những đổi thay không chỉ trong việc áp dụng công nghệ mà còn trong tư duy và sáng tạo sư phạm. Các nhà hoạch định và quản lý giáo dục phải rất chú trọng đến sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh để tạo nên mối liên hệ tin cậy trong việc đồng hành và theo dõi học sinh. Để tạo sức bật, tiếp tục đổi mới và tăng cường khả năng ứng phó, hơn bao giờ hết các hệ thống giáo dục phải tăng cường năng lực quản lý trong những thay đổi. Có thể chính trong cơn biến này, chúng ta sẽ biết nắm bắt để làm cho chương trình, môi trường, phương tiện dạy và học thích ứng hơn nữa với nhu cầu của những thập niên tới.

Các chính phủ phải nhìn nhận sự canh tân đổi mới như một chính sách chiến lược dựa vào nền tảng nghiên cứu được đầu tư tài chính đúng mức và vững chắc về phương pháp luận. Trên thực tế, đổi mới và nghiên cứu cho giáo dục hiện đang là mảng yếu và thiếu. Đơn cử, ngân sách nghiên cứu cho y tế công của các quốc gia thuộc khối OECD cao gấp 17 lần so với ngân sách nghiên cứu cho giáo dục. Cột mốc đại dịch này là lời kêu gọi các chính phủ phải thay đổi chính sách vì không có đổi mới sẽ không có cải thiện, vì không có chất lượng giáo dục tốt sẽ không có nguồn nhân công chất lượng cao, và hệ quả trực tiếp là nền kinh tế quốc dân sẽ luôn ở tầm trung, không bứt phá nổi. 


Sau Tết Nguyên đán 2021, học sinh hơn 20 tỉnh thành đã phải học trực tuyến nhưng việc học trực tuyến cũng khiến nhiều gia đình ở các vùng nông thôn, gia đình không có điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn khi không thể trang bị riêng cho con phương tiện học tập hoặc không thể kèm con học. 

Điều hòa và cân đối trong thách thức 

Trường học bị đảo lộn, vậy thì chúng ta phải tư duy lại về trường học trên phương diện chính sách và quản lý để sao cho các hệ thống giáo dục quốc gia tiếp tục thích ứng và kịp thay đổi trước thời cuộc. Điều hòa và cân đối vừa là một tâm thế quản trị vừa là kỹ năng kiểm soát của những nhà hoạch địch và quản lý các nền giáo dục.

Trước hết, chúng ta phải cân bằng những câu thúc giữa thời lượng chương trình vốn có với đổi mới chương trình. Có hai xu hướng trên thế giới: nhóm quốc gia đặt trọng chương trình cơ bản vì nó là nền tảng cho sự tiếp nhận kiến thức và thi cử của học sinh, nhóm quốc gia kia ưu tiên phát triển các kỹ năng nhận thức, xã hội, cảm xúc và sức khỏe tinh thần (well-being) của học sinh. Tuy nhiên, theo khảo sát của OECD2, có một độ chênh giữa quan điểm của đại diện chính phủ với quan điểm của giáo viên: chính phủ tập trung vào việc dạy-học căn bản, còn giáo viên nhấn mạnh đến việc tăng khả năng tự lập của học sinh. Để thỏa hiệp được hai điều này thì chúng ta cần phải tính toán sao cho việc xây dựng, cải cách và áp dung chương trình mới sẽ không làm quá tải cho cả học sinh và giáo viên tùy theo mức độ vùng miền, loại trường, điều kiện vật chất… Ngoài ra, giáo viên đáng nhận được ủng hộ và hỗ trợ vì nghề đi dạy ngày nay không giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức mà họ còn phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Những phương pháp đổi mới nâng cao năng lực giáo viên như phát triển bản thân, khai vấn, cố vấn (personal development, coaching, mentorat) quả thực là cấp thiết.

Một trong những điểm then chốt ngay trong năm học mới là đánh giá kết quả học tập của học sinh và trong những năm sau, tiếp tục theo dõi lộ trình học tập của các lứa học sinh. Phương thức tiến hành đánh giá – kiểm tra – theo dõi và trách nhiệm của các bên giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh phải được phối hợp chặt chẽ. Cuộc khủng hoảng này giúp chúng ta nhận ra rằng tập thể (giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh, cộng đồng) cùng đồng tình và đồng lòng là quan trọng biết chừng nào. Một quy chế mới chỉ có thể được thi hành đúng và đạt mục đích khi các nhà trường áp dụng một cách tích cực, thậm chí sáng tạo. Cấp lãnh đạo nên đề cao và khích lệ khả năng tự chủ, sáng kiến vượt qua khó khăn của mỗi cơ sở giáo dục. Vì nếu áp đặt cứng nhắc từ cấp cao sẽ dễ gây nên lộn xộn, lúng túng trong áp dụng và cảm giác “không tuân phục” của cấp dưới.

Mỗi quốc gia phải tự đưa ra danh sách những ưu tiên trong các biện pháp trước mắt và các chính sách trung và dài hạn về đầu tư và quản lý cho hệ thống giáo dục của mình. Trong bối cảnh này, tài năng quản lý và điều phối của các nhà lãnh đạo phải được thể hiện qua việc cân đối giữa nhu cầu và khả năng, giữa kiên định và linh hoạt. 

Vaccine đã được tìm ra không có nghĩa là hạn dịch đã chấm dứt. Những gì đang chờ đợi chúng ta trước mắt vẫn là thử thách và bất định. Một lần nữa, trong chiều dài lịch sử nhân loại, thời khắc đại dịch này là lời kêu gọi cho sự thích ứng mới để đổi mới sáng tạo và dấn thân vì những mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng một xã hội có sức bền và sức bật tốt hơn chính là trách nhiệm của thế hệ chúng ta để tạo thành di sản cho con cháu trong những thập niên tới!□

Tài liệu tham khảo

– Andreas Schleicher, The impact of COVID-19 on education – Insights from Education at a Glance 2020, OECD
– What have we learnt ? Overview of findings from a survey of ministries of education on national responses to COVID-19, UNESCO, World Bank & UNICEF
– Anticipated impact of COVID-19 on public expenditures on education and implication for UNESCO work, 2020
– Fernando M. Reimers, Andreas Schleicher, Schooling disrupted, schooling rethought. How the Covid-19 pandemic is changing education, OECD’s report, 2020
– Education and COVID-19: Focusing on the long-term impact of school closures, OECD’s report, 2020
Chú thích: 
1 Andreas Schleicher, The impact of COVID-19 on education – Insights from Education at a Glance 2020, OECD
2 Fernando M. Reimers, Andreas Schleicher, Schooling disrupted, schooling rethought. How the Covid-19 pandemic is changing education, OECD’s report, 2020

Tác giả