Xếp hạng đại học Việt Nam?

Xếp hạng chỉ là một (trong nhiều) công cụ để đánh giá chất lượng đại học (ĐH), không nên quá kỳ vọng vào nó; bởi vì, công cụ này cũng không phải là khuôn vàng thước ngọc. Hơn thế, vấn đề đặt ra là phải có chất lượng giáo dục (thật) đã rồi mới nói đến chuyện vươn tới các bảng xếp hạng có uy tín cao mang tính toàn cầu; trong khi chất lượng giáo dục ĐH chưa đâu vào đâu thì việc chạy theo các bảng xếp hạng đẳng cấp thế giới ‘ngay và luôn’ cũng không giúp gì nhiều cho cải cách căn bản và toàn diện giáo dục ĐH.


Phòng lab của Trung tâm nghiên cứu gene và protein (ĐH Y Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh.

Nhu cầu có thật

Trong mấy năm gần đây, nhu cầu được cung cấp thông tin về chất lượng các trường ĐH của cộng đồng, người học và phụ huynh ngày càng lớn, xếp hạng ĐH đã trở thành một nhu cầu có thật không chỉ của giới học thuật mà đã trở thành ‘chuyện thường ngày’ của đời sống xã hội; nhất là khi chúng ta đã có mục tiêu đến năm 2020 sẽ có một trường ĐH lọt Top 200 ĐH tốt nhất trên thế giới (!?); tiếp đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (ĐHVN) (3 tầng 3 hạng); tuy rằng cho tới nay, chưa có bất cứ bảng xếp hạng chính thức nào của các cơ quan chức năng được công bố, nhưng Nghị định này cũng đã đủ sức khuấy lên một xu hướng, khi công khai khi ngấm ngầm, về việc chuẩn bị nguồn lực để tham giaxếp hạng đại học (XHĐH) của không ít trường ĐH. Xu hướng này đã trở thành sự thật khi ngày 06/9/2017, một nhóm xếp hạng độc lập, lần đầu tiên đã ‘dám’ công bố bảng xếp hạng 49 trường ĐH VN, ‘made in Vietnam’ và ‘made by Vietnamese’, chọn ‘điểm nhấn’ là khâu yếu nhất của giáo dục ĐH VN: chỉ số về nghiên cứu khoa học (chiếm tới 40% tổng số điểm), gây xôn xao dư luận và bất ngờ cho nhiều người. Dù còn nhiều tranh cãi và âu lo, nhưng xếp hạng đại học (XHĐH) vẫn đang là một xu hướng hiển hiện và trở thành nhu cầu có thật ở VN.

Câu hỏi đặt ra là: XHĐH để làm gì? Không lẽ đơn giản chỉ là nhằm cung cấp thông tin tham khảo cho xã hội? Để từ đó tạo nên chuyển biến tích cực cho xã hội và cho các trường, tạo thêm động lực cho ĐHVN, như động lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng, động lực hội nhập quốc tế và minh bạch thông tin… Không ai nghĩ như vậy! Cái đích của mọi đổi mới và cải cách trong GD&ĐT, trong đó có XHĐH, là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội của các trường ĐH. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng nhất, cốt lõi nhất của mọi hệ thống GD&DT và của từng trường ĐH; còn xếp hạng chỉ làm nhiệm vụ ‘chụp ảnh’, chụp được toàn bộ hay được một phần kết quả nào đó thì cũng đều cần khuyến khích để đối sánh với cái chung của thế giới và từ đó tìm ra lối đi của riêng mình nhằm tiệm cận dần với các chuẩn mực của các trường ĐH có thứ hạng cao.

Như vậy, tham gia xếp hạng là việc nên làm nhưng phải phù hợp với nguồn lực, hoàn cảnh và điều kiện của từng trường, của đất nước.  

Vấn đề đặt ra là: có nhất thiết phải tiến hành XHĐH theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín cao (như THE hay QS) ngay không? Có cần luật hóa việc XHĐH ngay bây giờ không? Nếu có thì làm như thế nào? Nếu không thì bao giờ làm và làm như thế nào?

Tại hội nghị ‘Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam’, do Bộ GD&ĐT và ĐHQG HN phối hợp tổ chức ngày 11/4/2018 tại Hà Nội vừa qua, dường như chủ tọa và nhiều người thiên về xu hướng ‘nhập khẩu nguyên chiếc’ một hệ thống xếp hạng đẳng cấp phương Tây, cụ thể là hệ thống QS của Anh. Đây là cách đơn giản và tiện lợi nhất mà người ta thường làm khi nhập khẩu công nghệ, theo phương châm ‘đi tắt đón đầu’, ‘bỏ qua giai đoạn’ loay hoay tự làm, ‘tiến thẳng lên’ các chỉ số, tham số của một tổ chức xếp hạng được coi là có uy tín vào hàng cao nhất. Chúng ta hội nhập quốc tế thì phải thừa nhận và áp dụng tiêu chí của quốc tế, hiển nhiên là vậy! Có nhóm khác cho rằng, ta chỉ tham khảo cái hay cái phù hợp của họ để xây dựng một bộ tiêu chí và tiêu chuẩn xếp hạng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh VN, vì tất cả các bảng xếp hạng ấy đều không phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế hiện nay của các trường ĐH VN (ví dụ, có hệ thống xin ý kiến của nhà tuyển dụng và các chuyên gia để đánh giá về uy tín của một trường ĐH đã dành đến 40-50% số điểm cho thông số thiên về cảm tính chủ quan này; hay có hệ thống quá coi trọng các công bố trên tạp chí Nature, tạp chí Science và số nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel và Fields,v.v).

Việc cần làm ngay?

Vậy, XHĐH theo các bảng xếp hạng có uy tín cao trên thế giới như QS hay THE có là nhu cầu cấp bách, có là việc cần làm ngay, có là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong giai đoạn hiện nay? Câu trả lời là không; điều đó cũng cần nhưng chưa phải là nhu cầu cấp bách và cũng không phải là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong giai đoạn hiện nay. Cái mà xã hội đang trông ngóng và hối thúc là nâng cao chất lượng (thật) của GDĐH. Chúng ta cần và phải phát triển những tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng đầu vào, qui trình đào tạo, quá trình đào tạo và đầu ra (các tiêu chuẩn phản ảnh phẩm chất và năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp). Mục tiêu hàng đầu và thật sự của ĐH là đào tạo những chuyên gia có kiến thức và kĩ năng đóng góp thiết thực và hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, chứ chưa phải là có tên trong danh sách top này hay top kia. Đất nước và xã hội đang cần trường nào thực sự có nhiều đóng góp hơn cho việc đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, trường nào thực sự tạo ra kiến thức giúp ích cho cộng động, cải thiện đời sống người dân, thay đổi bộ mặt xã hội, hơn là trường nào công bố quốc tế nhiều hơn.

Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế chỉ cho chúng ta thấy được khoảng cách của chính mình với các trường ĐH khác trong khu vực và trên thế giới, nhưng sẽ không mang lại cho chúng ta những thông tin cần thiết đủ để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chiến lược cho giáo dục ĐH nói chung và cho từng trường ĐH nói riêng. Chúng ta chưa cần quá bận tâm với những danh sách top này top kia của QS hay THE, mà cần làm rõ cái lõi hợp lý trong xếp hạng, từ đó tìm ra lối đi riêng với những lựa chọn ưu tiên phù hợp. Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, ưu tiên là nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống và vì vậy nên tập trung vào xếp hạng quốc gia. Và ngay cả khi tiến hành XHĐH quốc gia thì cũng phải thoát ra khỏi hội chứng XHĐH, thoát ra nỗi ám ảnh ‘toàn cầu’; đi vào thực chất của chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trong khi tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế uy tín đang còn ‘quá cao’, liệu chúng ta có cách nào để tự đánh giá xếp hạng mình? Có chứ! Trên thế giới đang tồn tại nhiều bảng xếp hạng khác nhau, nhưng dù là bảng xếp hạng nào thì cũng xoay quanh các giá trị cốt lõi và sứ mệnh của bất kỳ một ĐH nào: sáng tạo ra tri thức mới làm giàu thêm kho tàng tri thức của quốc gia, của nhân loại thông qua nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; truyền bá các tri thức và các giá trị nhân bản của tiền nhân và của thời đại ngày nay cho thế hệ đương thời thông qua đào tạo và phục vụ xã hội. Bởi vậy, hầu như bảng xếp hạng nào cũng đều có “hồn cốt” khá giống nhau (có người cho rằng, sự trùng hợp về các tiêu chí của các bảng xếp hạng lên tới 70%). Vì thế, VN hoàn toàn có thể xây dựng một bảng xếp hạng riêng phù hợp với điều kiện và thực trạng ĐH VN, phù hợp với thông lệ quốc tế, và thực hành nó trong một khoảng thời gian nhất định trước khi tham gia vào các bảng xếp hạng mang tính toàn cầu.

Như vậy, nếu có làm ngay, thì có lẽ cũng chỉ nên khuyến khích và hỗ trợ các bảng xếp hạng trong nước, với bộ tiêu chí và tiêu chuẩn hướng đễn những chuẩn mực quốc tế, đối sánh với các trường có thứ hạng cao trên thế giới để tìm đường đi tiết kiệm về thời gian và tiền bạc nhất, phù hợp với nguồn lực, điều kiện và văn hóa Việt Nam. Để thử sức trên sân chơi quốc tế thì sự lựa chọn hợp lý hơn cả là chúng ta nên tham gia vào các bảng bình dân hơn, vừa sức ta hơn như Webometrics (dựa trên xếp hạng website và top chuyên gia) và Scientometrics (căn cứ trên thống kê công bố khoa học), chúng ta lại đang có một số lợi thế nhất định trên ‘sân chơi’ này. Từ năm 2004, khi Webometrics tạo ra một ‘sân chơi’ đại chúng hơn dành cho mọi cơ sở giáo dục ĐH, miễn là cơ sở đó có trang web, mức độ uy tín của nó không ngừng đc nâng cao và có độ bao phủ lớn hơn; Webometrics ngày càng chứng tỏ đây là một ‘sân chơi’ có hạng về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Từng bước chắc chắn, không nóng vội, đi từ gốc của vấn đề rồi sẽ đến cái ngày, VN có thể tham gia vào sân chơi đẳng cấp cao như THE hay QS.

Vì vậy, nên chăng trong vài năm tới, chúng ta tập trung vào công tác kiểm định chất lượng và minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, sau đó mới khuyến khích các trường ĐH chủ động lựa chọn và tham gia xếp hạng bởi các tổ chức XHĐH trong nước và quốc tế có uy tín phù hợp với chiến lược phát triển của từng trường để họ đối sánh và nhận diện, thiết kế và tìm đường đi cho riêng họ theo một mẫu số chung là chất lượng giáo dục ĐH, là nền giáo dục dân tộc, khai sáng và nhân bản.

Do đó, thay vì chạy theo sức hút mang tính truyền thông với những mục tiêu còn xa vời, thiếu thực tế với thực trạng nền giáo dục ĐH nước nhà, chúng ta đừng quá vội vàng và quá bận tâm với những danh sách sách top 200 top 500, mà hãy tập trung nguồn lực đầu tư vào những việc thực tế hơn để nâng cao tiêu chuẩn đào tạo tiệm cận dần đến trình độ quốc tế, sao cho sinh viên khi tốt nghiệp có thể hội nhập với cộng đồng quốc tế dễ dàng, thực sự là các công dân toàn cầu. Một khi tiêu chuẩn đã đạt chuẩn quốc tế thì mục tiêu top 200 hay top 500 không còn là vấn đề lớn nữa.

 

 

Tác giả