Cụ Huỳnh Thúc Kháng và chủ trương tân học, thực học

Cống hiến đầu tiên và có ý nghĩa đột phá của cụ Huỳnh (và nói chung của bộ ba Quảng Nam: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp*) là sự phê phán quyết liệt nền giáo dục phong kiến mà các cụ gọi là hủ nho, hư học đồng thời đề xướng xây dựng một nền giáo dục mới tân học, thực học.

Năm 1905, ba người nhất trí mở cuộc nam du vận động Duy tân, đến Bình Định gặp ngày mở kỳ thi, người dự thi đông đến năm-bảy trăm, các cụ cho rằng “cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ mà sỹ phu ta còn chui đầu vào trong như kiến, giấc mộng mê say này không cho một gậy ngang đầu không thể nào thức dậy được”(1).

Ba cụ lấy một cái tên ảo Đào Mông Giác làm một bài thơ Chí Thành Thông Thánh và một bài phú Danh Sơn Lương Ngọc, để lẫn vào các quyển học trò cho dễ truyền bá. Hai tác phẩm đó với những ý tứ về thời thế và trách nhiệm của sỹ phu như:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung

(Muôn dân chịu kiếp sống nô lệ dưới ách cường quyền, vậy mà sỹ tử vẫn mê say trong giấc mộng văn chương bát cổ)

như một tiếng thét vang rầm cả nước.

Ba cụ đều đã sôi kinh nấu sử nơi cửa Khổng, sân Trình, đều là các bậc đại khoa, đều thành danh trong cái học ấy. Vậy mà khi ngộ ra cái học ấy làm hại nước ta đã lâu, các cụ đã dứt khoát, quyết liệt, xem nó là đồ bỏ dù các cụ đều biết trong cái học ấy không phải không có điều khả thủ.

Chỉ riêng tinh thần triệt để ấy thế hệ con cháu ngày nay phải ngả mũ khâm phục.

Không chỉ phê phán đoạn tuyệt một cách không thương tiếc cái học cũ, các cụ còn bắt tay vào thiết kế và tổ chức, xây dựng một nền giáo dục mới, các ngôi trường mới, tân học.

…giáo dục phải trọng mặt lợi dụng (ta hiểu là thực dụng). Trong nước người nào cũng phải biết một nghề, kỹ nghệ là nghề, khảo cứu là nghề, trước thuật cũng là nghề. Muốn công nghệ được thịnh thầy giáo phải biết trọng khiếu riêng của thiếu niên.”
Huỳnh Thúc Kháng

Trong một thời gian ngắn ở Quảng Nam đã có 40, 50 ngôi trường tân học. Trường dạy chữ Quốc ngữ, không dạy theo bài bản Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bảo giám mà dạy lịch sử Việt Nam và thế giới, địa lý, bác vật (khoa học tự nhiên), toán pháp. Nhiều trường còn thâu nhận nữ sinh, điều này trước đây hầu như không có. Học sinh có trường còn được học tiếng Pháp, tiếng Nhật, học thể dục và võ thuật. Nhiều trường có tổ chức đời sống nội trú rất chu đáo, nhiều trường thực hiện “thả canh, thả học”, ngày nay gọi là vừa làm vừa học.

Chỉ hình dung cảnh tượng này, ở trường tân học Phú Lâm, nay thuộc xã Tiên Sơn huyện Tiên Phước hiện còn được xem là vùng sâu vùng xa, sau mỗi buổi học học sinh cả nam và nữ cùng đứng lên ca bài “NGƯỜI TRONG ĐÔNG Á” của Huỳnh Thúc Kháng với 10 điều chúc

Người trong Đông Á rõ ràng
Một dòng một giống Hồng Bàng là đây
Chúng tôi vui thấy hội này
Mở lời kính chúc quý thầy đôi câu
Một chúc thương cuộc đặng lâu
Lợi quyền giữ lại của mình hầu sanh
Hai chúc học hành cho giỏi
Theo người hay tìm tòi cho nên
Ba chúc cái lòng cho bền
Ai ai cũng quyết đứng lên võ đài
Bốn chúc đạo khai chân lý
Dậy con em nghĩa lý cho minh
Bảy chúc thông nước thông nhà
Ta là dân nước, nước là nhà ta
Mười chúc chớ sờn tâm trí
Hiệp bằng nhau mà thử gan chơi
Lẽ hai mươi triệu con người
Đồng lòng dễ có thua người nước mô

Chúng ta có thể thấy những học sinh này, sản phẩm của các trường tân học, sẽ không cam chịu làm tôi tớ cho thực dân Pháp mà là những chiến sỹ trẻ sẵn sàng dấn thân vào con đường cứu nước.

Kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét: “Từ nghĩa lớn của phong trào Duy tân, với tôn chỉ sáng láng, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đưa đất nước phát triển cùng năm châu bốn biển, một loạt trường tân học ở Quảng Nam và Đông Kinh Nghĩa Thục, điểm hội tụ tinh hoa cuối cùng, chính là một cuộc vận động thực hành cải cách giáo dục rộng lớn, sâu sắc, cơ bản.”

Dù các nhà Duy tân không mong muốn và cũng không chỉ đạo, cuộc nổi dậy cựu sưu như triều dâng thác đổ của hàng vạn nông dân Quảng Nam, miền Trung chính là một hệ quả tất yếu và đã kết thúc vô cùng bi tráng phong trào Duy tân.

***

Cụ Huỳnh bị tù đày ở Côn Đảo 13 năm 1908- 1921. Ở đây cụ đã biến nhà ngục trần gian của thực dân thành “Trường học thiên nhiên mà làm trai trong thế kỷ 20 này không thể không nếm tới” (2), đồng thời tận dụng những khổ dịch mà thực dân bắt các tù nhân phải chịu để học hỏi, lao động. Đặc biệt nhờ tận dụng mọi thời gian khi ở tù, cụ học tập Pháp văn. Chỉ bằng tự học và trao đổi với các bạn tù cùng một ít sách từ điển mang theo và mua được cụ đã có một trình độ Pháp văn đáng nể. Đây cũng là thời gian cụ làm được khá nhiều thơ và sưu tầm rất nhiều thơ của các bạn tù, sau này cụ đã biên tập và xuất bản, một đóng góp lớn cho việc xây dựng, soạn thảo lịch sử văn học yêu nước chống Pháp của ta.

…học giới nước ta không có tư tưởng tự do, không có năng lực sáng tạo, mất hẳn tính chất phán đoán, chỉ một mực nhắm mắt theo mù làm nô lệ cho người xưa…
Huỳnh Thúc Kháng

Được tha tù về quê nhà, chính quyền thực dân và Nam triều mời cụ ra làm quan chức về khảo cổ và biên soạn từ điển nhưng cụ một mực từ chối.

Năm 1926, trước sự vận động của một số nhân sỹ trí thức cụ ra ứng cử nhân dân đại biểu Trung Kỳ và đắc cử với số phiếu rất cao. Cụ lại được toàn viện bầu làm Viện trưởng.

Năm 1927, cụ xin phép ra tờ báo Tiếng dân. Ngày 10/8/1928 Tiếng dân số 1 ra đời ở Huế. Cụ làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút suốt 16 năm. Ngày 28/4/1943 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đình bản báo Tiếng dân.

Tiếp tục phát huy tư tưởng khai sáng của Phong trào Duy Tân với tôn chỉ “khai dân trí”, trên hai cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và Chủ bút báo Tiếng dân, cụ Huỳnh đã có nhiều bài nói và bài viết về chủ đề giáo dục thể hiện những kiến thức mới mẻ, những quan điểm tư tưởng tiến bộ.

Trong bài phát biểu ở Viện dân biểu ngày 1/10/2928, cụ thẳng thắn phê phán chính sách ngu dân của nhà cầm quyền Pháp “Dân An Nam là một dân tộc sẵn có văn hóa mấy trăm đời, ai cũng công nhận sự học là sự cần thiết nhất xem như tính mệnh, tài sản, không có không sống được. Vậy mà nhà nước một nói rằng khai hóa, hai nói rằng hợp tác, song về đường học giới không chịu châm chước thế nào cho thỏa hiệp. Xứ Trung Kỳ bây giờ học cũ đã bỏ hẳn, mà học mới trăm phần chưa được một, trường công không đủ dùng mà trường tư thì không có, gia dĩ chương trình hạn chế, quy luật ngăn ngừa dân thì lấy sự học làm sinh mệnh mà quan xem sự học như thù nghịch thì ức vạn thiếu niên An Nam sẽ thành ra một bọn thất nghiệp”. (3)

“…phải có tư tưởng độc lập, có trí não phán đoán tự do, để phát triển năng lực của mình, nhất là nuôi các mầm sáng tạo lực…”
Huỳnh Thúc Kháng

Hồi đó trong điều kiện các phương tiện truyền thông chưa phổ biến rộng và nhanh, với tư chất thông minh, lòng ham học ham đọc, nhờ có vốn Hán học và Pháp ngữ uyên bác, cụ đã tiếp cận với những thành tựu tiến bộ về khoa học đương đại trong đó có khoa học giáo dục. Những kiến giải của cụ về giáo dục không chỉ là những trải nghiệm về cựu học mà cụ cho là đồ bỏ và về tân học đã bị thực dân dập tắt ngay, về sự học trong khuôn khổ chính sách ngu dân của người Pháp, mà còn là những phát triển, kinh nghiệm của nhiều nền giáo dục tiên tiến của các nước Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Trung …

Cụ đã giới thiệu về nghĩa vụ giáo dục ở các nước. Nghĩa vụ hay còn gọi là phổ cập giáo dục, cưỡng bức giáo dục được thực hiện ở các nước rất sớm, Đức từ năm 1765, Pháp 1792, Anh 1870, Mỹ 1927. “Trong kỳ tuổi quy định mà ai không tuân lệnh vào học thì phụ huynh và người bảo trợ trò đó phải bị phạt”. Từ đó cụ kết luận “giáo dục xứ văn minh như thế nào, giáo dục xứ mình như thế, bảo nước nhà không sa vào cảnh liệt bại sao được”. (4)

Ngay lúc đó cụ Huỳnh đã chỉ rõ giáo dục phải phục vụ yêu cầu của xã hội, cụ viết “giáo dục phải trọng mặt lợi dụng (ta hiểu là thực dụng). Trong nước người nào cũng phải biết một nghề, kỹ nghệ là nghề, khảo cứu là nghề, trước thuật cũng là nghề. Muốn công nghệ được thịnh thầy giáo phải biết trọng khiếu riêng của thiếu niên”. Cụ còn bình luận “Ra ở đời, nhiều điều có học mà vô dụng, nhiều điều xã hội cần thời lại không biết. Như thế là vì hoàn cảnh của học đường là một hoàn cảnh đặc biệ, chỉ có không khí viển vông mà không có không khí thiết thực, vì thế phải dạy thực hành (pratique) trước rồi dạy lý luận (théorie) sau và phải dùng phép thực nghiệm (expérience) để dạy hơn là dùng sách” (5). Đây đúng là phương châm học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội mà nền giáo dục của ta hướng tới.

Cụ cũng dịch giới thiệu và bình luận về giáo dục bậc tiểu học và việc đào tạo giáo viên tiểu học qua kinh nghiệm nhiều nước với những nhận xét rất mới “Trước kia tiểu học chỉ truyền cho quốc dân có cái trí năng làm nền vốn thông thường mục đích là tạo thành cho dân chúng cái tánh cách thuần phục và dễ sai khiến. Hiện nay thì tiểu học giáo dục nhiệm vụ quan yếu là đào luyện thân thể, trí năng và đạo đức cho đoan chính cao hơn trước nhiều”. Cụ chỉ rõ nội dung sư phạm giáo dục do ba điều cần tổng hợp lại là: “trí thức, kỹ năng, nhân cách. Ba cái ấy cho quân bình nhau không thiên lệch”(6). Cụ cho biết giáo viên tiểu học ở Đức, Ý được tuyển trạch một cách hoàn bị và có cả môn triết học khá cao. Trong kỳ thi tốt nghiệp giáo viên tiểu học thí sinh được khẩu vấn về nhiều danh tác triết học như duy vật sử quan biện chứng pháp.

“...muốn tư tưởng được tự do thì tâm trí phải biết tự lập mới được. Tự lập nghĩa là tự mình xét, tự mình tin. Mà muốn tự mình xét, tự mình tin phải có não khảo cứu…
Huỳnh Thúc Kháng

Cụ đã dịch và cho xuất bản một tập sách nhỏ GIA ĐÌNH GIÁO DỤC (7) của tác giả Qua Bằng Vân (Trung Quốc) sách không có tính lý luận mà nêu những yêu cầu hướng dẫn về giáo dục gia đình với 108 điều cụ thể. Nhiều điều chứng tỏ tác giả là người lịch duyệt có quan tâm giáo dục con trẻ, có những kinh nghiệm quý.

Theo GS Vũ Ngọc Khánh, trên báo Tiếng dân suốt 15 năm cứ đến kỷ niệm ngày mất của Phan Châu Trinh 24-3, cụ Huỳnh lại cho đăng ảnh cụ Phan cùng bài viết tán thưởng và luôn ghi một câu nói nổi tiếng của cụ Phan như một khẩu hiệu Chi bằng học.

Chi bằng học là một kết luận của Phan Châu Trinh trong bài báo HIỆN TRẠNG VẤN ĐỀ viết năm 1907 đăng trên Đại Việt Tân Báo.

“Xin có lời chính cáo với người nước ta rằng: không bạo động, bạo động tất chết, không trông người ngoài, trông người ngoài tất ngu. Đồng bào ta, người nước ta ai mà ham mến tự do tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào là Chi bằng học”.

Cụ Huỳnh cho đăng toàn văn bài báo của cụ Phan và viết thêm lời bình “trước 25 năm kia mà báo giới có bài nói về thời cuộc rõ ràng, sách hoạch, dẫu cho ngày nay vẫn còn là một bài thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm. Báo giới ta ngày nay có ai được mấy bài thiết thực chân xác như thế. Đọc bài trên càng phục sở kiến của nhà tiên thời nhân vật, lại càng buồn cho bước tấn hóa của dân tộc ta trên 25 năm mà hiện trạng chưa lấy gì làm khác”. (8)

***

Gần đây trên báo chí, trong nhiều cuộc hội thảo về giáo dục đào tạo, những bậc thức giả của Việt Nam thế kỷ 21 có đề cập đến triết lý giáo dục, và vấn đề xêm như vẫn còn bỏ ngỏ.

Cách đây hơn 80 năm cụ Huỳnh đã viết: “Phàm bàn về giáo dục phải nói đến chủ nghĩa (doctrine) của giáo dục. Đứng về phương diện xã hội phải lấy khoa học làm chủ nghĩa” (9). Nên nhớ rằng đến năm 1943 trong Đề cương Văn hóa, Đảng ta mới nêu lên ba phương châm DÂN TỘC – KHOA HỌC – ĐẠI CHÚNG, và sau Cách mạng tháng Tám, Bộ giáo dục của nước Việt Nam mới cũng xây dựng nền giáo dục mới theo phương châm đó.

Khi bàn về những phẩm chất, năng lực, tiêu chí của con người mà cụ Huỳnh kỳ vọng nền giáo dục mới rèn luyện đào tạo nên cụ đã có những kiến giải rất tiến bộ mới mẻ đến kinh ngạc.

Cụ yêu cầu phải được tự do tư tưởng và cho rằng “học giới nước ta không có tư tưởng tự do, không có năng lực sáng tạo, mất hẳn tính chất phán đoán, chỉ một mực nhắm mắt theo mù làm nô lệ cho người xưa” (10).

Cụ cho rằng là một người làm khoa học “phải có tư tưởng độc lập, có trí não phán đoán tự do, để phát triển năng lực của mình, nhất là nuôi các mầm sáng tạo lực”.

Cụ còn nhận định “muốn tư tưởng được tự do thì tâm trí phải biết tự lập mới được. Tự lập nghĩa là tự mình xét, tự mình tin. Mà muốn tự mình xét, tự mình tin phải có não khảo cứu” (11).

Những yêu cầu mà cụ Huỳnh đề ra cách đây 80 năm rõ ràng là rất gần với con người tự do và sáng tạo, con người làm chủ đất nước mà chúng ta đang mong đợi ở một cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Đại hội XI của Đảng đã đề ra.

Cụ Huỳnh và các nhà khởi xướng công cuộc Duy tân không thể đưa được những kiến giải mới mẻ tiến bộ của mình về giáo dục – khai dân trí – vào cuộc sống, bởi chế độ thực dân là chế độ xây nhiều nhà tù hơn trường học, bởi ngu dân là một phương cách làm xói mòn, ra rời ý chí đòi giải phóng của những người bị nô lệ đọa đày.

Nhưng ngày nay, đất nước đã sạch bóng quân thù, non sông đã thu về một mối gần 40 năm, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đều quan tâm và có sự đầu tư thích đáng cho giáo dục, vậy mà trớ trêu thay giáo dục lại như một biểu hiện chứng tỏ xã hội ta ngày càng lạc hậu, kém thế trong cuộc cạnh tranh hội nhập toàn cầu. Không chỉ những người có con em cắp sách tới trường mà tất cả những ai có lòng nghĩ đến tương lai vận mệnh của dân tộc đều không thể yên tâm với những vấn đề của nền giáo dục hiện nay.

Tại sao vậy? Đó là vấn đề chúng ta cần nhìn thẳng và sự thật, nói đúng sự thật.

Phải chăng kiểu dạy học:

– Thầy đọc trò chép

– Bắt học sinh phải học thuộc lòng, nhớ quá nhiều con số, niên đại, sự kiện…

– Kiểm tra năng lực được đánh giá bằng các bài văn mẫu, các đáp án khô cứng.

Còn tồn tại “vững chắc”, là vì còn rất nhiều người miệng nói ủng hộ hoan nghênh những học sinh có tinh thần độc lập tự chủ, có năng lực sáng tạo nhưng trong chiều sâu của tư duy lại muốn những học sinh (và cả những thuộc cấp) của mình là những người quen vâng phục, dễ sai khiến, những người luôn luôn nghĩ và nói dựa dẫm nương theo ý tưởng của cấp trên, của người khác.

Chúng ta đều biết chân lý chỉ có thể được thừa nhận, được tâm phục khẩu phục qua tự do tranh luận, phản biện. Quan hệ thầy trò cũng phải tôn trọng nguyên tắc này. Dù là thầy cũng không được cho minh độc quyền chân lý, áp đặt tư duy.

Quan hệ cha mẹ với con cái cũng không thể theo kiểu cha mẹ tự cho mình có quyền vô hạn đối với con cái, buộc con cái phải nhất nhất tuân theo ý mình, từ chọn trường, chọn lớp, chọn thầy, chọn môn học thêm, cho đến chọn bạn, chọn người yêu, chọn ngành nghề. Không tôn trọng bất chấp năng lực, sở trường, nguyện vọng của con cái.

Một xã hội còn nhiều gia đình áp đặt, chuyên quyền với con cái kiểu như thế, thật khó có một nền giáo dục dân chủ, nhân văn.

Văn kiện Đại hội Đảng X có đoạn viết “một số cấp ủy, tổ chức Đảng, thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới, cán bộ lãnh đạo một số nơi gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức”. (trang 270).

Phải đặt nền giáo dục của chúng ta trong hoàn cảnh đang có nhiều vấn đề xã hội bức xúc hiện nay, nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra cho được nguyên nhân khiến nền giáo dục của chúng ta trì trệ, lạc hậu, xuống cấp, trước hết cần có thái độ kiên quyết triệt để như cách đây 100 năm cụ Huỳnh và các nhà Duy tân đã nêu gương.

(*) Trần Quý Cáp – chữ của bác sỹ Hồ Tá Khanh trong Thông sử công ty Liên Thành

(1) Phan Tây – Hồ tiên sinh lịch sử. Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập. Chương Thâu Phạm Ngô Minh. NXB Đà Nẵng trang 1419

(2) Sđd tr.1460

(3) Sđd tr.251

(4) Sđd tr.579 – 580

(5) Sđd tr.268 – 269

(6) Sđd tr.582

(7) Sđd tr.1509 – 1570

(8) Lời bạt của GS Vũ Ngọc Khánh, Sđd tr.1785

(9) Sđd tr.269

(10) Sđd tr.383 – 385

(11) Sđd tr.269

 

Tác giả